Cộng hòa Séc:

Nóng từ vụ bê bối tham nhũng của cựu Nghị sĩ - Tỉnh trưởng David Rath

Thứ Năm, 13/09/2012, 15:45

Ngày 22/8 vừa qua, cựu Nghị sĩ và Tỉnh trưởng tỉnh Trung Séc David Rath đang bị tống giam đã bị tòa quyết định mức tiền thế thân bảo lãnh cho tội tham nhũng, hối lộ là 14 triệu korun (700.000 USD), nếu không ông này có thể phải chịu mức án 12 năm tù. Đây được coi là món tiền thế thân lớn thứ 5 trong lịch sử hình sự Cộng hòa Séc và gây nên cơn chấn động trong dư luận. Bởi David Rath từ lâu đã trở thành cái tên đình đám trong đảng Dân chủ xã hội (CSSD) sau khi được cựu Thủ tướng Jiri Paroubek tiến cử.

Xuất thân từ một bác sĩ và doanh nhân trong ngành y tế cộng đồng Séc, Rath có một lịch sử chính trị vô cùng chật vật. Song, nhờ những mối quan hệ vô cùng khôn ngoan cùng với tiền bạc rủng rỉnh, chính trị gia này đã tiến rất sâu vào bộ máy chính quyền Séc, kéo theo hàng loạt những mâu thuẫn với giới chính khách.

Có thể nói David Rath là một người đàn ông đầy tham vọng chính trị, từng nuôi âm mưu lật đổ thủ tướng đương nhiệm và đã nhanh chóng trở thành cái tên nóng nhất đảng CSSD. Luôn xuất hiện với vẻ ngoài lịch lãm và một hồ sơ trong sạch, Rath có thể lấy trọn niềm tin của bất kỳ cử tri nào. Nhưng phía sau lại là những câu chuyện chẳng ai muốn tin…

THAM VỌNG CHÍNH TRỊ VÀ ÂM MƯU ĐẢO CHÍNH BẤT THÀNH

Tham vọng chính trị của ngài tỉnh trưởng

Trong giai đoạn 1991 - 1994, Rath là thành viên cốt cán của đảng Dân chủ công dân (ODS), tuy nhiên lại gây thất vọng lớn trong đảng khiến Chủ tịch đảng đương nhiệm Vaclav Klaus (Thủ tướng Séc hiện nay) phải liên tiếp cảnh cáo tống cổ Rath ra khỏi ODS. Hai năm thử thách không mang lại nhiều khả quan khiến Rath cuối cùng phải từ bỏ ODS.

Chỉ trong vòng một năm sau đó, Rath trở thành người đại diện cho diễn đàn công dân (OF) và hoạt động trong tổ chức Bước tiến công dân. Chính trị gia này sau khi thoát khỏi nghịch cảnh long đong lận đận ở các đảng phái, cuối cùng quyết định rời bỏ chính trường, tham gia công tác xã hội trước khi đặt chân vào CSSD năm 2006, trở thành cái tên uy quyền nhất trong mọi hoạt động của đảng này.

David Rath có tham vọng chính trị rất lớn, vừa là tỉnh trưởng Trung Séc, vừa là thành viên chủ chốt của đảng CSSD.

Năm 1995, Rath thành lập hiệp hội bác sĩ, kêu gọi thúc đẩy hoạt động y tế và lên tiếng phản đối mạnh mẽ sự xuống cấp cũng như tình trạng tham nhũng đang ngày càng lên cao. Ba năm sau, ông trở thành Chủ tịch Văn phòng Y khoa Séc CLK. Đây là dấu mốc quan trọng giúp Rath "cầm chắc một vé" chạy đua vào chức Tỉnh trưởng tỉnh Trung Séc (Bohemia).

