Phe đối lập Syria bán dầu nuôi chiến tranh

Thứ Ba, 21/05/2013, 21:50

Mỹ và các đồng minh châu Âu đang ráo riết tìm mọi cách có thể để cứu vãn tình thế của phe đối lập trước sức ép quân sự ngày càng lớn của quân đội Chính phủ Syria, trong khi lực lượng phiến quân do FSA dẫn đầu đang chia rẽ và cạn kiệt nguồn lực tài chính để nuôi chiến tranh. Nhiều giải pháp đang được cân nhắc thực hiện, trong đó có việc EU mua dầu hỏa của phe đối lập.

Mệt mỏi với “cuộc chơi lớn”

Theo các nguồn tin từ một số tổ chức quan sát Syria, phe đối lập ở Syria đang lâm vào tình thế hết sức khó khăn về tài chính do các nguồn lực tài chính cho các hoạt động lâu nay đang cạn dần và có dấu hiệu không còn nữa. Các nguồn tin này cho biết, các nhà tài trợ cho phe đối lập Syria bao gồm những mạng lưới doanh nhân Syria lưu vong ở nước ngoài, cụ thể như tại Mỹ và Arập Xêút.

Trong giai đoạn đầu cuộc nổi dậy, một nhóm doanh nhân cung cấp tiền bạc "nuôi" một số lượng vài chục tay súng nổi dậy chống chính phủ xuất thân từ thành phần biểu tình và các binh sĩ đào tẩu. Khi xung đột lan ra khắp đất nước Syria, biến thành cuộc xung đột vũ trang từ giữa năm 2011, đã xuất hiện những nhóm phiến quân khác nhau tự vũ trang, đứng ra bảo vệ các cộng đồng cư dân địa phương.

Mỗi nhóm phiến quân có những chỉ huy có sức thuyết phục, thu hút sự ủng hộ của một mạng lưới doanh nhân giàu có ở nước ngoài và được họ tài trợ. Nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra cũng có nguồn tài chính riêng. Nguồn lực tài chính từ các mạng lưới doanh nhân ở nước ngoài chính là nguồn nuôi sống các nhóm phiến quân tham gia nội chiến, nhưng đồng thời cũng chính là căn nguyên cho việc lực lượng phiến quân Syria chia năm xẻ bảy, khó lòng hợp nhất chiến đấu dưới cùng màu cờ.

Từ nửa cuối năm 2012, nhu cầu của các nhóm phiến quân đã thay đổi. Từ những nhóm nhỏ, với kiểu đánh du kích nhỏ lẻ, vũ khí hạng nhẹ, ít tốn kém, đã phát triển thành những đội quân rầm rộ, quân số đông hơn gấp bội, thực hiện các trận đánh lớn, với nhu cầu vũ khí hỏa lực mạnh hơn, có khả năng bắn rơi cả máy bay trực thăng.

Các doanh nhân đã bắt đầu thấy "khó khăn", khi nhu cầu cung cấp tài chính tăng vọt, nhưng hiệu quả “lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad” thì chưa thấy đâu. Thế là họ rút lui. Đến lúc này thì Arập Xêút và Qatar bắt đầu vào cuộc, và "cuộc chơi lớn" cũng bắt đầu. Nhưng, ngay cả "cuộc chơi lớn" của các quốc gia láng giềng này cũng không kéo dài được lâu.

Tai tiếng về việc nhóm Hồi giáo cực đoan Jabhat al-Nusra có liên quan đến khủng bố và hàng nghìn tay súng thánh chiến từ nhiều nước kéo đến là một nguyên nhân quan trọng khiến "nhà tài trợ" rút lui. Việc chọn lựa nhóm phiến quân để tài trợ cũng là vấn đề phức tạp khiến các quốc gia nản lòng, rút bớt tài trợ, chờ đợi nước Mỹ tham gia.

Phiến quân Syria đã cảm nhận được sự giảm sút này rõ nhất tại đầu mối tiếp tế ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khi những lời hứa và sự chờ đợi cứ kéo dài. Việc tài trợ trên thực tế đã không còn liên tục và có hệ thống như trước nữa.

Khi tình hình tài trợ gặp khó khăn cũng là lúc các nhóm phiến quân nhỏ lẻ tập hợp lại quanh những nhóm còn nguồn tài trợ, hình thành những nhóm lớn hơn. Nhưng ngay cả một trong những nhóm lớn nhất là Hội đồng Quân sự Tối cao (SMC) cũng gặp tình cảnh bấp bênh, khó lòng duy trì khả năng tập hợp lực lượng để chiến đấu. Và đây chính là nguy cơ lớn cho các lực lượng phiến quân Syria.

