Những tài liệu mật về cái chết của Marilyn Monroe

Thứ Ba, 30/01/2007, 14:00
Tháng 7/1962, lần đầu tiên xảy ra vụ thử bom H trên lãnh thổ Mỹ. Tổng chưởng lý Robert Kennedy là một trong những người quan sát và kiểm chứng các vụ thử. Tất cả những điều Monroe, người có quan hệ mật thiết với Robert, nói ra về vấn đề này sẽ là mối quan tâm của phía những người Cộng sản.

Ngày 26/7/1962, một nhân viên của Bộ phận tình báo nội địa trực thuộc FBI đệ trình một bức thư ngắn  tại Tổng hành dinh ở Washington dựa trên báo cáo từ các nhân viên mật vụ ở Mexico chuyển về: “Những người cung cấp tin tức khuyến cáo về việc Marilyn Monroe đã ăn trưa cùng Tổng thống Kennedy tại nhà của Peter Lawford. Các quan điểm chính trị của Monroe nghiêng về cánh tả một cách tích cực và chính xác”.

Phía dưới tài liệu và các hồ sơ kỳ lạ này được ghi dòng chữ: “Marilyn Monroe - Vấn đề an ninh - C” (“C” là chữ viết tắt của “communist” - có nghĩa là người cộng sản). Tất cả các hồ sơ mật mang mã số 105 này được cất giữ suốt 44 năm qua, được viết 10 ngày trước cái chết của Monroe  và chỉ mới được công bố chính thức vào năm 2006. Đằng sau chúng là một câu chuyện gây xôn xao được bắt đầu từ trước đó 5 tháng.

Tháng 2/1962, tại một khách sạn sang trọng ở Mexico City, Marilyn Monroe - ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ - đang ngồi nhấm nháp rượu champagne với Frederick Vanderbilt Field, người cháu trai ba đời của nhà tỉ phú xe lửa Cornelius Vanderbilt. Cô đã bay về miền Nam để mua các bức tranh và vật dụng cho căn nhà kiểu Mexico của mình ở California. Còn Field thì đã từng sống nhiều năm ở Mexico và sẵn sàng đưa cô đi đây đó. Liệu đây có phải là một cuộc gặp gỡ bình thường giữa một người nổi tiếng và một người siêu giàu có?

Không phải là như vậy, ít ra là dưới con mắt của các nhân viên tình báo FBI. Từ trước đó, cô  đã có mối quan hệ tình cảm dây dưa với Tổng thống John F. Kennedy. Và cách đấy ba tuần, tại một bữa tiệc ở Los Angeles, cô cũng có cuộc diện kiến đầu tiên với Tổng chưởng lý Robert Kennedy. Đó là một quang cảnh chứa đựng tiềm tàng nguy cơ, vì người đẹp đang có liên hệ với hai nhà lãnh đạo lớn của nước Mỹ đang trong tình trạng say mèm vì uống rượu quá nhiều, lại đang lạm dụng thuốc an thần và hầu như ngày nào cũng phải gặp chuyên gia tâm lý.

Trong khi đó, anh bạn Field của cô cũng không phải là nhà tài phiệt tầm thường, mà  là người ủng hộ nhiệt thành cho chủ nghĩa cộng sản, đang bị các nhân viên mật vụ CIA đeo bám chặt chẽ. Mối liên hệ giữa Monroe với Field, cộng thêm sự dan díu với hai anh em nhà Kennedy khiến cô trở thành một mối đe dọa cho nền an ninh nước Mỹ!

Một bản báo cáo cho biết trước khi chết không lâu, Monroe đã bàn về việc tự tử với người bạn gái là diễn viên điện ảnh Jeanne Carmen: Nếu có phải chết, thì cô sẽ mặc bộ áo ngủ màu trắng, chải tóc, trang điểm cẩn thận, uống một liều thuốc ngủ lớn và lên giường nằm trong tấm chăn đệm trắng tinh. Một người bạn sẽ được thông báo về việc này và có nhiệm vụ chỉnh dáng cô nằm ngay ngắn, dọn dẹp phòng ngủ gọn gàng.

Thế nhưng, một quang cảnh bừa bộn đã đón chào cảnh sát khi họ được gọi đến nhà Monroe tại Los Angeles vào sáng sớm ngày 5/8/1962. Ngôi sao đã chết từ trước đó một thời gian. Cô không mặc quần áo, co quắp người trong tư thế của trẻ sơ sinh, không trang điểm, tóc rối bù, phòng ốc lộn xộn. Những chai thuốc an thần  để trên bàn và báo cáo pháp y sẵn sàng ghi nguyên nhân cái chết của cô là “ngộ độc barbiturate do uống quá liều”.

