Tài liệu vừa giải mật của Cục Văn khố Quốc gia Anh:

Nữ văn sĩ đoạt giải Nobel 2007 là “một phụ nữ quyến rũ, mạnh mẽ và… nguy hiểm”

Thứ Năm, 03/09/2015, 06:05
Theo hồ sơ giải mật mới nhất từ Văn khố Quốc gia Anh, nữ văn sĩ đoạt giải Nobel năm 2007 Doris Lessing là đối tượng giám sát chặt chẽ của tình báo nước này trong suốt nhiều thập niên. Các điệp viên của Cơ quan Phản gián Anh MI-5 bí mật theo dõi mọi hoạt động của Lessing từ năm 1943 cho đến năm 1964 do bà đóng vai trò chính trong môi trường văn học thiên tả ở London. Tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “The Golden Notebook” (1962) - qua đời tại London ngày 17/11/2013, thọ 94 tuổi.

Các tài liệu được Văn khố Quốc gia Anh ở Kew (tây London) tiết lộ Doris Lessing - người lớn lên ở Southern Rhodesia (nay là Zimbabwe) - bị MI-5 theo dõi thư từ trong ít nhất 18 năm sau khi bà công khai lên án chính sách phân biệt chủng tộc của Anh ở thuộc địa Southern Rhodesia và được coi là người có cảm tình với đảng Cộng sản. Lessing là một trong hàng trăm trí thức cánh tả có quan hệ với đảng Cộng sản Anh (CPGB) thu hút sự quan tâm đặc biệt từ MI-5.

Trụ sở CPGB ở London cũng như các trạm điện thoại công cộng trong khu vực xung quanh bị cơ quan tình báo Anh cài thiết bị nghe lén để giám sát mọi cuộc gọi của những đối tượng mà họ cho là "cần cảnh giác".

Doris Lessing năm 2007, khi nhận giải thưởng Nobel văn học.

Tình báo Anh đánh giá Doris Lessing là mối đe dọa đặc biệt và giám sát chặt chẽ những chuyến đi của bà đến những khu vực từ Tiệp Khắc đến Nam Phi. Theo nguồn tin MI-5, Lessing được coi là "một phụ nữ quyến rũ, mạnh mẽ, nguy hiểm". Lessing bắt đầu bị theo dõi từ năm 1944 khi các sĩ quan tình báo Anh phụ trách thuộc địa báo cáo về một câu lạc bộ sách thân Cộng sản ở Southern Rhodesia được điều hành bởi Lessing và Gottfried Lessing - người chồng thứ 2 của bà và là dân tị nạn Do Thái.

Báo cáo tình báo từ Southern Rhodesia gửi về London nhấn mạnh xu hướng cực tả của câu lạc bộ và có giọng điệu chống chính quyền Anh.

Hồ sơ MI-5 về Doris Lessing.

Doris Lessing - di cư đến Anh năm 1949 - xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên "The Grass Is Singing" năm 1950 và tự nhận mình là người có tiếng nói mạnh mẽ phê phán tính bất công của chủ nghĩa thực dân. Bà là tác giả đoạt được nhiều giải thưởng, được tôn trọng vì tính bộc trực và thẳng thắn tố cáo sự bất công trong xã hội. Trong khi đó, MI-5 đánh giá Lessing có quan điểm chống phân biệt chủng tộc và có quan hệ với nhiều nhóm chính trị cũng như văn chương khác nhau có cảm tình với Liên Xô. Một báo cáo tình báo năm 1951 cũng cho biết Doris Lessing là người thân Cộng sản và cảm tình này ngày càng tăng.

Chuyến đi 17 ngày đến Tiệp Khắc và Nga của Doris Lessing với tư cách đại biểu phong trào Các tác giả vì Hòa bình Thế giới vào năm 1951 bị tình báo Anh giám sát chặt chẽ. Khi Lessing thực hiện hành trình cùng họa sĩ vẽ tranh minh họa Paul Hogarth - thành viên CPGB cùng làm việc với hai nhà văn Anh Graham Greene và John Betjeman - đến Southern Rhodesia và Nam Phi vào năm 1956, mỗi bước chân của họ cũng đều bị nhân viên MI-5 bám sát. Trong chuyến đi đến Nam Phi này, Lessing bị cảnh sát nước sở tại trục xuất sau khi nhận được cảnh báo từ London và bà tiếp tục bị đeo bám trên chuyến bay trở về Anh.

Cuốn sổ tay được Lessing sử dụng để ghi chép trong chuyến bay này không bị nhân viên tình báo đánh cắp do sợ nữ nhà văn qua đó biết được hành động theo dõi của MI-5. Mặc dù lo ngại về quan điểm chính trị của Lessing, song tài liệu MI-5 không ghi nhận bà là mối đe dọa hiện thực cho an ninh quốc gia. Sau cuộc khủng hoảng dẫn đến bạo động chống Liên Xô ở Hungary năm 1956, Lessing rời khỏi CPGB. Mặc dù vậy, MI-5 vẫn tiếp tục giám sát Lessing và theo dõi thư từ của bà, ít nhất là đến năm 1962, vì cho rằng nữ nhà văn quyết không từ bỏ những tham vọng cách mạng. Về phía mình, Lessing vẫn luôn khinh bỉ Chính phủ Anh cho dù cuối cùng nước này quyết định vinh danh bà.

Hồ sơ MI-5 cũng bao gồm một báo cáo từ Sở Cảnh sát London cho biết Doris Lessing được những người láng giềng của bà ở khu tây thành phố tiết lộ về những động thái cho thấy bà bị theo dõi. Báo cáo này cũng thông báo Lessing thường tiếp các vị khách là những người "Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và da đen" và "rất có thể căn hộ của bà được sử dụng cho các mục đích xấu xa".

Vào đầu năm 2015, nhà sử học Anh Patrick French được giao nhiệm vụ biên soạn cuốn tiểu sử về Doris Lessing. Ông nhận định về tiết lộ của Văn khố Quốc gia Anh: "Đây là tiết lộ quan trọng. Cho dù là thành viên CPGB từ năm 1951 đến 1956, Lessing vẫn chưa bao giờ là thành viên tích cực. Về sau, bà đã từ bỏ đảng. Vậy thì, bà đã làm những gì khiến cho tình báo Anh phải giám sát quá chặt chẽ và quá lâu như thế? Có phải vì bà có nhiều người bạn là thành viên đảng Cộng sản? Tôi cho rằng, bản thân Lesssing sẽ rất ngạc nhiên khi biết được điều này". Doris Lessing trải qua 2 cuộc hôn nhân thất bại và có 3 người con. Những cuốn tiểu thuyết xuất bản vào những năm 50 - 60 của Lessing đều lấy bối cảnh ở châu Phi.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.