“Cọng rơm” cho kẻ đang chới với

Trước nguy cơ cuộc chiến thất bại do khó khăn tài chính của phe đối lập Syria, Mỹ và các đồng minh châu Âu như lên cơn sốt, chạy đua với thời gian vận động các đối tác, tìm phương án "cứu nguy". Bên cạnh giải pháp trực tiếp cung cấp vũ khí đang được chính quyền Mỹ xem xét, thì giải pháp có vẻ khả thi nhất chính là việc Liên minh châu Âu đứng ra mua dầu thô do phe đối lập khai thác từ các giếng dầu chiếm được, để phe đối lập lấy tiền mua sắm vũ khí và nuôi lực lượng chiến tranh.

Các Bộ trưởng Ngoại giao khối EU đã thống nhất cho phép mua dầu của phiến quân Syria.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn cho việc mua bán này là lệnh cấm vận mua bán dầu thô đối với Syria đã được châu Âu và Mỹ áp dụng từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy "Mùa xuân Arập" cách đây 2 năm. Vì thế, để các công ty châu Âu không bị ràng buộc trong việc mua bán, EU đã nhất trí gỡ bỏ lệnh cấm vận mua bán dầu mỏ đối với Syria từ ngày 22/4 vừa qua.

"Chúng tôi muốn sự phát triển kinh tế tốt đẹp ở những vùng do phe đối lập kiểm soát" - Bộ trưởng Ngoại giao Đức Guido Westerwelle giải thích với báo chí về "lý do cần thiết" cho hành động đầy mâu thuẫn của EU.

Đối với phe đối lập, động thái của EU giống như "cọng rơm" cho kẻ chết đuối, là một tín hiệu tốt lành, một sự tiến triển mạnh mẽ trong các hành động hậu thuẫn vốn đã bị chậm trễ do "vướng" nhiều vấn đề. Các mỏ dầu tại các vùng phiến quân kiểm soát hiện đang là tài nguyên có giá trị lớn, chiếm một phần đáng kể số mỏ dầu của cả nước Syria, chủ yếu tập trung ở vùng Deir Ezzor, Đông Syria.

Trước khi các cuộc nổi dậy bắt đầu cách đây hơn 2 năm, mỗi năm Syria xuất khẩu 150.000 thùng dầu, chủ yếu sang châu Âu, mang về khoảng trên 3 tỉ USD mỗi năm. Với số lượng giếng dầu chiếm được, phiến quân Syria đang hy vọng sẽ khai thác được khoảng 30.000 thùng dầu mỗi ngày. Nhưng Eu dự định chỉ mua dầu giá rẻ, khoảng 60-70 USD/thùng, thấp hơn 30% so với giá thị trường thế giới.

Việc EU tự tiện gỡ bỏ lệnh cấm vận dầu mỏ và cho phép các công ty mua dầu của phe đối lập thật đơn giản. Nhưng trên thực tế, chuyện mua bán dầu mỏ giữa phiến quân Syria với EU sẽ gặp trở ngại lớn do các tuyến ống dẫn dầu thô tại Syria hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ Syria, do đó việc vận chuyển dầu qua đường ống dẫn đến các cảng xuất khẩu trong Địa Trung Hải hoàn toàn bất khả thi. Vì thế, để bán được dầu thì phiến quân buộc phải vận tải bằng đường bộ sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Dầu mỏ Syria Sulaiman Abbas đã lên tiếng cáo buộc quyết định mua dầu của EU là "bất hợp pháp". Còn các chuyên gia thì cho rằng việc EU tự gỡ bỏ cấm vận và mua dầu mỏ từ phiến quân Syria là một động thái sai lầm. Các nhà buôn dầu mỏ có thể cũng có kết luận tương tự Chính phủ Syria, và họ sẽ không giao dịch theo quyết định của EU vì đã trót ký kết giao ước với Chính phủ Syria từ trước khi nội chiến xảy ra.

Giới chuyên gia về năng lượng cho rằng, chỉ có Công ty Dầu mỏ Quốc gia Syria là có quyền mua bán dầu của Syria. Nếu EU cố tình tạo nên hệ thống mua bán "chui", bằng cách vận chuyển dầu qua biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tạo ra một "thị trường đen", giao dịch làm ăn kiểu mafia, sẽ càng làm cho tình hình phức tạp thêm.

Chưa hết, một phần không nhỏ số giếng dầu Syria hiện đang nằm trong tay tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra, đã công khai quan hệ với Al-Qaeda, và đang trở thành nguyên nhân gây chia rẽ nghiêm trọng giữa các nhóm phiến quân Syria, vì vậy việc EU mua dầu sẽ là hành động "đổ thêm dầu vào lửa"

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.