Rafi Eitan, người hùng tình báo Israel

Thứ Bảy, 06/04/2019, 11:03
Ngày 23-3 vừa qua, người hùng tình báo dưới thời Chiến tranh Lạnh Rafi Eitan đã qua đời tại bệnh viện Ichilov ở Tel Aviv (Israel), thọ 92 tuổi.


Tuy nhiên, tên tuổi của ông Rafi Eitan sẽ luôn được lịch sử tình báo Israel nhắc tới, bởi ông là người hùng tham gia một loạt chiến dịch lịch sử, trong đó có vụ bắt cóc cựu lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Eichmann từ Argentina về Israel xét xử, mua chuộc một kỹ sư Mỹ làm tình báo cho Israel, hay bắt cóc thủ lĩnh phe đối lập của Maroc là Mehdi Ben Barka.

Nhà tình báo xuất sắc

Rafi Eitan sinh tháng 11-1926 trong một gia đình có bốn người con sống ở làng cộng đồng Ein Harod ở Palestine khi đó còn nằm dưới sự đô hộ của Anh. Cha ông là Noach Hantman, một nông dân và cũng là nhà thơ. Còn mẹ ông là Yehudit Volwelsky, một nhà hoạt động xã hội. Cha mẹ Rafi Eitan là người theo chủ nghĩa Do Thái di cư từ Nga đến Palestine năm 1923.

Rafi Eitan từng theo học tại trường Nông nghiệp ở Givat HaShlosha vào năm 1940 trước khi đến trường Kinh tế London để lấy bằng Cử nhân Kinh tế. Tuy nhiên, ngay từ khi mới 12 tuổi, Rafi Eitan đã chìm đắm trong tình cảm của người theo chủ nghĩa Do Thái thịnh hành thời đó. Để bảo vệ cuộc sống của mình trước các cuộc tấn công của người Arab, Rafi Eitan đã gia nhập tổ chức bán quân sự Do Thái Haganah, tiền thân của quân đội Israel ngày nay.

Người hùng của tình báo Israel Rafi Eitan (bên trái) và cựu lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Eichmann. Ảnh: Getty.

Ông được biên chế vào Palmach, đơn vị tinh nhuệ của Haganah năm 1944. Một trong những nhiệm vụ mà Rafi Eitan thực hiện là hỗ trợ người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi chủ nghĩa phát xít ở châu Âu nhập cư vào Palestine. Cũng trong thời gian này, Rafi Eitan đã gặp Yitzhak Rabin, người sau này trở thành Thủ tướng Israel. Yitzhak Rabin là người tham gia một cuộc đột kích vào trại tạm giam Atlit để giải phóng những người nhập cư Do Thái bất hợp pháp đang bị người Anh giam giữ.

Năm 1946, chính Rafi Eitan là người ra tay xử hai thành viên của một giáo phái ở Haifa có quan điểm gần giống với Đức Quốc xã. Sau đó, Rafi Eitan tham gia vào Mossad ngay khi đơn vị này thành lập.

Từ một sĩ quan tình báo, Rafi Eitan đã được chuyển sang các chức vụ chỉ huy trong Cơ quan tình báo nội bộ (Shin Bet). Sau đó, Eitan từng là Trưởng ban điều phối giữa Shin Bet và Mossad. Năm 1968, Eitan được biết đến là một “chuyên gia hóa học” của Bộ Quốc phòng Israel, đã đến thăm nhà máy nhiên liệu hạt nhân của Tập đoàn Vật liệu và Thiết bị Hạt nhân Hoa Kỳ (NUMEC). Sau chuyến thăm trên, một lượng lớn uranium đã biến mất khỏi nhà máy. Người ta nghi ngờ rằng số uranium này đã được chuyển sang Israel.

Eitan cũng tham gia vào kế hoạch bí mật, thực hiện vụ tấn công vào lò phản ứng hạt nhân Osirak của Iraq vào tháng 6-1981. Vào tháng 6-1984, đích thân Rafi Eitan khởi động chiến dịch gián điệp chống lại Mỹ, nơi ông đã tuyển mộ nhà phân tích tình báo Hải quân Jonathan Jay Pollard để đánh cắp tài liệu bí mật của nước Mỹ.

Eitan tiếp tục công việc tình báo cho đến khi về hưu. Năm 1978, chính phủ của Thủ tướng Israel Menachem Begin đã mời ông trở lại làm cố vấn cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, vì Eitan được coi là một trong những chuyên gia có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực này.

Năm 1981, Eitan được bổ nhiệm làm người đứng đầu Cục Quan hệ Khoa học thuộc Bộ Quốc phòng Israel. Theo nhà báo người Anh Gordon Thomas, Eitan có mối quan hệ đối tác mật thiết giữa tình báo Israel và tình báo Mỹ sau khi dàn xếp vụ bán mã độc Trojan cho Washington với giá 500 triệu USD….

