Những mảng sáng tối trong cơ quan tình báo quyền lực nhất nước Nga FSB

Chủ Nhật, 12/02/2017, 21:15
Ban đầu, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) được thành lập nhằm mục đích bảo vệ quyền lực Điện Kremlin; nhưng về sau, tổ chức tình báo này ngày càng tăng cường thực hiện những chiến dịch đặc biệt ở nước ngoài.

FSB ngày nay nắm giữ vai trò trung tâm trong sự phát triển của nước Nga không chỉ vì nó sở hữu những năng lực kỹ thuật tinh vi hơn cả và cũng bởi vì nó không tuân thủ những giới hạn như các cơ quan còn lại trong cộng đồng tình báo nước này. Theo một tài liệu được trang tin trực tuyến Buzzfeed công bố ngày 10-1-2017, FSB cũng thu thập thông tin về Donald Trump nhằm lôi kéo tân tổng thống Mỹ đứng về phía Vladimir Putin.

FSB được coi là sự kế thừa của Cơ quan tình báo KGB nổi tiếng thời Liên Xô cũ. Tiền thân của FSB chính là Tổng cục Phản gián Liên bang (FSK) được thành lập sau khi Liên Xô sụp đổ. Vào ngày 12-4-1995, Tổng thống Boris Yeltsin đã ký đạo luật yêu cầu cải tổ FSK, dẫn đến sự ra đời của FSB.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về châu Âu Victoria Nuland.

Tháng 7-1998, Vladimir Putin được chỉ định lãnh đạo FSB và kể từ đó, FSB trở thành một trong những đồng minh trung thành nhất của ông. Năm 2003, quyền hạn của FSB được mở rộng khi nó sáp nhập thêm Tổng cục Biên phòng và đại bộ phận của Cơ quan Liên bang Thông tin và Truyền thông Chính phủ (Federal Agency of Government Communication and Information - FAPSI) do cơ quan này bị bãi bỏ. FSB trực thuộc Bộ Tư pháp theo sắc lệnh tổng thống ký ngày 9-3-2004. Lãnh đạo toàn diện của cơ quan này là Tổng thống Nga.

Sau khi được trao cho tổng thống lãnh đạo, FSB càng được trao thêm nhiều quyền lực cũng như những "tấm lá chắn". Năm 2003, FSB tiếp thu phần lớn những kỹ thuật gián điệp mạng và nghe lén điện tử của FAPSI (tương đương NSA, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ). Năm 2005, FSB bắt đầu hoạt động tại các quốc gia láng giềng trong khối Xô viết cũ. Năm 2006, Nga đã thông qua một điều luật cho phép sử dụng quân đội "để ngăn chặn các hoạt động khủng bố quốc tế bên ngoài Liên bang Nga", ngay trước khi kẻ đào tẩu Alexander Litvinenko chết ở London.

Khi vị thế của FSB gia tăng, uy tín của các cơ quan tình báo khác bị giảm sút. Năm 2008, Cơ quan tình báo quân đội GRU bị một phen mất mặt vì những sai lầm ngớ ngẩn trong cuộc chiến tranh Georgia, khiến các đơn vị quân đội Nga bị thiệt hại nặng nề. Khi tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ sau cuộc cách mạng Euromaidan năm 2014,  FSB là cơ quan liên hệ thân cận nhất với ông Yanukovych đã quả quyết một cách mạnh mẽ rằng ông ta sẽ tồn tại được.

Thực tế sau này cho thấy chuyện ấy không có nhưng FSB vẫn nhận được sự ủng hộ từ Putin, và Cơ quan tình báo đối ngoại SVR phải chịu mọi trách nhiệm và phải "gánh” thất bại tình báo này. Khi tầm vóc và vai trò của FSB tăng lên, các đối thủ trong lĩnh vực tình báo ở Nga cũng yếu đi. Ông Putin cũng cảm thấy SVR quá bảo thủ và nhút nhát vì tự hạn chế mình trong những hoạt động thu thập thông tin đơn điệu. Cơ quan này không thể hiện được vai trò như kỳ vọng của ông Putin.

Những "điểm trừ" có thể liệt kê như SVR không có được thông tin để chứng minh Mỹ dẫn đầu chiến dịch cô lập nước Nga, hay việc Washington âm mưu lật đổ những chính quyền thân với Moskva (như ở Georgia năm 2003, Ukraine năm 2004 và Kyrgyzstan năm 2005). Do đó, trong mắt của Putin, FSB xứng đáng được trọng vọng để lấp đầy những lỗ hổng mà GRU và SVR tạo ra.

Sĩ quan an ninh Eston Kohver của Estonia.

FSB có được ngân sách dồi dào và được chính phủ Nga ủy thác tiến hành những chiến dịch chính trị ở hải ngoại, nhất là châu Âu và Mỹ. FSB có thể làm những việc mà các cơ quan khác chỉ dám nghĩ chứ không dám làm vì chúng quá mạo hiểm,  bởi lẽ chúng động chạm quá lớn đến chính trị hoặc có khả năng phản tác dụng.