Bác sĩ giải phẫu Thomas Noguchi đánh vòng chữ “tự tử” và ghi thêm “có thể”. Sau đó 12 ngày, viên chức chuyên trách điều tra Theodore Curphey họp báo và phán quyết: Monroe “tự uống thuốc” và “uống ực hết một lúc”. Trong khi đó, bác sĩ Hyman Engelberg của Monroe khai ông chỉ kê toa có một trong các loại thuốc đã gây nên cái chết của cô. Vậy thì những lọ thuốc kia ở đâu ra?

Có sự mâu thuẫn lớn giữa hồ sơ của cảnh sát và các nhân viên điều tra. Tài liệu của viên chức điều tra cho biết hiện trường được giữ nguyên, chiếc bàn kê cạnh giường vẫn vương vãi các viên thuốc. Còn Inez Melson, quản lý kinh doanh của Monroe, người đầu tiên được phép bước vào phòng, công nhận cô đã vất bỏ những viên thuốc này đi, nhưng các hồ sơ khác lại ghi chép là có 8 lọ thuốc được phân tích trong phòng thí nghiệm của viên chức điều tra.

Điều gây băn khoăn nhất là số phận của những mẫu xét nghiệm lấy từ thi thể của Monroe trong quá trình giải phẫu. Khi bác sĩ Noguchi yêu cầu bác sĩ Raymond Abernethy - Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu độc tố - thử nghiệm các mẫu mô do ông lấy được, thì bị thông báo rằng chúng đã bị tiêu hủy, với lý do là  chẳng biết khi nào sẽ cần lại chúng.

Được giả định là người có mặt duy nhất ở nhà Monroe khi cô chết là nữ quản gia Eunice Murray. Murray nói cô bất ngờ thức dậy lúc nửa đêm, trông thấy sợi dây điện thoại thò ra ở phía dưới cửa phòng của Monroe. Bình thường, ngôi sao thường đưa điện thoại ra khỏi phòng, chồng một đống gối lên trên. Thấy lạ nên Murray đã gọi cho bác sĩ tâm lý của Monroe là Ralph Greenson. Greenson khai là đã đập vỡ cửa sổ để vào phòng của Monroe, thấy cô nằm bất động nên đã gọi bác sĩ riêng của cô là Engelberg. Engelberg chạy đến nơi, dùng ống nghe thì đã thấy tim ngừng đập nên liền gọi cho cảnh sát.

Báo cáo của viên chức điều tra không đề cập đến sự đáng tin của các nhân chứng chính, không hề nói đến việc phá bỏ hiện trường và nhất là đã vội vàng công nhận những kết luận ban đầu. Nhiều người tin rằng, các liều thuốc này được một người khác kê ra và rất có thể là bằng con đường kim tiêm.

Jack Clemmons, viên cảnh sát đầu tiên bước vào nhà  sau khi được tin Monroe mất, đã cảm thấy hiện trường cái chết có điều gì đó không thuyết phục và ông cảm thấy nghi ngờ về mức độ chân thực của quản gia Murray. Đồng quan điểm với ông là thám tử  chuyên nghiên cứu về các án mạng Robert Byron.

Cô Murray và các bác sĩ tuyên bố Monroe chết vào khoảng 3h sáng. Trong khi đó, phát ngôn viên báo chí của Monroe là Arthur Jacobs cùng vợ là Natalie đang xem nhạc kịch tại Nhà hát Hollywood Bowl thì được tin Monroe qua đời. Buổi nhạc kịch kết thúc lúc 11h đêm, như vậy là một số nhân vật nội gián đã biết được Monroe chết 5-6 tiếng đồng hồ trước khi cảnh sát đến. Nhiệm vụ của ông là phải ráng hết sức dập tắt và tránh né báo chí.

Do biết khá nhiều về Marilyn và anh em nhà Kennedy, Arthur đã căn dặn các nhân viên của mình phải hết sức giữ mồm, giữ miệng, khai báo các thông tin càng ít càng tốt. Riêng Murray cứ giữ khăng khăng các lời khai  của mình. Mãi cho đến lần phỏng vấn gần đây nhất vào năm 1985 với Đài BBC, khi nhóm quay phim thu dọn đồ nghề chuẩn bị ra về thì bà Murray, 83 tuổi đã giơ hai tay ôm lấy đầu và khóc nấc lên: “Tại sao cho đến tuổi này rồi mà tôi vẫn còn phải che giấu điều đó? Tình hình khó khăn đến nỗi những người bảo vệ ông Robert phải bước vào để bảo vệ ông ấy”.

