Phần Lan từng cộng tác với tình báo Mỹ trong chiến tranh lạnh

Thứ Năm, 08/02/2007, 10:00
Tháng 12/2006, kênh truyền hình YLE TV-1 của Phần Lan đã tiết lộ một thông tin chấn động: Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, CIA và Cơ quan Tình báo quân sự Mỹ đã lôi kéo được sự cộng tác của một nhóm đông đảo nhà khoa học Phần Lan tham gia vào những chiến dịch bí mật liên quan đến việc theo dõi và nghiên cứu tên lửa hạt nhân của Liên Xô.

Đồng minh bí mật của Washington

Theo những thông tin mới được công bố, các chuyên gia tình báo đến từ Washington đã đề nghị phía Phần Lan giúp đỡ trong một số nhiệm vụ sau: theo dõi các vụ thử hạt nhân của Liên Xô, xác định lộ trình bay của các loại máy bay ném bom chiến lược Xôviết, hỗ trợ tính toán quỹ đạo cho các tên lửa Mỹ có thể được phóng để tiêu diệt các mục tiêu trên lãnh thổ Liên Xô (trong đó có cả Moskva và Leningrad).

Thông qua Phần Lan, mật vụ Mỹ cũng rất quan tâm tới các vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ và tên lửa chiến thuật của Liên Xô. Ngoài ra, Helsinki cũng giúp đỡ tình báo Mỹ theo dõi các tàu ngầm của Hải quân Xôviết đang hoạt động tại vùng biển Baltic. Các dữ liệu về việc di chuyển của những con tàu này được phía Phần Lan chuyển giao ngay cho hệ thống định vị LORAN C của Mỹ.

Trong chiến tranh lạnh, chương trình hạt nhân của Liên Xô là điều khiến Washington phải lo ngại hàng đầu. Chính vì vậy, Mỹ đã quyết định phải triển khai một hệ thống đặc biệt theo dõi các vụ thử hạt nhân trên lãnh thổ một số quốc gia nằm gần Liên Xô. Không phải ngẫu nhiên mà Phần Lan được lựa chọn là một trong những địa bàn hoạt động thích hợp nhất của tình báo Mỹ.

Quốc gia này còn có một số nơi nằm gần với các địa điểm mà Liên Xô thường thử nghiệm các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào thời đó. Đó là chưa kể tới Phần Lan có một đội ngũ đông đảo các nhà khoa học chuyên ngành trắc địa và địa chấn học có trình độ cao, đặc biệt cần thiết cho hoạt động theo dõi thử nghiệm hạt nhân.

Kết quả là đến cuối năm 1950, tại Phần Lan đã xây dựng được cả một mạng lưới gồm 7 trạm đo địa chấn tại các thành phố và khu vực khác nhau. Mỹ còn có kế hoạch xây dựng tại Nurmiarvi một “siêu boongke” có trang bị đầy đủ những thiết bị do thám địa chấn hiện đại nhất, có thể chịu đựng được cả đòn tấn công hạt nhân.

Tuy nhiên, dự án này đã không được thực hiện do đặc điểm phức tạp của thổ nhưỡng tại khu vực này. Dù trên danh nghĩa là một quốc gia trung lập, Phần Lan đã trở thành một đồng minh bí mật của Washington trong lĩnh vực hoạt động tình báo.

Dưới sự giám sát của CIA

Đóng vai trò hàng đầu trong việc hợp tác với tình báo Mỹ phải kể tới hai nhà khoa học là Veikko Heiskanen (chuyên gia trong lĩnh vực địa vật lý và trắc địa làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc tế về vỏ trái đất) và Giáo sư Eijo Vesanen (được coi là một trong những chuyên gia địa chấn học xuất sắc nhất Phần Lan). Heiskanen từng được mời tới Mỹ vào năm 1948, và chỉ sau 2 năm được mời làm Giáo sư nghiên cứu tại Trường đại học Tổng hợp Ohio (bang Colombia).

