Peru tái điều tra lại vụ giải cứu con tin năm 1997

Thứ Sáu, 01/06/2012, 16:45

Vụ giải cứu con tin bên trong Tòa Đại sứ Nhật Bản tại Lima, Peru, năm 1997 từng được cả thế giới biết tới như là màn giải cứu con tin ngoạn mục nhất trong lịch sử đất nước Nam Mỹ. Vụ giải cứu từng gây tranh cãi, và đã có vài phiên tòa xét xử những kẻ thực hiện cuộc giải cứu con tin, nhưng rốt cuộc không có ai bị kết tội. Giờ đây, Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ đã cho điều tra lại để làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến cuộc giải cứu đó.

Cuộc giải cứu con tin ngoạn mục diễn ra vào ngày 22/4/1997, do một đơn vị biệt kích đặc nhiệm của quân đội Peru tiến hành. Hàng trăm con tin đã bị nhóm 14 du kích cánh tả thuộc Phong trào Cách mạng Tupac Amaru (viết tắt là MRTA) bắt làm con tin ngay tại Tòa đại sứ Nhật Bản vào ngày 17/12/1996, nhân buổi tiệc mừng sinh nhật thứ 63 của Nhật hoàng Akihito. Nhóm du kích MRTA đưa ra yêu sách đòi thả những du kích quân MRTA đã bị bắt trước đó, trong đó có cả nhà hoạt động xã hội người Mỹ Lori Berenson (người này vừa được trả tự do sau 15 năm ngồi tù ở Peru vì ủng hộ du kích MRTA).

Nhiều cuộc thương lượng đã được tiến hành, với sự trung gian hòa giải của các nhà ngoại giao uy tín trong khu vực, kể cả Chủ tịch Cuba khi đó là Fidel Castro, nhưng rốt cuộc vẫn không tìm được thỏa thuận.

Trong tình thế bế tắc và nguy cơ "khủng hoảng con tin" biến thành khủng hoảng chính trị, ngoại giao, Tổng thống Fujimori quyết định tung ra nước cờ mạo hiểm: dùng biệt kích tấn công vào giải cứu con tin. Hơn 300 cảnh sát và dân vệ được phái đến bao vây Tòa đại sứ Nhật, và một toán biệt kích được  phái đến, đào một đường hầm vào bên dưới tòa nhà để đột nhập một cách bí mật.

Kết quả cuối cùng của cuộc giải cứu con tin là toàn bộ 14 du kích MRTA đều bị giết chết. Trong số 72 con tin cũng có 1 người chết, cộng với 2 lính biệt kích đặc nhiệm. Thật ra, không phải người Peru nào cũng cùng quan điểm với chính quyền Fujimori xem MRTA là "khủng bố", mà ngược lại, người ta xem họ như những nhà cách mạng của Peru. Cho nên, người ta đặt ra nghi vấn là liệu có phải tất cả 14 du kích quân Tupac Amaru đều bị giết trong tình trạng chiến đấu hay không?

Theo Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ, các chứng cứ dường như cho thấy rằng ít nhất 3 trường hợp du kích quân bị giết chết một cách cố ý, trong tình trạng không đối đầu, trong đó có cả một thiếu nữ 17 tuổi. Những trường hợp chết bất thường này, gia đình thân nhân họ có quyền đòi bồi thường.

Suốt 15 năm sau cuộc giải cứu, không ai trong số những người có liên quan bị kết tội. Tất cả 11 biệt kích tham gia cuộc giải cứu con tin đã được một tòa án quân sự Peru đưa ra xét xử theo đơn kiện của thân nhân các du kích quân bị giết, và được tuyên trắng án vào năm 2004. Những vụ xét xử "chiếu lệ" như thế này đã khiến dư luận bất bình.

Từ nhiều năm nay, đã có đủ chứng cứ để kết luận rằng chính ông Fujimori phải chịu trách nhiệm cao nhất trong những cái chết oan uổng của các du kích quân MRTA. Nhiều nhân chứng cũng đã không ngại ra trước công chúng cung cấp bằng chứng cho thấy toán biệt kích Peru đã cố ý giết người ngoài vòng chiến đấu. Nhân chứng sống quan trọng nhất chính là cựu Đại sứ Nhật Bản tại Peru, Hidetaka Ogura - một trong những con tin quan trọng nhất trong vụ việc. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2001, ông Ogura đã công khai tiết lộ rằng, chính mắt ông nhìn thấy ít nhất 3 du kích MRTA còn sống sau khi cuộc giải cứu chấm dứt, thế nhưng sau đó người ta phát hiện họ đều đã chết, điều này chứng tỏ họ đã bị giết sau khi đầu hàng.

Một báo cáo của Cơ quan Tình báo quân đội Mỹ (DIA) cho biết, chính ông Fujimori là người đã vạch kế hoạch và ra lệnh cho biệt kích tấn công giải cứu con tin với mệnh lệnh "không để thằng Tupac Amaru nào sống sót". Báo cáo của DIA cũng cho rằng, những cuộc điều tra qua quít ban đầu đã không thể cung cấp đầy đủ chứng cứ để xét xử công bằng cho các nạn nhân, vì không một chuyên gia pháp y nào được phép tiếp cận hiện trường tội ác.

Các biệt kích quân đội Peru đột nhập vào tòa đại sứ Nhật Bản giải cứu con tin năm 1997.

Sau nhiều nỗ lực, năm 2001, hài cốt của 14 du kích MRTA đã được khai quật để phục vụ điều tra. Clyde Snow, chuyên gia pháp y hàng đầu của Mỹ, người phụ trách giảo nghiệm tử thi 14 du kích MRTA sau khi khai quật, cho báo chí biết một trong những du kích bị giết sau khi đầu hàng là Eduardo Cruz đã bị bắn vỡ toác đầu, còn Victor Peceros và thiếu nữ 17 tuổi tên Herma Melendez cũng bị bắn ở cự ly gần, dấu hiệu của sự hành quyết bất hợp pháp.

Tất cả những chứng cứ và nhân chứng chắc chắn sẽ khiến cho chính quyền Peru phải đối mặt với một sự chọn lựa khó khăn là chọn công lý hay tiếp tục bao che cho tội ác. Hiện Tòa án Nhân quyền Liên Mỹ yêu cầu chính quyền Peru đến hạn chót là 27/6/2012 phải tường trình tại trụ sở tòa án ở San Jose, Costa Rica, và một phiên tòa sẽ được mở và đưa ra phán quyết vào năm tới.

Cho đến nay, các tòa án Peru mới chỉ xét xử 4 người có liên quan tội "ra lệnh giết người" trong vụ giải cứu con tin, trong đó có cả cựu Giám đốc tình báo Vladimiro Montesinos và cựu Chỉ huy trưởng quân đội Nicolas Hermoza (cả hai đang thụ án 25 năm tù vì tội ác giết hại dân thường). Tuy nhiên, tiến trình xét xử 4 người này hiện đang diễn ra rất chậm chạp

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.