Còn nhớ hồi đầu năm 2007, khi Paroubk bất lực trong xây dựng đảng CSSD thành mô hình một chính quyền kiểu mẫu, chính David Rath đã trợ giúp cựu thủ tướng chống lại các đảng đối lập. Bấy ngờ, Rath được coi là vật báu trong CSSD, "một con thủy quái trong thần thoại" bỗng dưng vụt sáng trên chính trường Séc. CSSD cứ gặp khó khăn là mời Rath lên bục giảng, chờ ông vạch ra chính sách để tranh cãi và áp dụng. Vị bác sĩ có cái lưỡi dẻo này lấy trọn vẹn niềm tin của các thành viên trong đảng, và suýt chút nữa hạ bệ được vị trí chủ tịch của Paroubk bằng những lời nhạo trào phúng công khai, nghe rất bùi tai song hàm ý lại đầy lỗ mãng.

Tuy nhiên, dư luận lại tỏ ra khiếp sợ trước cách hành xử thô bạo bằng nhiều chính sách cấp tiến, ép buộc người dân phải tuân thủ quy định máy móc và giáo điều. Các cuộc họp nội bộ Văn phòng Y khoa liên tiếp diễn ra, tạo nên làn sóng phản đối thái độ quỷ quyệt và cứng nhắc của Rath. Tuy nhiên, danh tiếng và uy quyền của người đàn ông này quá lớn nên không một cá nhân hay tổ chức nào dám công khai hạ bệ Rath. Chỉ tới khi nhậm chức Bộ trưởng Y tế vào tháng 11/2005, Rath mới "tha" cho Văn phòng Y khoa Séc và chính thức đặt chân vào bộ máy chính quyền.

Khi được hỏi liệu Rath có tiếp tục giữ chức tỉnh trưởng nếu trở thành bộ trưởng của chính phủ, ông chỉ nói bóng gió: "Còn sớm để bàn về chuyện đó. Nhưng tại hội đồng nhân dân, tôi đã nói với Bộ trưởng Giao thông Bendl rằng ông ấy là người tiên phong khi vừa làm bộ trưởng vừa có chân trong hội đồng thành phố. Có thể trong tương lai có người sẽ vừa làm bộ trưởng vừa làm tỉnh trưởng đấy!".

Chuyên gia "gây thù, chuốc oán"

Rath dính líu tới khá nhiều vụ kiện cáo với đồng nghiệp, đơn cử như chuyện lôi Nghị sĩ Tomas Julinek ra tòa vì những tranh chấp cá nhân với chiếc ghế Bộ trưởng Y tế. Bản tính đố kị khiến Rath gây thù chuốc oán với chính cựu Tỉnh trưởng Trung Séc, rồi lùm xùm tranh chấp vị trí đại diện đảng CSSD với Nghị sĩ Miroslav Macek. Tại cuộc họp của Văn phòng Y khoa Séc truyền đi trực tiếp trên sóng quốc gia, David Rath đã lĩnh trọn một cái tát từ đồng nghiệp khi đưa ra những chỉ trích vô căn cứ, có phần bịa đặt về đồng nghiệp, bôi nhọ vợ của một nghị sĩ, tự khẳng định bản thân là chính trị gia quyền uy nhất nước.

Người ta cho rằng David Rath, vốn bản tính ham quyền lực và danh tiếng, đã phải ngậm đắng nuốt cay rời bỏ chiếc ghế cao nhất ở CLK để về phe Klaus. Tất nhiên, chuyện này đã khiến Rath phải từ bỏ một khoản thu lớn, thậm chí mất luôn uy tín ở tỉnh Trung Séc. Rath tỏ ra phật ý, tức giận công khai lăng mạ Thủ tướng, gọi Klaus là “lão già cứng đầu” hay “ông vua không biết suy nghĩ”.

Liên minh Rath - Paroubk (giữa) đã giúp chính trị gia này thăng tiến rất nhanh nhưng cũng đem lại không ít phiền toái.

Con người này chẳng biết sợ là gì, hễ cứ mở miệng là nhắc tới luật pháp, là chỉ giáo người khác phải tuân thủ quy định nhà nước để tránh bị phạt oan. Dù xuất thân trong một gia đình bề thế nhưng cách ứng xử chính trị của Rath lại vô cùng quê mùa, non yếu và nhạt nhẽo.

