Nữ điệp viên tham gia khôi phục hoạt động tình báo XôViết tại Tây Âu

Thứ Sáu, 25/06/2010, 21:15

Ngay từ năm 1940, bà đã được đào tạo chuẩn bị cho các hoạt động bí mật. Trong thời gian chiến tranh, bà cùng nhiều đồng đội đã vượt qua bên kia chiến tuyến với nhiệm vụ khôi phục lại mạng lưới tình báo XôViết tại Tây Âu. Những lời kể mới nhất của nữ điệp viên lão thành Tamara Klimenko với phóng viên tờ Tuyệt mật đã giúp làm rõ được phần nào quãng đời hoạt động tình báo sôi nổi của bà...

Bà  Tamara đến với nghề tình báo một cách hoàn toàn tình cờ. Ước mơ lớn nhất thời trẻ của bà là được vào học tại trường hàng không. Cũng chính vì điều này, khi mới 16 tuổi, Tamara đã một mình lặn lội tới thành phố Kharkov để xin thi vào trường hàng không tại đây. Vượt qua được kỳ thi, nhưng Tamara cũng không được nhận vào học với lý do chưa đủ tuổi.

Cầm tờ giấy chứng nhận của trường hàng không trên tay, Tamara lại tình cờ ghé vào Viện Giáo dục ngôn ngữ gần đó. Cô quyết định đăng ký học tiếng Pháp tại đây cũng vì một lý do: gần đó có một câu lạc bộ hàng không để có thể tới đó sinh hoạt. Tuy nhiên, Tamara một lần nữa lại không được nhận do thiếu có 2 centimet chiều cao. Không nản chí, cô lại xin vào một trường huấn luyện nhảy dù, trong khi vẫn tiếp tục theo học ngoại ngữ.

Đến năm thứ tư, một viên sĩ quan tới trường, đề nghị Tamara và một vài người nữa vào quân đội đảm nhiệm một công việc liên quan đến ngoại ngữ. Cô cùng 6 người được chọn đã tới Moskva để tham gia một lớp đào tạo nghiệp vụ đặc biệt. Họ được giải thích rằng, đất nước đang cần những người giỏi ngoại ngữ, có trình độ để có thể nắm bắt được những kế hoạch của kẻ thù. Tamara và đồng đội đã được đào tạo về nghiệp vụ khá kỹ lưỡng. Bản thân cô được cấp trên chú ý hơn vì ngoài tiếng Pháp còn có khả năng nói được tiếng Tây Ban Nha và Italia. Bên cạnh ngoại ngữ, các điệp viên tương lai được học kỹ về lịch sử, phong tục của những quốc gia có khả năng được đặt chân tới.

Trong số những giáo viên trực tiếp dạy Tamara và đồng đội, có cả những điệp viên kỳ cựu có nhiều kinh nghiệm. Một trong số này là Yakov Bronin (mật danh Gorin), người từng được giao kế nhiệm vai trò của điệp viên huyền thoại Richard Zorge tại Thượng Hải. Hoàn tất khóa học vào tháng 4/1941, Tamara được cử tới thực tập tại khu vực Baltic dưới vỏ bọc một phóng viên. Cũng vào thời điểm này, phát xít Đức bắt đầu ồ ạt tấn công Liên Xô. Mùa thu năm 1942, phản gián phát xít đã phá vỡ mạng lưới điệp viên "Capella đỏ" tại châu Âu, khiến lực lượng tình báo Xôviết tại châu Âu bị tổn thất nặng nề.

Ban đầu, Tamara theo kế hoạch được cử tới Batumi để tìm hiểu quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong cuộc chiến Liên Xô - Đức. Tuy nhiên, trước đà tiến công rất nhanh của quân Đức, cô được triệu hồi về Moskva, tham gia huấn luyện một đơn vị đặc biệt tại Kavkaz để chuẩn bị tung vào hoạt động tại hậu phương kẻ thù. Tính ra trong suốt thời gian chiến tranh, Tamara cùng đồng đội đã tham gia đào tạo hơn 2000 nhóm điệp báo khác nhau với tổng quân số hơn 15 ngàn người để tung vào hậu phương của kẻ thù.

Nhưng Tamara chỉ thực sự tham gia hoạt động tình báo từ những năm cuối chiến tranh. Năm 1944, khi quân đồng minh mở mặt trận thứ hai và tiến vào nước Pháp, Tamara được triệu hồi về Moskva để chuẩn bị cho một chuyến công tác đặc biệt. Bà cùng một số đồng đội được giao nhiệm vụ phải phục hồi lại mạng lưới tình báo Xôviết tại Tây Âu, trước đó đã bị phát xít Đức phá vỡ và làm tê liệt hoàn toàn.

Vào giai đoạn cuối chiến tranh khi đó, Tamara phải trải qua một chặng đường dài trước khi có thể tới được địa điểm cuối cùng là Paris. Nhóm của Tamara đã phải bay theo một hành trình Moskva-Stalingrad-Baku-Tehran-Baghdad-Cairo. Họ còn phải chờ tại Cairo một thời gian mới tới được Tripoli, trước khi chính thức đặt chân tới Paris. Họ được tung sang khu vực này dưới vỏ bọc ủy ban hồi hương các công dân Xôviết từ Tây Âu. Với vai trò của một liên lạc viên, bà đã phải lặn lội tìm kiếm các điệp viên cũ còn an toàn, khôi phục lại liên lạc với họ, đồng thời tuyển mộ thêm những người mới. Nhóm của bà còn phân công đi khắp các nhà tù và trại tập trung cũ, tìm kiếm những điệp viên cũ mà người Mỹ đang âm mưu che giấu.

Tại Paris vừa được giải phóng, và sau đó là Bỉ và Hà Lan, tình báo Xôviết đã phải hoạt động trong tình hình rất khó khăn, với sự ganh đua của nhiều cơ quan tình báo Anh, Mỹ, Pháp v.v... Tuy nhiên, công việc đã diễn biến trôi chảy hơn rất nhiều kể từ đầu năm 1945, khi Hồng quân Xôviết bắt đầu chuyển sang tấn công mạnh mẽ. Nhiều người bị thuyết phục bởi sức mạnh và thắng lợi của Liên Xô đã sẵn sàng hợp tác với tình báo Xôviết. 

Với sự nỗ lực của Tamara cùng đồng đội, mạng lưới tình báo Xôviết tại Pháp và các nước Đông Âu đã được khôi phục và phát triển nhanh chóng. Nhiều điệp viên trong mạng lưới này về sau đã có nhiều đóng góp quan trọng cho những thành công của tình báo Xôviết thời kỳ chiến tranh lạnh sau đó. Vì những nguyên nhân mang tính nghiệp vụ, Tamara không thể kể cụ thể về những điệp viên này.

Sau khi Chiến tranh kết thúc, Tamara Romanova còn hoạt động tại Pháp thêm một năm nữa rồi quay trở về nhà. Một thời gian sau, bà rời khỏi cơ quan tình báo quân đội, chuyển sang dạy ngoại ngữ cho các sinh viên dân sự. Ngày 1/5 vừa qua, nữ điệp viên kỳ cựu của tình báo Xôviết vừa mừng sinh nhật lần thứ 90 của mình

Thái Quân (theo Tuyệt mật)
.
.