Nỗi thất vọng của những người tin vào hiện tượng đĩa bay

Thứ Hai, 01/06/2009, 14:35
Đầu tháng 4 vừa qua, tờ The Los Angeles Times của Mỹ vừa cho công bố một bài phỏng vấn các cựu binh Mỹ, từng làm việc tại khu vực siêu bí mật "Area 51" (bang Nevada).

Những người này đều khẳng định rằng, những bằng chứng về sự xuất hiện của các vật thể bay không xác định (UFO - hay còn gọi là đĩa bay) trên lãnh thổ của nước Mỹ hay một vài quốc gia khác vào những năm 1960 hoàn toàn không liên quan tới hoạt động của những đại diện của các nền văn minh ngoài trái đất như người ta vẫn tưởng tượng, mà đó chỉ là hoạt động thử nghiệm các mẫu máy bay bí mật được phát triển theo yêu cầu của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc.

Liên quan tới lĩnh vực này, sự xuất hiện của UFO tại khu hồ Grum, từng kéo theo rất nhiều những tin đồn, cũng mới được làm rõ trong thời gian gần đây, sau khi CIA giải mật hồ sơ về chương trình chế tạo máy bay A-12, còn được biết dưới mật danh OXCART. 

Việc phát triển thiết bị siêu bí mật A-12 thật ra được Tập đoàn Lockheed Martin bắt đầu ngay từ cuối những năm 50 thế kỷ trước theo yêu cầu của CIA. Cũng trong khoảng thời gian này - ngày 1/5/1960 - hệ thống phòng không ở khu vực Sverdlovsk của Nga đã bắn rơi một máy bay trinh sát bí mật U-2 của Mỹ do phi công Francis Power điều khiển.

Sau vụ này, chương trình máy bay bí mật U-2 của Mỹ đã "lộ diện", phiên bản máy bay mới A-12 là kiểu mẫu thay thế hoàn hảo nhất có thể vô hiệu hóa các radar và hệ thống phòng không của đối phương. Việc thử nghiệm hai loại máy bay trên đều được tổ chức tại Area 51.

Các tài liệu giải mật cho thấy, mẫu máy bay OXCART đầu tiên - có hình dạng giống như một chiếc đĩa bay - đã được chuyển tới khu vực hồ Grum vào năm 1962 để tiến hành bay thử. Chỉ một năm sau, nhờ sử dụng những động cơ hoàn thiện hơn, các chuyên gia thiết kế của Mỹ đã giúp loại máy bay này đạt được tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh.

Viên đại tá về hưu nay đã 87 tuổi Hugh Slater - trong những năm đó là chỉ huy căn cứ không quân bên trong Area 51 - đã khẳng định rằng, chính loại máy bay do thám A-12 đã khiến nhiều người dân Mỹ tưởng nhầm đó là UFO. 

SR-71 Blackbird và hệ thống máy bay mẹ con M-21/D-21.

Nguyên nhân, theo như ông ta, là do hình dạng bên ngoài giống đĩa bay của A-12, cũng như thiết bị này được làm bằng các vật liệu titan giúp phản xạ ánh nắng mặt trời theo cách đặc biệt, khiến người dân có cảm tưởng đó là một vật thể có nguồn gốc ngoài trái đất. Hơn nữa, A-12 còn có khả năng bay với tốc độ không thể tưởng tượng nổi vào thời đó, trên thực tế có thể di chuyển với vận tốc của một viên đạn.

Ngày 24/3/1963, một chiếc OXCART do phi công lái máy bay thử nghiệm của CIA là Kenneth Collins (hiện đã 80 tuổi) đã gặp trục trặc và rơi xuống một khu vực tại bang Utah, nhưng may mắn là viên phi công này đã nhảy dù an toàn. Collins và những mảnh vỡ của máy bay đã được 3 người dân địa phương phát hiện ra, những người sau đó đã giúp đưa viên phi công lên xe ôtô để tới nơi máy bay rơi gần đấy.

Cho tới trước thời điểm đó, chưa có một dân thường nào của Mỹ có thể tận mắt nhìn thấy một chiếc OXCART. Viên phi công đã may mắn thuyết phục những người "trợ lý tình nguyện" này không nên tới gần với lý do máy bay trang bị vũ khí hạt nhân có thể gây nguy hiểm cho con người.

Những giải thích của Collins cũng có vẻ hoàn toàn hợp lý, do vào thời gian đó tại Nevada cũng đã diễn ra một vài vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Kết quả là viên phi công được người dân đưa tới một đội tuần tra đường bộ gần đó và giao cho cảnh sát. CIA về phần mình cũng kịp thời che giấu được công luận về những chi tiết thực sự của vụ việc, khi chỉ tiết lộ đây là một vụ tai nạn của loại máy bay ném bom F-105 Thunderchief.

Các nhân viên CIA về sau cũng tìm ra được những người dân địa phương là nhân chứng tình cờ của vụ tai nạn trên, bắt họ phải ký vào một cam kết không tiết lộ bí mật quốc gia. Bản thân Collins cũng phải trải qua những thủ tục kiểm tra nhục nhã mà anh ta không thể quên cho dù 46 năm đã qua.

Các nhân viên CIA đã tiêm cho Collins một hợp chất gọi là "huyết thanh của sự thật" trước khi tra hỏi, nhằm làm rõ nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn. Sau đó, viên phi công vẫn đang trong tình trạng "ngây ngất" được chở về bằng chính xe của anh ta. Các nhân viên mật vụ đưa anh ta vào nhà, trao lại chìa khóa xe cho vợ rồi đi ngay mà không đưa ra bất cứ lời giải thích nào. Từ thời điểm đó, Collins đã chính thức bị coi là "người thừa".

