Nữ điệp viên “Mata Hari của châu Mỹ”

Thứ Tư, 27/04/2016, 22:05
Sử dụng chiêu bài "mỹ nhân kế" là sở trường của mọi tổ chức tình báo, nhất là với cơ quan phản gián Đức quốc xã trong Thế chiến II. Ngoài nữ điệp viên huyền thoại Mata Hari người Hà Lan hoạt động trên đất Pháp, còn có một mỹ nữ khác không mấy kém cạnh về sắc đẹp cũng như bề dày chiến tích.

Đó là nữ minh tinh điện ảnh người Đức Catherine Matilda Krueger (1914-1991), với nghệ danh Hilde Kruger đã thâm nhập được vào giới chính khách chóp bu ở Mexico, quốc gia láng giềng với Hoa Kỳ để thu thập thông tin chiến lược, giúp Berlin dễ bề ứng phó một khi Washington quyết định tham chiến ủng hộ các đồng minh châu Âu...

Nữ diễn viên kiêm điệp viên Hilda Krueger trong bộ phim "El que murió de amor" (Các kiểu chết vì tình) của điện ảnh Mexico.

Sinh ngày 11-9-1914 tại Cologne, ngay từ nhỏ Catherine đã nuôi mơ ước trở thành diễn viên màn bạc và đã toại nguyện lúc mới 20 tuổi, khi vào vai chính trong bộ phim "Nur nicht weich werden, Susanne!" (Chớ mềm lòng, hỡi Susanne!). C. Krueger lúc đó mang nghệ danh Hilde Kruger rất được nhiều người đàn ông ngưỡng mộ, trong đó có cả nhân vật đầy quyền thế là đương kim Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels trong chính phủ do trùm quốc xã Adolf Hitler đứng đầu.

Dưới sự bảo trợ của J. Goebbels, sự nghiệp của Hilde thăng tiến như diều gặp gió, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm cô đã xuất hiện trong 14 bộ phim, hầu hết đều đóng vai nữ chính và trở thành ngôi sao của điện ảnh Đức. Sau khi quân đội phát xít tấn công Ba Lan mở màn Thế chiến II, nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược cài cắm điệp viên sang đất Mỹ, qua trung gian giới thiệu của Goebbels, Cơ quan tình báo Quốc phòng Đức (Abwehr) đã tuyển mộ H. Kruger trong vào năm 1940 và cử cô đào sang Tân thế giới với lý do hợp lệ là "muốn nâng cao trình độ nghề nghiệp" ở kinh đô điện ảnh Hollywood.

Nhưng do vốn tiếng Anh quá kém, cũng như lối diễn xuất cứng nhắc không gây ấn tượng mấy nên giới đạo diễn Mỹ vẫn chưa mời cô ta thử vai... Tuy nhiên nữ minh tinh mang vẻ đẹp quý phái đã lọt vào mắt xanh của tỉ phú Jean Paul Getty (1892-1976), nhà tài phiệt dầu mỏ, cũng là người giàu nhất nước Mỹ khi ấy.

Để hợp thức hóa việc H. Kruger có mặt lâu dài tại xứ cờ hoa, viên Tổng lãnh sự Đức ở San Francisco đã đứng ra mai mối người đẹp với Gert von Gontard, một doanh nhân gốc Đức đang thừa kế hãng bia Budweiser có trụ sở tại thành phố St Louis (tiểu bang Missouri). Còn căn hộ mà cặp tình nhân sống ở Los Angeles lại do J. Getty đứng tên thuê... Ngay sau khi Thế chiến II bùng nổ, di dân từ Đức rất khó di chuyển tự do xung quanh các khu vực nhạy cảm trên đất Mỹ.

Trong khi Abwehr có nhiệm vụ thu thập tin tức về tiềm năng công nghiệp quân sự của Hoa Kỳ, cũng như các động thái chuyển dịch quân đội quy mô lớn của người Mỹ. Do vậy Abwehr liền chuyển nữ điệp viên sang Mexico, một địa bàn lân cận sát nách Hoa Kỳ với hy vọng cô ta cũng nắm được những nguồn tin đáng giá.