Còn Vesanen cũng từng học tập tại Mỹ trong suốt 4 năm, trước khi trở về Phần Lan phục hồi lại hoạt động của Viện Địa chấn học của Trường đại học Tổng hợp Helsinki. Từ đầu những năm 1960, người Mỹ đã trang bị cho Viện Địa chấn của Vesanen những thiết bị đo siêu nhạy, có thể ghi nhận bất cứ một trận động đất có mức độ nhỏ nhất hay vụ nổ hạt nhân tại bất kỳ một địa điểm nào trên trái đất. Vesanen vừa qua đời vào năm 2005 ở tuổi 93.

Heiskanen vẫn tiếp tục làm việc tại Mỹ cho tới năm 1960 tại IGPC (một trung tâm nghiên cứu đặc biệt về trắc địa và bản đồ) dưới sự chỉ đạo của Walles Brodi, Chỉ huy Phòng Khoa học và Công nghệ của CIA. Không quân Mỹ và cả CIA đã rất hào phóng trong việc cung cấp tài chính cho hoạt động của Heiskanen, đồng thời đề nghị ông tập trung toàn bộ hoạt động nghiên cứu của IGPC vào lĩnh vực quân sự, đặc biệt là khu vực trong địa bàn của Liên Xô theo tuyến Leningrad - Moskva - Stalingrad.

Sau khi trở về Phần Lan, Heiskanen lãnh đạo Viện Nghiên cứu địa chấn do ông ta lập ra vào năm 1960 tại Helsinki và hoạt động tại đó cho tới khi nghỉ hưu vào năm 1971.

Theo quy định hết sức nghiêm ngặt, những dữ liệu theo dõi của phía Phần Lan được chuyển giao cho Mỹ thông qua vệ tinh tới Na Uy rồi vào hệ thống ARPANET của Lầu Năm Góc. Quốc gia vùng Bắc Âu này trong chiến tranh lạnh cũng rất tích cực hợp tác với Mỹ trong việc xây dựng một loạt trung tâm do thám và theo dõi Liên Xô và các nước XHCN.

Việc hợp tác giữa các nhà khoa học Phần Lan với CIA và Lầu Năm Góc được giữ bí mật hết sức nghiêm ngặt. Tất cả những dữ liệu và tài liệu chuyển giao cho người Mỹ đều được xếp vào loại tuyệt mật, chỉ có một số rất hạn chế các quan chức được phép tiếp cận. Ngoại trừ Tổng thống Urho Kekkonen (giai đoạn 1956-1981), còn lại ngay cả Quốc hội và phần lớn thành viên Chính phủ Phần Lan đều không được biết về kế hoạch hợp tác này. 

Nhiều người đã thắc mắc liệu KGB và GRU có được biết về dự án hợp tác bí mật này không? Câu trả lời này hiện vẫn còn bỏ ngỏ, do nhiều tài liệu quan trọng của Cơ quan Tình báo Liên Xô cho tới giờ vẫn chưa được giải mật. Trên thực tế, dù đã ký kết với Phần Lan một hiệp ước về hòa bình, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau từ năm 1948, nhưng Liên Xô vẫn rất quan tâm theo dõi mọi bước đi theo xu hướng thân phương Tây của quốc gia láng giềng này. Phần Lan là địa bàn hoạt động của không ít các điệp viên Xôviết dưới mọi vỏ bọc từ hợp pháp tới bí mật.

Cho tới thời điểm này, các quan chức hàng đầu của Phần Lan đều từ chối bình luận về tiết lộ bất ngờ trên. Còn phóng viên Jukka Rislakki, người đầu tiên đã khám phá về chương trình hợp tác bí mật giữa Phần Lan và CIA đã tuyên bố: “Một cơ cấu kiểm soát các vụ thử hạt nhân là việc cần làm, do điều quan trọng là mọi người cần phải biết về địa điểm, quốc gia hay thời gian tiến hành những vụ thử này. Tuy nhiên, nếu quá trình này còn kèm theo những mục đích bí mật phục vụ quyền lợi của nước ngoài thì đó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Có thể nói rằng, trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Chính quyền Phần Lan đã đứng về phía phương Tây dù không ai công khai nói về điều này”

Thái Quân (Tổng hợp)
.
.