Những chuyến bay thử nghiệm của A-12 OXCART vẫn tiếp tục cho đến năm 1968 khi CIA từ bỏ việc theo đuổi dự án này. Tính ra đã có 5 trong tổng số 13 mẫu được chế tạo của loại máy bay này đã "tan xác" vì hậu quả tai nạn khi bay.

Theo như Hugh Slater, chỉ riêng trong thời gian ông ta phục vụ tại Căn cứu không quân ở Area 51, loại máy bay thử nghiệm trên đã bay được tổng cộng 2.850 giờ. Cũng chính vào giai đoạn này, người dân đã ghi nhận lại rất nhiều trường hợp xuất hiện của “đĩa bay”.

Trong số những nhân chứng này còn có không ít các phi công dân sự, những người sau đó đã chuyển những thông tin này lên Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ. Tất cả về sau cũng phải ký cam kết không tiết lộ bí mật quốc gia, tuy nhiên theo như Slater, một số sau đó đã không giữ kín được chuyện này. Một phần của những thông tin trên đã làm nảy sinh rất nhiều đồn thổi về mối liên quan giữa người hành tinh khác với Area 51.

Trong suốt sự nghiệp phục vụ nước Mỹ ngắn ngủi của mình, A-12 OXCART đã kịp tham gia vào một vài chiến dịch thực sự, dù loại vũ khí bí mật trên đã không đáp ứng được sự mong đợi. Ban đầu, theo báo chí Mỹ, Washington dự định sử dụng nó cho việc do thám lãnh thổ Liên Xô và Cuba, nhưng ngay lập tức từ bỏ ý định này sau khi một vài chiếc U-2 bị hệ thống phòng không của Liên Xô bắn hạ.

Tuy nhiên vào năm 1967, quân đội Mỹ đã sử dụng OXCART để nghiên cứu hệ thống phòng không trên lãnh thổ Việt Nam. Một năm sau, A-12 cũng được sử dụng để do thám trong vụ Bắc Triều Tiên bắt giữ con tàu "Pueblo" của Mỹ.

Một vài nguồn tin còn khẳng định rằng, các máy bay A-12 đã từng thành công trong việc xâm nhập vào không phận của Liên Xô, Trung Quốc và Cuba, nhưng trên thực tế không có bằng chứng nào chứng minh giả thuyết trên.

Một chi tiết nữa, theo như tiết lộ của cựu chiến binh - kỹ sư Tornton Barns với phóng viên The Los Angeles Times, trong quá trình nghiên cứu chế tạo loại máy bay A-12, các nhà chế tạo Mỹ đã áp dụng nhiều công nghệ của nước ngoài, kể cả một số được sao chép từ loại máy bay MiG của Liên Xô.

Dù sao, loại máy bay siêu bí mật này của Mỹ cũng tạo cơ sở để phát triển một loạt các dự án khác về sau. Chẳng hạn như Lockheed Martin dựa vào đó để thiết kế loại máy bay do thám chiến lược SR-71, có tên gọi không chính thức là Blackbird. Mỹ đã chế tạo tổng cộng 32 máy bay thuộc loại này, cho đến trước năm 1998 vẫn còn có trong trang bị của không quân và NASA.

Đã có 12 chiếc bị mất do những vụ tai nạn khác nhau. SR-71 có độ cao hoạt động tối đa lên tới 26 km, có thể bay với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh. Năm 1976, cũng chính loại máy bay này đã lập một kỷ lục tuyệt đối về tốc độ (theo nhiều chuyên gia khẳng định cho tới giờ vẫn chưa bị phá) lên tới 3.529,56 km/giờ.

Còn một chương trình là "con đẻ" nữa của A-12 chính là loại máy bay không người lái D-21, được dự kiến sử dụng như một yếu tố hỗ trợ cho dự án khác - máy bay M-21 - với mục tiêu áp dụng trong những chiến dịch phức tạp và nguy hiểm hơn của quân đội. D-21 được trang bị một camera, có thể thả xuống lãnh thổ của mình, sau khi hoạt động do thám tại một khu vực đã được lập trình trước.

Hai chữ cái "D" và "M" trong tên gọi của hai loại máy bay trên cũng có thể giải thích được vai trò của chúng: "D" - là chữ cái đầu của "Daughter" (con gái) và "M" - "Mother"(mẹ). Máy bay mẹ M-21 có hai chỗ dành cho phi công có thể gắn máy bay con D-21 phía trên trước khi phóng nó ngay trên không trung. Tuy nhiên, dự án này sau đó cũng bị loại bỏ vì độ nguy hiểm cao đối với máy bay mẹ khi phóng máy bay con.

Những thừa nhận mới nhất của các cựu chiến binh Mỹ từng có dịp tham gia vào dự án OXCART đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ của những người quan tâm đến ngành hàng không, mà còn của các nhà nghiên cứu UFO (UFOlogist), luôn tìm kiếm những bằng chứng về sự tồn tại của đĩa bay và những nền văn minh ngoài trái đất.

Nếu như đối với nhóm đầu tiên, những thừa nhận trên là cơ sở để nghiên cứu chi tiết hơn về các chương trình hàng không của Mỹ, thì chính chúng lại là nguyên nhân gây thất vọng cho các UFOlogist

Linh Nga (tổng hợp)
.
.