Phơi bày trang lịch sử đen tối của Henry Kissinger

Thứ Bảy, 08/02/2014, 08:15

Tạp chí Câu chuyện chính trị Mỹ vừa công bố thêm một số những bí mật không lấy gì đẹp đẽ của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ, và qua đó lột mặt nạ của ông ta trong những trang sử tang thương của Việt Nam, Campuchia và cả người dân khu vực Nam Á.

Trong cuốn sách viết về tiểu sử Henry Kissinger của mình, Tiến sĩ Walter Isaacson đã chỉ ra chi tiết việc Kissinger đã nhờ FBI đặt máy nghe lén các nhà báo và quan chức Chính phủ Mỹ như thế nào, trong số những "mục tiêu" đó có cả cấp dưới thân tín của ông.

Vài năm trước, cuốn băng đó đã công bố và qua nội dung của nó, người ta biết rằng, sau năm 1975, trong lúc nước Mỹ thảo luận về tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ, Kissinger từng nói với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan: "Ông hãy nói cho người Campuchia (thực chất là bọn Khmer Đỏ, chứ không phải nhân dân Campuchia), chúng tôi sẽ là bạn của họ. Họ là những tên côn đồ giết người, nhưng chúng tôi sẽ không để điều đó ngăn cản chúng tôi".

Gần đây nhất, một cuốn băng nghe lén từng được đặt trong Phòng Bầu dục (nơi làm việc của tổng thống Mỹ) được công bố đã cho biết Kissinger từng nói với thái độ bất nhân như sau: "Nếu họ (ám chỉ người Nga) đặt bọn Do Thái vào hầm hơi ngạt ở Liên Xô, người Mỹ sẽ chẳng bao giờ quan tâm".

Tháng 6/2013, tại dạ tiệc chiêu đãi sinh nhật lần thứ 90 của Kissinger tại Khách sạn Thánh Regis ở New York, các vị khách quan trọng được mời bao gồm: vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton - nguyên Cố vấn an ninh quốc gia, cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Barbara Walters, Tina Brown và hàng trăm người khác. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nâng ly ca ngợi "tiền bối Kissinger  là một "chính khách không thể thiếu". Trong khi đó Thượng nghị sĩ John McCain trả lời phỏng vấn một tờ báo: "Tôi biết không còn cá nhân nào được tôn trọng hơn như Henry Kissinger".

Tuy nhiên, tạp chí Câu chuyện chính trị Mỹ đã "lột mặt nạ" Henry Kissinger qua những trang sử tang thương ở khu vực Nam Á. Theo đó, Kissinger sẽ được phát biểu tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia (CNI) như một vị cố vấn cho chính quyền Washington đã "hiến thân" vì chủ nghĩa hiện thực… Tuy nhiên, một lần nữa, rất có thể ông ta phải thật sự nghiêm túc đối mặt với các câu hỏi, ví dụ: vụ ném bom đêm Giáng sinh năm 1972 vào Hà Nội và Hải Phòng (Việt Nam), số người dân miền Bắc Việt Nam bị thiệt mạng  trong "cơn điên cuồng ở bước đường cùng" của Mỹ khi đang dần thất trận, số người dân Campuchia chết vì nạn diệt chủng của Khmer Đỏ và vì bom mìn cũng là những câu hỏi dành riêng cho cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Cựu Tổng thống Richard Nixon (trái) và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.

Nhắc đến những sự cố đen tối trong quá khứ của Kissinger, người ta ít khi kiêng dè về bản thân và sự hỗ trợ trung thành của ông ta đối với Tổng thống Nixon ủng hộ chế độ độc tài quân sự Pakistan đã thực hiện cuộc đàn áp đẫm máu người dân Bengal vào năm 1971. Khi còn làm Cố vấn an ninh quốc gia thời Nixon, Kissinger đã đứng đằng sau "kích động" Pakistan - một đồng minh Chiến tranh lạnh được đánh giá cao và có mối quan hệ ngoại giao, quân sự khăng khít với Mỹ, ngay cả khi chế độ độc tài Pakistan bấy giờ đã phá hoại cuộc bầu cử dân chủ, "tắm máu" người dân Bengal và đàn áp dã man người Hindu thiểu số ở Bengal.

Mặc dù biết vi phạm luật Mỹ, nhưng năm 1971, Kissinger nhờ "bóng" của Nixon vẫn chuyển giao nhiều loại vũ khí cho Pakistan trong cuộc chiến với Ấn Độ. Có một nhân vật ra sức bênh vực cho Kissinger, đó là thượng nghị sĩ Blackwill. Nhưng một nhân vật khác đã không ngần ngại vạch mặt ông ta, thượng nghị sĩ Bass, ông từng tố việc Kissinger đưa vũ khí Mỹ vào Pakistan như hành động diệt chủng nhân dân Nam Á.

Trong những ngày then chốt trước khi quân đội Pakistan nổ súng vào ngày 25/3/1971, các quan chức cấp cao Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo chính xác: Henry Kissinger không hề biết rằng một cuộc đàn áp quân sự sẽ thất bại và dẫn đến sự chia rẽ đất nước Pakistan thành 2 miền Đông và Tây, gây ra tổn thất đến lợi ích chiến lược của Mỹ. Khi cuộc tàn sát bắt đầu, Archer Blood, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Đông Pakistan đã thẳng thắn lập luận: sự cứng rắn của Mỹ đã khiến Ấn Độ và Bengal "ngả về" phía Liên Xô.

