Nữ lãnh đạo Cơ quan Tình báo N.G.A đầu tiên của Lầu Năm Góc

Thứ Tư, 25/08/2010, 18:35
Nước Mỹ có 3 nữ Ngoại trưởng - nhưng trước đây chưa bao giờ có một phụ nữ nào nắm giữ chức giám đốc 1 trong 16 cơ quan tình báo chính. Letitia Long, 51 tuổi, được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates xem là người có năng lực thích hợp để giữ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia (N.G.A), thay thế Phó đô đốc Hải quân Robert Murrett đã lãnh đạo cơ quan này từ năm 2006.

Letitia Long chính thức nhậm chức vào ngày 9/8/2010 và trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên trong cộng đồng tình báo Mỹ. Được biết bà Letitia Long đã có thâm niên trong nghề tình báo và từng giữ những vị trí quan trọng như Phó giám đốc Tình báo Hải quân, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách tình báo và mới đây nhất là Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA).

Người ta coi Letitia Long là người đại diện cho đội quân phụ nữ tiên phong trong cộng đồng tình báo Mỹ. Phụ nữ chiếm tỉ lệ 38% trong tổng số nhân lực ngành tình báo Mỹ và trong 6 cơ quan tình báo nổi bật nhất của nước này có 27% vị trí quản lý do phụ nữ nắm quyền.

Trước đây N.G.A có tên gọi là Cơ quan Tình báo lập bản đồ và hình ảnh quốc gia (NIMA), một bộ phận của Bộ Quốc phòng Mỹ. Công việc của N.G.A - được xếp hạng tương đương với CIA, FBI, DIA hay NSA - là tổng hợp thông tin hình ảnh vệ tinh, sử dụng mọi phương tiện để lập những bản đồ tương tác 3 chiều về mọi vị trí trên hành tinh. Những tấm bản đồ quý giá này hỗ trợ đắc lực cho những binh sĩ ngoài mặt trận và đồng thời được dùng để theo dõi những cuộc khủng hoảng nhân đạo sau động đất ở Haiti và thảm họa tràn dầu của BP ở Vịnh Mexico. Letitia Long có bằng cấp kỹ thuật điện của Virginia Tech và bằng thạc sĩ kỹ thuật chế tạo máy của Đại học Công giáo Mỹ.

Người ta hoài nghi Tổng thống Obama có lẽ muốn chỉ định 1 trong 3 tên tuổi khác vào chức vụ Giám đốc N.G.A - đó là, Joan Dempsey, sĩ quan tình báo Lầu Năm Góc từng giữ vị trí Tham mưu trưởng cho Giám đốc CIA George Tenet; Maureen "Mo" Baginski, nguyên quan chức hàng đầu của NSA từng giúp FBI trong cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện ngày 11/9/2001; và Nghị sĩ Jane Harman, người giành được sự ủng hộ của cộng đồng tình báo Mỹ do sự ủng hộ các chương trình an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Bush - nhưng cuối cùng Nhà Trắng đã chọn Letitia Long vào vị trí này.

Không giống như những người được chỉ định để chỉ huy CIA và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI), sự chỉ định Letitia Long không cần thông qua sự phê chuẩn của Thượng nghị viện.

Từ năm 2003 đến 2006, Letitia Long nắm giữ cương vị trợ lý cho lãnh đạo tình báo của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld là Stephen Cambone - một nhân vật gây nhiều tranh cãi đã chỉ huy một số chính sách an ninh được coi là hung hăng nhất của chính quyền Bush. Trong đó có một chương trình thu thập dữ liệu điện tử gọi là Talon mà phóng viên Walter Pincus của tờ Washington Post giải thích là "thu thập và phân phát những báo cáo chưa được thẩm tra về những người và các tổ chức bị coi là đe dọa các cơ quan cu ãa Bộ Quốc phòng Mỹ".

Sau sự phản đối kịch liệt của cả nước Mỹ, người kế nhiệm của Cambone là James Clapper (nay là Giám đốc DNI) buộc phải hủy bỏ chương trình này - mặc dù các nhân tố của chương trình vẫn còn hoạt động ở khắp nơi bên trong Bộ Quốc phòng Mỹ. Letitia Long chưa bao giờ công khai bị coi là người đóng vai trò chính trong chương trình Talon.

Trong thập niên 90, trước khi trở thành Phó giám đốc DIA, Letitia Long là sĩ quan thông tin cao cấp đầu tiên của DIA. Vào giữa những năm 1998 và 2000, Letitia Long cũng từng có phần việc trong CIA. Dianne Feinstein, nữ nghị sĩ Dân chủ ngồi ghế Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng nghị viện, nói trong một bài diễn văn: "Đây là một sự bổ nhiệm quan trọng và tôi hy vọng bà (Letitia Long) sẽ mang đến một khả năng quản lý và quyết đoán mới cho cơ quan này".

Trong một e-mail gửi đến N.G.A, Phó đô đốc Hải quân Robert B. Murrett viết: "Trách nhiệm của Letitia Long bao gồm các nguồn thông tin, các công nghệ, kế hoạch, chính sách và quan trọng nhất đó là các chiến dịch của cơ quan. Công việc của bà phản ánh khả năng xuất chúng và tín hiệu quả cao... Điều quan trọng nhất trong thời gian sắp tới là chúng ta không mất đi sự tập trung vào sứ mạng cốt tử của N.G.A là sự hợp tác giữa chúng ta với Bộ Quốc phòng, cộng đồng tình báo cũng như các đối tác tình báo đồng minh. Có hàng ngàn người phụ thuộc vào chúng ta mỗi ngày. Sứ mạng và con người của cơ quan tình báo lớn này vẫn còn là tối thượng".

Nữ nghị sĩ Anna Eshoo nói "kinh nghiệm và vị trí của Letitia Long đã giúp bà trở thành một mẫu mực cho mọi phụ nữ trong cộng đồng tình báo noi theo". Anna Eshoo là thành viên của Ủy ban Tình báo Nghị viện và trong một thời gian dài là người tích cực ủng hộ phụ nữ chiếm giữ những vị trí đứng đầu trong ngành tình báo.

Một số nữ nhân viên mới của N.G.A nhận xét Letitia Long chắc chắn sẽ làm thay đổi cách nhìn của nam giới đối với phụ nữ trong lĩnh vực hoạt động vốn do nam giới thống trị từ lâu. Vị trí mới của Letitia Long không chỉ bất ngờ mà còn mang tính đột phá, bởi vì chức vụ cao nhất dành cho phụ nữ trong N.G.A trước đây chỉ dừng lại ở chiếc ghế phó giám đốc.

Tuy nhiên những nhân viên nữ trong cơ cấu của N.G.A cho biết, cuộc chiến của họ với nam giới vẫn còn nhiều cam go. Trong quá khứ, một số phụ nữ đã chiếm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan tình báo nhỏ hơn, nhưng đây là lần đầu tiên có một phụ nữ chỉ huy 1 trong 16 tổ chức an ninh lớn nhất nước Mỹ, nơi quy tụ hàng ngàn nhân viên - đó là N.G.A

.
.