Năm 2006, ở tuổi 79, Rafi Eitan đã được bầu vào Quốc hội và lãnh đạo Đảng Gil-đảng của người nghỉ hưu - trước khi trở thành Bộ trưởng hưu trí và trợ cấp Israel (2006-2009). Theo báo chí Israel, thời gian rảnh rỗi, Rafi Eitan lại là một nhà điêu khắc nhiệt thành. Trong hơn 30 năm, Eitan đã chế tạo hơn 100 tác phẩm.

Dáng người nhỏ, mắt luôn nhìn xuống dưới và tai vểnh. Đó là những nét phác họa chân dung Rafi Eitan, khác xa so với hình ảnh điệp viên trong những năm 50 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, Rafi Eitan vượt trội hơn các điệp viên khác bởi khả năng phán đoán siêu việt, đa mưu túc trí.

Điều đặc biệt ở chỗ, Cơ quan an ninh nội địa Israel (Shin Bet), do Rafi làm lãnh đạo, đã thực hiện nhiều chiến dịch mang tính lịch sử. Nhận xét ngắn gọn về Rafi Eitan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gọi ông là một nhà tình báo xuất sắc của Nhà nước Do Thái.

Hàng chục chiến dịch lịch sử

Trong những năm làm việc ở Mossad, Rafi đã nhiều lần tham gia truy lùng tội phạm Đức Quốc xã đang lẩn trốn.

Jonathan Pollard, người đã bị Rafi Eitan thu phục làm điệp viên cho Israel. Ảnh:wrmea.org.

Trong cuốn sách “Vụ mất tích bí ẩn của Josef Mengele”, tác giả Olivier Guez đã tiết lộ, một điệp viên trẻ cùng đồng đội đi săn lùng những tên tay sai của Hitler hay gặp phải khó khăn như thế nào trong bối cảnh ngoại giao phức tạp, giữa kẻ thắng và kẻ thua trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bởi các thông tin trái chiều do gia đình các nạn nhân cung cấp hay một số quốc gia Nam Mỹ cho phép tội phạm Đức Quốc xã ẩn náu, trong đó có tên Adolf Eichmann.

Adolf Eichmann (1906-1962) là một sỹ quan thuộc lực lượng vũ trang SS của Đức Quốc xã. Trong Thế chiến thứ hai, Eichmann đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa kế hoạch Giải pháp cuối cùng (Final Solution) mà giới cầm quyền Đức Quốc xã đưa ra để xử lý người Do Thái đang bị giam cầm trên toàn châu Âu.

Dưới lệnh của Eichmann, hàng chục nghìn người Do Thái đã bị đưa đến các trại tử thần. Sau chiến tranh, Eichmann bị bắt trong một thời gian ngắn nhưng đã trốn thoát và ẩn náu dưới tên giả tại châu Âu. Năm 1950, Eichmann có được một hộ chiếu với tên giả Ricardo Klement do Hội Chữ thập đỏ cấp và thị thực đi Argentina. Với hộ chiếu này, Eichmann đã đi từ Geneva đến Argentina, sau đó định cư và làm việc cho một công ty của Mercedes Benz tại San Fernando, tỉnh Buenos Aires.

Sau nhiều năm tìm kiếm, năm 1959, lực lượng tình báo Mossad của Israel lần ra được tung tích của Eichmann tại Argentina và quyết định giăng lưới bắt cóc y đưa về Israel xét xử.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên tờ Le Figaro (Pháp), Rafi Eitan kể lại rằng, ông là một trong những người đi truy lùng Eichmann. Đó là vào ngày 11-5-1960, một năm sau khi phát hiện tung tích của Eichmann tại Argentina, đội đặc vụ Attila của Israel đã tổ chức bắt cóc Eichmann ngay trên đường phố Buenos Aires khi hắn đang trên đường về nhà từ nơi làm việc.

Theo lời kể của điệp viên Rafi Eitan, “đầu của Eichmann nằm trên đùi tôi”. Đặc vụ Rafi Eitan đã khám xét toàn thân Eichmann để tìm các vết sẹo được biết đến của hắn và nói rằng ông có cảm giác ngất ngây khi nhìn thấy chúng.

Eichmann sau đó được đưa đến một ngôi nhà an toàn. Khi được yêu cầu tự nhận dạng, Eichmann đã cung cấp một tên Đức và sau đó là tên Argentina. Ở lần thứ ba, hắn trả lời: “Tôi là Adolf Eichmann. Đây quả thực là tên tôi”. Sau đó hắn đã yêu cầu được uống một ly rượu.

