Phi công Thần phong – Họ là ai?

Thứ Tư, 08/06/2016, 18:00
Khi Chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc, theo các tài liệu lưu trữ của Không quân Nhận Bản lẫn của Không quân Mỹ, đã có gần 6.000 phi công tự nguyện biến mình thành những quả bom sống, lái máy bay lao thẳng vào tàu chiến Mỹ và đồng minh. Họ được gọi là "Kamikaze" - tiếng Nhật có nghĩa là "Trận gió thần" (Thần phong). Hầu hết trong số này đều đã chết.


Bài 1: Học bay để chết

70 năm sau - năm 2015, một số rất ít những phi công Kamikaze còn sống đã kể lại câu chuyện về góc khuất đời mình khi bước lên chiếc máy bay Zero để một đi không trở lại. Họ là những phi công cảm tử của phát xít Nhật.

Giấc mơ bay bổng

Tháng 12-1943, Nagumo, 18 tuổi, sinh viên năm thứ nhất Khoa Cơ khí Trường Cao đẳng Công nghệ Kyodo nhận được lệnh gọi nhập ngũ. Ông kể: "Tôi xem đó như một sự tất nhiên vì rất nhiều bạn bè tôi đã lên đường từ cả năm trước. Họ đang trực tiếp chiến đấu ở Trung Quốc, Miến Điện (nay là Myanmar), Philippines, Singapore hoặc ở những hòn đảo nằm đâu đó trong Thái Bình Dương. Chỉ mất một ngày, tôi đã thu xếp xong hành lý, tạm biệt cha mẹ và cô bạn gái Michiko. Ai nấy đều cố làm ra vẻ cứng rắn, nhưng khi tôi quay lưng bước đi, họ khóc".

Nagumo trên chiếc Nakajima Ki-44.

10 tuần huấn luyện trôi qua trong gian khổ với những bài tập hành quân dã ngoại, chạy vượt chướng ngại vật cả trên bộ lẫn dưới nước, bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn. Nagumo kể tiếp: "Sau lễ mãn khóa, một sĩ quan không quân đến gặp tôi, hỏi tôi có muốn trở thành phi công không?". Sung sướng đến nghẹn lời, Nagumo chỉ biết gật đầu vì ngay từ lúc còn bé, ông luôn dõi mắt nhìn lên bầu trời mỗi khi có một chiếc máy bay bay qua: "Hồi ấy, tôi luôn tự hỏi rằng tại sao nó lại có thể bay được, và lái một chiếc máy bay có quá khó như khi bạn mới bắt đầu tập đi xe đạp hay không?".

Được chuyển đến căn cứ không quân Kanto, Nagumo cùng hơn 100 tân binh bắt đầu học về thời tiết, áp suất không khí, tốc độ gió, học cách phân biệt những loại mây. Tiếp theo, ông được học cách cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của loại máy bay tiêm kích Nakajima Ki-44, định danh là Shoki. Đây là loại chiến đấu cơ 2 chỗ ngồi, sản xuất năm 1940 và đưa vào hoạt động năm 1942.

Nagumo kể: "Shoki được trang bị 2 súng máy 12,7mm và 2 khẩu pháo 20mm. Với động cơ công suất 1.260 mã lực, tốc độ bay tối đa 600km/giờ. Nó quả là một cỗ máy tuyệt vời nên khi ngồi vào buồng lái, tôi có cảm tưởng nó là một phần của thân thể tôi". Trong suốt cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, đã có 1.223 chiếc Shoki tham gia chiến đấu, và nó được coi là một trong những mẫu máy bay tiêm kích mạnh nhất của Không quân phát xít Nhật.

