Nhà báo quyền lực nhất nước Mỹ - Bob Woodward:

Phóng sự điều tra, sách và một nửa sự thật

Thứ Tư, 10/04/2013, 20:25

Mới đây, nhà báo Bob Woodward (người từng nổi danh với vai trò phanh phui vụ Watergate 40 năm trước đây) bất ngờ xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Politico (Mỹ), cáo buộc rằng ông bị một quan chức cấp cao Nhà Trắng đe dọa bằng thư điện tử vì "cả gan" tiết lộ những thông tin chi tiết liên quan tới các cuộc đàm phán về chính sách cắt giảm ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, sau khi Nhà Trắng công khai nội dung bức thư, dư luận mới vỡ lẽ ra nội dung bức thư chỉ là những trao đổi về chính sách kinh tế, dư luận chẳng thể hiểu nổi ông Bob lấy đâu ra "những đe dọa tinh thần" để buộc tội đối phương.

Người bị đổ tội oan lại chính là Gene Sperling, cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama.

Một vụ việc chẳng có gì đáng nói, nhưng cách hành xử của Bob Woodward - một biểu tượng trong giới báo chí thế giới - lại có vấn đề. Có chăng việc Sperling tiết lộ Bob Woodward từ chối một vị trí trong đảng Dân chủ gây xôn xao đôi chút, trong khi danh tiếng vốn dĩ đã quá nổi bật của nhà báo này hoàn toàn có thể cho ông một sự nghiệp chính trị vững chắc.

Phải chăng ông đang chế nhạo và khéo gợi ý về "mối nguy hiểm tiềm ẩn" trong bộ máy chính quyền, hay đơn giản chỉ là nhà báo rất giỏi viết lách đang gặp sự cố đọc hiểu ngôn ngữ? Người đời thường tâm niệm "lắm tài nhiều tật", và Bob Woodward cũng chẳng phải là một ngoại lệ!

Nổi danh từ một bê bối chính trị

Người ta kháo nhau rằng Bob Woodward là nhà báo giàu có nhất nước Mỹ với ngôi nhà "tầm cỡ ngoại trưởng" nằm ở trung tâm thủ đô Washington D.C. Bob bấy lâu nay được dư luận ca tụng như một tài năng huyền thoại trong giới ký giả, tạo nên một thứ danh tiếng có tầm ảnh hưởng rất lớn tới cái gọi là “tự do” trong báo chí đương đại.

Cuộc đời Bob Woodward được xếp đặt khá sớm. Ông kiếm được suất học bổng toàn phần ở Đại học Yale, ngành văn chương và lịch sử. Năm 1965, khi chiến tranh Việt Nam leo thang, Bob quyết định nhập ngũ với lý do "muốn thấu hiểu cuộc sống ở nơi xảy ra chiến sự". Tuy nhiên, ông được điều xuống một hạm đội hoạt động ngoài khơi, chỉ tham chiến nếu như nổ ra chiến tranh nguyên tử. Ông đành chịu cảnh "thất nghiệp" trong suốt quãng đời làm lính sau đó.

Carl Bernstein và Bob Woodward (phải) tại tòa soạn tờ Washington Post, năm 1973, điều tra vụ bê bối chính trị Watergate.

Năm 1970, Bob nối nghiệp cha bằng cách theo học khoa Luật của Đại học Harvard, nhưng sau đó thay đổi ý định và chuyển sang làm báo. Nghiệp cầm bút đến với con người này hoàn toàn tình cờ chỉ sau hai tuần thử việc tại tòa soạn báo Washington Post. Khởi đầu vô cùng tồi tệ với tỷ lệ bài đăng bằng không, chàng trai trẻ đam mê viết lách bị chuyển xuống tờ Montgomery County Sentinel, phụ san của Washington Post. 17 bài viết của ông liên tục nhận chỉ trích và quyết định không được đăng do lối viết "cẩu thả, chưa hấp dẫn".

Tuy nhiên, nổi tiếng là một người viết rất khỏe, Bob chỉ mất một năm điều chỉnh lối tư duy và tạo ra những bài báo với độ súc tích cao, phản ánh chân thực xã hội pha trộn giữa nhiều vấn đề phức tạp. Ông trở thành "trùm" ở phụ san, và chính thức được điều động trở lại Washington Post vào tháng 9/1971.

Dấu ấn sự nghiệp làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Bob Woodward chính là bê bối chính trị Watergate năm 1972, buộc Tổng thống Richard Nixon từ chức. Cả nước Mỹ thay đổi vì một cú điện thoại từ thư ký tòa soạn gọi cho Bob Woodward vào thứ bảy, ngày 17/6/1972. Bob nhận tin có 5 cá nhân không rõ  danh tính được trang bị camera đã bị bắt khi đang cố gắng đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ (có tên gọi Watergate). Ông nhanh chóng cùng người đồng nghiệp giàu kinh nghiệm Carl Bernstein lên  đường điều tra vụ bê bối, hé mở những sự thực ngoài sức tưởng tượng.