Vào thời điểm Monroe qua đời, phóng viên ảnh William Woodfield của tờ New York Herald Tribune đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với bác sĩ tâm lý Greenson của Monroe qua điện thoại. Greenson đã phải vật vã khi trả lời các câu hỏi. Cuối cùng, ông đã òa lên: “Tôi không thể giải thích hay biện minh điều gì cả. Tôi không thể tiết lộ điều tôi không muốn. Hãy hỏi Robert Kennedy!”.--PageBreak--

Trước khi đến Mexico vào năm 1962, Monroe đã gặp gỡ Robert Kennedy tại nhà của diễn viên điện ảnh Peter Lawford - chồng của cô em gái tên Pat của hai anh em nhà Kennedy. Biết rằng Robert sẽ đến, nên Monroe đã chuẩn bị sẵn một danh sách các điểm trò chuyện về chính trị. Hai người hàn huyên hết sức tâm đắc. Robert đâm ra mê say Monroe, còn Monroe thì bắt đầu mơ mộng về “người đàn ông mới trong cuộc đời” của mình. Sau những lần trò chuyện qua điện thoại, Robert bắt đầu đến thăm nhà MonroeLos Angeles, bang California.

Vào ngày Monroe qua đời, báo cáo của viên chức điều tra cho biết không có bằng chứng Robert ở Los Angeles, báo chí thì đặt ông ở San Francisco vào ngày cuối tuần. Thật ra, suốt từ chiều thứ sáu cho đến chủ nhật, Robert ở tại  trang trại của một người ủng hộ chính trị cách San Francisco gần 100 km về phía nam. Từ đây, ông đã đáp máy bay đến Los Angeles.

Daryl Gates, phụ tá Cảnh sát trưởng Los Angeles vào thời điểm năm 1962, đã xác nhận là Robert đang có mặt ở đây. Người hàng xóm Ward Wood của Peter đã thấy Robert đánh xe đến nhà Monroe vào lúc chập choạng tối hôm đó. Nhiều người, kể cả cô quản gia Murray, cũng công nhận là Robert có đến nhà Monroe vào ngày ấy.

Vài giờ trước khi chết, Monroe đã thực hiện nhiều cú điện thoại. Hai trong số đó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. José Bolanos, một nhà viết kịch bản trẻ mà Monroe gặp gỡ tại Mexico, đã điện thoại cho cô vào lúc 9h tối và được thông báo về “một điều sẽ gây sốc cho cả thế giới”. Lúc 9h30, Monroe gọi cho Sydney Guillaroff, chuyên gia làm tóc lão thành nhất và là người bạn tâm tình của nhiều ngôi sao Hollywood. Cũng giống như Bolanos, Sydney từ chối cho biết nội dung của cuộc điện thoại.

Tuy nhiên, trước khi chết vào năm 1997, Sydney đã tiết lộ điều đó trong cuốn hồi ký ít người biết đến. Qua điện thoại, giọng của Monroe như phát điên lên: "Robert Kennedy đang ở đây, đe dọa tôi, la hét tôi. Tôi đang có quan hệ với anh ấy. Tôi cũng có quan hệ với JFK”. Cô cho biết Robert đã đến Los Angeles vào chiều  hôm đó, không những để cắt đứt quan hệ với cô, mà còn cảnh cáo về việc cô gọi điện đến Nhà Trắng.

Monroe khóc nức nở trong điện thoại: “Tôi sợ quá. Tôi đã biết nhiều bí mật  đang diễn ra trong Nhà Trắng. Những điều nguy hiểm”. Việc hai anh em nhà Kennedy phải chấm dứt liên hệ với Monroe là điều không gây ngạc nhiên gì. Cả hai đều là những người đã có gia đình và ở vào thời đại mà ngoại tình là điều hiểm họa hơn ngày nay. Sự điên rồ của họ bị nhân đôi bởi việc họ đã nói quá nhiều khi ở bên Monroe.

Cô đã giữ một cuốn nhật ký có ghi vắn tắt nội dung các cuộc trò chuyện với Robert về chiến dịch chống mafia, nỗ lực của ông để đưa lãnh đạo liên đoàn Jimmy Hoffa vào tù, cuộc đối đầu với Fidel Castro của Cuba. Từ  nhà của Monroe, Robert đã thực hiện nhiều cuộc gọi giao dịch và Monroe biết nhiều điều về kế hoạch của Robert dành cho Fidel Castro.

Một buổi tối nọ, Robert phát hiện ra cuốn nhật ký của Monroe và tỏ ra rất bức xúc. Ông nói Monroe không nên viết những điều họ nói ra giấy và hãy bỏ cuốn nhật ký đi. Nếu cuốn nhật ký là một mối nguy cơ thì chiếc miệng lỏng lẻo của cô còn nguy hiểm hơn nhiều. Sau 10 ngày ở Mexico mua bán, tiệc tùng và uống rượu say mèm, cô trở về Los Angeles. Một chuyến nghỉ mát có vẻ vô hại.

