Nisei - Vũ khí mật của Mỹ trong Thế chiến II

Chủ Nhật, 02/06/2019, 10:41
Những nỗ lực quân sự của Mỹ tại chiến tranh Thái Bình Dương, một phần của Thế chiến II, giữa quân Đồng minh và Nhật Bản, được hỗ trợ đáng kể bởi các binh sĩ nói tiếng Nhật Bản.

Những binh sĩ này làm việc tại cơ quan tình báo quân đội Mỹ mà một nửa trong số họ là thế hệ thứ hai của những người Nhật nhập cư Mỹ (hay còn gọi là Nisei). Mặc dù chịu không ít định kiến nhưng họ cống hiến cho Mỹ bằng phiên dịch tài liệu tiếng Nhật và họ trở thành thứ vũ khí mật của Mỹ trong suốt Thế chiến II.

Nisei và đào tạo tình báo

Trước Thế chiến II, quân đội Mỹ đã đầu tư rất ít vào việc thành lập một quân đoàn tình báo nói tiếng Nhật. Mặc dù đã có các cuộc thảo luận về việc tuyển dụng người Nisei để phục vụ công tác tình báo ở nước ngoài, song lại không có nhiều người (đủ tiêu chuẩn) để được lựa chọn.

Vào mùa Hè năm 1941, quân đội Mỹ đã khảo sát doanh số toàn quân để xác định xem liệu có quân nhân nói tiếng Nhật nào có thể hỗ trợ trong trường hợp chiến tranh với Nhật Bản hay không. Tuy nhiên, họ phát hiện ra rằng trong số 3.700 Nisei đã phục vụ trong quân đội, chỉ có một số ít người đủ thông thạo tiếng Nhật để làm nhân viên tình báo.

Nam thanh niên Nisei chuẩn bị tham gia sát hạch trở thành biên phiên dịch tiếng Nhật cho quân đội Mỹ.

Rõ ràng là nỗ lực chiến tranh sẽ cần đội ngũ phiên dịch tiếng Nhật. Thế nhưng, một thực tế hiện hữu hơn là số người Mỹ da trắng nói tiếng Nhật chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Vì vậy, việc trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để kịp thời phục vụ trong thời gian chiến tranh là gần như không thể.

Vào tháng 11-1941, với khoản kinh phí hỗ trợ là 2.000 USD và bốn giáo viên dạy tiếng Nisei, quân đội Mỹ đã bắt đầu mở trường dạy tiếng Nhật đầu tiên tại một nhà chứa máy bay ở San Francisco. "Ban đầu, những chiếc thùng gỗ thưa và hộp màu cam được sử dụng làm bàn và ghế. Do thiếu thốn sách vở nên các học viên phải học tập từ những tài liệu là giấy máy in rô-nê-ô", nhà sử học Kelli Y. Nakamura ghi nhận.

Tháng 5-1942, 45 học viên tốt nghiệp chương trình huấn luyện nói trên mặc dù 1/4 quân số lớp học bị "trượt" vì chương trình quá khó. Ở thời điểm này, đế quốc Nhật đã tấn công Trân Châu Cảng và người Mỹ bị mắc chứng hoang tưởng về người Mỹ gốc Nhật.

Vũ khí mật và định kiến

Ngay sau khi xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, vào tháng 3-1942, được hậu thuẫn bởi một lệnh hành pháp (số 9066) của Tổng thống Mỹ khi ấy là Franklin D. Roosevelt, Mỹ đã bắt đầu sử dụng biện pháp cưỡng chế để buộc những người Mỹ gốc Nhật Bản phải dời đến 10 trại tập trung trên khắp đất nước.

Cuộc "di tản" này đi kèm với nỗi sợ hãi về những người Mỹ gốc Nhật và định kiến đối với họ. Chính phủ Mỹ thậm chí còn liệt người Mỹ gốc Nhật là "những kẻ thù ngoài hành tinh". Trong khi đó, những người Mỹ gốc Nhật đã phục vụ trong quân đội bị coi là gián điệp và mối đe dọa tiềm năng, và nhiều người đã bị trục xuất khỏi quân đội.