Sau khi bắt 5 "tên trộm", Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lần ra manh mối rằng chính các nhân vật thân cận của Tổng thống Nixon, cùng với Ủy ban vận động bầu cử đã tổ chức vụ đột nhập nhắm vào đối thủ chính trị là đảng Dân chủ. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị Nhà Trắng ỉm đi cho tới khi Bob Woodward và Carl Bernstein phanh phui mọi chuyện.  Hai năm điều tra với sự giúp đỡ của Mark Felt, cựu nhân viên FBI mang bí danh "Deep Throat", Bob và cộng sự đã lôi ra ánh sáng đường dây đặt máy nghe lén do đảng Cộng hòa chủ xướng, nhằm tìm cách chiếm ưu thế so với đảng Dân chủ trong cuộc tái vận động tranh cử của Tổng thống Nixon.

Khi bắt tay làm loạt phóng sự điều tra vụ Watergate, Bob Woodward chưa đầy 30 tuổi và vẫn chưa có chút tiếng tăm nào. Vụ bê bối đã đưa ông lên đài vinh quang cùng phần thưởng danh giá là giải Pulitzer vì đã cống hiến xuất sắc cho xã hội. Một ngôi sao đã ra đời và hình thái báo chí ở Mỹ đã thay đổi. Báo chí trở nên hấp dẫn hơn với sức mạnh công phá xã hội, còn các nhà báo trở thành những chiến binh bảo vệ sự thật.

Tự "thổi phồng" nhờ viết sách

Thành công vang dội từ vụ Watergate thôi thúc Bob Woodward lên ý tưởng soạn thảo một cuốn sách về tiến trình điều tra và những bí mật phía sau cả một đường dây nghe lén, dưới sự hỗ trợ của Carl Bernstein. Cuốn sách "All The President's Men" ra đời, trở thành sản phẩm bán chạy nhất chỉ trong vài tuần, thậm chí đã được chuyển thể thành phim.

Cuốn sách "All the President's Men", dù được chuyển thể thành phim, đã bị thay đổi và giới hạn lại những sự thực trong vụ Watergate.

Dường như Bob Woodward rất tâm đắc về sự chân thật của cuốn sách được xuất bản vào đầu năm 1974 tới mức ông thuê khá nhiều trang báo khác để quảng cáo cho "đứa con tinh thần". Có người cho rằng cuốn sách của Bob mang tính thẩm mỹ cao trong văn hóa đọc.

Thế nhưng, ông lại khai thác triệt để tính tự do và tưởng tượng, để cùng đồng nghiệp sáng tạo nên những nhân vật vô hình, khác xa so với thực tế vụ bê bối. Giới phân tích am hiểu cho rằng đây chỉ là một hình thức kiếm lợi và nâng giá trị bản thân sau khi Bob Woodward nhận giải thưởng Pulitzer. Cuốn sách là những chi tiết bịa đặt trong phòng lấy khẩu cung, khiến câu chuyện trở nên sướt mướt và ủy mị hơn đời thực.

"All the President's Men" đã bị thay đổi và giới hạn lại những gì thực sự đã xảy ra. Cuốn sách là sự vay mượn một giai đoạn trong vụ Watergate để Bob Woodward "tự sướng" về chiến tích mà ông gọi là lẫy lừng nhất trong nghiệp cầm bút, xóa tan những thất bại ê chề trước đó trong các bài phóng sự xã hội nhàm chán.

Năm 2011, Bob Woodward thẳng thừng tuyên bố mọi ghi chép của ông với "Deep Throat" được đăng tải trọn vẹn trên một vài số báo Washington Post. Thế nhưng, độc giả chẳng mấy khó khăn nhìn thấy cách Bob tiểu thuyết hóa một bê bối chính trị, tạo nên vô số những mâu thuẫn về vụ Watergate. Hiển nhiên, ông đã thành công khi thắng lớn trên mặt trận "bán sách kiếm lời", cho dù thông tin "Deep Throat" cung cấp bị xuyên tạc hoặc Bob tự ý chêm xen vài lời ca ngợi bản thân.

Nhưng có lẽ không có giai thoại nào đáng xấu hổ hơn việc Bob Woodward đối xử với Jeff Himmelman, một đồng nghiệp được Washington Post thuê để trợ giúp nghiên cứu cuốn sách của ông. Nhà báo kỳ cựu này không tiếc lời tán tỉnh, cầu xin và thậm chí đe dọa Jeff chỉ với một mục đích duy nhất: tất cả những nhận xét "không lọt tai" về cuốn "All the President's Men" đều bị xóa khi biên tập nội dung.

Bob Woodward cảm thấy bị xúc phạm khi ai đó buông lời miệt thị thứ nội dung "ảo" trong câu chuyện trinh thám "thực" của đời ông, cho rằng đó xứng đáng là huyền thoại. Jeff Himmelman sau này có kể lại những nghịch lý làm chung với Bob và ngay lập tức lĩnh vài trang báo "chửi" không thương tiếc từ chính Bob. Nhà báo này gọi Jeff "tráo trở", chuyên viết bậy bạ và bóp méo sự thực, làm hủy hoại đạo đức nghề nghiệp.

