Nỗi khổ của người Iraq ly hương

Thứ Hai, 10/11/2014, 21:45

Gần Derabon, không xa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, một nhóm gia đình đã tìm được một khoảnh đất vô chủ bên cạnh đường lộ và dựng lên những chỗ trú tạm bợ bằng gỗ và rơm. Họ sống trong cảnh không có điện, và nguồn nước duy nhất mà họ cho là có thể uống được là một con suối cách đấy 1km.

Một chiếc xe tải đến phân phát đệm, tuy nhiên lại không đủ cho tất cả mọi người. Lũ trẻ tranh giành nhau tấm đệm cuối cùng và những ai lại phải nằm đất qua đêm đã bật khóc. Nhiều đứa trẻ không có giày, còn người lớn yêu cầu các phóng viên chụp ảnh lớp da phồng rộp ở bàn chân của họ để cho thế giới biết họ sống như thế nào.

Khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm thành phố Sinjar vào đầu tháng 8, người dân ồ ạt tản cư đến mức chỉ trong vài ngày đã có hàng trăm ngàn người, chủ yếu  thuộc cộng đồng thiểu số Yazidi, đã vượt biên giới Syria rồi đi vào miền Bắc Iraq. Một tháng sau, những căn lều không còn đủ. Nhiều trại tạm cư đã được dựng lên nhưng lại đầy ứ người.

Tại Khanke, ngôi làng gần vùng chiến sự, 91 người chen chúc nhau trong một ngôi nhà xây dở hướng ra một con đường. Tất cả đều rất bàng hoàng khi đột ngột bị đuổi khỏi làng một cách thô bạo. Ông chủ ngôi nhà nói ông cho mọi người ở trong nhà vì ông bất bình và xúc động trước hoàn cảnh của họ. "Nhiệt độ xuống dưới 00 vào mùa đông, chưa có tường để chống cái rét. Tôi e rằng con cái của họ sẽ ngã bệnh nếu ở lại đây" - ông ta tâm sự.

Người tha hương Yazidi ở miền bắc Iraq.

Sau khởi đầu chật vật, giờ đây chính quyền địa phương và LHQ đang dựng các trại mới vì lo mùa đông sẽ gây ra thảm họa. Tuy nhiên rất có thể 129.000 người hiện đang trú trong các trường học tại Dohouk sẽ ưu tiên được vào trại để trẻ em trong vùng có thể bắt đầu năm học. Cuộc khủng hoảng di cư tại Iraq có thể còn kéo dài cùng với khó khăn vì chiến sự liên tiếp xảy ra tại tỉnh Al Anbar, Mossul và Sinjar. Người Thiên Chúa giáo, người Shtite, Yazidi, Kakai, Mandée, Sabée là các thành phần bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Có hơn 1,5 triệu người di cư.

Đứng trước tình thế đó, các tổ chức nhân đạo thiếu nguồn lực và gặp khó khăn trong việc nhờ trợ giúp tại những khu vực bị xem như là quá nguy hiểm cho các nhóm cứu trợ. Nhiều nhân vật nước ngoài như Ngoại trưởng Pháp đã đến thăm một nhóm người Thiên Chúa giáo tản cư hiện đang tạm trú trong phần đất của một nhà thờ tại Erbil. Tuy nhiên bất chấp những sự quan tâm, việc tìm nguồn nước luôn rất hạn chế và 60 người phải ngủ chung trong một căn lều.

Những người dân Iraq phải ly hương không còn tin vào khả năng bảo vệ của quân đội Iraq hay người Kurd trước các cuộc tấn công sắp tới của IS. Họ bảo rằng niềm tin của họ đã tiêu tan.

Nhiều người trong số họ bảo muốn rời khỏi Iraq để đến sống tại một nước khác. Một người cha của 3 đứa con hiện sống trong làng Shariya dự định đưa gia đình sang Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vào EU bằng cách vượt biên trái phép qua biên giới Hy Lạp. Tuy biết rằng điều đó rất nguy hiểm và rất có thể ông sẽ không tìm được một cuộc sống tốt hơn cho gia đình. Nhưng theo ông thì không còn sự chọn lựa nào khác.

"Chúng tôi không thể trở về quê nhà và biết rằng chẳng ai bảo vệ chúng tôi. Vợ tôi đang mang bầu 9 tháng, tôi nghĩ rằng chúng tôi nên ra đi khi đứa bé được vài tuần tuổi để có thể vượt núi trước mùa đông" - ông nói

Mê Linh (theo Huffington Post)
.
.