Nước Mỹ có bao nhiêu cơ quan tình báo?

Thứ Hai, 30/10/2006, 08:30
Sử dụng tổng cộng 100.000 nhân viên vừa có dân thường vừa có quân nhân, chi phí hàng năm lên đến 40 tỉ USD, tình báo Mỹ nói chung là một thực thể khổng lồ dưới cái nhìn của các quốc gia khác.

Tuy sở hữu lực lượng mạnh và được ưu tiên đầu tư như vậy, nhưng sự kiện 11/9/2001 vẫn cứ xảy ra. Rồi kéo theo các cuộc từ chức hàng loạt, các báo cáo của Quốc hội lên án kịch liệt sự vô dụng của các cơ quan tình báo nước này... Kết quả là từ tháng 2/2005, giới chức Mỹ đã giao nhiệm vụ cho một người duy nhất, ông John Negroponte, phụ trách việc kiểm soát và điều phối 16 cơ quan tình báo Mỹ thông qua Bộ Chỉ đạo tình báo quốc gia.

CIA - "Đại quản gia" của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ

Được viết tắt từ Central Intelligence Agency (Cục Tình báo trung ương Mỹ), CIA, còn được người trong ngành tình báo Mỹ gọi với biệt danh “Tổ chức”. CIA được thành lập năm 1947 hiện có trụ sở đóng tại Langley, tiểu bang Virginia. Sứ mệnh của CIA sau chiến tranh lạnh là hoạt động tình báo kinh tế tại khắp các quốc gia trên thế giới. CIA chia thành hai nhánh, một chuyên về các mật vụ, chuyên án, chiến dịch, nhánh còn lại chuyên về khoa học và kỹ thuật. Sau ngày 11/9/2001, CIA bị tước đi nhiều đặc ân. Trước đây, giám đốc CIA thường xuyên liên lạc và nói chuyện với tổng thống Mỹ thì nay John Negroponte, ông chủ của tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, sẽ phụ trách điều này.

Dưới thời dẫn dắt của Michael Hayden, Giám đốc mới của CIA, Trung tâm cũng sẽ mất luôn chức năng phân tích thông tin mà chủ yếu tập trung cho những mật vụ và tuyển người nước ngoài.

Ngân sách hàng năm dành cho CIA là 3,1 tỉ USD với nhân sự gồm 17.000 người.

NSA - Kẻ thần bí

Có tên đầy đủ là National Security Agency (Cơ quan An ninh quốc gia), NSA có biệt danh là “No Such Agency” tức cơ quan không tồn tại, được thành lập từ năm 1952 và hiện đóng tại Fort Meade, tiểu bang Maryland.

Công việc của NSA là phát hiện những nguy cơ phá hoại nhằm vào những lợi ích của Mỹ thông qua hệ thống “tình báo điện tử”. NSA sử dụng việc giải mã các tín hiệu điện tử, các cuộc nghe lén điện thoại và việc đọc các loại thư tín. Kẻ thần bí hoạt động dựa vào vô số vệ tinh quan sát công nghệ cao có thể nhìn rõ được cả biển số của một chiếc xe ôtô đang chạy. Chính NSA từng bị tố cáo tiến hành các chương trình nghe lén phi pháp. Hàng năm NSA được cấp 3,6 tỉ USD kinh phí hoạt động và sử dụng 21.000 nhân viên.

Trụ sở của NSA.

NRO (National Reconnaissance Office)

NRO, hay còn gọi là Cơ quan Trinh sát quốc gia, được thành lập tháng 8-1960 hiện đóng trụ sở tại Chantilly, bang Virginia. NRO quản lý toàn bộ các vệ tinh do thám của Mỹ. Chính cơ quan này sẽ phải cung cấp mọi hình ảnh chụp vệ tinh cho chính quyền Mỹ và tất cả các cơ quan tình báo khác khi có yêu cầu.

DIA (Defense Intelligence Agency) - Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng

Được thành lập năm 1961, DIA, hiện đóng tại Lầu Năm Góc, có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo quân sự ở nước ngoài. DIA có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các đội quân của Mỹ đang thi hành các chiến dịch, cho các nhà lập kế hoạch và cho các cơ quan phụ trách mua bán vũ khí, đạn dược.

Kinh phí hàng năm Quốc hội Mỹ duyệt cho DIA không hề được tiết lộ. Người ta chỉ biết rằng, DIA hiện sử dụng 7.500 nhân viên là quân nhân và dân sự trên khắp thế giới.

FBI (Federal Bureau of Investigation) - Cục điều tra liên bang

Được gọi với cái tên thân mật Cục giữa những người đồng nghiệp, FBI, được thành lập năm 1908, sớm nhất trong tất cả các cơ quan tình báo Mỹ, có trụ sở chính là tòa nhà Hoover Building, ở Washington. Từ sau các vụ khủng bố năm 2001, FBI được giao một nhiệm vụ mới, đó là thu thập và phân tích những thông tin tình báo tại Mỹ. Ngoài  lãnh thổ nước Mỹ, FBI còn tham gia vào việc thu thập những thông tin liên quan tới các vụ điều tra về các vụ khủng bố. Sứ mệnh chính của FBI vẫn là giải quyết các vụ án hình sự liên bang xảy ra trên đất Mỹ.

DHS (Department of Homeland Security) - Bộ An ninh nội địa

Mới được thành lập đầu năm 2003, DHS được ra đời để khắc phục nhược điểm về sự không thống nhất giữa các cơ quan tình báo Mỹ. Do vậy, nhiệm vụ chính của DHS là tổng hợp và phân tích các nguồn tin đến từ các cơ quan tình báo khác nhau mà chủ yếu là từ CIA và FBI. Do số lượng công việc kiểu văn phòng như vậy, DHS đã phải sử dụng tới một số lượng công chức khổng lồ, 17.000 người.

INR (Bureau of Intelligence and Research) - Văn phòng tình báo và nghiên cứu

Được thành lập (1946) ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, INR ngày nay là tai mắt của bà Condolezza Rice và đóng trụ sở tại ngay Bộ Ngoại giao Mỹ.

Vì là một bộ phận thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, INR, chỉ bao gồm từ 150 đến 200 nhà phân tích, hàng năm phân tích gần 2 triệu báo cáo, đặc biệt là những báo cáo của các đại sứ Mỹ ở nước ngoài gửi về, sau đó cho ra 3.500 ghi chú và báo cáo khác bằng 36 thứ tiếng khác nhau. Bí mật nhưng nổi tiếng, INR là một trong số hiếm các cơ quan tình báo Mỹ thoát khỏi báo cáo và điều tra liên quan tới các vụ khủng bố ngày 11/9/2001 và cuộc chiến của Mỹ tại Iraq.

DEA (Drug Enforcement Agency) - Lực lượng chống ma túy

Được thành lập từ năm 1973 và hiện đóng tại Arlington, bang Virginia, DEA có nhiệm vụ đấu tranh chống lại các mạng lưới buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển ma túy. DEA đặc biệt hoạt động tích cực tại các khu vực biên giới. DEA phối hợp với các cơ quan tình báo khác của Mỹ trong khuôn khổ điều tra các mạng lưới tài chính của bọn khủng bố thông qua các đường dây buôn lậu ma túy. Người của DEA còn phụ trách cả việc đào tạo các lực lượng chống ma túy cho các nước Mỹ Latinh. DEA sử dụng 11.000 nhân viên, với ngân sách 2 tỉ USD/năm

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.