Những kẻ phản bội nổi tiếng

Thứ Bảy, 16/02/2019, 10:06
Có thể nói, hai cuốn sách mới được lần lượt xuất bản cuối năm 2018 vừa qua của các tác giả người Anh là Mark Urban và Ben Macintyre đã gây được sự chú ý đặc biệt trong cộng đồng tình báo.

Nhờ có mối quan hệ khá đặc biệt và khả năng tiếp cận với các nhân vật chính, cả hai đã có được một bức tranh mô tả khá chi tiết về hai nhân vật là kẻ phản bội nổi tiếng của tình báo Nga đã chạy trốn sang phương Tây là Sergey Skripal và Oleg Gordievski.

Hồ sơ Skripal

Mark Urban là một nhà báo nổi tiếng của chương trình BBC Newsnight, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách từ trước đó, nổi tiếng nhất trong số này là “UK Eyes Alpha”, trong đó có nhiều chỉ trích kịch liệt nhằm vào Cơ quan tình báo MI-6 của Anh dưới thời bà Margaret Thatcher. Urban từng có mặt tại nhiều điểm nóng trên khắp thế giới, kể cả ở Afghanistan và Iraq. Hồi còn trẻ, Urban từng có thời gian ngắn phục vụ trong Trung đoàn xe tăng hoàng gia, nhờ đó có quan hệ thân thiết với một nhân vật, về sau có vai trò giám sát, quản lý Skripal. Tay cựu đại tá Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) này đã tới định cư tại Anh sau vụ trao đổi điệp viên đình đám vào năm 2010.

Sergey Skripal.

Cuốn sách về Skripal có nội dung chủ yếu lấy từ cuộc phỏng vấn trực tiếp trong nhiều giờ của tác giả với cựu đại tá GRU tại nhà riêng của ông ta tại thị trấn Salisbury. Tất cả mọi thông tin về Skripal – tiểu sử của ông ta tại GRU, vụ tuyển mộ, cuộc sống của một điệp viên hai mang và cuối cùng cả việc bị bại lộ - đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ độc giả. Đơn giản là mọi dữ liệu trước đó về Skripal do Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) cung cấp sau khi kẻ phản bội này bị bắt giữ và tống vào tù đều rất nhỏ giọt và mập mờ.

Skripal sau khi tốt nghiệp Trường đào tạo công trình quân sự, đã trải qua nhiều vị trí khác nhau, từ trung đoàn dù số 345 cho đến vị trí một điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao. Nhưng phần lớn thời gian của Skripal là từng phục vụ tại GRU, một cơ quan mật vụ được cho là bí mật nhất của Nga.

Khác với tất cả các cơ quan mật vụ khác, GRU không hề có bộ phận báo chí, không bao giờ tổ chức họp báo hay cho phép phỏng vấn các cựu nhân viên – nói chung tất cả những hoạt động của cơ quan này không bao giờ được phép hé lộ. Cho tới hiện nay, chỉ có vài cuốn sách từng được xuất bản nói về lực lượng đặc nhiệm của GRU, hoặc một số nghiên cứu về lịch sử của tình báo quân sự.

Cuốn sách “The Skripal Files” của Mark Urban.

Nguồn thông tin đáng chú ý nhất về GRU từ trước cho tới giờ vẫn chỉ có cuốn sách “Aquarium” của Viktor Suvorov, một cựu điệp viên của GRU tại Geneve đã chạy trốn sang Anh vào năm 1978. Trong cuốn sách trên, Suvorov đã tiết lộ về khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của một điệp viên hai mang như ông ta chính là khi được tuyển mộ, cũng như về những động cơ khiến cho ông ta quyết định phản bội lại tổ quốc mình. Suvorov khẳng định, sức ép quá lớn của công việc, cũng như từ cấp trên đã khiến cho ông ta quyết định phải đào thoát.

Nhưng với Sergey Skripal thì mọi chuyện có vẻ đơn giản hơn nhiều. Tay đại tá từng hoạt động tại bộ phận tình báo quân sự ở Madrid dưới vỏ bọc Bí thư thứ nhất đại sứ quán đã bị nhân viên Pablo Miller của MI-6 tuyển mộ vào năm 1996. Nhân vật Miller này được Mark Urban đưa vào trong cuốn sách với mật danh Richard Bagnall. Nhân vật người Anh, tự giới thiệu là một thương gia từ Gibralta trong một cuộc gặp với Skripal, đã mang tặng cuốn sách “Aquarium” của Viktor Suvorov, có lẽ nhằm thăm dò phản ứng của đối phương.

