Panama bắt giữ cựu sĩ quan CIA dính líu đến vụ án bắt cóc và tra tấn

Thứ Bảy, 10/08/2013, 13:30

Theo nguồn tin giấu tên từ Cảnh sát Quốc gia Panama, cựu sĩ quan Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Robert Seldon Lady, 59 tuổi, đã bị bắt giữ hôm 17/7 tại vùng biên giới quốc gia Trung Mỹ này với Costa Rica. Được biết Robert Lady - Trưởng trạm CIA tại Milan năm 2003 - cùng với nhóm nhân viên CIA vào tháng 4/2009 đã bị thẩm phán Italia Oscar Magi buộc tội liên quan đến vụ bắt cóc giáo sĩ Hồi giáo Hassan Mustafa Osama Nasr, hay còn gọi là Abu Omar, ngay trên đường phố Milan nước này vào tháng 2/2003.

Ngày 17/2/2003, giáo sĩ Abu Omar - nhân vật mà CIA nghi ngờ có hành động tuyển mộ chiến binh đến chiến đấu ở Iraq - bất ngờ bị một nhóm nhân viên CIA bắt cóc giữa ban ngày ngay trên đường phố Milan, sau đó bị đưa đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Italia và Đức trước khi đến Ai Cập để tra tấn. Abu Omar được cho là bị nhân viên CIA tra tấn một thời gian trước khi được thả ra vào tháng 2/2007. Vụ án Abu Omar giúp thế giới cảnh giác về chương trình dẫn độ bí mật gây tranh cãi của chính quyền Mỹ.

Theo chương trình, những nghi can khủng bố sẽ bị đưa đến một quốc gia thứ 3 để tra tấn bằng những kỹ thuật vi phạm nhân quyền mà không qua điều tra và xét xử của tòa án. Cũng có báo cáo tiết lộ tình báo Italia đang theo dõi Abu Omar để tuyển mộ làm nguồn thông tin do đó họ đã rất tức giận khi giáo sĩ bị CIA bắt cóc mà không có sự cho phép của chính quyền Italia.

Năm 2009, sau một thời gian dài điều tra về chiến dịch bắt cóc bí mật của CIA, chính quyền Italia buộc tội vắng mặt đối với 26 người Mỹ, trong đó phần đông là nhân viên CIA, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ Washington. Ngoài ra, Tòa án Milan còn buộc các bị cáo người Mỹ bồi thường số tiền lớn cho giáo sĩ Abu Omar và vợ người này. Năm 2013, hai cựu sĩ quan tình báo cao cấp Italia cũng bị buộc tội vì dính líu đến vụ bắt cóc.

Theo tuyên bố của công tố viên Italia Armando Spataro, vụ bắt cóc giáo sĩ Abu Omar hoàn toàn vi phạm luật pháp cũng như chủ quyền của Italia. Italia đã tạo tiền lệ ở châu Âu khi lần đầu tiên cơ quan tư pháp nước này xét xử công khai những người tham gia chương trình dẫn độ nghi can khủng bố bí mật của chính quyền Tổng thống George W. Bush, cụ thể là CIA, triển khai trên toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Vụ án liên quan đến nhóm nhân viên CIA đã gây căng thẳng giữa Roma và Washington, hai đồng minh truyền thống. Tháng 4-2013, Tổng thống Italia, Giorgio Napolitano, đã có lời xin lỗi đến đại tá Không quân Mỹ Joseph Romano (một bị cáo trong vụ án) và Napolitano hy vọng điều này sẽ giúp cải thiện mối quan hệ Italia - Mỹ nhất là trong các vấn đề liên quan đến an ninh. Đại tá Joseph Romano là chỉ huy an ninh trong căn cứ không quân Aviano ở miền Bắc Italia, nơi giáo sĩ Abu Omar bị chuyển đến Ai Cập.

Giáo sĩ Abu Omar trên đường phố Cairo của Ai Cập, ngày 11/4/2007.

Văn phòng Tổng thống Italia cho rằng lời xin lỗi của ông Napolitano có mục đích hy vọng chính quyền Tổng thống Barack Obama sẽ chấm dứt chương trình dẫn độ nghi can khủng bố trong bí mật mà Italia và Liên minh châu Âu (EU) coi là "không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật pháp". Trưởng trạm CIA ở Milan Robert Lady rời khỏi Italia trước khi cuộc điều tra vụ bắt cóc được tiến hành ở nước này và sau đó cũng không còn làm việc cho CIA nữa.

Italia và Panama không có hiệp ước dẫn độ, song các nhà ngoại giao Italia cho biết, chính quyền Panama có thể sẵn sàng gửi trả Robert Lady cho Roma nếu được yêu cầu. Italia chỉ có yêu cầu dẫn độ đối với những người mang án tù hơn 4 năm. Tòa án Milan tuyên án vắng mặt 9 năm tù đối với Robert Lady nhưng nếu sắp tới bị đưa về Italia thì người này chỉ phải chịu 6 năm tù nhờ lệnh ân xá ở nước này năm 2006.

Các công tố viên ở Milan yêu cầu lệnh bắt giữ đối với các bị cáo người Mỹ khác, song cựu Bộ trưởng Tư pháp Italia Paola Severino chỉ phê chuẩn lệnh bắt duy nhất đối với Robert Lady - theo hai tờ báo Il Fatto Quotidiano và Il Corriere della Sera của Italia. Cũng theo nguồn từ báo chí Italia, Bộ trưởng Tư pháp nước này, Anna Maria Cancellieri, chính thức yêu cầu chính quyền Panama bắt giữ Robert Lady khi người này từ Costa Rica đi qua biên giới vào lãnh thổ Panama.

Trước khi bị bắt giữ ở Panama, có nguồn tin cho rằng, Robert Lady sống đâu đó ở Honduras hay nước Mỹ. Ban đầu, Robert Lady cho rằng mình có quyền đặc miễn ngoại giao để tránh bị xét xử ở tòa án Italia, song một thẩm phán đã bác bỏ điều này do Lady đã về hưu, ra khỏi CIA cũng như tội bắt cóc được coi là nghiêm trọng đủ để tước bỏ quyền này.

Nói về vụ bắt cóc giáo sĩ Hồi giáo, tháng 6/2009 Robert Lady tuyên bố với tờ Il Giornale của Italia: "Tôi không có tội. Tôi chỉ chịu trách nhiệm thực hiện mệnh lệnh từ thượng cấp. Khi phục vụ trong ngành tình báo, anh phải làm những gì mà nước sở tại coi là không hợp pháp. Dĩ nhiên, vụ bắt cóc Abu Omar là chiến dịch bất hợp pháp. Nhưng, đó là công việc của tôi. Chúng ta đang trong cuộc chiến chống khủng bố"

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.