Trước cuộc bầu cử tỉnh trưởng tháng 5/2010, Rath bị lôi vào vụ tranh cãi ầm ĩ với cựu Bộ trưởng, Phó chủ tịch đảng CSSD Milan Urban khi ông này đe dọa sẽ gạt tên Rath ra khỏi danh sách ứng cử. Thực tế hai người đang tranh giành nhau từng lá phiếu một, nên cũng dễ hiểu khi Rath buộc phải chống lại Urban để chiến thắng.

Nhờ tới sự hỗ trợ của Paroubk, Rath tiếp tục tranh cử và xếp thứ hai sau đợt đầu bỏ phiếu. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng chiếc ghế tỉnh trưởng thuộc về tay Rath nhờ những cuộc vận động đầy hấp dẫn và khoản tiền tranh cử khổng lồ hàng trăm triệu korun. Căng thẳng lại gia tăng giữa Rath và Urban, nhưng lần này Urban tỏ ra yếu thế hoàn toàn trước một Rath được Paroubk trợ giúp.

Quả thực Paroubk rất tin tưởng Rath, ông ta chiếm hoàn toàn lòng tin của cựu thủ tướng. Paroubk vào ngày từ chức đã lên truyền hình đọc diễn văn, trong đó đề cập tới chuyện sẽ cất nhắc Rath vào vị trí Chủ tịch đảng CSSD. Tuy nhiên, Paroubk rời đi đồng nghĩa với việc Rath không còn ô dù để che chắn. Ông tự lôi kéo các chính trị gia về phe mình với hy vọng tạo nên một thế lực đủ mạnh nhằm chiếm chức Chủ tịch CSSD.

Trong khi đó, một nhóm thành viên CSSD căm ghét Rath đã đe dọa sẽ đồng loạt ký đơn tống cổ Rath ra khỏi đảng nếu ông không hủy bỏ những giao kèo chính trị với Paroubk có lợi cho ông. Thất bại này khiến David Rath chẳng có nổi một tiếng nói trong hội nghị của đảng CSSD vào mùa xuân năm 2011. Trong khi đó, ông lại thêm căm tức khi bạn thân Bohuslav Sobotka đã chiếm vị trí Chủ tịch CSSD, tuyên bố cắt dứt quan hệ với Rath.

Tất nhiên, Rath vẫn còn chút quyền lực trong đảng, và vẫn nuôi tham vọng sẽ lên lãnh đạo CSSD. Rõ ràng có rất nhiều người công khai không ưa gì Rath, nhất là trong nội bộ CSSD và muốn ông ra khỏi đảng càng sớm càng tốt. Họ không muốn Rath tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nào nữa, trong khi thế lực ủng hộ Rath cũng không phải là ít.

Âm mưu một cuộc đảo chính

Có người tin rằng David Rath đang âm mưu một cuộc đảo chính ở Séc. Trong cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm chính phủ năm ngoái, David Rath tự tin tuyên bố cơ hội phế truất Chính phủ Séc, do đảng ODS lãnh đạo, của phe đối lập lớn hơn các lần trước.  "Thật lạ lùng, nhưng tôi có cảm giác lần bỏ phiếu này sẽ khác. Vào những lần trước tôi có cảm giác là chúng tôi sẽ không đạt được mong muốn. Bây giờ, lần đầu tiên tôi cho rằng cơ hội của chúng tôi được nâng lên rất lớn, ít nhất là 50%".

Rath cho rằng nội tình của đảng Xanh và ODS đã thay đổi, mối quan hệ trong các liên minh đã vỡ vụn và không còn đoàn kết như trước. Ông tiết lộ chuyện trao đổi thông tin với một số nghị sĩ đảng Xanh, thậm chí đưa ra tài liệu cho thấy những bất đồng chính kiến trong hai đảng.

