Những nữ điệp viên nổi tiếng trong chiến tranh thế giới II

Chủ Nhật, 06/02/2005, 07:51

Mùa xuân năm 1945, quân đội đồng minh đánh bại phát xít Đức, diệt trừ phát xít Italia và Nhật Bản, đưa thế giới thoát khỏi cuộc chiến tranh đẫm máu trên phạm vi toàn cầu lần thứ II. Để có được những thắng lợi vẻ vang ấy, không chỉ các chiến sĩ ngoài mặt trận mà còn có hàng trăm nghìn người khác làm công việc tình báo một cách âm thầm. Trong số những điệp viên ưu tú ấy, có sự góp mặt của những nữ điệp viên siêu hạng.

Violette Reine Elizabeth Bushell

Violette Reine Elizabeth Bushell sinh ngày 26/6/1921 tại Paris (Pháp) trong một gia đình mẹ là người Pháp còn bố mang quốc tịch Anh. Sau này, cả gia đình cô chuyển về sống ở London (Anh) và Violette Reine Elizabeth Bushell  được theo học tại trường Trung học cơ sở Brixton. Năm 14 tuổi, Violette Reine Elizabeth Bushell bỏ học và được nhận làm thợ học việc trong một cửa hàng làm đầu. Tiếp đó, cô tìm được việc bán hàng ở cửa hàng Woolworths, Oxford.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, Violette Reine Elizabeth Bushell gặp và kết hôn với Đại uý Etienne Szabo thuộc Đội lính lê dương Pháp. Cái ngày cô sinh con gái Tania Szabo cũng chính là lúc Violette Reine Elizabeth Bushell nhận được tin chồng chết trận ở Bắc Phi. Với mong muốn trả thù bọn Đức quốc xã, Violette Reine Elizabeth Bushell nộp đơn xin tuyển và được đào tạo trong Uỷ ban đặc biệt của Anh.

Thời gian phục vụ trong quân ngũ, ít nhất hai lần cô có trở lại nước Pháp và trong lần thứ 2 thì bị lính Đức bắt. Dù bị tra tấn dã man song Violette Reine Elizabeth Bushell vẫn một lòng trung thành không khai báo. Không khai thác được gì từ cô, bọn Đức chuyển Violette Reine Elizabeth Bushell tới trại Ravensbruck. Mùa xuân năm 1945, khi quân đội minh đánh bại phát xít Đức, Violette Reine Elizabeth Bushell mới được giải thoát. Câu chuyện về cuộc đời cô đã được viết sách và dựng thành phim với tựa đề Carve her name with pride . Hiện ở Anh vẫn có một bảo tàng mang tên Violette Szabo.

Noor Inayat Khan

Noor Inayat Khan xuất thân trong một gia đình quyền quý, là cháu 4 đời của Vua Tipu, nhà lãnh đạo Hồi giáo từ thế kỷ 18, đã chết trong cuộc chiến giành độc lập chống thực dân Anh. Cô được sinh ở Moskva (Nga) nhưng lại trải qua tuổi thơ ở Anh và sau đó lập nghiệp tại Pháp. Không chỉ giỏi đánh đàn, thạo về y dược, Noor còn có năng khiếu văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Cô đã xuất bản tập truyện dành cho thiếu nhi mang tên Figaro và tập truyện cổ tích của ấn Độ Twenty Jataka Tales năm 1939.

Gia nhập lực lượng Nữ không quân đồng minh (WAAF), Noor được đào tạo thành chuyên gia vô tuyện điện. Vì nói thông thạo tiếng Pháp nên cô thu hút được sự chú ý của Uỷ ban đặc biệt (SOE) và sau một buổi phỏng vấn, người ta đã chấp nhận cho Noor trở thành thành viên của cơ quan tình báo Anh. Với bí danh "Madeleine", Noor bay tới Le Mans, Paris, tham gia mạng lưới Prosper do Francis Suttill đứng đầu. Không may, một nửa thành viên của mạng lưới này đã bị bọn Đức phát hiện, bắt giữ. Sợ Noor bị liên đới, cấp trên bí mật tổ chức đưa cô trở lại nước Anh. Noor vẫn tiếp tục làm việc ở SOE tại London và mang tham vọng xây dựng lại mạng lưới Prosper. Chính vì thế mà Noor đã bị bắt giữ và bị thẩm vấn dã man. Cô bị ngồi tù ở Karlsruhe (Đức) và bị sát hại ngày 12/9/1944.