Tháng 6-1942, ngay khi các học viên tốt nghiệp trường ngoại ngữ đầu tiên bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên của mình thì cũng là thời điểm Bộ Chiến tranh tuyên bố sẽ không cho phép bất kỳ người nào có gốc gác Nhật Bản gia nhập quân đội.

Cuộc tranh luận về việc có nên huy động người Mỹ gốc Nhật tham gia quân đội hay không vẫn diễn ra vào thời điểm này. Để tìm giải pháp cho cuộc tranh luận, một nhóm có tên là Ban Huy động quân nhân Mỹ gốc Nhật được thành lập tháng 6-1942. Ba tháng sau, ban này đưa ra bản báo cáo phản đối việc thành lập một đơn vị quân đội người Mỹ gốc Nhật "vì sự mất lòng tin phổ quát của họ".

Tuy nhiên, một tháng kế tiếp đó, Văn phòng Thông tin Chiến tranh của Mỹ đã viết một bức thư gửi Tổng thống Franklin D. Roosevelt, kêu gọi thành lập một đơn vị chiến đấu Nisei đóng vai trò là thứ vũ khí tuyên truyền nhằm đáp trả các cáo buộc của người Nhật rằng Mỹ phân biệt chủng tộc đối với họ. Bộ Chiến tranh cũng ủng hộ ý tưởng này.

Rốt cục, Tổng thống Roosevelt đã gỡ bỏ những hạn chế đối với những người Mỹ gốc Nhật phục vụ trong quân đội. Ngày 1-2-1943, Tổng thống Roosevelt tuyên bố việc thành lập Đội Chiến đấu của Trung đoàn 442, một đơn vị toàn người Mỹ gốc Nhật, mặc dù có các sĩ quan da trắng.

Sau đó, quân đội Mỹ đã quyết định chuyển trường huấn luyện ngoại ngữ nói trên từ San Francisco đến Minnesota. Hiện được đặt tên là Trường Ngôn ngữ Dịch vụ Tình báo Quân đội, trường này bắt đầu đào tạo thêm hàng trăm nam sinh Nisei, nhiều người trong số họ được tuyển dụng từ các trại tập trung và người thân cũng như gia đình của họ đã sống trong trại tập trung trong phần lớn hoặc toàn bộ thời gian diễn ra cuộc chiến. Cuối cùng, hơn 6.000 nam sinh Nisei tốt nghiệp chương trình.

Khi xảy ra trận Trân Châu Cảng, những nam sinh Nisei đã gia nhập các đơn vị trên khắp chiến trường Thái Bình Dương. Hơn một nửa trong số họ đến từ Hawaii, nơi 37% dân số là người Mỹ gốc Nhật. Khi tham gia vào các đơn vị, những quân nhân Nisei được giao nhiệm vụ như nghe lén các kênh thông tin của địch, dịch tài liệu được giao nộp bởi các tù nhân chiến tranh và hỗ trợ công tác thẩm vấn tù binh.

Theo Thiếu tướng Mỹ Charles Willoughby, Giám đốc tình báo cho Thống tướng Douglas MacArthur chỉ huy cuộc chiến Thái Bình Dương, sự khác biệt về an ninh của quân Nhật đã giúp các nhóm tình báo Nisei đọc được các bản đồ và mệnh lệnh chiến sự bị rơi vào tay quân Mỹ.

Vì vậy, tình báo Nisei có thể nắm được sức mạnh của quân đội Nhật ở mức độ nào và các kế hoạch tấn công cũng như biết được tinh thần chiến đấu của binh sĩ Nhật thông qua các cuốn nhật ký, các bức thư và bài thơ của binh sĩ Nhật bị bắt giữ.

