Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia qua vụ Khashoggi

Thứ Năm, 13/12/2018, 09:38
Công luận vẫn đang chờ đợi và gây sức ép đòi hỏi phải có những biện pháp trừng phạt chính thức từ Washington đối với Saudi Arabia sau vụ sát hại dã man nhà báo Jamal Khashoggi.

Tuy nhiên người đứng đầu Nhà Trắng vẫn kiên quyết với những dấu hiệu khẳng định, sẽ không áp dụng bất cứ biện pháp mạnh tay nào chống lại đồng minh hàng đầu của mình tại khu vực Trung Đông, bất chấp vụ bê bối "Khashoggi" cũng như một loạt những tổn thất đáng kể về dân thường trong cuộc nội chiến tại Yemen, gây ra bởi một loạt những vụ đánh bom của liên minh không quân do Saudi Arabia đứng đầu.

Trước tình hình trên, một số nghị sĩ đã kêu gọi mở cuộc điều tra chính thức về những mối quan hệ tài chính giữa Tổng thống Trump với Saudi Arabia. Vậy đâu là nguyên nhân khiến ông Donald Trump vẫn tìm mọi cách trì hoãn mọi biện pháp trừng phạt mạnh tay có thể ảnh hưởng tới quan hệ song phương Washington-Riyadh?

Để phục vụ những lợi ích chiến lược của mình tại Trung Đông, liệu tổng thống donald Trump có mạnh tay với ông Mohammad bin Salman?

Thật ra, chính quyền ông Trump không phải là không chịu "động chân động tay" gì trong quan hệ với Riyadh. Chẳng hạn như mới đây, họ đã áp đặt lệnh trừng phạt lên 17 công dân Saudi Arabia vì những cáo buộc tham gia vào vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Ngoài ra, Washington cũng đình chỉ hoạt động tiếp dầu trên không cho các máy bay của không quân hoàng gia Saudi đang tham gia vào cuộc chiến tại Yemen, sau những tiết lộ về các chiến dịch không kích của họ đã gây ra nhiều tổn thất về tính mạng dân thường tại đây. Có điều tất cả những hành động trên dường như chỉ đang chứng minh một thực tế, ông Trump đang tìm mọi khả năng có thể để dập tắt sự bất bình ngày càng tăng trong quốc hội Mỹ, cũng như ngăn cản nguy cơ hủy bỏ hợp đồng bán vũ khí cho Saudi Arabia.

Có thể nói, "chủ đề Saudi" đang đưa Nhà Trắng và Đồi Capital vào một cuộc đối đầu thực sự. Hôm 28-11 vừa qua, các thượng nghị sĩ Mỹ đã tổ chức một phiên họp kín nhằm chất vấn Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis về mối quan hệ Washington - Riyadh thời "hậu Khashoggi".

Dự kiến được mời tham gia điều trần còn có cả Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel, người cuối cùng đã từ chối tham dự. Sự vắng mặt của Haspel khiến các nhà lập pháp đánh giá là do sức ép từ phía Nhà Trắng, cũng như là nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm che giấu sự thật về vai trò của thái tử Mohammad bin Salman trong vụ việc.

Còn nhớ tờ The Washington Post trước đó từng tiết lộ rằng, CIA sau khi nghiên cứu kỹ các nguồn tin đã đi đến kết luận, thái tử có thể là người đã ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi. Tờ Hurriyet Daily News của Thổ Nhĩ Kỳ sau đó còn cho biết, trong số các bằng chứng của CIA còn có một cuốn băng ghi âm cuộc điện đàm, trong đó thái tử đã ra lệnh "bắt Jamal Khashoggi phải im miệng càng nhanh càng tốt". CIA không có những bình luận chính thức về những tiết lộ này.

Cùng lúc đó, ông Donald Trump vẫn bày tỏ sự hoài nghi về sự dính líu của Thái tử Mohammad bin Salman, đồng thời vẫn khẳng định CIA chưa có dữ liệu chính xác về nghi vấn trên. "Có thể ông ấy đã làm, nhưng cũng có thể không - Tổng thống Mỹ đã bày tỏ sự hoài nghi của mình trong bài trả lời phỏng vấn tờ Washington Post hôm 27-11 - Ông ấy đang phủ nhận chuyện này. Những quan chức thân cận của ông ấy cũng vậy. Còn CIA vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính xác để khẳng định ông ấy có làm không. Tôi không nói rằng, họ đang phủ nhận rằng ông ấy đã làm, mà là họ chưa đưa ra câu trả lời chính thức cho vấn đề trên".

Sự vắng mặt của Giám đốc CIA và những phát biểu của ông Tổng thống Trump đã gây ra một làn sóng phản ứng khá mạnh mẽ từ phía các nghị sĩ Mỹ. "CIA đã thông báo cho tôi, và dù không thể tiết lộ về nội dung, nhưng tôi có thể nói rằng, Tổng thống đã không trung thực trước người dân Mỹ" - phát biểu của nghị sĩ Dân chủ Adam Schiff, thành viên trong Ủy ban Đặc biệt về tình báo của Thượng viện.