Khi cuộc điện đàm kín đáo giữa nữ trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về châu Âu Victoria Nuland và Đại sứ Mỹ ở Ukraine Geoffrey Pyatt bị rò rỉ trên mạng xã hội trong năm 2014, người ta tin chắc rằng FSB nghe lén và lan truyền trên mạng. Thậm chí FSB còn đánh cắp những thông tin quan trọng mà SVR và GRU thu thập được. FSB cũng được cho là thế lực chỉ đạo vụ bắt cóc xuyên biên giới sĩ quan an ninh Eston Kohver của Estonia năm 2014 cũng như vụ rò rỉ các email từ Đại hội đảng Dân chủ Mỹ (DNC).

Ông Putin ngày càng tin rằng Mỹ đang thực hiện một chiến dịch nhằm cô lập nước Nga và bác bỏ vị thế cường quốc mà ông Putin cảm thấy nước Nga hoàn toàn xứng đáng. Ông Putin coi các cuộc Cách mạng màu là những kịch bản do Mỹ dàn dựng để lật đổ các chính quyền thân Nga (ví dụ ở Georgia năm 2003, ở Ukraine năm 2004, và ở Kyrgyzstan năm 2005), và ông Putin cũng lý giải sự can thiệp của NATO vào Libya năm 2011 như một dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các âm mưu thay đổi chế độ.

Ông Putin càng coi phương Tây là mối đe dọa thì ông càng cần các cơ quan tình báo của mình thu thập thông tin và phục vụ như những công cụ tích cực thực hiện các kế hoạch xoay chuyển địa chính trị của mình. FSB đã tranh giành để lấp đầy khoảng trống do GRU và SVR để lại. Thế là FSB "nhảy vào" cung cấp thông tin chính sách đối ngoại cho ông Putin, tiến vào lĩnh vực truyền thống của SVR và bộ ngoại giao.

Cơ quan này đã vận động hành lang gây quỹ và nhận được sự ủy thác để thực hiện các hoạt động chính trị, đầu tiên là ở châu Âu, sau đó xa hơn vươn sang cả Mỹ. Khi cuộc đối thoại thiếu thận trọng giữa trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland và đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt xuất hiện vào năm 2014, người ta tin rằng FSB đã chặn vụ rò rỉ này. FSB còn có thể chiếm các thông tin của SVR và GRU, vì các tình báo viên của FSB đã tiết lộ rằng thông tin của họ là do các cơ quan tình báo khác thu thập.

Tòa nhà Lubyanka, nơi FSB đặt trụ sở.

Theo luật chống khủng bố mới của Nga (gọi là luật Yarovaya), FSB đang bàn luận về khả năng giải mã và phân tích lưu lượng sử dụng Internet trong thời gian thực của công dân Nga với Bộ Viễn thông và Bộ Công nghệ. Một trong những lựa chọn của FSB là phương thức tấn công MITM (cho phép hacker can thiệp vào kết nối Internet của người dùng mà thu thập thông tin).

Mặc dù nổi tiếng là bộ máy quan liêu, FSB vẫn quan tâm tuyển mộ các chuyên gia máy tính tài giỏi xuất thân từ những trường đại học hay viện công nghệ hàng đầu trong nước. FSB cũng có một cơ sở đặc biệt gọi là Viện Mật mã Bảo vệ Thông tin (IKSI) chịu trách nhiệm phá mã và hiện tập trung vào lĩnh vực an ninh thông tin. Theo trang web của FSB, hơn 200 giáo sư làm việc và giảng dạy tại IKSI.

Hiện nay, FSB vẫn đóng trụ sở tại tòa nhà lịch sử trên quảng trường Lubyanka ngay trung tâm Moskva. Hiện thời không có con số chính xác về quân số của FSB, song chuyên gia an ninh Andrei Soldatov cho rằng, có thể ít nhất 200.000 người làm việc cho cơ quan này.

Tài sản lớn nhất mà FSB sở hữu là khả năng sẵn sàng chớp lấy mọi cơ hội. Về khía cạnh này, FSB chỉ đơn giản là phản ánh lại đúng chất của ông Putin, người có thể làm tốt kể cả trong tình huống éo le, người khó đoán định và sẵn sàng đối đầu khi cần thiết. Nhìn vào các truyền thống lịch sử của Liên Xô là cách hay nhất để lý giải sự táo bạo của các hoạt động tình báo của Nga hiện nay, từ việc phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, tới việc hạ bệ các đối thủ của điện Kremlin ở nước ngoài.

Chưa hết, FSB còn can dự vào thể thao, lĩnh vực mà nước Nga luôn được xếp vào hàng "chiếu trên".

Trước khi diễn ra Thế vận hội Rio (Brazil) 2016, thể thao Nga bị hàng loạt cáo buộc sử dụng doping. Những lời cáo buộc này được tiến sĩ, giáo sư luật Canada Richard McLaren, người đang làm việc tại Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) công bố trong một bản báo cáo với những bằng chứng cho thấy một lượng lớn mẫu nước tiểu của các vận động viên Nga tại Olympic mùa hè và mùa đông từ năm 2011 đến 2015 đã bị thay thế và qua xử lý.