Thế nhưng, vào ngày 6/3, một nhân viên FBI ở Mexico đã gửi cho Giám đốc FBI là J.Edgar Hoover một bản báo cáo dài 4 trang, cho biết Monroe đã có mối liên hệ chặt chẽ với một số thành viên của Nhóm Cộng sản Mỹ ở Mexico, các thành viên hiện tại và quá khứ của Đảng Cộng sản Mỹ, cùng  với bạn bè của họ - những người muốn chia sẻ tình cảm cho Chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Xô.

Trong chuyến viếng thăm này, giữa Monroe và Frederick Vanderbilt Field đã nảy sinh tình cảm say mê. Field - đã có gia đình - không hề công nhận là có đùa cợt ái tình với Monroe, nhưng công nhận rằng cô cực kỳ quyến rũ, gợi cảm, là phần thưởng xứng đáng cho những đêm mặn nồng. Field đã thấm nhuần lý tưởng Cộng sản từ lâu và là một đồng chí trung thành.

Hơn nữa, điều kiện sống cũng khiến cho Monroe nghiêng về cánh tả. Bác sĩ tâm lý Greenson và Engelberg có tham gia Đảng Cộng sản. Người em rể Churchill Murray của cô quản gia Murray - người đã giới thiệu Monroe với các nhà ngoại giao ở Mexico - là thành viên của nhóm Cộng sản bị lưu đày ở đây.

Dù trước mắt công chúng Monroe là cô nàng tóc vàng lẳng lơ, nhưng Monroe đích thực là người có khuynh hướng Cộng sản. Cô quan tâm nhiệt thành về quyền bình đẳng, về quyền của người da đen, của người nghèo. Cô đồng cảm mạnh mẽ với giai cấp công nhân.

Lúc còn ở Mexico, cô đã kể huyên thuyên với Field và José Balanos là cô và Robert đã bàn về chính sách của Mỹ dành cho Cuba. Vào đầu năm 1962, Cuba là vấn đề nổi cộm nhất, vì cuộc khủng hoảng vũ khí tên lửa vừa mới xảy ra vài tháng. Robert đang điều khiển các âm mưu ngầm lật đổ Chủ tịch Fidel Castro và tất cả những điều ông nói đều là mối quan tâm của người Cuba cũng như Liên Xô. Và một số người Cộng sản Mỹ ở Mexico có liên hệ với các quan chức thuộc khối Liên Xô.

Hai tuần sau khi báo cáo bay về Tổng hành dinh FBI, vào ngày 22/3, Hoover đến Nhà Trắng để nói chuyện với Tổng thống, mục đích là cảnh báo về việc ve vãn phụ nữ. Tổng thống không dễ nhụt chí như vậy. Hai ngày sau, ông vẫn tiếp tục ân ái với Monroe vào ngày cuối tuần ở gần Palm Springs. Vài tuần sau, cô vẫn tiếp tục liên hệ với hai anh em Kennedy và cả Field qua điện thoại.

Vào ngày 13/7, một bản báo cáo khác như bom nổ đến từ Mexico: Monroe đã ăn trưa với Tổng thống cách đó vài ngày tại nhà của Peter Lawford. Cô đã chất vấn Tổng thống những câu hỏi có ý nghĩa về mặt xã hội đạo đức về vấn đề thử bom hạt nhân. Tháng 7 lúc đó là lần đầu tiên xảy ra vụ thử bom H trên lãnh thổ Mỹ, theo đó là nhiều vụ thử khác. Robert là một trong những người quan sát và kiểm chứng các vụ thử. Tất cả những điều Monroe nói ra về vấn đề này sẽ là mối quan tâm của phía những người Cộng sản.

Khi chết, Monroe đã nắm chặt chiếc điện thoại trong tay phải, một mảnh giấy nhàu nát ghi số điện thoại của Nhà Trắng nằm trong túi áo ngủ của cô. Rõ ràng là cô đã gọi Tổng thống trước khi ra đi.

Lúc ấy, Tổng thống đang nghỉ mát ở Cape Cod, dù tổng đài Nhà Trắng có thể nối máy với ông ở bất cứ  nơi đâu. Sáng hôm sau, vào lúc 9h4’, ông đã trò chuyện rất lâu với Peter Lawford. Còn Robert thì quay về nông trại của người bạn, suốt ngày cưỡi ngựa và đá bóng. Tin dữ về cái chết của Marilyn Monroe bay đến, nhưng ông lại bàn về nó với vẻ nhẹ nhàng và vui vẻ

Thuý Hân (theo Reader's Digest)
.
.