Ông này còn bóng gió rằng, "không biết liệu những quyền lợi tài chính cá nhân tại vùng vịnh Persian có đang gây ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ?". Ông Schiff, người dự kiến sẽ lên lãnh đạo Ủy ban Tình báo của Thượng viện vào tháng giêng tới, hứa hẹn sẽ cùng với các đồng nghiệp sẽ điều tra chi tiết về "nghi án" trên. Cùng lúc đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Leigh khi trả lời phỏng vấn của kênh NBC cũng nhận xét, những khẳng định của tổng thống về thái tử Saudi Arabia "không phù hợp với thông tin tình báo" mà chính mắt ông đã được thấy.

Nghị sĩ Mỹ Adam Schiff: Tổng thống Trump sẽ phải trả giá cho chính sách không trung thực của mình đối với Saudi Arabia.

Đa phần các nghị sĩ đều cho rằng, xuất phát từ sự thiên vị của tổng thống, quốc hội giờ đây cần nhận lấy trọng trách bảo vệ các giá trị của nước Mỹ cũng như ngăn ngừa nguy cơ bị lôi kéo vào cuộc xung đột mới. Những bước đi đầu tiên của quốc hội thật ra đã được triển khai từ trước.

Một tuần trước phiên điều trần, các nghị sĩ thuộc ủy ban đối ngoại quốc hội đã chính thức gửi một bức thư yêu cầu ông Donald Trump phải làm rõ, thái tử Mohammad bin Salman liệu có dính líu vào vụ sát hại nhà báo Khashoggi trước thời điểm ngày 10-1-2019?

Trước đó vào ngày 16-11, có 6 nghị sĩ đã đề xuất một dự thảo xem xét các biện pháp trừng phạt Saudi Arabia, trong đó có ngừng hợp đồng bán vũ khí trị giá lên tới 110 tỉ đôla mà Washington đã ký với Riyadh trước đó.

Món nợ ân tình

Không phải ngẫu nhiên mà đương kim tổng thống Mỹ bị nghi ngờ tìm cách bao che cho Riyadh. Những mối quan hệ làm ăn giữa ông Trump với Saudi Arabia đã được biết đến từ khá lâu, trước khi ông chính thức tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng.

Khi tổng thống tương lai của nước Mỹ đang trên bờ vực phá sản vào năm 1991, việc hoàng tử Al-Waleed bin Talal, cháu trai của quốc vương Saudi, bỏ tiền ra mua lại chiếc du thuyền Trump Princess với giá 20 triệu đôla vào năm 1991 được đánh giá chẳng khác gì một chiếc phao cứu sinh thực sự đối với ông Trump. Bốn năm sau, cũng chính Al-Waleed lại là người ra tay giúp đỡ với việc đầu tư 325 triệu đôla vào khách sạn Plaza Hotel tại New York của gia đình Trump.

Đến năm 2016, tờ New York Daily News còn tiết lộ, giới thượng lưu Saudi Arabia đã vung tiền mua lại toàn bộ tầng 45 của tòa tháp Trump World Tower với giá 12 triệu đôla vào tháng 6-2001. Ngay trong thời gian vận động tranh cử tại Alabama năm 2015, ông Trump cũng từng khoe về những mối quan hệ làm ăn của mình với Saudi Arabia: "Tôi đã dàn xếp mọi chuyện rất tuyệt với họ, khiến họ mua nhiều căn hộ của tôi. Họ sẵn sàng chi từ 40 đến 50 triệu đôla. Liệu tôi có nên không ưa họ? Tôi rất thích họ!".

Trực thăng đa nhiệm UH-60M Black Hawk mà Saudi Arabia mua của Mỹ trong hợp đồng 110 tỷ USD.

Dù gì ngay sau khi thắng cử, ông Trump đã buộc phải đóng cửa 4 công ty có quan hệ làm ăn với Saudi Arabia vì nguyên tắc "tránh xung đột quyền lợi" sau khi bước chân vào Nhà Trắng. Điều này không có nghĩa là ông Trump đã hết những điểm yếu liên quan đến hoàng gia Saudi Arabia. Được biết con rể đồng thời cũng là một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Trump là Jared Kushner cũng có những quan hệ không kém phần khăng khít với giới tư bản tại Riyadh.

Kushner từng có thời gian dài tiếp xúc và đàm phán với đại diện hoàng gia Saudi Arabia nhằm tìm kiếm nguồn tài chính cho dự án nhà chọc trời 666 Fifth Avenue tại New York. Theo dữ liệu khai thác của tình báo Mỹ, không chỉ có Saudi Arabia, các nhà ngoại giao từ Mexico, Israel, Trung Quốc và UAE cũng tìm mọi cách tiếp cận với con rể của Trump với hy vọng có được những tác động có lợi trong chính sách đối ngoại của Washington. Còn nhớ ngay sau chuyến công du bí mật của Kushner tới Riyadh, tại đây đã diễn ra một chiến dịch bắt bớ hàng loạt các thành viên trong hoàng gia vì cáo buộc tham nhũng.

