Nữ điệp viên thành công nhất của KGB tại Anh vừa qua đời

Thứ Tư, 06/07/2005, 08:12

Nữ điệp viên nổi tiếng Melita Norwood của KGB vừa qua đời tại Anh ở độ tuổi 93. Bà là người đã hoạt động cho Tình báo Xôviết trong suốt 40 năm. Cái chết của Norwood đã đặt dấu chấm hết cho trang cuối của một câu chuyện tình báo - trinh thám sống động từ 70 năm trước đây.

Cuộc đời hoạt động tình báo của bà bắt đầu từ những khao khát phục vụ lý tưởng, mong muốn cứu thoát thế giới khỏi thảm họa của vũ khí hạt nhân...

Chính nhờ có Melita Norwood, Tình báo Xôviết đã biết rõ được tất cả những bí mật hạt nhân của người Anh. Các quan chức của Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) cho tới giờ vẫn chưa đưa ra bất cứ một bình luận nào về hoạt động của bà, đồng thời cũng không phủ nhận hay khẳng định nhiều sự kiện được báo chí và các nhà sử học phương Tây công bố.

Phóng viên tờ “Thanh niên Moskva” của Nga đã có dịp tìm hiểu được nhiều chi tiết cụ thể về cuộc đời hoạt động của Norwood, qua một điệp viên đã từng trực tiếp nhận những tài liệu do bà khai thác được. Đó chính là điệp viên - Anh hùng nước Nga Vladimir Barkovski, người đã qua đời từ hai năm về trước.

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu mà Stalin đặt ra cho Cơ quan Tình báo Xôviết trước chiến tranh là phải khai thác thông tin về các chương trình hạt nhân của Mỹ và Anh. Tuy nhiên, mạng lưới tình báo của NKVD tại London khi đó đã bị phá vỡ hoàn toàn. Người duy nhất còn sống sót là điệp viên Anatoli Gorski bắt đầu hoạt động từ năm 1939. Thế là điệp viên trẻ Vladimir Barkovski được cử sang Anh để khôi phục lại liên lạc với mạng lưới tình báo tại đây, trong đó có cả với Norwood. Trên danh nghĩa, Barkovski là tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Liên Xô tại Anh. Còn trên thực tế, anh là chỉ huy toàn quyền của chi nhánh tình báo đối ngoại NKVD tại Anh.

Ngay từ tháng 9/1941, Tình báo Xôviết tại London đã trao cho Moskva một thông điệp mã hóa, trong đó cho biết, Anh đã thành lập một ủy ban đặc biệt chuyên thiết kế và chế tạo bom nguyên tử. Việc Anh-Mỹ hợp tác chế tạo bom đã được tiến hành trên cơ sở phân chia công việc. Trong khi phía Mỹ trực tiếp chế tạo, thì Anh lại đảm nhiệm các nghiên cứu và thí nghiệm.

Những bức điện giải mã tiếp theo từ London đã cho phép Moskva biết được chi tiết về những tiến triển trong việc nghiên cứu bom nguyên tử của người Anh. Trên cơ sở những thông tin này, Liên Xô đã cho xây dựng phòng thí nghiệm số 2 dưới sự lãnh đạo của Kurchatov vào năm 1943. Còn Norwood được NKVD tuyển mộ ngay từ năm 1935. Bà khi đó đang làm thư ký của Hiệp hội nghiên cứu của Anh trong lĩnh vực kim loại màu. Trên thực tế, tổ chức này đang đảm trách nghiên cứu một chương trình hạt nhân bí mật.

Melita Norwood sinh năm 1912 tại Posdown. Cha của bà là một nhà ngôn ngữ học và là thợ đóng sách chuyên xuất bản một tờ báo tuyên truyền tư tưởng của L.Tolstoi, cũng như bí mật dịch lại các tác phẩm của V.Lênin. Ngay từ nhỏ, căn nhà của Norwood đã trở thành nơi gặp gỡ của các đảng viên Xã hội Anh. Chồng của Norwood - giáo viên dạy toán Hilary Norwood - cũng là một đảng viên Cộng sản. Tuy nhiên, ông lại không biết gì về hoạt động tình báo của vợ mình.

