Những nỗ lực đi tìm lời giải cho cái chết của ông Yasser Arafat

Thứ Sáu, 07/12/2012, 04:25

Không ít các nhà khoa học trên thế giới lo ngại rằng khó có thể có một kết quả như mong đợi cho sự ra đi đầy bí ẩn của ông Arafat, bởi vì mộ ông đã “xanh rêu” 8 năm, một quãng thời gian khá dài đủ để thời tiết, môi trường đất, nước, khí hậu, nhiệt độ, vi sinh vật yếm khí “hòa” di cốt ông vào với lòng đất quê hương Palestine.

Hơn nữa, để khẳng định có chất độc polonium trên hài cốt ông Arafat hay không, các nhà khoa học sẽ phải chờ đợi ít nhất 5 tháng để quan sát kỹ lưỡng chu trình phân rã polonium. Trong tự nhiên polonium có thể tự “tái sinh” sau vòng “luân hồi” khoảng 5 tháng, nhưng đối với polonium nhân tạo thì không. Vì vậy  mà “ai, cái gì đã ám hại cựu chủ tịch Palestine, Yasser Arafat” sẽ vẫn là câu hỏi lớn gây đau đớn xé lòng gia đình ông, nhân dân PalestinE và thách thức dư luận quốc tế.

Sau khi đã xác định được dư lượng polonium có trên vật dụng của Arafat thì bước tiếp theo cho hành trình tìm ra sự thật về "cái gì đã sát hại Arafat" là tiến hành kiểm tra xem liệu ông Arafat có hít phải hoặc ăn phải thức ăn nhiễm polonium hay không. Nhưng việc này chẳng khác gì "mò kim đáy bể", bởi vì một tia hy vọng mong manh  nhất là các mẫu máu, nước tiểu của ông Arafat mà bà Suha Arafat cung cấp cho các nhà khoa học Thụy Sỹ hầu như đã bị hủy hoặc giấu nhẹm một cách đáng ngờ cách đây 4 năm.

"Không có cơ hội thứ hai cho bất cứ ai, không còn cách nào khác để chúng tôi có thể làm lại việc này. Nếu chúng tôi không làm việc này, nó sẽ trôi qua" - ông Darcy Christen, Giám đốc kiêm phát ngôn Viện Vật lý xạ trị, Launsanne, Thụy Sỹ cho biết. Nhưng việc điều tra sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi vì đồng vị phóng xạ polonium  suy giảm rất nhanh chóng trong môi trường tự nhiên, chỉ trong vòng 138 ngày có thể giảm xuống 1/2 trong khi ông Arafat đã qua đời cách đây 8 năm, như vậy, nếu thật sự có polonium trong cơ thể cố lãnh tụ Palestine thì nó cũng trải qua 20 - 21 chu trình phân rã.

Người dân Palestine khóc thương ông Arafat.

Điều đó có nghĩa là "nếu chúng tôi chờ đợi quá lâu, các bức xạ còn lại sẽ rất thấp, sẽ không có giá trị khoa học. Do đó, chúng tôi phải đặt ra thời hạn cuối cùng vào cuối tháng 11, nói theo khoa học thì ngày đó mới tiến hành khai quật tử thi để xét nghiệm sẽ không còn ý nghĩa gì nhiều" - Christen giải thích.

Ông Arafat đột ngột qua đời một cách bí ẩn tại Quân y viện Percy, Paris, Cộng hòa Pháp vào ngày 11/11/2004, hưởng thọ 75 tuổi, sau một tháng ốm nặng, các bác sĩ Pháp chỉ cho biết ông ra đi vì một cơn đột quị do rối loạn tuần hoàn máu. Nhưng họ chưa bao giờ có thể xác định chính xác nguyên nhân chính gây đột quị, mặc dù các máy xét nghiệm chạy liên tục trong thời gian 17 ngày khi ông Arafat  nằm điều trị tại đó. Ngay sau khi lãnh tụ vĩ đại của mình ra đi đột ngột, bí ẩn, có hơn 80%  người dân Palestine tin rằng ông Arafat bị đầu độc và họ cho rằng tình báo Israel đã thực hiện âm mưu đen tối đó.

"Chúng tôi đã phải tiến hành kiểm tra đi, kiểm tra lại tới 3 lần. Sau đó chúng tôi phải đợi 138 ngày để chắc chắn những gì chúng tôi tìm thấy là có ý nghĩa" - Christen nói, tuy nhiên ông nhấn mạnh - "chúng tôi không thể nói rằng đó là một vụ đầu độc. Không ai có thể nói điều đó trong giai đoạn này. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng, rất ngạc nhiên, chúng tôi đã tìm thấy nồng độ cao polonium".

Năm 2004, các bác sĩ Pháp cũng đã tiến hành kiểm tra các phóng xạ trên cơ thể ông Arafat. Nhưng các xét nghiệm của họ chỉ tập trung vào tìm tia gamma, không tiến hành tìm tia alpha, bức xạ, do đó vô tình họ đã bỏ lỡ việc chẩn đoán đồng vị polonium. Tuy nhiên, các nhà khoa học Thụy Sỹ không đổ lỗi cho các đồng nghiệp tại Pháp. Ông Christen  cho biết: "Lúc bấy giờ không có lý do để làm việc đó, thật sự, đó không phải là lỗi của họ. Chỉ sau khi điệp viên người Nga Litvinenko bị ám sát thì người ta mới biết đến chất độc đó. Vào thời điểm ngài Arafat qua đời năm 2004, tôi nghĩ rằng không ai thực sự thấy rõ điều đó".

Các nhà khoa học Thụy Sỹ mong muốn phối hợp với các đồng nghiệp quốc tế trên tinh thần "đồng thuận và bình đẳng" nghĩa là để khách quan và minh bạch trong kết quả điều tra, họ không thể "đơn phương độc mã" bay tới Ramallah để tiến hành các bước khai quật và xét nghiệm polonium trên hài cốt ông Arafat, ông Christen từng phát biểu với các đồng nghiệp chuyên gia Pháp và Nga: "Chúng ta sẽ thấy thuận lợi hơn, bởi cùng quan điểm khoa học, việc thử nghiệm sẽ khách quan hơn và cho kết quả tốt hơn".

Sau một cuộc  thăm dò vào đầu tháng 10 vừa qua để đánh giá tính khả thi của nhiệm vụ, Viện Vật lý xạ trị Lauranne đã cử một đội 6 bác sĩ xạ trị và chuyên gia pháp y tới Palestine để tiến hành xét nghiệm hài cốt ông Arafat nhằm mục đích tìm ra polonium và nếu trong trường hợp điều kiện môi trường cũng như thiết bị tại chỗ không cho phép, nhóm chuyên gia quốc tế sẽ lưu giữ, bảo quản cẩn thận các mẫu xương của ông Arafat về lại Thụy Sỹ để xét nghiệm cẩn thận.

Tuy nhiên, dù chỉ còn một tia hy vọng manh, nhưng  nhóm các nhà khoa học quốc tế vẫn  quyết tâm thắp sáng nó để lôi kẻ thủ ác đã dùng "ám khí" ám hại ông Arafat ra trước ánh sáng khoa học và công lý

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.