David Rath từng buộc đảng đối lập ODS phải triệu tập họp Quốc hội bất thường chỉ vì một câu nói có liên quan tới Hitler. Số là trong buổi trả lời phỏng vấn với nhật báo Lidove Noviny, David Rath đã lấy luôn tấm gương trùm phát xít Adolf Hitler làm ví dụ giải quyết khủng hoảng kinh tế: "Adolf Hitler đã giải quyết khủng hoảng như thế nào? Các vị cứ cười đi, nhưng đây là những vấn đề nghiêm túc. Hitler giải quyết bằng cách tăng cường quân bị, bằng cách đó đã tạo việc làm cho nhân dân và khởi động nền kinh tế! Bằng cách đó Hitler đã thắng cử! Nhưng sau đó thì nổ ra chiến tranh... Những nhà kinh tế tự do đã quên điều này. Và thay vào đó là những thứ tưởng tượng ngu xuẩn họ tự gây nên".

Lãnh đạo ODS đang tính đến khả năng đòi loại bỏ David Rath ra khỏi tất cả các chức vụ mà ông đang nắm giữ vì "thái độ thiện cảm" với trùm phát xít. Trong khi đó, Paroubk lại cương quyết bảo vệ David Rath, chống lại cáo buộc Rath thuộc nhóm bại hoại đạo đức, không còn tính người. Phe ODS cảm thấy kinh tởm những thủ đoạn của CSSD, mà đảng này đang thông qua những người đứng đầu sẵn sàng mang ra sử dụng đối phó với ODS cùng các đảng khác.

Paroubk đang cố gắng từ "phát biểu vô tình" của David Rath đánh lạc hướng dư luận: "Thật là vớ vẩn khi buộc tội David Rath vào những chuyện như vậy, trong khi một bộ phận gia đình ông ta bị phát xít sát hại. Tôi cho rằng đó là một ý tưởng cần được xem xét". Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Ivan Langer cho rằng, CSSD nên suy ngẫm một cách nghiêm túc xem liệu có nên để một người có quan điểm và hành vi như vậy giữ những trọng trách cao như ghế tỉnh trưởng hay không.

Quả thực, David Rath kịch liệt phản đối mọi chính sách của ODS khi cho rằng thủ tướng đang "chơi trận giả" để thu hút chú ý sang hướng khác tránh phải giải quyết sai lầm do mình gây ra. Rath thấy từ chính quyền hiện tại những mớ lộn xộn, nhất là khi cơ quan điều tra mafia lớn nhất nước BIS lại chuyên đi săn lùng cảnh hội họp, ăn chơi của các nghị sĩ CSSD. "Tôi rất bực mình bởi vì cho rằng cái cơ quan an ninh này phải tập trung vào việc chống mafia và các tổ chức tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia chứ không phải quan tâm tới việc của đảng CSSD ".

Chiến lược của chính trị gia này là dựa hơi những bê bối trong chính phủ để kêu gọi lật đổ. Đó là vụ cách chức Bộ trưởng Tư pháp Jiri Pospisil vì mafia, bê bối tài chính của Nghị sĩ Dalik hay các can thiệp điều tra lừa đảo của thành viên ODS Wolf. Chính quyền từng bị lung lay bởi chuyện Phó thủ tướng Jiri Cunek là quan chức cao cấp đầu tiên trong nội các Cộng hòa Séc bị buộc tội nhận hối lộ. Theo Rath, chính quyền bây giờ đã mục nát hoàn toàn và cần một bộ máy lãnh đạo mới "trong sạch - minh bạch hơn".

Lời tuyên bố này được dư luận khắc ghi và tin tưởng cho tới khi David Rath bị bắt vì tội tham nhũng và rửa tiền. Thêm một cú huých đau đớn vào chính quyền Cộng hòa Séc khi những nhân vật chóp bu tiếp tục sa lầy vào cạm bẫy tội lỗi.

Ít ai ngờ rằng vụ bê bối này của Rath đã diễn ra âm thầm từ lâu và được cảnh sát theo dõi rất chặt chẽ cho tới khi đủ bằng chứng kết tội. Nhưng điều khiến người ta ngạc nhiên hơn chính là việc Rath sẽ được giảm án, thậm chí không phải ngồi tù nếu như nộp tiền bảo lãnh…

Lâm Anh - Thùy Dương (tổng hợp)
.
.