Trận không chiến đầu tiên

Tháng 9-1944, Nagumo ra trường với cấp bậc thiếu úy - phi công thuộc Hải quân phát xít Nhật. Thời điểm này, quân Mỹ và đồng minh ngày càng tiến gần đến nước Nhật. Được trang bị nhiều loại máy bay mạnh hơn về vũ khí, nhanh hơn về tốc độ, những chiếc F6F Hellcat, P51 Mustang, P47 Thunderbolt và F4U Corsair của Không quân Mỹ làm mưa làm gió trên bầu trời trước những chiếc Ki-43, Nakajima Ki-84 hoặc Kawanishi N1K.

Tiễn các phi công lên đường làm nhiệm vụ.

Thời gian này, trong các trận không chiến ở quần đảo Solomon và New Guinea, Nhật mất gần 250 máy bay Ở vùng biển Philippines, lại có thêm 400 máy bay bị bắn hạ. Số phi công giàu kinh nghiệm ngày càng hiếm, chưa kể việc thiếu thốn linh kiện, phụ tùng và xăng dầu đã khiến nhiều máy bay của phát xít Nhật phải nằm ụ.

Sáng ngày 12-4-1944, còi báo động ở sân bay Nagato hú vang. Nagumo khi ấy mới chỉ là một phi công với kinh nghiệm…19 giờ bay, vội vã đeo dù lưng, dù bụng, áo phao, tay cầm chiếc mũ bay, lao về phía phòng họp.

Ông kể: "Giây lát, 160 phi công thuộc Phi đoàn tiêm kích số 3 và Phi đoàn ném bom số 27 đã có mặt. Thiếu tá Fushida, chỉ huy trưởng sân bay cho biết, một máy bay trinh sát Kawanishi H8K trong khi làm nhiệm vụ, đã phát hiện một đội tàu Mỹ gồm tàu sân bay, tàu hộ vệ và tàu chiến đang tiến về đảo Saipan. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đánh chìm những chiếc tàu ấy vì nếu người Mỹ chiếm được Saipan, các pháo đài bay B29 của họ xuất phát từ sân bay trên đảo này, hoàn toàn có thể thực hiện các cuộc oanh tạc vào lãnh thổ Nhật Bản".

Với sự giúp đỡ của một thợ máy, Nagumo leo vào khoang lái của chiếc tiêm kích Nakajima Ki-44. Do thiếu phi công nên ông phải bay một mình. Giây lát, không gian rung lên bởi tiếng gầm rú phát ra từ động cơ của những chiếc máy bay ném bom Mitsubishi G3M, máy bay tiêm kích Nakajima Ki-44, Ki-43, Ki-84 và Kawanishi N1K Nagumo kể tiếp: "Chúng tôi bay theo đội hình "mũi tên nhỏ" - nghĩa là cứ một chiếc bay đầu thì có hai chiếc bay kèm theo hai bên hông. Với cách bay ấy, cả ba chiếc đều có thể đồng loạt tấn công hoặc bảo vệ cho nhau nếu bị máy bay địch tập kích".

Phi công Nhật hầu hết đều còn rất trẻ.

Khoảng 50 phút sau đó, Phi đoàn tiêm kích số 3 và Phi đoàn ném bom số 27 đã có mặt trên vùng biển Saipan. Nhiệm vụ của Nagumo và của những phi công tiêm kích khác là chặn đánh máy bay Mỹ, không cho chúng tấn công những chiếc máy bay ném bom vốn nặng nề, cơ động kém, hỏa lực phòng thủ yếu ớt. Bầu trời khá nhiều mây nên chưa ai nhìn thấy hạm đội Mỹ. Một vài chiếc Nakajima Ki-84 chúi mũi xuống, xuyên qua những đám mây, tiến hành tìm kiếm. Tai nghe trong mũ bay của Nagumo chỉ vang lên những tiếng lạo xạo của sóng vô tuyến, tuyệt nhiên không hề có một mệnh lệnh nào.