Norwood (với mật danh Hola) bắt đầu vào làm việc tại Phòng thí nghiệm hạt nhân của Anh vào năm 1932. Ngay từ năm 24 tuổi, bà đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản trước khi hợp tác với Tình báo Xôviết một thời gian ngắn sau đó. Bà tiếp tục trao cho Tình báo Xôviết thông tin về các chương trình hạt nhân của phương Tây cho đến tận năm 1965.

Với cương vị một thư ký, Hola (Norwood) có khả năng tiếp cận trực tiếp tài liệu của “Cục nghiên cứu hợp kim”, khi đó đang đảm nhiệm trực tiếp việc chế tạo bom nguyên tử. Hàng đêm, bà bí mật chụp rất nhiều tài liệu mật về dự án “Tube Alloys” lấy ra từ tủ của viên giám đốc và trao trực tiếp cho Barkovski. Chính vì vậy mà nhiều người đã đánh giá, Stalin đã biết về công trình nghiên cứu bom nguyên tử của Anh còn rõ hơn cả Thủ tướng Anh Clement Attlee cùng các thành viên nội các của ông ta.

Norwood hợp tác với Tình báo Xôviết hoàn toàn vì mục đích lý tưởng chứ không phải vì tiền. Trong một thời gian dài làm việc cho KGB, Norwood không hề nhận một xu nào, và chỉ đến khi về hưu vào năm 1960 bà mới đồng ý nhận một khoản trợ cấp hàng tháng khoảng 20 bảng. Năm 1979, Norwood cùng chồng đã tới thăm Moskva và đã được nhận Huân chương “Cờ đỏ” tại đây.

Tình báo Anh đã có nhiều nghi ngờ đối với Norwood ngay từ năm 1945. Cho đến năm 1965, họ vẫn tin chắc Norwood là điệp viên KGB dù không có bằng chứng rõ ràng. Mọi việc chỉ được làm sáng tỏ, sau khi tên phản bội Vasili Mitrokhin phụ trách bộ phận lưu trữ của KGB đã chạy sang phương Tây vào năm 1992. Nhờ đó, mọi người mới biết được nhiều điệp viên bí mật của Xôviết, trong đó có Norwood. Chính quyền Anh đã không thể truy tố bà do thời gian đã quá lâu.

Cho đến trước khi chết, Norwood vẫn là một người rất hâm mộ Stalin, lên án Gorbachev và Eltsin vì cho rằng họ là những thủ phạm chính làm cho Liên Xô tan rã. Ngôi nhà của bà có treo đầy những khẩu hiệu và hình ảnh ủng hộ Chủ tịch Fidel Castro. Cứ mỗi sáng, cụ bà Norwood lại mua khoảng 30 tờ báo “Morning Star” (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Anh) và phát cho những người thân. Những người hàng xóm và cả con gái của bà cũng chỉ được biết bà từng là điệp viên Xôviết nhờ thông tin trên báo.

Nhiều người vẫn nhớ về lời tuyên bố duy nhất của Norwood trước các phóng viên tụ tập trước nhà bà ngay sau khi sự việc được Mitrokhin tiết lộ: “Tôi muốn ngăn chặn mối nguy hiểm đối với một chế độ đã đem lại bánh mì, học vấn và hỗ trợ y tế cho những người dân thường. Tôi cho rằng, những tài liệu mà mình đã tiếp cận có thể có lợi cho nước Nga, để họ có thể sánh vai ngang bằng với Anh, Mỹ và Đức. Nói chung, tôi không khuyến khích việc hoạt động tình báo chống lại đất nước mình. Tôi đã làm việc này vì những động cơ trong sáng nhất mà nhiều người khó có thể hiểu nổi”

Thái Quân (Theo Thanh niên Moskva)
.
.