Những kẻ tình nghi sát hại nhà báo J.Foley

Thứ Sáu, 12/09/2014, 21:45

Các nguồn tin an ninh của Anh vừa tiết lộ, tình báo nước này đang trong quá trình xác định được danh tính thật sự của kẻ đã hành quyết dã man nhà báo người Mỹ James Foley ở Syria, đồng thời cho rằng, những đồn đoán trên các phương tiện truyền thông về tên tuổi của đao phủ này là "chưa có cơ sở".

Đại sứ Anh tại Mỹ - Peter Westmacott - thông báo với Đài NBC của Mỹ: "Hiện chúng tôi vẫn chưa thể nói chính xác được đó là kẻ nào, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã đến được rất gần".

Ông Westmacott cho biết, tình báo Anh đã sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói phức tạp để xác định tên sát thủ. Ông cũng thừa nhận rằng, tên sát nhân này không phải là mối đe dọa duy nhất từ những công dân Anh đang chiến đấu trong lực lượng khủng bố của “Nhà nước Hồi giáo (IS).

Tình báo Anh ước tính, có khoảng 500 công dân nước này đã vượt biên để chiến đấu cho IS, đồng nghĩa với việc những người này có hộ chiếu và các công cụ cần thiết khác để có thể trở về Anh hoặc bay tới Mỹ mà không gặp nhiều trở ngại.

Aine Davis (trái) cũng nằm trong tầm ngắm của các điều tra viên.

Sau khi báo chí quốc tế đưa tin về việc tên sát nhân này nói giọng Anh và có khả năng là một công dân Anh đến từ thủ đô London với biệt hiệu là "John", ngày càng có nhiều người Anh kêu gọi chính phủ xem xét việc tước tư cách công dân và hủy hộ chiếu của những tên khủng bố đã vượt biên tới Syria chiến đấu cho phiến quân IS.

Tình báo Anh đang nhắm tới một số nghi phạm:

Người thứ nhất là Razul Islam, 21 tuổi, từng có thời kỳ đến Syria và được cho là chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo tự xưng, nhóm khủng bố đã sát hại phóng viên Foley - Telegraph vừa công bố thông tin từ các nguồn tình báo Anh.

Razul Islam đang nằm trong danh sách mà các cơ quan an ninh đối chiếu với kẻ hành quyết nhà báo trong đoạn băng video. Tên sát nhân được cho là tên là "John", đứng đầu nhóm thánh chiến Killer Beatles.

Cựu rapper Bary từng đăng tải lên mạng tấm ảnh chụp với một thủ cấp.

Razul là em trai của một bác sĩ cũng có liên quan đến Syria. Đó là Shajul Islam, 28 tuổi, làm việc tại Bệnh viện St Bart thuộc Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS), sống ở đông London. Shajul Islam từng bị bắt vì cáo buộc bắt cóc nhà báo Anh John Cantlie năm 2012 nhưng sau đó được thả vì Cantlie không đưa ra được bằng chứng trước tòa. Shajul Islam luôn nói mình vô tội, sau đó anh ta đến Syria “để chữa trị cho các nạn nhân của cuộc nội chiến”.

Nghi phạm thứ hai đang trong diện tình nghi sát hại Foley là Abdel-Majed Abdel Bary, 23 tuổi, một cựu rapper đến từ Maida Vale, tây London. Người này đến Syria năm ngoái và sau đó đăng tải lên mạng xã hội Twitter một tấm hình anh ta cầm một thủ cấp. Bary có giọng nói, dáng người và màu da giống với kẻ cầm dao trong video.

Các nguồn tin còn cho biết, Bary chính là một trong 6 đứa con của Adel Abdul Bary, một trong những người thân cận nhất của Bin Laden và phụ trách một nhánh khủng bố tại London trong mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

Bác sĩ Shajul Islam được coi là chìa khóa dẫn tới một trong số những kẻ tình nghi sát hại nhà báo Mỹ.

Người thứ ba bị tình nghi là Aine Davis, 30 tuổi, đến từ Hammersmith, tây London, một tay "anh chị" từng buôn ma túy và sau đó chuyển sang đạo Hồi, bay tới Syria để gia nhập đội quân thánh chiến. Gia đình của Davis từ chối bình luận về nghi vấn này.

Nghi phạm Abu Abdullah Al-Britani, tên này được cho là đứng sau nhiều tài khoản trên mạng xã hội để truyền bá tư tưởng Hồi giáo cực đoan, qua đó tuyển thanh thiếu niên cho IS, tham chiến tại Trung Đông. Người này thường đăng các đoạn băng tuyên truyền trên Twitter.

Nghi phạm tiếp theo, Abu Hussain Al-Britani (20 tuổi), một hacker đến từ Birmingham. Năm 2012, y từng bị bắt vì lấy cắp thông tin cá nhân của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Y còn được cho là thủ phạm của một số cuộc tấn công về công nghệ nhắm vào các nước phương Tây.

Theo Richard Barratt, cựu Giám đốc bộ phận chống khủng bố thuộc Cơ quan Tình báo Anh, ông tin rằng, kẻ hành quyết nhà báo Mỹ sẽ bị nhận dạng, từ các nguồn tin trong cộng đồng tình báo và từ chính mạng lưới liên quan đến Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Phóng viên người Pháp Didier Francois, người từng bị giam cùng với James Foley, cho biết, kẻ hành quyết Foley "tên là John". Tên này đứng đầu nhóm phiến quân người Anh lấy tên là Killer Beatles.

Theo tờ Sunday Times, một lực lượng đặc nhiệm SAS của quân đội Hoàng gia Anh đã được gửi đến miền Bắc Iraq. Họ được chia thành các nhóm nhỏ 4 người, đi chung với lực lượng người Kurd đang chiến đấu chống lại IS ở miền Bắc Iraq để tìm cách truy lùng và bắt giữ hung thủ. Nếu bắt được hung thủ, mẫu máu của kẻ tình nghi sẽ được gửi về Anh để đối chiếu với hồ sơ y tế được lưu giữ trong nước

Văn Nguyễn - T.T. (tổng hợp)
.
.