Phát biểu trên mạng xã hội trở thành mục tiêu giám sát

Thứ Sáu, 13/02/2015, 13:25
Ngày 6/3/2012, 6 binh sĩ Anh bị chất nổ cài ven đường giết chết tại Afghanistan và nghi lễ quốc tang được tổ chức sau đó. Thủ tướng Anh David Cameron gọi đó là "ngày đau buồn cho đất nước chúng ta".

Một thiếu niên Anh tên là Azhar Ahmed quan sát sự việc trong 2 ngày rồi sau đó bày tỏ sự giận dữ trên facebook, cho rằng rất nhiều người Afghanistan vô tội bị binh lính Anh sát hại nhưng không hề nhận được sự quan tâm chú ý nào từ giới truyền thông nước Anh.

Azhar Ahmed nói: Binh sĩ Anh là những kẻ có tội, cái chết của họ là đáng đời và họ phải xuống địa ngục. Ngày hôm sau, Azhar Ahmed bị bắt giữ và buộc tội "gây rối trật tự công cộng nghiêm trọng về mặt chủng tộc".

Người phát ngôn của Cảnh sát Anh giải thích: "Ahmed không chọn đúng thời điểm cho nên đã tự gây rắc rối cho mình".

Tháng 10/2012, Azhar Ahmed bị phạt tiền và 240 giờ lao động công ích. Cũng giống như mọi công nghệ đe dọa an ninh chính quyền, truyền thông xã hội - cùng với Internet nói chung - đang trở thành mục tiêu tăng cường giám sát, trấn áp và trừng phạt của cảnh sát và lực lượng an ninh phương Tây.

Azhar Ahmed.

Một thẩm phán cho biết Ahmed đã "vượt quá giới hạn những gì mà xã hội chúng ta có thể dung thứ".

Còn phóng viên Jerome Taylor của tờ The Independent  giải thích, sở dĩ Ahmed "thoát khỏi án tù một phần bởi vì cậu ta đã nhanh chóng gỡ xuống phát biểu tai hại của mình và khẩn thiết xin lỗi những người mà mình đã chỉ trích".

Những vụ án hình sự về phát ngôn trực tuyến liên quan đến chính trị hiện đang rất phổ biến tại Anh, đặc biệt nhất là sự thù địch với quyền tự do báo chí và ngôn luận. Theo tờ The Independent, "khoảng 20.000 người ở Anh bị cảnh sát điều tra trong vòng 3 năm qua vì những bình luận trực tuyến của họ".

Nhiều người cho rằng việc kết án Azhar Ahmed không là hành động chống lại quyền tự do ngôn luận mà thật ra chỉ nhằm vào những ý tưởng cực đoan.

Tháng 11/2014, cô Alaa Abdullah Esayed - người Anh gốc Iraq, 22 tuổi - bị cảnh sát bắt giữ và buộc tội sử dụng Twitter để phổ biến tư tưởng khủng bố.

Alaa Esayed bị buộc tội cung cấp một phần mềm cho phép những người khác "sử dụng, đọc, nghe hay nhìn thấy ấn bản của bọn khủng bố  qua việc cung cấp các đường liên kết đến những phát biểu và tuyên truyền khác".

Tại phiên tòa xét xử Alaa hồi tháng 12/2014, công tố viên cho rằng: Alaa Esayed bị buộc tội tung lên mạng 45.600 tweet trong chưa đầy một năm để xúi giục trẻ con sử dụng vũ khí và đi theo chủ nghĩa cực đoan".

Hành vi "đưa lên mạng hình ảnh những xác chết phơi giữa chiến trận và những bài thơ tựa đề - Mẹ của người tử vì đạo" của Alaa Esayed có thể sẽ bị ngồi tù nhiều năm đồng thời bị cấm sử dụng Twitter trong thời gian thử thách.

Tháng 12/2014, Runa Khan - người mẹ 35 tuổi của 6 đứa con bị tuyên án tù 5 năm vì tội "Phổ biến tư tưởng khủng bố trên facebook".

Thẩm phán Peter Birts cho biết, cảnh sát phát hiện được nhiều bức ảnh chụp những đứa con của Khan cầm súng và kiếm.

Thẩm phán Peter Birts.

Cơ quan chức năng cho rằng: “Khan sử dụng những bức ảnh này nhằm mục đích cực đoan hóa những người khác".

Vụ truy tố Khan tập trung vào quan điểm chính trị của bà, bao gồm việc khuyến khích cha mẹ cho phép con cái tham gia thánh chiến!

Bất chấp những kêu gọi bảo vệ quyền tự do ngôn luận lan rộng khắp nơi, hiện nay Mỹ cũng bắt đầu quan tâm giám sát và tội phạm hóa những phát biểu trực tuyến liên quan đến chính trị.

Năm 2011, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) truy tố cư dân Pakistan 24 tuổi Jubair Ahmad tội khủng bố do đã đưa lên YouTube video dài 5 phút thể hiện những hình ảnh ngược đãi trong nhà tù Abu Ghraib ở Iraq, video các xe bọc thép Mỹ nổ tung và những thông điệp cầu nguyện về "thánh chiến" từ thủ lĩnh một nhóm khủng bố. Jubair Ahmad bị kết án tù 12 năm.

Cùng năm, DOJ cũng buộc tội Emerson Winfield Begolly - sinh viên Đại học Penn State, 22 tuổi, ở bang Pennsylvania - tham gia "diễn đàn thánh chiến" và kết án tù 8 năm rưỡi.

Sau ngày 11/9/2001, có vô số những vụ truy tố nhằm vào "phát ngôn ủng hộ khủng bố" của nhiều người, trong đó đa số là người trẻ tuổi và tín đồ Hồi giáo.

Chính quyền Mỹ đã đang sử dụng phát ngôn chính trị như là yếu tố quan trọng để đưa nhiều người vào danh sách buộc tội.

Quan điểm chống Mỹ của người Hồi giáo - nghĩa là chống hành động bạo lực của Mỹ - chính thức được coi là bằng chứng cho xu hướng thiên về khủng bố.

Hiện nay, các thông điệp chống cảnh sát cũng trở thành đối tượng tội phạm, cũng như những ý tưởng chống lại chính sách của Mỹ ở hải ngoại và chống quân đội.

Tháng 12/2014, Cảnh sát bang Massachusetts đã buộc tội Charles Dirosa, 27 tuổi, vì đưa lên tài khoản facebook thông điệp "chống cảnh sát". Trong đó, Dirosa trích dẫn nội dung trên trang facebook của Ismaaiyl Abdullah Brinsley vào ngày tên này giết chết 2 cảnh sát New York.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.