Nữ điệp viên không chỉ là những con chim mồi

Thứ Ba, 15/05/2012, 22:55

Theo ý kiến của một số người, nếu như phụ nữ được sử dụng trong hoạt động tình báo, chủ yếu chỉ dưới dạng "bẫy mỹ nhân", quyến rũ những đối tượng có nắm những bí mật quân sự hay quốc gia quan trọng. Hiện nay, các cơ quan mật vụ của một loạt quốc gia, hàng đầu là Mỹ và Israel, rất tích cực sử dụng phương pháp này để khai thác thông tin mật. Nhưng mặt khác, nhiều điệp viên nữ xuất sắc trong lịch sử đã cho thấy, họ không hề cam chịu với vai trò "chim mồi" chỉ để thuần túy thu hút các nguồn tin cần khai thác hay tuyển mộ.

Theo như nhà báo Xôviết nổi tiếng Alexander Kondrasov, ngay cả điệp viên huyền thoại Richard Zorge cũng có đánh giá về sự không thích hợp của việc lôi kéo phụ nữ vào hoạt động tình báo nghiêm túc.

Như khẳng định của nhà báo này, Richard Zorge tuyển mộ các nữ điệp viên trong mạng lưới của mình chỉ để phục vụ cho những mục đích hỗ trợ. "Phụ nữ hoàn toàn không thích hợp với hoạt động tình báo. Họ thường yếu kém khi tìm hiểu về các vấn đề chính trị cao cấp hay những nhiệm vụ quân sự. Ngay cả khi bạn lôi kéo để họ thám thính những người chồng của mình, họ cũng khó có khái niệm thực tế về những gì chồng mình đã nói. Họ quá nghiêng về tình cảm, ủy mị và không thực tế" - Zorge nhận xét.

Tuy nhiên cũng cần phải tính tới việc, đây là những phát biểu của Zorge ngay tại phiên tòa xét xử chính mình. Trong phiên tòa này, Zorge đã làm hết sức để bảo vệ cho các chiến hữu và trợ lý (trong đó có cả phụ nữ) bằng cách nhận hết tội về mình, khẳng định những người trên chỉ là "những quân bài vô tình bị lợi dụng" trong hoạt động tình báo của ông. Zorge hiểu rất rõ tâm lý của người Nhật khi đó luôn coi phụ nữ thuộc loại "công dân hạng hai". Chính điều này đã cứu được mạng sống cho nhiều trợ lý thân cận của ông.

Đã có rất nhiều phụ nữ được ghi danh trong các trang sử vẻ vang của tình báo đối ngoại Xôviết từng hoạt động tại châu Âu và các khu vực lãnh thổ Liên Xô bị chiếm đóng trong những năm trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đầu tiên phải kể tới nữ ca sĩ nổi tiếng Nadezda Pleviskaya, người đã hoạt động rất tích cực tại Paris vào thời kỳ ngay trước chiến tranh. Cùng với chồng, tướng Nikolay Skoblin, bà đã nắm được mọi hoạt động chống Nhà nước Xôviết của tổ chức mang tên "Liên minh các binh chủng Nga" (ROVS) chủ chương tổ chức các hành động khủng bố chống lại Liên Xô.

Nhờ thông tin từ những người Nga yêu nước như Pleviskaya, mật vụ Xôviết đã bắt giữ được 17 gián điệp của ROVS được tung vào Liên Xô, cũng như đập tan 11 cơ sở bí mật của bọn khủng bố tại Moskva, Leningrad và Zakavkaz. Cũng chính nhờ nỗ lực của vợ chồng Pleviskaya-Skoblin, tình báo đối ngoại Nga đã đập tan tổ chức phản động ROVS, vô hiệu hóa âm mưu của Hitler nhằm sử dụng lực lượng hơn 20.000 thành viên của tổ chức này trong cuộc chiến chống lại Liên Xô.

Thực tế những năm chiến tranh cho thấy, phụ nữ không hề thua kém đàn ông trong việc thực thi những nhiệm vụ tình báo quan trọng nhất. Chẳng hạn như ngay trước chiến tranh, điệp viên Fedor Parparov của tình báo Xôviết tại Berlin đã tuyển mộ được một nguồn tin quan trọng có mật danh “Marta”, vốn là vợ một quan chức ngoại giao nổi tiếng của Đức. Bà là người thường xuyên cung cấp thông tin về các cuộc đàm phán của Bộ Ngoại giao Đức với các đại diện của Anh và Pháp. Từ đó có thể rút ra kết luận, London và Paris quan tâm đến vấn đề chống lại chủ nghĩa Cộng sản hơn cả nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một tổ chức an ninh tập thể tại châu Âu để ngăn chặn hiểm họa xâm lược của chủ nghĩa phát xít.

Marta còn tiết lộ thông tin về một gián điệp của Đức trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Tiệp Khắc, thường xuyên tuồn cho Berlin thông tin tuyệt mật về tình hình và khả năng tác chiến của quân đội nước này. Nhờ những dữ liệu trên, tình báo Xôviết đã vô hiệu hóa được tên này, giúp các cơ quan an ninh Tiệp Khắc bắt giữ được hắn.

Sát cánh cùng với Parparov tại chính trái tim của nước Đức trong những năm trước chiến tranh còn có nhiều điệp viên xuất sắc khác. Trong số này có Ilse Stobe (mật danh “Alta”), một nữ phóng viên đã giúp tuyển mộ được nhà ngoại giao Đức Rudolf von Scheliha (mật danh Aries). Scheliha đã chuyển về Moskva những thông tin quan trọng cảnh báo về âm mưu tấn công sắp tới của phát xít Đức.

