Quốc bảo “Phòng hổ phách” vẫn ở nước Nga?

Thứ Sáu, 10/07/2015, 07:00
Hơn 70 năm đã trôi qua, kể từ khi Phòng hổ phách - kiệt tác từng được vinh danh là “kỳ quan thứ tám của thế giới” của Nga tại Cung điện Mùa hè thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg), bị quân đội phát xít cướp bóc và đưa về Đức vào đầu Thế chiến II rồi biệt tích luôn, một cơn sốt truy tìm kho báu vô giá này vẫn âm ỉ suốt từ đó đến nay. Một sử gia gạo cội người Nga vừa đưa ra các giả thuyết cho rằng, “quốc bảo” này vẫn ở lại với nước Nga.

Theo chính sử ghi nhận, thì sau khi tháo dỡ những bức vách hổ phách khảm vàng ròng của Phòng hổ phách vào tháng 10/1941, đặc nhiệm SS đã đóng gói thành 27 kiện hàng loại lớn chất thành đống trên sân ga Leningrad, rồi chuyển bằng tàu hỏa về cất giấu tại pháo đài Ordensburg ở thành phố Kaliningrad của Nga, lúc ấy đang bị quân Đức chiếm đóng và đặt tên là Konigsberg.

E. Koch và A. Rosenberg thị sát tòa lâu đài Ordensburg khi Phòng hổ phách mới được chuyển đến cất giấu.

Khi nguy cơ quân Đức thua trận đang cận kề, lập tức một chiến dịch quy mô nhằm sơ tán các tác phẩm nghệ thuật quý báu về phía tây đã được xúc tiến dưới sự chỉ đạo của Alfred Rosenberg (1893-1946), viên Bộ trưởng phương Đông của Nhà nước Quốc xã, một trong những tên trùm cướp bóc các kiệt tác văn hóa có giá trị từ các vùng đất bị xâm chiếm. Theo quan điểm của A. Rosenberg, thì mọi tác phẩm đều phải được cất giấu kỹ càng, để sau chiến tranh "Nhà nước Đức lấy đó làm con bài mặc cả"…

Và rồi trong suốt 36 tiếng đồng hồ, những tên lính SS đã tháo rời toàn bộ các bức tường thuộc Phòng hổ phách, đóng vào trong các hòm bảo quản đặc chủng đem đi giấu sau khi tòa lâu đài Ordensburg bị hỏa hoạn vì Hồng quân Liên Xô không kích vào cuối năm 1943. Nhưng số rương hòm này được cất giấu ở địa điểm nào cho đến nay vẫn còn là một ẩn số, khiến việc tìm kiếm căn phòng vô giá này trở thành một trong những công cuộc tìm kiếm kho báu lớn nhất thế giới thời hiện đại.

Phòng hổ phách nguyên bản trưng bày tại Tsarskoe Selo thời Nữ hoàng Ekaterina II.

Tại vùng ven thành phố Wuppertal miền Tây nước Đức, nơi từng tồn tại gần 170 công trình quân sự ngầm trong Thế chiến II, ông Karl-Heinz Kleine, 68 tuổi cùng 5 "thợ săn" kho báu khác đã miệt mài truy tìm Phòng hổ phách hơn nửa thế kỷ qua.

Đến nay tuy đã nghỉ hưu từ lâu nhưng họ vẫn luôn theo đuổi mục đích nung nấu từ hồi còn trẻ. Trung bình cứ 5 ngày mỗi tuần, cả nhóm lại chui xuống lòng đất sâu, tiến hành khoan cắt bất cứ bức tường nào nghi ngờ có giấu các kiệt tác nghệ thuật bên trong... Nhóm của ông Kleine luôn tin rằng Erich Koch (1896-1986), viên Phó vương Đông Phổ kiêm Cao ủy xứ Ukraine bị quân Đức chiếm đóng hồi Thế chiến II, cũng là kẻ trực tiếp thực thi mệnh lệnh sơ tán các tác phẩm nghệ thuật có giá trị của Rosenberg, đã cho chuyển toàn bộ Phòng hổ phách về khu vực gần thị trấn Elberfeld ngoại vi Wuppertal là nơi "chôn nhau cắt rốn" của hắn.

Các "thợ săn" luống tuổi khoan cắt bất cứ bức tường khả nghi nào dưới lòng đất.

Nhóm "thợ săn" kho báu của ông Kleine không phải là trường hợp duy nhất ở Đức. Tại vùng rừng núi Lainavald, bang Thuringen miền Trung nước Đức, nơi các nhân chứng từng nhìn thấy các thùng hàng có đóng dấu niêm phong "pháo đài Ordensburg" được chuyển đến bằng đường bộ, cũng tồn tại nhiều nhóm truy lùng Phòng hổ phách hoạt động ráo riết suốt mấy chục năm qua.

Nhà sử học S. Trifonov trước lối vào hệ thống cống ngầm.

Tại Nga, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít vừa qua, sử gia Sergei Trifonov đã cho công bố một tài liệu mới liên quan đến Phòng hổ phách. Theo ông Trifonov  "kho báu nghệ thuật vô giá vẫn nằm ở Kaliningrad, còn việc tháo dỡ và vận chuyển ra khỏi thành phố vào cuối năm 1943 chỉ là động tác nghi binh của lực lượng SS đầy mưu mô mà thôi".

Cảnh pháo đài Ordensburg đổ nát trong Thế chiến II.

Đồng thời sử gia S. Trifonov cũng nêu giả thuyết, khẳng định Phòng hổ phách được bí mật cất giấu bên dưới hầm ngầm trú ẩn của Otto Lasch (1893-1971), viên chỉ huy quân đội Đức tại mặt trận Konigsberg. Địa điểm này vừa được chính quyền thành phố Kaliningrad chuyển thành Viện Bảo tàng Thế chiến II.

Trước khai mạc tòa bảo tàng, giáo sư S. Trifonov đã tình cờ phát hiện ra một khoảng đất trũng gần gian trưng bày chính. Sau khi được phép khai quật, ông đã phát hiện ra một lối vào bí mật dẫn đến hệ thống cống ngầm rộng lớn đang ngập sâu hàng chục mét dưới mặt nước.

Theo phán đoán của Trifonov, trong quá khứ Phòng hổ phách đã bị tháo rời để dễ vận chuyển theo đường ống từ pháo đài Ordensburg đến hầm chỉ huy của O. Lasch. "Công việc trước mắt cần phải tập trung hút hết lượng nước khổng lồ tích trữ sau hàng thập niên bên dưới, đòi hỏi nguồn kinh phí không nhỏ mới có thể thám hiểm khu đường ống bí mật", Trifonov cho biết thêm. Chung quy lại mọi việc vẫn còn dang dở...

Phòng hổ phách là món quà của Vua Phổ Friedrich Wilhelm I (1688-1740) tặng Sa hoàng Pyotr I Đại đế (1672-1725) năm 1716, rồi được Nữ hoàng Ekaterina II (1729-1796) đem về dựng tại Cung điện Mùa hè ở thị trấn Tsarskoe Selo, thành phố Saint Petersburg. Kiệt tác quý hiếm này gồm 4 bức tường cao cấu thành từ 50 phiến hổ phách màu mật ong khảm vàng ròng, được giới khảo cổ học quốc tế định giá vào khoảng 250 triệu euro tính theo thời giá hiện nay.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.