Vậy là vào ngày 9-2-1941, H. Kruger đã băng qua cửa khẩu Nuevo Laredo trên đường biên giới Mỹ - Mexico, kèm lá thư tay "bảo bối" của J. Getty gửi giới thượng lưu ở thủ đô Mexico City. Người đẹp tóc vàng đầy quyến rũ nhanh chóng tiếp cận được ngài Ramon Beteta Quintana, Tổng thư ký Bộ Tài chính Mexico, rồi trở thành tình nhân của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Miguel Aleman khiến ông này đã tậu riêng một căn hộ cao cấp cho nàng.

Ngoài ra nữ điệp viên H. Kruger cũng duy trì mối quan hệ mật thiết với Ngoại trưởng Ezequiel Padilla và Thống tướng Juan Andreu Almazan. Kết quả từ cuộc tình vụng trộm với M. Aleman đã tạo điều kiện cho hơn 300 điệp viên Đức có thị thực nhập cảnh Mexico một cách thuận lợi.

Do chính quyền Mexico khi ấy vừa quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ nên bị phương Tây cấm vận, vậy là hàng trăm tấn vật liệu chiến tranh đã được hạm đội tàu ngầm Đức bí mật chở tới hải cảng Veracruz ven bờ Đại Tây Dương qua ngả kênh đào Panama; đổi lại là một lượng lớn dầu mỏ cùng các nguyên liệu chiến lược khác đã được phía Mexico cung ứng cho Berlin. Hầu hết các quan chức chính phủ và giới chính trị gia tham gia vào các vụ buôn lậu với quân Đức đều quen biết H. Kruger.

Dù đã tạo vỏ bọc hợp pháp là tham gia đóng nhiều cuốn phim trên màn bạc Mexico và đã đổi nghệ danh mới là Hilda Krueger, nhưng mọi động thái của "Mata Hari của châu Mỹ" như giới nhân viên mật vụ Mỹ OSS (tiền thân của CIA) thường gọi ám chỉ H. Kruger, kể cả cuộc tình với Bộ trưởng M. Aleman đều bị giám sát chặt chẽ…

Sau khi quân đội Nhật Bản bất ngờ mở cuộc tấn công Trân Châu Cảng vào đầu tháng 12-1941, người Mỹ quyết định tham chiến và Bộ Ngoại giao Mỹ liền thông báo cho giới hữu trách Mexico về mạng lưới gián điệp của phe Trục đang tồn tại trên đất nước họ, trong đó là bản danh sách 24 điệp viên Đức quốc xã nguy hiểm nhất gồm cả Hilda Krueger. Đồng thời Washington cũng khẳng định 2 viên bộ trưởng Mexico sừng sỏ M. Aleman và E. Padilla đã tiếp tay cho lợi ích của Đức tại Mexico. Dưới áp lực từ phía Hoa Kỳ, trong tháng 3-1942, mạng lưới gián điệp này đã bị bắt giữ, riêng "Mata Hari của châu Mỹ" được trả tự do ít lâu sau nhờ sự can thiệp tích cực từ người tình đầy thế lực M. Aleman.

Để khỏi bị dẫn độ về Mỹ xét xử tội làm gián điệp theo yêu cầu của Washington, H. Kruger vội vã kết hôn với cháu nội của cố Tổng thống Mexico Porfirio Diaz (1830-1915) là Nacho de la Torre. Tới năm 1946, khi tình nhân cũ M. Aleman được bầu làm Tổng thống Mexico, thì H. Kruger lúc ấy đã bỏ N. Torre và cưới đại gia người Cuba Julio Lobo, kẻ được mệnh danh là "vua mía đường" rồi cùng chồng chuyển đến Tây Ban Nha vào đầu năm 1959, sau khi cách mạng Cuba thành công.

Tới năm 1958, H. Kruger còn xuất hiện với vai diễn trong một bộ phim hài của Thụy Sĩ.

Thông tin cuối cùng về nữ điệp viên "Mata Hari của châu Mỹ" là cuốn phim tài liệu chiến tranh mang tựa đề "The Last Nazi network in Mexico" (Mạng lưới cuối cùng của Đức quốc xã ở Mexico), được quay vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước.

Qua đó Ida Rodriguez, một cô bạn thân của H. Kruger hồi bà còn ở Mexico kể về lần gặp cuối cùng giữa họ tại nhà của Hilde ở New York (Mỹ). Rồi "nàng Mata Hari của châu Mỹ" Hilde Kruger đột nhiên biến mất không để lại dấu vết, có nguồn tin nói rằng bà ta đã chết vào năm 1991 sau khi tự nguyện hồi hương về đất Đức.

Quang Long (tổng hợp)
.
.