Ngay từ tháng 2/1941, Alta đã thông báo về việc hình thành 3 tập đoàn quân phát xít nhằm vào 3 hướng tấn công chính là Leningrad, Moskva và Kiev. Alta, vốn là một chiến sĩ nhiệt thành chống chủ nghĩa phát xít, luôn tin rằng chỉ có Liên Xô mới có thể giúp đập tan được chủ nghĩa phát xít.

Đầu năm 1943, Alta cùng Aries đã bị Gestapo bắt giữ và xử tử hình cùng các thành viên của nhóm tình báo "Kapella đỏ". Một loạt các nữ điệp viên xuất sắc khác của tình báo Xô Viết trong thời gian này như Elizabeth Zarubina, Leontina Cohen, Elena Modrzinskaya, Kitty Harris, Zoya Voskresenskaya -Rybkina - đều hoàn thành những nhiệm vụ nguy hiểm của mình nhờ động lực của chủ nghĩa yêu nước, mong muốn bảo vệ thế giới trước bóng đen xâm lược của Hitler.

Những thông tin quan trọng nhất trong quá trình cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại không chỉ tới từ nước ngoài, mà còn từ vô số các nhóm tình báo hoạt động trong những vùng lãnh thổ Xôviết bị kẻ thù chiếm đóng. Mọi người đều biết về Zoya Kosmodemyanskaya, người đã biến cái chết của mình trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm.

Còn nữ điệp viên chiến trường 17 tuổi Tania đã vinh dự trở thành người đầu tiên trong danh sách 86 phụ nữ được phong danh hiệu Anh hùng thời chiến của Liên Xô. Không thể không nhắc tới chiến công của các nữ điệp viên trong thành phần đội tình báo "Pobediteli" (Những người chiến thắng) của Dmitri Medvedev, nhóm tình báo của Vladimir Molodsov với những thông tin có tầm quan trọng chiến lược được họ gửi về Moskva.

Nữ điệp viên Maria Mikota trong nhóm "Pobediteli" và nữ điệp viên Galina Fedorova.

Cô gái Pasa Savelev từ Rzev đã thành công trong việc thu thập và gửi cho cấp trên một mẫu vũ khí hóa học mà Bộ chỉ huy quân sự Hitler dự định dùng để chống lại Hồng quân. Sau khi bị mật vụ phát xít bắt được, Savelev đã phải hứng chịu những đòn tra tấn khủng khiếp trong nhà tù của Gestapo tại thành phố Lusk (Ukraina). Lòng dũng cảm và khả năng tự chủ của cô còn khiến giới mày râu phải nể phục: bất chấp mọi thủ đoạn tra tấn dã man nhất, Savelev vẫn không hề hé răng khai báo về các đồng đội trong nhóm của mình.

Sáng ngày 12/1/1944, Savelev đã bị thiêu sống ngay tại sân nhà tù Lusk. Nhưng sự hy sinh anh dũng của cô đã không hề uổng phí, khi những thông tin tình báo quan trọng trên đã được trình trực tiếp cho Stalin. Các đồng minh của Moskva trong liên minh chống phát xít lập tức cảnh báo Berlin, khẳng định quân phát xít sẽ bị đáp trả đích đáng nếu sử dụng vũ khí hóa học. Nhờ chiến công của nữ điệp viên Savelev, âm mưu dùng vũ khí hóa học tấn công Hồng quân của Hitler đã được ngăn chặn kịp thời.

Nữ điệp viên Lidia Lisovskaya từ nhóm "Pobediteli" được coi là trợ thủ thân cận nhất của điệp viên Nikolay Kuznesov. Với vai trò nữ phục vụ bàn tại một sòng bạc của quân phát xít ở Ukraina, cô đã giúp Kuznesov làm quen với nhiều sĩ quan Đức, thu thập thông tin về nhiều quan chức cao cấp của phát xít tại đây. Lisovskaya còn thuyết phục được người chị họ Maria Mikota tham gia hoạt động tình báo với mình, theo nhiệm vụ của trung tâm đã tìm cách trở thành một nguồn tin của Gestapo, nhờ đó cung cấp cho du kích nhiều thông tin kịp thời về các chiến dịch thanh trừng của quân Đức.

Thông qua Mikota, Kuznesov đã làm quen được với tay sĩ quan SS Fon Ortel, một thành viên trong bộ chỉ huy đơn vị đặc nhiệm nổi tiếng của Otto Skorzeni. Về sau từ Ortel, tình báo Xôviết lần đầu tiên đã nắm được thông tin cho biết, quân Đức đang âm mưu chuẩn bị một chiến dịch đặc biệt nhằm vào cuộc gặp của ba nguyên thủ Liên Xô, Mỹ và Anh tại Tehran. Ngày 15/11/1943, Lisovskaya còn tham gia trực tiếp vào chiến dịch bắt cóc viên tướng Đức Ilgen và chuyển hắn về sở chỉ huy.

Ngay từ giai đoạn đầu tiên của Chiến tranh lạnh, Lầu Năm Góc với ưu thế sở hữu bom nguyên tử đầu tiên đã âm mưu lên kế hoạch về một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm xóa sổ Liên Xô. Để có được những quyết sách đối phó hữu hiệu, các nhà lãnh đạo Liên Xô rất cần những thông tin tình báo chuẩn xác về các kế hoạch và âm mưu của quân đội Mỹ. Đóng vai trò không kém phần hiệu quả trong việc khai thác những thông tin trên là một loạt các nữ điệp viên xuất sắc khác của Liên Xô như Irina Alimova, Galina Fedorova, Elena Kosova, Anna Filonenko, Elena Cheburaskina v.v…

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.