Trong cuộc gặp gỡ sau đó, anh ta mang tới một món quà từ London – một mô hình nhỏ của một ngôi biệt thự phong cách Anh. Skripal đã rất thích căn biệt thự trên, và trong cuộc gặp gỡ tiếp theo đã đem tới một sơ đồ chi tiết về tổ chức của GRU, trong đó có cả tên tuổi và chức vụ của giới lãnh đạo trong cơ quan tình báo này.

Theo Urban, MI-6 từ thời Suvorov chưa hề nhận được thông tin có mức độ quan trọng như vậy. Khác với Suvorov, Skripal biết rõ một vài nhà lãnh đạo trong GRU, nhờ việc vẫn đang công tác tại cơ quan này và có khả năng tiếp cận các thông tin mới. Ông ta nhận tiền để đổi lấy thông tin trên, thường là vài ngàn đôla cho mỗi lần gặp mặt. Vào những năm 1990 khi đó, tiền lương trả cho các điệp viên đã khiêm tốn hơn đáng kể so với thời Xôviết. Skripal cũng có lý do “biện hộ về mặt đạo đức”: ông ta từng tuyên bố trung thành với Liên Xô, và khi thể chế này không còn, những cam kết trên trở nên… vô giá trị!

Khi Skripal quay trở lại Moscow, ông ta đảm nhiệm một vị trí trong phòng cán bộ tại trụ sở GRU, nhờ đó có khả năng tiếp cận hồ sơ về các điệp viên của tình báo quân đội tại Tây Âu. Mark Urban trong sách đã tiết lộ khá nhiều chi tiết gây bất ngờ về việc chuyển giao thông tin trong thời gian này. Chẳng hạn như có lần bà vợ Ludmila của Skripal có chuyến đi nghỉ tại Tây Ban Nha. Tay đại tá này đã nhờ vợ chuyển cho liên lạc viên của mình là Pablo Miller một cuốn sách.

Những thông tin về các vụ bổ nhiệm điệp viên mới của GRU tại châu Âu được viết bằng loại mực vô hình đặc biệt giữa các dòng chữ trong trang sách, chỉ có thể nhìn thấy khi hơ nóng hay bôi một loại hóa chất đặc biệt. Khi trở về Moscow, Ludmila mang về một món quà lưu niệm từ Pablo, trong có giấu vài ngàn đôla. Có thể nói, thông tin của Skripal đã giúp mật vụ Anh vô hiệu hóa tất cả các điệp viên GRU tại đất nước này.

Sau khi rời khỏi GRU vào năm 1999, Skripal bắt đầu mất cảnh giác. Ông ta tiếp tục cung cấp thông tin cho người Anh từ các đồng nghiệp cũ, có điều tự mình chuyển ra nước ngoài. Vài năm sau khi bị FSB bắt giữ, Skripal được trao đổi lấy một vài điệp viên mật của Nga bị bắt giữ tại Mỹ.

“Điệp viên và kẻ phản bội”

Ben Macintyre là tác giả của một vài tác phẩm bán chạy nhất về tình báo Anh như “A Spy Among Friends” (Gián điệp giữa những người bạn) viết về Kim Philby và “Agent Zigzag” (Điệp viên Zigzag) và về điệp viên hai mang nổi tiếng nhất của Anh trong Chiến tranh thế giới thứ hai là Eddie Chapman. Nhờ uy tín của mình, Macintyre đã khai thác được rất nhiều những chi tiết về các chiến dịch bí mật trong những năm 1970-1980 từ các quan chức nghỉ hưu của MI-5 và MI-6, trong đó có những nhân vật đã trực tiếp tuyển mộ, xây dựng vỏ bọc và tổ chức chạy trốn cho Gordievski.

Oleg Gordievski.

Trong cuốn sách có nhan đề “Điệp viên và kẻ phản bội” (The Spy and the Traitor), nhân vật điệp viên chính là Oleg Gordievski, một nhân viên thuộc Tổng cục I – KGB chạy sang Anh vào năm 1985. Còn kẻ phản bội được nhắc tới là Aldrich Ames, nhân vật đã khai báo hàng chục điệp viên của CIA cho KGB, trong đó có cả chính Gordievski. Người Mỹ chỉ thực sự biết đến sự thật này nhờ việc hợp tác trao đổi thông tin với tình báo Anh.

