Những tù nhân trẻ em ở trại tập trung Auschwitz

Thứ Sáu, 13/03/2015, 13:10
Khi các binh sĩ Hồng quân Liên Xô thuộc Phương diện quân Ukraina thứ Nhất, tiến vào giải phóng trại tập trung khổng lồ Auschwitz của phát xít Đức trên đất Ba Lan vào 70 năm trước, mọi người hết sức ngỡ ngàng bởi trước mặt họ ngoài những tù nhân trưởng thành còn sống sót ra, còn... vô số trẻ em trong bộ đồng phục kẻ sọc của người đang bị giam giữ.

Hầu hết các tù nhân nhí đều là những cặp sinh đôi, số ít còn lại thuộc các sắc dân thiểu số hay trẻ bị dị dạng bẩm sinh. Họ là đối tượng nghiên cứu của tiến sĩ nhân chủng học Josef Mengele, viên sĩ quan quân y Đức khét tiếng được biết đến với biệt danh "Thiên thần báo tử".

Theo lệnh của trung tá SS Rudolf Hoss, Giám thị trại Auschwitz thì J. Mengele có toàn quyền sinh sát đối với tất cả các tù nhân mới đến. Chỉ bằng một động tác ngoắc tay, hắn có thể đẩy bất cứ ai vào phòng hơi ngạt nhằm thủ tiêu, hay cho tù nhân được quyền sống để lao động khổ sai trong trại. Riêng với tù nhân trẻ em nếu là trẻ sinh đôi, dân thiểu số, hoặc có dị dạng trên cơ thể sẽ được đưa về nuôi nhốt tại một khu vực riêng, phục vụ cho mục đích nghiên cứu y học của J. Mengele.

Tù nhân trẻ em phía sau hàng rào trại Auschwitz.

Theo lời kể của một nhân chứng còn sống sót là bà Vera Krigal người Cộng hòa Czech, khi bị đưa đến trại tập trung Auschwitz Vera cùng người em gái sinh đôi Olga mới lên 5 tuổi. Họ đi trên đoàn tàu chở hàng kín mít, nhét cứng tù nhân khiến nhiều người đã chết ngạt. Khi tàu tới nơi họ phải vất vả trèo qua các xác chết mới xuống được sân ga.

Lúc vừa mục kích 2 đứa trẻ tóc vàng mắt xanh, "Thiên thần báo tử" J. Mengele liền thốt lên: "Đây chính là hình mẫu của chủng tộc Aryan thượng đẳng". Cả hai chị em lập tức được lính SS áp giải về nơi giam giữ gần dãy phòng thí nghiệm của trại.

Một nhân chứng khác là bà Ionna Lax, một người Do Thái sinh ra tại thành phố Lodz, miền Trung Ba Lan, bị bắt vào đầu năm 1940 ngay sau khi quân Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan để đưa về trại tập trung Auschwitz.

"Thoạt tiên, viên sĩ quan SS chỉ huy đội giám ngục tiếp đón tù nhân mới đến chỉ tay bảo tôi đứng về phía bên trái, là nơi dành cho những người sắp bị đưa vào phòng hơi ngạt như sau này tôi mới biết - bà I. Lax nhớ lại - Nhưng tâm trạng tôi đang bấn loạn vì lạc mất người chị song sinh Elena. Khi nghe viên thông ngôn tường trình, bác sĩ J. Mengele liền "ưu ái" bảo tôi bước sang bên phải, cho người ta tìm ra Elena rồi hai chị em được giam chung vào một khu cách ly...".

Con trẻ với các hình xăm số tù trên cánh tay.

Đa phần tù nhân nhí sống sót vẫn chưa hết hãi hùng, khi nhớ lại những cuộc thí nghiệm man rợ của "Thiên thần báo tử". Họ thường bị trói chặt trên giường mổ trong phòng thí nghiệm, để J. Mengele cùng các cộng sự thực hiện phẫu thuật bóc tách các bộ phận nội tạng trong cơ thể, mà không dùng thuốc mê khiến cơn đau giằng xé không sao diễn tả nổi.