Sức ép trị giá 110 tỉ đôla

Ngay cả khi không kể tới những "ân tình" cũ với Riyadh, ông Trump chắc chắn còn phải chịu sức ép lớn hơn nhiều của giới trùm tư bản Mỹ từ sức hấp dẫn của bản hợp đồng trị giá 110 tỉ đôla đã ký trước đó. Còn nhớ trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống vào năm ngoái tới Saudi Arabia, ông Trump đã đặt bút ký một bản siêu hợp đồng bán vũ khí được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo thỏa thuận từ thương vụ trên, Riyadh sẽ mua của Washington 150 chiếc trực thăng Black Hawk, xe tăng, xe bọc thép, pháo, tàu tuần duyên, các hệ thống tên lửa tầm xa Patriot và các tổ hợp phòng thủ chống tên lửa THAAD. Chưa hết, theo dự kiến trong khoảng 10 năm tới, tổng giá trị vũ khí Mỹ có thể bán cho Saudi Arabia có thể đạt tới ngưỡng 450 tỉ đôla. Theo đánh giá của ông chủ Nhà Trắng, số tiền kỷ lục này "sẽ giúp tạo thêm được hàng trăm ngàn công ăn việc làm cũng như cơ hội đẩy nhanh đà phát triển kinh tế của Mỹ".

Số tiền trên sẽ được dùng để mua phương tiện, vũ khí quân sự của Boeing, Lockheed Martin, Raytheon cùng nhiều tập đoàn công nghiệp quốc phòng khác của Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi ông Trump sẽ tìm cách bảo vệ bản siêu hợp đồng trên bất chấp sức ép ngày càng tăng của quốc hội.

Bản thân Riyadh cũng đang có những động thái gây sức ép lên ông Trump. Đã có những thông tin cho biết, Saudi Arabia đang có phương án mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga trong trường hợp hợp đồng vũ khí bị Washington hủy bỏ. Trong bài trả lời phỏng vấn trên tờ Asharq Al-Awsat hôm 27-11, Ngoại trưởng Adel al-Jubeir đã tuyên bố, Riyadh sẽ tìm kiếm những nguồn vũ khí khác nếu như đồng minh ngừng cung cấp cho họ. "Nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ lãnh thổ và người dân khiến cho vương quốc phải bằng mọi cách có được loại vũ khí mình cần từ bất cứ nguồn nào" - Ngoại trưởng Saudi nhấn mạnh.

Những kịch bản cho tương lai

Câu hỏi đặt ra là tương lai quan hệ Washington - Riyadh sẽ phát triển theo hướng nào? Dù kết quả điều tra có ra sao, nhưng ông Trump đã công khai bày tỏ rằng, ông hoàn toàn không muốn gây tổn hại đến quyền lợi của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu và người lao động Mỹ bằng việc hủy bỏ các bản hợp đồng vũ khí.

Mặt khác, quan hệ hợp tác chiến lược với Saudi Arabia - một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới - là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với chính quyền ông Trump nhằm kiểm soát nguồn dầu và giá dầu, cũng như phong tỏa hữu hiệu khả năng xuất khẩu dầu của Iran. Trên một bình diện lớn hơn, Saudi Arabia là mắt xích chủ chốt trong trục Washington-Tel-Aviv-Riyadh làm đối trọng với Tehran tại khu vực Trung Đông.

Câu trả lời cho bài toán nan giải trên nhiều khả năng chỉ nằm trong việc giải quyết nội bộ tại Washington. Tất cả phụ thuộc vào mức độ sức ép mà ông Trump phải hứng chịu từ đồi Capitol, khiến Nhà Trắng bằng mọi giá phải tìm ra khả năng thỏa hiệp. Còn nếu không, ông Trump cũng phải tính đến khả năng tìm lời giải tại Saudi Arabia. Có tin rằng, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có chuyến đi bí mật tới Riyadh với kế hoạch tìm cách "xóa án" cho thái tử nước này, rất có thể phải tìm ra một nhân vật "tế thần" nào đó thay cho Mohammad bin Salman.

Còn nếu cực chẳng đã, Washington vẫn có thể phải tính tới giải pháp "thay ngựa giữa dòng". Theo Hãng Reuters, một vài thành viên hoàng gia Saudi Arabia đã ủng hộ cho giải pháp ngăn chặn không cho thái tử lên kế vị trong tương lai, thay vào đó hoàng tử 76 tuổi Ahmed bin Abdulaziz Al Saud, em trai của nhà vua Salman. Cũng theo Reuters, một vài quan chức cấp cao Mỹ cũng đánh tiếng sẵn sàng ủng hộ Ahmed trên cương vị người kế nhiệm ngai vàng thay cho Mohammad bin Salman.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.