Nữ điệp viên mang mật danh "Người đàn bà Australia" là ai?

Thứ Tư, 04/02/2009, 15:00
“Người đàn bà Australia” qua đời tại thành phố Saint Petersbourg vào năm 1995, là năm mà Vasily Mitrokhin đào thoát. Nhưng phải 10 năm sau danh tính của nữ điệp viên Edna Patterson mới xuất hiện trong cuốn sách “Hồ sơ Mitrokhin: Hoạt động của tình báo Liên Xô trên thế giới” trước sự ngỡ ngàng của FBI

Vào năm 2005, khi phần hai của cuốn sách có nhan đề “Hồ sơ Mitrokhin: Hoạt động của tình báo Liên Xô trên thế giới” được xuất bản (Vassili Mitrokhin là điệp viên làm việc lâu năm cho tình báo Liên Xô đào thoát và đầu thú với Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh vào năm 1995 và đã chuyển giao cho cơ quan tình báo này 25.000 trang tài liệu liên quan đến hoạt động của tình báo Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh), các nhân viên của Đơn vị Phản gián của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bỗng chú ý đến danh tính một phụ nữ xuất hiện trong cuốn sách này. Đó chính là “Người đàn bà Australia” Edna Margaret Patterson, điệp viên Liên Xô nằm vùng tại Mỹ từ năm 1944 đến năm 1956, sau đó biến mất khi bị FBI truy bắt.

Edna Margaret Patterson sinh ngày 16/4/1912 tại thành phố Sydney của Australia trong một gia đình người Nga di dân đến Australia vào đầu thế kỷ XX. Năm 1934, sau khi tốt nghiệp ngành ngữ văn của Đại học Sydney, Edna Patterson được nhận vào làm việc tại bộ phận quan hệ quốc tế của Hội đồng thành phố Sydney và nhanh chóng nổi tiếng là một nhân viên nói thông thạo được nhiều ngoại ngữ. Và thế mạnh này đã giúp Edna Patterson được tuyển dụng vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Australia từ năm 1936.

Theo hồ sơ Mitrokhin, chính trong thời gian làm việc trong ngành ngoại giao mà người phụ nữ gốc Nga này đã được Willy Clayton, mang mật danh KLOD, điệp viên nằm vùng của tình báo Liên Xô tuyển dụng. Nhiệm vụ của Patterson là thu thập những thông tin liên quan đến hoạt động ngoại giao và cả an ninh quốc phòng của Australia rồi chuyển giao cho Clayton. Năm 1939, Edna Patterson được kết nạp vào đảng Cộng sản Australia.

Năm 1944, khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào giai đoạn quyết liệt, giữa các quốc gia phương Tây và Liên Xô bắt đầu xuất hiện những rạn nứt về ý thức hệ, Edna Patterson được lệnh tìm mọi cách đến Mỹ để hoạt động tình báo với nhiệm vụ mới. Nhiệm sở mới của Edna Patterson là trụ sở Phái bộ Ngoại giao Australia tại thủ đô Washington.

Tháng 1/1945, tình báo Liên Xô nối lại liên lạc với Edna Patterson. Đích thân Vasily Zarubin, người đứng đầu hoạt động tình báo của Liên Xô tại các bang miền Đông nước Mỹ giao nhiệm vụ  cho Edna Patterson, mang mật danh “Người đàn bà Australia”, tìm cách thu thập thông tin về hoạt động quốc phòng và tình báo của Mỹ thông qua các quan hệ của Phái bộ Ngoại giao Australia. Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, Edna Patterson nhận được sự hỗ trợ tối đa từ một đường dây điệp báo có tên gọi “Nhóm Silvemaster” do Greg Silvermaster, một người Mỹ gốc Nga, đảng viên đảng Cộng sản Mỹ, giảng dạy tại Đại học Wisconsin, phụ trách.

Chiến công lớn nhất của  “Người đàn bà Australia” là thu thập thông tin liên quan đến hệ thống cài và giải mã tuyệt mật của tình báo Mỹ và tình báo Anh có tên gọi Venona. Chính nhờ hệ thống giải mã mà phản gián Mỹ và phản gián Anh đã phá vỡ được nhiều đường dây điệp báo của tình báo Liên Xô cài cắm tại Mỹ và Anh thông qua việc giải mã điện văn mà các đường dây điệp báo này gửi và nhận từ Moksva. Việc giải mã các điện văn này còn giúp nhiều cơ quan tình báo phương Tây kịp thời cảnh báo cho các điệp viên nằm vùng tại Liên Xô thoát khỏi các cuộc vây bắt của phản gián Liên Xô.

Đầu năm 1948, khi được mời đến Sứ quán Anh tại thủ đô Washington, Edna Patterson tình cờ làm quen với Bill Westboard, một sĩ quan làm việc tại bộ phận mật mã của Sứ quán Anh. Là một điệp viên nằm vùng giàu kinh nghiệm, sau nhiều lần tiếp cận Westboard, Edna Patterson đã có được những thông tin liên quan đến hệ thống cài và giải mã Venona. Những thông tin đặc biệt quan trọng này liền được Edna Patterson chuyển giao cho Zarubin và nhờ đó mà tình báo Liên Xô đã kịp thời thay đổi các khóa mật mã, từ đó vô hiệu hóa nhiệm vụ giải mã của hệ thống Venona.

Hoạt động nằm vùng của Edna Patterson chỉ bị phát hiện vào năm 1955 khi xảy ra mâu thuẫn giữa Semyon Semenov, người thay thế Zarubin vào cương vị phụ trách hoạt động của tình báo Liên Xô tại các bang miền Đông nước Mỹ với một điệp viên nội gián người Mỹ tên Elizabeth Bentley. Và khi mâu thuẫn không được dàn xếp, Bentley quyết định đầu thú với FBI để được giảm tội. Tại các buổi thẩm vấn, Bentley đã khai báo danh tính của 37 điệp viên nội gián và điệp viên nằm vùng có liên quan đến đường dây điệp báo Silvemaster, trong đó có cả Edna Patterson.

Tháng 10/1955, Tòa án Tối cao Mỹ đã chấp thuận cho FBI bắt giữ 34 viên chức chính phủ được cho là điệp viên nội gián làm việc cho tình báo Liên Xô, trong đó có một số quan chức cao cấp như Maurice Halperin, cố vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ... Victor Perlo, Giám đốc Bộ phận tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ... Tuy nhiên một số điệp viên nằm vùng của tình báo Liên Xô như Semenov và Edna Patterson đã kịp thời trốn thoát.

Từ khi biết được hành động đầu thú của Bentley, tình báo Liên Xô ra lệnh cho Semenov và Edna Patterson đào thoát đến thành phố Toronto của Canada. Tại đây, cả hai được nghi trang thành thuyền viên của một tàu hàng của Liên Xô và sau đó quay về Liên Xô an toàn. Về lại quê cha đất tổ, Edna Patterson mang tên mới là Francia Yakilnilna Mitynen và vẫn tiếp tục làm việc cho tình báo Liên Xô đến năm 1972 mới nghỉ hưu. Trước đó vào năm 1968, để ghi nhận công lao của Edna Patterson, Chính phủ Liên Xô đã quyết định trao tặng cho nữ điệp viên này Huân chương Cờ đỏ cao quý

V.H. (theo CiCentre)
.
.