"Một số tài liệu thì cho thấy các vấn đề mà quân địch phải đối mặt như thiếu thốn lương thực và đồ quân nhu, mệnh lệch cuộc chiến, tác động của các cuộc tấn công của Mỹ đối với quân Nhật và tính hiệu quả tương đối cả vũ khí đồng minh và vũ khí Nhật", Willoughby sau này kể lại.

"Các cuộc thẩm vấn tại chỗ đối với các tù nhân bị bắt tại trận đã diễn ra vào những thời điểm quan trọng đến mức mà các cuộc thẩm vấn này đã dẫn đến sự thay đổi trong các kế hoạch tấn công của quân đồng minh", Willoughby chia sẻ.

Với tổng số 6.000 quân nhân Nisei làm nhiệm vụ dịch thuật, họ trở thành thứ vũ khí mật lợi hại nhất của quân đội Mỹ nói riêng và quân Đồng minh nói chung (gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc) trong trận chiến Thái Bình Dương.

Kế hoạch Z

Năm 1944, những quân nhân Nisei này nhận được nhiệm vụ quan trọng nhất: "Kế hoạch Z". Đáng nhẽ ra kế hoạch Z sẽ không bao giờ rơi vào tay quân đội Mỹ nếu không xảy ra một vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng.

Kế hoạch này vốn được Mineichi Koga, Tổng Tư lệnh hạm đội Nhật Bản vạch ra nhằm tàn phá Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thông qua một trận chiến quyết định ở Biển Philippines. Nó bao gồm các chi tiết về tất cả các lực lượng hải quân Nhật Bản và nhiệm vụ của họ. Đây là loại thông tin có giá trị được bảo vệ chặt chẽ. Nhưng khi máy bay chở Koga gặp nạn trong một cơn bão ở Philippines, viên chỉ huy này thiệt mạng và các kế hoạch mà Koga mang theo đều thất lạc.

Khi tham mưu trưởng của Koga là Shigeru Fukudome bị quân đội Mỹ bắt giữ và thẩm vấn thì quân Nhật mới khởi động cuộc săn lùng điên cuồng các tài liệu, thậm chí phóng hỏa đốt cháy làng mạc và tàn sát thường dân.

Thế nhưng, quân Nhật không hề hay biết rằng các tài liệu về kế hoạch của Nhật Bản đã rơi vào tay quân đội Mỹ nhờ lực lượng du kích Philippines. Những du kích này đã được ngư dân Philippines chuyển cho tài liệu kế hoạch sau khi họ vớt được một hộp gỗ trôi nổi trên biển trong quá trình cứu một binh sĩ Nhật Bản tên là Fukudome, người sống sót sau vụ tai nạn máy bay.

Tướng Mỹ Frank Merrill và hai binh sĩ Nisei.

Ngay sau đó, loại tài liệu mật này được đưa lên một chiếc tàu ngầm, và chuyển lên một chiếc máy bay tới Australia. Tại Australia, tài liệu được ba sĩ quan da trắng dịch thuật. Mặc dù theo thông lệ là các quân nhân Nisei làm nhiệm vụ biên phiên dịch không được phép làm việc với các tài liệu tuyệt mật do định kiến và hoài nghi trong quân đội, nhưng tình huống này lại khác.

Hai quân nhân biên dịch Nisei, Yoshikazu Yamada và George Yamashiro, đã được phép tiếp cận tài liệu. Họ đã kiểm duyệt lần cuối bản dịch của sĩ quan da trắng sau đó in ra bản dịch, rồi được gửi bằng đường hàng không đến Hawaii. (Sau đó, một sĩ quan hải quân Mỹ đã dịch lại tài liệu này với hiệu đính và cập nhật thuật ngữ liên quan đến hải quân).

Các tài liệu này đóng vai trò rất quan trọng đối với Trận chiến Biển Philippines, một phần của Thế chiến II, giữa quân đồng minh của Mỹ và đế quốc Nhật Bản. Các kế hoạch đề cập trong tài liệu này đã giúp quân Mỹ thực hiện một trận quyết định, đánh bại Hải quân Nhật. "Thất bại này là một cú đòn chí mạng mà Nhật Bản không bao giờ quên được", nhà sử học James C. McNaughton bình luận.