Bỗng dưng bất ngờ như có tia sét bủa xuống, một chiếc tiêm kích P51 Mustang của Hải quân Mỹ không hiểu từ đâu lao đến, lướt ngang chiếc Nakajima Ki-44 của Nagumo, hai khẩu súng máy ở hai bên cánh của nó khạc ra một luồng lửa đỏ rực. Qua khung cửa kính trong suốt, Nagumo còn kịp nhìn thấy mái tóc vàng hoe và chiếc kính bảo hộ trên mặt viên phi công Mỹ.

Ông kể: "Loạt đạn bắn ra từ chiếc P51 đã tiện đứt phần đầu cánh của chiếc Kawanishi N1K bay trước tôi khiến nó rơi xuống biển trong tư thế xoáy trôn ốc. Tôi biết đó là máy bay của Hiroda, người dẫn đầu "mũi tên nhỏ" trong đội hình tôi. Theo phản xạ, tôi vừa kéo cần lái, vừa đạp mạnh vào "pêđan" cho máy bay nghiêng hẳn sang bên trái, tay bấm cò súng bắn đuổi theo chiếc P51 nhưng nó đã biến mất vào một đám mây".

Lúc này, không phải chỉ có một chiếc P51 mà xung quanh Nagumo, chỗ nào cũng thấy máy bay Mỹ. Đã có hai  oanh tạc cơ Mitsubishi G3M bị trúng đạn, cắm đầu lao xuống biển với những cuộn khói đen kịt bốc ra từ động cơ. Nhìn thấy một chiếc P51 đang bám theo một chiếc Kawasaki Ki-61 mà theo số hiệu sơn trên cánh đuôi, Nagumo biết đó là máy bay của trung úy Ryokichi, phi đội trưởng. Lập tức, Nagumo cho máy bay của mình chúi xuống rồi quặt ngược lên, ngón tay trỏ đặt sẵn vào cò súng. Tuy nhiên, vận tốc của chiếc Nakajima Ki-44 không thể nào sánh kịp với chiếc P51 Mustang nên dù đã ở vào vị trí bắn tốt nhất, Nagumo đành ngậm ngùi nhìn chiếc Mustang vượt qua mặt mình một khoảng cách khá xa, nã đạn liên hồi vào máy bay của trung úy Ryokichi.

Trận không chiến chỉ kéo dài trong khoảng 20 phút. Phía Nhật mất 17 máy bay tiêm kích và 32 máy bay ném bom. Không quân Mỹ chỉ có 1 chiếc P47 Thunderbolt trúng đạn nhưng vẫn còn bay được. Riêng hạm đội tàu Mỹ thì chẳng hề hấn gì. Nagumo nói: "Đến lúc ấy, tôi nhận ra rằng về mặt kỹ thuật, chúng tôi thua hẳn người Mỹ. Chưa kể phi công của họ được đào tạo bài bản hơn, và kinh nghiệm không chiến cũng nhiều hơn".

Nước cờ tàn

Ngày 15-4-1944, lính thủy đánh bộ Mỹ chiếm đảo Saipan sau những cuộc giao tranh đẫm máu. Thời điểm này, Không quân Nhật có khoảng 33.000 người, trong đó gần 11.000 là phi công, phần lớn mới qua giai đoạn huấn luyện.

Về máy bay, Nhật có tổng cộng 1.600 chiếc (1.375 chiếc là máy bay chiến đấu), số còn lại là máy bay ném bom hạng nhẹ và máy bay ném bom tầm trung cùng một ít thủy phi cơ, máy bay trinh sát, chia thành 6 sư đoàn mà trong đó, Sư đoàn 1 đặt bộ chỉ huy ở Tokyo, căn cứ ở Kanto, có trách nhiệm bảo vệ không phận nước Nhật cùng Đài Loan, Hàn Quốc. Sư đoàn 2, bộ chỉ huy ở Hsinking, chịu trách nhiệm khu vực Mãn Châu. Sư đoàn 3, bộ chỉ huy ở Singapore, chịu trách nhiệm phòng thủ khu vực Đông Nam Á.