Chiến dịch tổ chức đào thoát cho Gordievski, kẻ từng giữ vai trò chỉ huy mạng lưới tình báo của KGB tại London, được đánh giá là một trong những câu chuyện hấp dẫn nhất trong lịch sử tình báo. Nhân vật này được bố trí trong khoang hành lý một chiếc xe của đại sứ quán Anh để có thể vượt qua biên giới với Phần Lan. Cuốn sách thu hút được sự quan tâm vì nhiều lý do khác nhau. Thứ nhất là nó có nội dung và những tình tiết khá hấp dẫn. Như nhà văn nổi tiếng John Le Carre đã gọi cuốn sách này là câu chuyện chân thực tuyệt vời nhất về đề tài tình báo mà ông từng được đọc.

Thứ hai, so với cuốn tự truyện của chính Gordievski từng xuất bản trước đó, Macintyre đã bổ sung khá nhiều chi tiết chưa từng biết đến: về cách MI-5 và MI-6 đã giúp siêu điệp viên của mình khai thác thông tin hiệu quả nhất, cũng như cách tuồn một số thông tin thật cho người Nga để họ không thể nghi ngờ. Bản thân tác giả cuốn sách cũng dành khá nhiều thời gian để gặp gỡ với Gordievski, khai thác được nhiều thông tin hấp dẫn từ nhiều khía cạnh khác nhau.

Chẳng hạn như câu chuyện về Michael John Bettaney, một nhân viên của Cơ quan phản gián Anh muốn trở thành điệp viên của KGB. Ông ta đã bỏ trực tiếp một lá thư có thông tin về biên chế của tình báo Xôviết tại đây vào hộp thư của đại sứ quán. Sau khi được Gordievski thông báo lại cho những ông chủ người Anh, Bettaney đã bị bắt giữ và đưa tới MI-5 để thẩm vấn.

Tại đây, ông ta đã yêu cầu một chai rượu whisky và uống hết sạch. Đích thân giám đốc sau này của MI-5 là Eliza Manningham-Buller đã chịu trách nhiệm thẩm vấn Bettaney nhưng không thành công, khi ông ta không chịu hé răng. Bà Manningham-Buller đã phải dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho Bettaney trong một thời gian, trước khi ông ta bắt đầu dao động và quyết định khai báo.

Ben Macintyre.

Câu chuyện của Bettaney trên thực tế lại có điểm trùng hợp bất ngờ với chính Gordievski sau này. Khi những mối nghi ngờ về Gordievski bắt đầu trở nên rõ nét, đại tá bộ phận phản gián đối ngoại của Tổng cục I – KGB là Viktor Budanov được giao nhiệm vụ thẩm vấn ông ta.

Gordievski đã đề nghị được uống rượu và cũng được đáp ứng. Theo như nội dung của cuốn sách, dù trong rượu đã được pha một chất kích thích nhằm tiết lộ sự thật, Gordievski vẫn không thừa nhận, cho dù có lúc đã thực sự đánh mất kiểm soát bản thân. Bản thân Budanov sau khi rời khỏi cơ quan mật vụ đã mở một công ty an ninh tư nhân, hiện đang đảm trách bảo vệ đại sứ quán Mỹ tại Moscow. Tuy nhiên, ông ta đã không chịu tiết lộ bất cứ thông tin gì về quá trình thẩm vấn Gordievski trước đó.

Nếu nghiên cứu kỹ hai cuốn sách trên, không quá khó khăn để có thể nhận thấy sự khác biệt trong lựa chọn nhân sự của hai cơ quan tình báo Xôviết hàng đầu. Như GRU thường dựa vào những cựu quân nhân có kinh nghiệm chiến đấu như Skripal (là một cựu chiến binh tại Afghanistan). Sergey Skripal cũng như nhiều điệp viên GRU khác, xuất thân từ một gia đình bình thường, coi quân đội là một cơ hội duy nhất để có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Nhưng một cơ quan tình báo đối ngoại như KGB lại thường chọn những người có học vấn cao, và là “con ông cháu cha” như Gordievski (có cha và anh làm việc trong cơ quan tình báo, đồng thời là con rể của một viên tướng trong KGB).

Động cơ phản bội của Gordievski được nhắc đến trong cuốn sách cũng không được rõ ràng. Theo đó, ông ta sẵn sàng hợp tác với tình báo đối phương là do một người bạn đại học trước đây, vốn là một điệp viên của Czech đã chạy sang phương Tây. Nhân vật này sau đó đã gõ cửa căn hộ của Gordievski tại Copenhagen đề nghị giúp đỡ. Một động cơ khác, theo như Gordievski, là ông ta không thể chịu được những thay đổi về quy định của KGB được áp dụng từ sau năm 1968.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.