Một kế hoạch công phu để bốc hắn ra khỏi đất nước mà không báo động với nhà chức trách Argentina đã được thi hành. Một chiếc máy bay của El Al, một hãng hàng không Israel, đã đưa phái đoàn chính thức của Israel đến Buenos Aires dự lễ kỷ niệm 150 năm Ngày độc lập Argentina.

Điệp viên xuất sắc Rafi Eitan khi về già, ảnh chụp năm 2016. Ảnh: Reuters.

Trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, các điệp viên Mossad trong vai phi hành đoàn đã lên máy bay trở về Israel một cách suôn sẻ. Cùng đi với “phi hành đoàn” đặc biệt này là một nhân viên mang đồng phục của hãng El Al , người này được cho là bị bệnh và thậm chí là nghiện ma túy.

Người đó không ai khác là Adolf Eichmann. Năm 1962, Eichmann bị đem ra xét xử với 15 tội danh, trong đó có tội ác chống lại người Do Thái, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và là thành viên của tổ chức thù địch. Eichmann đã bị treo cổ sau đó.

Trong quá trình bắt giữ Eichmann, Eitan đã đích thân phủ quyết việc bắt giữ Josef Mengele, người chịu sự giám sát của Mossad, vì cho rằng việc này có thể làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ bắt giữ Eichmann.

Ngoài vai trò trong vụ bắt cóc Adolf Eichmann, Rafi Eitan còn được biết đến là người thu phục Jonathan Pollard, một nhà phân tích hải quân Mỹ, làm gián điệp cho Israel. 

Là một người Mỹ gốc Do Thái, Pollard tuyên bố tự cảm thấy có trách nhiệm trung thành tuyệt đối với Nhà nước Israel. Cơ quan tình báo Mossad khét tiếng của Israel thu dụng Pollard mùa hè năm 1984, khi đó chàng trai trẻ đang làm việc cho Trung tâm Cảnh báo chống khủng bố thuộc Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ.

Hãng thông tấn AP lúc đó đưa tin Pollard được trả khoảng 50.000 USD cho các tài liệu mật đã tiết lộ. Nhưng những lần lục lọi tài liệu mật Pollard bị các đồng nghiệp cùng bộ phận chú ý và họ báo cho Cục Điều tra liên bang (FBI). Pollard bị bắt giữ khi đang cố xin tị nạn tại Đại sứ quán Israel ở Washington vào năm 1985. Pollard nhận mức án chung thân hai năm sau đó với tội danh “tiết lộ bí mật quốc gia cho chính phủ nước ngoài”.

Tuy thừa nhận tội trạng nhưng Pollard lại cãi rằng anh làm chuyện đó chỉ vì lý tưởng trung thành với Israel chứ không phải ác ý, thông tin tình báo cũng chỉ nói về tình hình quân sự các nước Arab, Pakistan, Liên Xô chứ không phải Mỹ.

Pollard đã phải ngồi “bóc lịch” 30 năm trong nhà tù Mỹ trước khi được trả tự do vào năm 2015. Vụ án này là một trong những sự kiện gây tổn hại nhất mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel.

Thậm chí, đã có lần Bộ trưởng hưu trí và trợ cấp Israel Rafi Eitan còn đề nghị dùng chiến thuật bắt cóc “có một không hai” của Mossad đối với cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Theo đánh giá của ông Rafi Eitan, Tổng thống Ahmadinejad là một người đáng sợ và bị lên án tại Israel vì liên tục kêu gọi xóa đất nước Do Thái ra khỏi bản đồ thế giới. Sự theo đuổi công nghệ hạt nhân một cách đầy thách thức của nhà lãnh đạo Iran cũng càng khiến Israel thêm lo ngại.

"Một người như Ahmadinejad từng đưa ra lời đe dọa về diệt chủng phải bị đưa ra xét xử ở La Haye", Bộ trưởng Rafi Eitan nhấn mạnh và ám chỉ đến tòa án hình sự quốc tế đặt tại Hà Lan. "Tất cả các khả năng đều để ngỏ trong việc làm thế nào để bắt được ông ta", quan chức Israel nói thêm. Khi được hỏi liệu kế hoạch bắt cóc tổng thống Iran do ông đề xuất có được chấp thuận hay không, ông Eitan đáp: "Có chứ. Dù thế nào đi nữa thì đưa ông ta ra tòa án ở La Haye là có thể".

Trong lời bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của người hùng tình báo Rafi Eitan, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhấn mạnh rằng, Rafi Eitan là một trong những người hùng của Cơ quan tình báo Nhà nước Israel, với nhiều hành động xả thân vì an ninh của Nhà nước Do Thái.

Yên Bình
.
.