Sư đoàn 4, chỉ huy sở đóng tại Rabaul, có nhiệm vụ bảo vệ không phận quần đảo Solomon và New Guinea. Sư đoàn 5 đóng ở Nanking, bảo vệ miền nam và miền đông Trung Quốc còn Sư đoàn 6 đặt trên đảo Kyushu, phòng thủ Okinawa. Thế nhưng, những cuộc săn lùng của máy bay Mỹ trên Thái Bình Dương đã khiến những tàu chở nguyên liệu như sắt, thép, đồng, cao su và nhất là dầu mỏ không thể nào về đến nước Nhật. Nền công nghiệp chiến tranh của Nhật rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Nửa cuối năm 1944, chỉ có khoảng 100 máy bay các loại được đóng mới thay vì 500 đến 600 chiếc vào thời điểm Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Đã vậy, do thiếu nguyên liệu, cấu trúc máy bay cũng được đơn giản hóa đến mức tối đa, dẫn đến việc phi công điều khiển thiếu chính xác trong những trận không chiến. Chưa kể sau khi chiếm được đảo Saipan, những pháo đài bay B29 của Mỹ liên tục thực hiện những trận ném bom vào các cơ xưởng sản xuất máy bay, tàu chiến, các kho xăng dầu và các trục đường giao thông đặt trên đất Nhật khiến nhiều kỹ sư, thợ máy giỏi bị thương hoặc bị chết.

Phi công cũng vậy, con số rơi rụng ngày càng nhiều trong lúc việc đào tạo cần phải có thời gian. Nagumo kể: "Cứ mỗi đợt xuất kích, nếu không phải bay, tôi thường ngồi ở đầu đường băng đếm từng chiếc máy bay trở về và hầu như chẳng bao giờ đồng đội của tôi quay lại đầy đủ. Có những đợt cất cánh 40 chiếc thì chỉ còn 12 chiếc hạ cánh. Danh sách người chết mỗi ngày mỗi dài thêm, có người chết vì bị máy bay Mỹ hoặc súng phòng không từ tàu chiến bắn trúng, có người chết vì động cơ máy bay hư hỏng và cũng có người chết vì nửa đường hết dầu, máy bay rơi xuống biển".

Đến tháng 10-1944, nhận thấy không còn chiếm được ưu thế trên bầu trời trong lúc máy bay Mỹ xuất phát từ các tàu sân bay liên tục tung ra những cuộc tấn công vào các vị trí phòng thủ của Nhật ở Thái Bình Dương mà không phải lo ngại đến vấn đề thiếu nhiên liệu, Bộ Tổng tham mưu quân đội phát xít Nhật quyết định tung ra một đòn chí mạng, gọi là chiến dịch "Thần phong".

Tên gọi "Thần phong" bắt nguồn từ một cơn bão đánh tan đội tàu thuyền của đế quốc Mông Cổ vào năm 1281, khi việc thôn tính Nhật Bản đã nằm trong tầm tay. Nhờ cơn bão này, Nhật Bản thoát khỏi ách cai trị của Mông Cổ. Vì thế, người Nhật gọi cơn bão cứu mạng ấy là "Kamikaze - nghĩa là Thần phong".

Để triệt hạ những tàu sân bay Mỹ, đanh tan uy thế cả về không quân lẫn hải quân, Bộ Tổng tham mưu quân đội phát xít Nhật sử dụng loại máy bay Mitsubishi Zero, mang theo một quả bom 250kg. Phi công lái những chiếc máy bay này chỉ có một việc duy nhất là lao đầu xuống tàu sân bay cũng như tàu chiến Mỹ. Các đơn vị Kamikaze được gọi chung là "Tokubetsu Kogeki Tai - Đội công kích đặc biệt" …

(Còn tiếp)  

Cao Trí (theo Suicide pilots in the Pacific war)
.
.