"Nếu một trong 2 trẻ song sinh bị chết sau quá trình giải phẫu, tức thì người kia cũng bị thủ tiêu theo", nhân chứng Elena Lax cho biết. Còn nhân chứng Olga Krigal không sao quên được những cuộc thí nghiệm tàn khốc, do J. Mengele tiến hành, cốt sao để tròng mắt hai chị em sinh đôi "ngả xanh màu nước biển hơn nữa" (!), như nguyên văn lời giải thích của J. Mengele với đám thuộc hạ.

Một thí nghiệm phổ biến khác từng được áp dụng với hơn 100 cặp song sinh thuộc đủ các quốc tịch khác nhau. Họ bị tiêm vào người loại vi khuẩn gây ra căn bệnh Noma (Cam tẩu mã), gây nhiễm trùng dẫn đến hoại thư ở vùng miệng và bộ phận sinh dục. Hậu quả là nhiều cặp song sinh đã thiệt mạng sau những cơn sốt kéo dài, do hệ miễn dịch của cơ thể chưa phát triển, không sao chống chọi nổi với chứng hoại tử quái ác.

Ngoài việc "sàng lọc" các trẻ sinh đôi ra, J. Mengele còn tiến hành thí nghiệm trên người các tù nhân nhí bị lùn bẩm sinh, phát triển "quá khổ" và cả người gốc thiểu số Digan nữa. Một nhân chứng khác là ông Moti Alon người Hungary gốc Do Thái, bị đưa về "nhập" trại Auschwitz lúc 9 tuổi. Do có thể trạng khỏe mạnh, nên Moti thường được bác sĩ Mengele bắt phải mục kích các cuộc thí nghiệm tàn bạo đối với người lùn và người Digan, để xem phản ứng tâm sinh lý của Moti Alon ra sao.

"Theo lời rao giảng của viên bác sĩ đồ tể, thì mọi cuộc thực nghiệm nhằm giúp tất cả phụ nữ Đức đều có khả năng sinh đôi để duy trì sự trường tồn của đế chế đệ tam; cũng như phát hiện những khiếm khuyết của các sắc dân hạ đẳng khác, chứng minh cho sự ưu việt của giống nòi Aryan thuần chủng", nhân chứng Moti Alon nhớ lại.

"Thiên thần báo tử" J. Mengele.

"Chỉ một ngày trước khi Hồng quân Liên Xô xuất hiện, lính SS gác trại Auschwitz đã chuẩn bị lượng xăng khổng lồ nhằm phi tang bằng chứng, kể cả mọi tù nhân đang bị giam giữ - nhân chứng V. Krigal cho biết thêm - Nhưng chúng phải vội vã rút chạy không kịp thực hiện tội ác cuối cùng. Lúc đầu các chiến sĩ Xôviết cứ ngỡ chúng tôi chỉ đơn thuần là trẻ con sống cùng tù nhân cha mẹ, chứ không phải những người bị giam cầm thực sự. Đến khi chúng tôi giơ cánh tay bị bọn cai ngục xăm số tù ra, thì họ mới vỡ lẽ tội ác ghê tởm của bè lũ phát xít, nên đã nhanh chóng đưa số tù nhân trẻ em đến chỗ khác bảo đảm điều kiện sinh sống tốt hơn".

Theo cuốn sách "Children of the Flames" (Con trẻ của hỏa ngục), của tiến sĩ người Mỹ Joe E. White  phát hành vào tháng 5/1992, thì "Thiên thần báo tử" J. Mengele đã trực tiếp tiến hành các thực nghiệm phản khoa học trên cơ thể gần 3.000 tù nhân nhí.

Sau Thế chiến II, chỉ có 160 trẻ sinh đôi là may mắn còn sống sót trong trại tập trung Auschwitz. Về phần viên bác sĩ đồ tể J. Mengele, sau khi quân Đức đầu hàng Đồng minh hắn đã kịp đào thoát sang Argentina, rồi sang Paraguay và Brazil để tránh sự truy lùng về tội ác diệt chủng chống lại loài người. Tháng 2/1979, J. Mengele qua đời tại thị trấn Bertioga, bang Sao Paulo, Brazil, thọ 68 tuổi.

Trần Quang Long (tổng hợp)
.
.