Bob Woodward tham gia điều tra về vụ Watergate được vinh danh hoành tráng trên tờ The Washington Post. Nhưng điều đó không thể bào chữa cho những gì diễn ra sau đó, khi ông đã tự tôn vinh vai trò cá nhân theo một cách khoe khoang, phá bỏ lời hứa "giữ bí mật" với Deep Throat và hoàn toàn quên tên đồng nghiệp Carl Bernstein.

"Ông trùm" của cánh nhà báo điều tra

Bob Woodward vẫn chuyên tâm làm báo và tiếp tục viết sách, từ những chuyện thâm cung bí sử ở Tòa án tối cao đến Cục Dự trữ Liên bang, hay những bí mật trong Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Giờ đây, ông không đơn thuần chỉ là một nhà báo mà đã trở thành một con người quyền lực. Năm 2004, Bob xuất hiện trên truyền hình sau khi "Plan of Attack" (Hoạch định tấn công) dẫn đầu danh sách những cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Đây là tường trình lại tuần tự những diễn biến trong tiến trình hoạch định chiến tranh ở Iraq. Tuy không đủ hấp lực mạnh như vụ Watergate, nhưng cuốn sách một lần nữa minh chứng sự nổi tiếng của Bob Woodward - một thám tử đích thực trong ngành báo.

Bob Woodward không phải là mẫu nhà báo săn tin theo kiểu chụp giựt hay muốn làm chuyện giật gân. Ông rất điềm tĩnh, từ tốn đưa ra từng bằng chứng, không kiêu ngạo, có một chút vụng về nhưng lại là người lúc nào cũng "mò" ra được những thông tin đáng giá.

Có hai nhân tố quyết định cho sự nghiệp thành công của Bob Woodward. Nhân tố đầu tiên là nỗ lực một cách phi thường và đam mê nghề nghiệp.  Ông muốn chỉ ra rằng, vụ Watergate là một nỗ lực cá nhân chứ không phải nhờ vào may mắn. "Khả năng tiếp cận thông tin của Bob Woodward mạnh dần theo từng năm. Ban đầu, đó là con số không. Nhưng bây giờ, ông ấy là "trùm" của cánh nhà báo điều tra", Matthew Fellings ở Trung tâm Vụ Báo chí và Công luận nhìn nhận. Nhân tố quan trọng khác trong cuộc sống của ông đó là sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía báo chí và những những con người kiệt xuất ở Washington Post, thậm chí là cả những con người hoàn toàn xa lạ.

Sự khôn khéo "biết người, biết ta" của Bob Woodward đã giúp ông có thể tiếp cận những khu vực nhạy cảm nhất của giới chính khách cấp cao. Một cựu quan chức Nhà Trắng nhận định: "Bob có sức mạnh rất lớn bên hành lang Nhà Trắng, vì các quan chức tin rằng những thông tin ông loan ra sẽ đi theo quan điểm cực kỳ tích cực cho người được phỏng vấn".

Nhiều năm qua, nói chuyện với Bob Woodward đã trở thành chuyện "thực tập rất bình thường" của các quan chức. David Gergen - Giám đốc truyền thông dưới thời Tổng thống Ronald Reagan - thổ lộ rằng, ông từng kinh ngạc khi được các lãnh đạo khuyến khích tham gia trò chuyện với nhà báo Bob vì phong cách rất cởi mở của người đàn ông này. "Nếu không nói chuyện với ông ta, anh sẽ bị công kích. Nếu nói chuyện, Bob Woodward sẽ giúp anh tìm được sự cảm thông từ mọi người", David Gergen cho biết.

Suy cho cùng, danh tiếng của Bob Woodward sẽ không bao giờ bị thay đổi bởi những lý do lãng xẹt hay cách ông tự thổi phồng về bản thân trong nhiều cuốn sách. Người ta nói rằng huyền thoại và tài năng của ông vẫn không ngừng kích thích dư luận tìm kiếm lời đáp cho những bí mật còn bỏ ngỏ trong vụ Watergate. Không một ai có thể có những kinh nghiệm mà không trải qua gian khổ. Danh tiếng chỉ là thoáng qua và đó có lẽ là một điều tốt. Thậm chí tổng thống có thể bị cách chức, nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với Bob Woodward.

Xuất hiện trong chương trình "Face the Nation" của Đài CBS, Bob Woodward cho biết, ông là một chuyên gia trong việc lắng nghe, thấu hiểu và tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề. Ông đã gợi ý một giải pháp nhằm giải quyết những tranh chấp với Gene Sperling rằng: "Tôi sẽ mời Sperling cùng những người trong Nhà Trắng đến nhà và chúng tôi có thể trò chuyện với nhau. Nếu còn một sự hoài nghi nào về chuyện nhà báo Bob Woodward đang vượt qua ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, xin hãy gọi cho ngài Tổng thống để cùng đối chất…"

Lâm Anh - Lê Thúy (tổng hợp)
.
.