Harold Saunders, trợ lý cấp cao tại Nhà Trắng cho Kissinger về khu vực Nam Á từng viết trong hồi ký: "Trong chừng mực nào đó thì lợi ích của Mỹ có thể định nghĩa đơn giản về cân bằng quyền lực giữa các quốc gia, điều sẽ phù hợp nếu yêu cầu một sự lựa chọn - để nước Mỹ liên kết mình với 600 triệu dân Ấn Độ và Đông Pakistan và để lại 60 triệu dân Tây Pakistan hầu như bị cô lập hoàn toàn".

Và Kenneth Keating, một cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa, người từng làm đại sứ Mỹ tại Ấn Độ đã rất bất bình trước hành vi tàn bạo của quân đội Pakistan bị Mỹ "kích động" mà "chủ trò" là Ngoại trưởng Henry Kissinger, cũng khuyên chính quyền Mỹ nên xây dựng một mối quan hệ tốt hơn với Ấn Độ vì đó là đất nước lớn hơn và mạnh hơn so với một Pakistan đang sụp đổ, và Ấn Độ cũng là "chiến lợi phẩm" tốt hơn trong cuộc Chiến tranh lạnh.

Sau khi Nixon và Kissinger gửi một nhóm tàu sân bay tiến vào Vịnh Bengal để đe dọa Ấn Độ, quan hệ Mỹ - Ấn Độ đã trở nên xấu chưa từng có. Do đó, cả 2 nước đã phải mất hàng thập kỷ hàn gắn mãi đến tận thời Tổng thống Mỹ George W.Bush, quan hệ 2 bên mới dần dần ổn định.

Do Ấn Độ dồn dập tấn công  Pakistan trong một cuộc chiến ngắn ngày, Kissinger đã bí mật gây sức ép với Trung Quốc nhanh chóng chuyển quân áp sát biên giới Ấn Độ như một động thái ủng hộ Pakistan. Nhưng ngược lại, Liên Xô hậu thuẫn cho Ấn Độ, nên họ sẽ yêu cầu Liên Xô "giúp đỡ". Nếu điều đó làm dấy lên một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Liên Xô, Kissinger sẽ kêu gọi Nixon hỗ trợ Trung Quốc một khi cuộc khủng hoảng leo thang. Đó là "mưu hèn, kế bẩn" của Kissinger với mục đích để cho các bên Ấn Độ - Trung Quốc - Nga - Pakistan hỗn chiến, còn Mỹ sẽ là "ngư ông đắc lợi".

 Kissinger tự cho rằng, lập trường ủng hộ Pakistan của ông ta là đúng đắn về mặt "đạo đức", vượt qua và trên cả mối quan hệ với Trung Quốc. Vào tháng 6/1971, bằng tình cảm cá nhân, Nixon đã vỗ vai Kissinger tại Phòng Bầu dục rồi nói với đại ý rằng chính quyền Nixon sẽ bằng mọi cách triệt Ấn Độ: "Này nhé, ngoại trừ vấn đề Trung Quốc, tôi sẽ không làm gì để giúp đỡ Ấn Độ đâu…".

Cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan nổ ra vào tháng 12/1971, khi đó Kissinger đã cố thuyết phục Trung Quốc tiến quân chống lại Ấn Độ, nhưng Trung Quốc đã do dự. Dưới áp lực của đảng Dân chủ trong Quốc hội - yêu cầu chính quyền Nixon phải viện trợ nhân đạo cho hàng triệu người tị nạn Bengal đã chạy trốn vào Ấn Độ, Kissinger đã kiếm cớ tấn công Ấn Độ với lý do Ấn Độ tấn công một nước có chủ quyền là Pakistan, nên Mỹ giúp Pakistan kháng cự.

Cũng trong tháng 6/1971, khi người dân Bengal tuyệt vọng đổ xô vào Ấn Độ (vì nội chiến Pakistan) thì đội ngũ nhân viên riêng của Kissinger trong Nhà Trắng đã thẳng thắn cảnh báo: Người tị nạn Bengal ở Ấn Độ sẽ phải cần hơn 400 triệu USD/năm, nhưng trong khi đó Mỹ chỉ có 70 triệu USD. Do đó, hậu quả tất yếu đã xảy ra: người tị nạn Bengal lần lượt chết vì bệnh tả và tiêu chảy trong các trại tị nạn tồi tàn ở các tỉnh biên giới đầy bất ổn của Ấn Độ. Người ta tự hỏi đó liệu có phải là ân huệ của Kissinger ban cho những số phận khốn khổ là người tị nạn Bengal?!

Những sự kiện tang tóc liên tục xảy ra năm 1971, chắc chắn người dân Nam Á sẽ không bao giờ lãng quên, đến nay nhiều người dân Ấn Độ vẫn căm phẫn hành động tội ác của Kissinger và nước mắt người dân Bangladesh vẫn chảy vì các vụ thảm sát của quân đội Pakistan có Mỹ đứng đằng sau gây ra

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.