Vera Atkins

Nhiệm vụ của Vera Atkins trong Uỷ ban đặc biệt (SOE) là phỏng vấn các tân binh và tập hợp họ để đào tạo, lên kế hoạch nhận nhiệm vụ sang Pháp. Ngoài ra, cô còn có trách nhiệm tạo ra lý lịch sạch sẽ cho những nhân viên điệp báo để họ có thể thâm nhập vào hàng ngũ của Đức quốc xã. Ước tính, có ít nhất 470 nhân viên tình báo đã được Vera Atkins đào tạo để đưa sang Pháp hoạt động trong đó có 39 người là phụ nữ. Khi chiến tranh kết thúc, Atkins lại được giao nhiệm vụ thẩm vấn sĩ quan Đức và cô là người duy nhất khám phá sự biến mất một cách bí ẩn của 118 nhân viên tình báo Anh.

Theo một số tài liệu ghi lại thì Vera Atkins là người Bucharest, Romania. Cô tới Anh năm 1933 để rồi sau đó 2 năm lại sang Pháp học tiếng tại trường Đại học Sorbonne. Tháng 2/1941, Vera Atkins gia nhập SOE và trở thành trợ lý của Maurice Buckmaster, người phụ trách khu vực nước Pháp. Đến tuổi nghỉ hưu, cô sinh sống tại Winchelsea, Sussex (Anh) và tâm niệm một điều là sẽ chẳng bao giờ viết tự truyện hay trả lời phỏng vấn về công việc của mình tại SOE. Vera Atkins mất ngày 24/6/2000.

Christine Granville

Christine Granville là con gái của Bá tước Jerzy Skarbek ở Ba Lan. Tháng 11/1938, cô kết hôn với Jerzy Gizycki ở Warsaw và sau đó chuyển tới sinh sống tại Anh. Nắm bắt thông tin Ba Lan bị quân Đức xâm chiếm ngày 1/9/1939, Christine mong muốn tham gia lực lượng quân giải phóng Ba Lan. Cô bỏ nhà tới Hungary và tìm cách liên lạc với người bạn tên Andrezei Kowerski ở Ba Lan. Ngay lập tức, hai vợ chồng Christine được nhận vào mạng lưới gián điệp Musketeers. Bị bắt 2 lần ở biên giới Ba Lan - SlovakiaHungary nhưng lần nào Christine cũng chạy thoát và cung cấp thông tin cho quân đội Anh.

Chiến tranh kết thúc, Christine làm rất nhiều nghề khác nhau từ điện thoại viên đến nhân viên bán hàng ở Harrods, nữ phục vụ tại Rauhine và Lầu đài Winchester. Cuộc đời của Christine rẽ sang một trang sử mới khi cô gặp George Muldowney, một nam phục vụ phòng. Muldowney đã mê Christine như điếu đổ ngay từ giây phút đầu tiên song anh ta luôn bị cô cự tuyệt. Quẫn trí, ngày 15/6/1952, Muldowney đã đâm một nhát dao trúng tim Christine. Ngày 30/9/1952, Muldowney lãnh án giết người và phải ngồi tù.