Binh sĩ Nisei, Warren Higa thẩm vấn tù binh Nhật tại trận đánh ở Okinawa, chiến tranh Thái Bình Dương.

"Kế hoạch Z" không phải là lần duy nhất các quân nhân dịch thuật Nisei đóng góp cho quân đội Mỹ mỗi khi tài liệu của địch rơi vào tay Mỹ. Ngoài ra, họ còn làm việc thâu đêm với đèn pin để dịch các kế hoạch tác đấu để rồi cuối cùng giúp các lực lượng Mỹ chiến thắng Trận Saipan, giúp ngăn chặn các cuộc tấn công ở Miến Điện, góp phần trong nỗ lực mở đường ở Miến Điện để đưa vũ khí sang Trung Quốc.

Tại Ấn Độ, Nisei đã chặn các mệnh lệnh tiến hành oanh kích được truyền tải từ sóng radio của Nhật Bản.

Ngoài ra, với nhiều may mắn, Nisei còn cung cấp cho Thống tướng lục quân Mỹ Dwight D. Eisenhower (sau này là Tổng thống Mỹ) một bản miêu tả về các tuyến phòng thủ của Đức, giúp Eisenhower nắm bắt được cách phá vỡ thế phòng thủ này như thế nào khi đổ bộ vào Pháp để giải phóng Tây Âu khỏi sự kiểm soát của Đức Quốc xã trong chiến dịch D-Day (Ngày 6-6-1944) thuộc Thế chiến II.

Nisei làm được điều này là do đại sứ Nhật ở Berlin đã được đưa đi tham quan các tuyến phòng thủ của Đức và sau đó viên đại sứ này nhanh chóng gửi về Tokyo bản miêu tả tuyến phòng thủ. Thông điệp của viên đại sứ đã bị Nisei chặn ở Thổ Nhĩ Kỳ và chuyển hướng gửi đến Virginia nơi Nisei dịch nó. Thông điệp này cuối cùng được chuyển cho Thống tướng Eisenhower.

Bên cạnh đó, các "chiến binh Nisei" còn tham gia vào mọi chiến dịch lớn chống lại Nhật Bản, thường vượt ra khỏi nhiệm vụ dịch thuật khi tham gia vào hoạt động chiến đấu tích cực.

Rõ ràng, các quân nhân Nisei làm nhiệm vụ dịch thuật đã giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến, và sau chiến tranh, họ đã đóng một vai trò quan trọng trong các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh và sự chiếm đóng của Mỹ tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, cho dù họ thể hiện lòng yêu nước của mình trong thời kỳ công chúng công khai định kiến người Mỹ gốc Nhật, nhiệm vụ ngày đêm của họ trong quân đội Mỹ đều không được ghi nhận trong hàng chục năm qua. Và thực tế là việc các quân nhân dịch thuật Nisei đã dịch 20,5 triệu trang tài liệu trong suốt cuộc chiến tranh cũng không hề được biết đến sau hàng chục năm.

Mặc dù giới tướng lĩnh quân đội hàng đầu của Mỹ ghi nhận công lao của lực lượng quân nhân dịch thuật Nisei, nhưng thế giới không hề biết về những đóng góp của họ cho đến những năm 1970 khi các tài liệu quân sự liên quan đến cuộc chiến bắt đầu được giải mật.

Tháng 11-2011, Cơ quan Tình báo Quân đội và hai đơn vị quân đội Nisei đã được trao Huân chương Vàng của Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, do tính chất kín đáo của đóng góp anh hùng của họ, những đóng góp của họ cho Mỹ vẫn còn ít được biết đến. Một phần là vì để bảo vệ chính gia đình và người thân của họ để không bị trả thù, một phần là vì Chính phủ Mỹ khi ấy đã yêu cầu các lực lượng tình báo Nisei cam kết giữ bí mật đối với các hoạt động của họ.

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.