Những vụ bê bối trong ngành Tư pháp Tây Ban Nha

Thứ Tư, 01/08/2012, 11:00

Giữa bối cảnh nền kinh tế Tây Ban Nha đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng, ngoài giới chính khách thủ cựu ra thì ngay cả các quan tòa cộm cán nhất cũng đánh mất niềm tin trong lòng công chúng. Việc chính trị hóa hoạt động tư pháp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ bê bối đình đám trong giới thực thi công lý.

Nhân vật nổi bật trong hàng ngũ quan tòa Tây Ban Nha là thẩm phán Carlos Divar, người từng giữ chức Chủ tịch Tòa án Tối cao kiêm Chủ tịch Hội đồng Pháp lý quốc gia là 2 cơ quan hàng đầu trong hệ thống tư pháp Tây Ban Nha. Vị luật gia kỳ cựu 71 tuổi này buộc phải từ bỏ mọi chức vụ đầy quyền uy vào cuối tháng 6 vừa qua do xà xẻo công quỹ.

Cụ thể trong suốt 2 năm liền kể từ tháng 9/2008 đến tháng 9/2010, Chủ tịch C. Divar đã tự ý dùng kinh phí của Hội đồng Tư pháp Tối cao thường xuyên đi nghỉ vào dịp cuối tuần, kể cả những ngày nghỉ lễ trong năm tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp ven bờ Địa Trung Hải, gây tổn thất cho ngân sách gần 16.000 euro. Ngoài những chuyến du hí nói trên, thẩm phán cao cấp C. Divar còn "mạnh tay" chi cho đội ngũ vệ sĩ tháp tùng ông tới hàng chục nghìn euro mỗi năm, trong khi quy định tối đa cho việc bảo vệ Chủ tịch Hội đồng Pháp lý quốc gia là 6.000 euro/năm.

"Trường hợp C. Divar đã gây tổn hại nghiêm trọng cho thanh danh của bộ máy tư pháp nhà nước. Một người đúng ra phải là biểu tượng cho sự ngay thẳng minh bạch lại có những hành vi nhũng lạm đáng hổ thẹn", thẩm phán Jose Luis Armenhol - phát ngôn viên của Hiệp hội Thẩm phán toàn quốc mang tên nhà làm luật nổi tiếng người Tây Ban Nha Francisco de Vitoria (1483-1546), lên tiếng nhận định về vụ bê bối của người đồng nghiệp C. Divar "đầy trọng vọng" một thời.

Quan tòa nổi tiếng Baltasar Garzon.

Trong thời gian gần đây, dư luận thế giới hết sức bất ngờ khi hay tin vị quan tòa nổi tiếng nhất Tây Ban Nha Baltasar Garzon, từng được tôn vinh như một "siêu thẩm phán" bởi các vụ án mang tầm vóc quốc tế lại phải hiện diện trước vành móng ngựa vì tội danh lạm quyền. Chánh án B. Garzon chính là người vào  cuối năm 1998 đã ban hành lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Cộng hòa Chile Augusto Pinochet (1915-2006), do những tội ác chống lại nhân loại trong 17 năm đứng đầu thể chế độc tài quân sự.

Còn Tòa án Tối cao Tây Ban Nha trong giai đoạn thẩm phán C. Divar còn làm Chủ tịch đã mở phiên tòa xử B, Garzon vào đầu năm nay. Phán quyết cuối cùng trong phiên xử ngày 9/2 vừa qua cấm vị siêu thẩm phán không được hoạt động trong lĩnh vực tư pháp với thời hạn 11 năm kể từ thời điểm tuyên án, cũng như phải nộp phạt số tiền là 2.500 euro. Nguyên do B. Garzon bị buộc tội lạm quyền trong một vụ án gian lận tài chính do ông thụ lý, bởi đã cho phép bí mật ghi âm những cuộc gặp gỡ và trao đổi qua điện thoại trong tù giữa phạm nhân và luật sư bào chữa. Rốt cục vụ án do thẩm phán B. Garzon ngồi ghế chánh án đã tuyên bị cáo trắng án vì không đủ bằng chứng thuyết phục.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.

Còn trong phiên tòa xử B. Garzon cáo trạng từ Viện Công tố Tối cao vạch rõ theo luật pháp hiện hành, thì việc nghe trộm điện thoại như vậy chỉ được phép áp dụng đối với những nghi can khủng bố hình sự, nhưng bị can B. Garzon đã bất chấp quy định tự cho phép mình "qua mặt" pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp cũng như không tôn trọng quyền được bào chữa của công dân theo luật định.

Dư luận am hiểu cho rằng việc xử án siêu thẩm phán B.Garzon nhằm "trả đũa" những sự việc xảy ra trong quá khứ, khi ông quyết định lật lại trường hợp của nhà độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco (1892-1975). Theo B. Garzon trong thời gian cầm quyền kể từ sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) đến khi mất, tướng F. Franco đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đàn áp thô bạo những người chống đối nên cần phải bị phán xét qua một phiên tòa đặc biệt mang tính lịch sử. Đồng thời, B. Garzon cũng cho rằng quyết định ân xá cho những sai lầm F. Franco của Nhà nước Tây Ban Nha vào năm 1977 là vi hiến.

Theo giới bình luận chính trị sành sỏi, thì đảng Nhân dân (PP) đương quyền theo xu hướng bảo thủ của Thủ tướng Mariano Rajoy trong quá khứ từng có dây mơ rễ má với chính thể Franco, do vậy đã tác động ít nhiều dẫn đến việc mở phiên tòa xét xử vị siêu thẩm phán ngoan cường.

"Trở ngại lớn nhất khiến hệ thống pháp lý ngày càng xa rời dân chúng bởi đã mất đi tính độc lập vốn có. Bằng chứng là phân nửa dân số Tây Ban Nha trong cuộc thăm dò mới đây cho rằng nền tư pháp đất nước đã bị chính trị xen vào", dân biểu cánh tả nổi tiếng Juan Tardy kết luận

Trần Hồng (theo El Pais)
.
.