Virginia Hall

Được theo học tại trường Đại học Radcliffe, Virginia Hall là một chuyên gia ngôn ngữ học, có thể nói thông thạo 3 thứ tiếng Pháp, Italia và Đức. Năm 1931, cô được cử sang làm tại Đại sứ quán Mỹ ở Ba Lan. Vài năm sau, Hall lại chuyển công tác tới Estonia, áo và Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ tai nạn thảm khốc ở nước bạn đã khiến cô mất đi một cánh chân và buộc phải trở về Mỹ.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ II nổ ra, Hall đang sống ở Pháp và cô gia nhập Đơn vị phục vụ cấp cứu Pháp. Năm 1940, cô tới Anh và trở thành nhân viên mới trong SOE. Dưới bí danh "Marie", Hall quay trở lại Pháp trong vai trò phóng viên tờ Bưu điện New York và lực lượng kháng chiến thành lập mạng lưới điệp báo ở Vichy. Đầu năm 1942, Hall lại tới Lyons và lần này cô bị bọn Đức nghi ngờ, buộc phải rời nước Pháp.

Khâm phục tấm lòng quả cảm của người con gái trẻ, Tổng thống Mỹ Harry S.Truman đã gắn huân chương danh dự cho Hall. Năm 1951, Hall gia nhập CIA và trở thành nhà phân tích tình báo trong các vấn đề liên quan đến Pháp. Cô nghỉ hưu năm 1966 và mất tại bệnh viên Shady Grove Adventist ở Washington năm 1982.

Madeleine Damerment

Madeleine Damerment là con gái của một nhân viên bưu điện ở Pháp. Khi quân Đức đánh chiếm nước Pháp, cả gia đình cô theo lực lượng kháng chiến.  Madeleine là thành viên của mạng lưới do Albert Guerisse đứng đầu, chuyên giúp đỡ các phi công Anh bị bắn rơi trên bầu trời Pháp trốn thoát trở về Anh. Năm 1942, cô bị chính quyền Tây Ban Nha bắt giữ, bị nhốt trong trại ở Miranda de Ilbro, gần Bilbao rồi được thả tự do. Ngày 29/9/1944, với tư cách là thành viên SOE, cô nhảy dù xuống Pháp nhưng không may lại bị bọn Đức bắt.

Lilian Rolfe

Gia đình Lilian Rolfe là người gốc Pháp sinh sống ở Brazil. Bản thân Lilian cũng làm trong Đại sứ quán Anh ở Rio de Janeiro. Sử dụng quyền ngoại giao của mình, cô đã theo dõi những hoạt động của các thuyền của Đức trên cảng và dần dần tham gia vào mạng lưới gián điệp cho quân đồng minh.

Năm 1943, Lilian tới Anh, gia nhập Lực lượng nữ không quân đồng minh (WAAF) trong vai trò nhân viên liên lạc vô tuyến điện. Khả năng nói tiếng Pháp thành thạo của cô đã khiến cấp trên chuyển Lilian sang làm việc ở SOE. Ngày 5/4/1944, mang bí danh "Nadine", Lilian tới Pháp và chỉ trong 3 tháng, cô đã gửi cho SOE 67 thông tin tình báo quan trọng. Ngày 31/7/1944, Lilian bị bắt tại nhà riêng ở Nangis và bị đưa tới nhà tù Fresnes.

Diana Rowden

Tình cờ lọt vào sự chú ý của ban lãnh đạo SOE khi đoàn tụ với mẹ nơi xứ sở sương mù sau nhiều tháng lưu lạc, Diana Rowden đã trở thành một trong những nữ điệp viên ưu tú của Anh thời thế chiến lần II. Bí danh "Paulette" đã giúp Diana qua mặt được bọn Đức khi tới Le Mans và St Amour cùng nhiều vùng khác trên đất Pháp. Cô liên tục gửi thông tin tình báo cho các đồng nghiệp ở Marseilles, Lyon, Paris và thậm chí còn giúp lên kế hoạch tổ chức một đường dây tình báo trong nhà máy sản xuất xe Peugeot...

Diana sinh ở Anh nhưng lớn lên ở miền Nam nước Pháp và rồi lại lập nghiệp ở Anh. Trước chiến tranh, cô có quay lại Pháp làm phóng viên ở Paris rồi gia nhập Hội chữ thập đỏ quốc tế

Huyền Chi
.
.