Theo kết luận của Richard McLaren, chính Bộ Thể thao Nga đã tiếp tay cho sự gian lận này: họ chỉ đạo, giám sát và kiểm soát mọi kết quả phân tích ống nước tiểu của các vận động viên để xử lý hoặc tráo đổi. Không chỉ Bộ Thể thao Nga, tiếp tay cho những việc làm đen tối này là các quan chức của chính cơ quan phòng chống doping Nga cùng với các nhân viên FSB.

Do được ngân sách nhà nước ưu ái rót cho những khoản kinh phí đào tạo và nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật mà các cơ quan tình báo "cùng một nhà" chỉ có thể "nằm mơ" nên trong hàng ngũ FSB đương nhiên tồn tại những thành phần từ lãnh đạo cao cấp đến sĩ quan "kiêu binh", ngông nghênh xem trời bằng vung và cuối cùng là lạm quyền.

Tháng 6-2016, 60 sĩ quan FSB ăn mừng lễ tốt nghiệp bằng cách "ngự" trên 30 chiếc Mercedes hạng sang màu đen gầm rú diễu hành khắp đường phố trung tâm thủ đô Moskva. Họ vừa bấm còi inh ỏi, lạng lách đánh võng, vừa nhoài đầu ra khỏi xe chụp hình "tự sướng" khiến các phương tiện cùng giao thông một phen bạt vía.

Các sĩ quan vừa tốt nghiệp lấy đâu ra tiền thuê xe sang? Nên nhớ rằng, các quan chức Nga rất thích kiểu xe Mercedes vốn có giá tên 100.000 USD/chiếc ở Nga. Trong lúc nền kinh tế Nga đang gồng mình chống đỡ những lệnh trừng phạt từ các nước phương tây, hình ảnh nhóm sĩ quan tốt nghiệp ngành tình báo quân sự này "quậy" ngoài đường được xem là hành vi vi phạm đạo đức chuyên môn và nghiệp vụ khiến người dân phẫn nộ.

Cựu Thiếu tướng FSB Aleksander Mikhailov khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình Ren-TV cho biết, ông rất phẫn nộ khi xem đoạn clip. Ông nói rằng, các sĩ quan "mặt búng ra sữa" ấy đã quên mất những gì đã học tập và phải thực hành gồm tinh thần cảnh giác, khiêm tốn, nghiêm chỉnh và phải biết "giấu mình".  Ông gọi nhóm sĩ quan trẻ là "bọn con buôn thích khoe mẽ". Một số cựu sĩ quan lão thành khác nhận xét, hành vi của nhóm sĩ quan trẻ là "phản bội cơ quan, phản bội cả các bậc đàn anh".

Thế nhưng, một sĩ quan tham gia diễu hành xưng tên là Vsevolod nói với đài truyền thanh Govorit Moskva rằng, chính các sĩ quan cấp cao FSB "bật đèn xanh" cho phép họ dùng xe sang và kỷ niệm ngày tốt nghiệp một cách "tưng bừng" nhất. Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitri Peskov khi ấy từ chối bình luận về vụ việc và nói "tùy cơ quan đào tạo và cảnh sát giao thông Moskva xử lý".

Sau đó, giới truyền thông nhà nước Nga đưa tin nhóm sĩ quan "quậy" trên sẽ phải phục vụ ở Siberia hoặc ở vùng Viễn Đông Nga, là những địa bàn "vùng sâu vùng xa" mà ông Putin chủ trương khuyến khích phát triển thành các vùng "thoát nghèo" và giàu có.

Tờ Daily Telegraph bình luận: Sự việc này như thể các sĩ quan FSB phát đi một thông điệp cho người dân Nga rằng: "Chúng tôi mới thực sự là những chủ thành phố này, là thế hệ thanh niên kế thừa “di sản” của nước Nga và chúng tôi chẳng bao giờ bị trừng phạt. Chúng tôi luôn được cho phép làm bất kỳ điều gì ở nước này". 

Báo chí Mỹ nhân dịp này cũng nhắc đến cuộc chiến giữa các băng đảng xã hội đen Nga hồi thập niên 1990, khi hàng ngày đều xảy ra các vụ bắn nhau tranh giành lãnh địa và "xưng hùng" giữa các bang  nhóm ở Moskva và St. Petersburg, thời ấy dân Nga đã quen gắn xe sang Mercedes với bọn mafia, dân "đầu gấu". Trên lý thuyết, các sĩ quan FSB chỉ tuân lệnh cấp trên và luôn dính líu vào những tai tiếng từng bị các kênh truyền hình nhà nước Nga phanh phui.

Nhưng vụ ngồi xe sang diễu hành gây náo loạn phố phường khiến Yuri Krupnov thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Nga phải nhận xét: "Thay vì thể hiện hành động anh hùng như chống khủng bố, những sĩ quan trẻ này hăng tiết khoe khoang sự giàu có và muốn cả xã hội phải chiêm ngưỡng họ. Thật lố bịch!".

Quốc Hùng - Trang Thuần (tổng hợp)
.
.