Robert Frumin - Điệp viên nội gián làm sụp đổ Chính phủ bù nhìn Pétain

Thứ Năm, 28/08/2008, 22:20
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng phát xít Đức, Chính phủ Pháp đã quyết định truy tặng Huân chương Công trạng Bội tinh cho Trung tá hiến binh Robert Frumin. Cũng trong thời gian này, tại thành phố Nouzonville thuộc tỉnh Ardennes của Pháp cũng đã khánh thành tượng của Frumin. Vậy Frumin là ai?

Robert Frumin sinh ngày 30/6/1905 tại thành phố nhỏ Nouzonville thuộc tỉnh Ardennes ở miền Bắc nước Pháp trong một gia đình có truyền thống phục vụ quân đội. Cha ông từng giữ chức vụ chỉ huy Hiến binh quốc gia của tỉnh Ardennes.

Theo gương cha, vào năm 1923, sau khi tốt nghiệp trung học, Frumin đăng ký gia nhập lực lượng hiến binh và hai năm sau được cử theo học khóa đào tạo sĩ quan hiến binh tại Trung tâm Huấn luyện Hiến binh quốc gia ở thành phố Clermont-Ferrand. Là một sĩ quan trẻ, gương mẫu, Frumin luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ vào tháng 9/1939 tại châu Âu, Frumin đã là sĩ quan hiến binh mang quân hàm thiếu tá. Đến tháng 5/1940, khi Đức Quốc xã xua quân xâm chiếm nước Pháp, Lực lượng Hiến binh quốc gia được lệnh di tản về miền Nam nước Pháp để chuẩn bị làm nhiệm vụ bảo vệ cho chính phủ bù nhìn thân Đức Quốc xã được thành lập tại thành phố Vichy và do Thống chế Philippe Pétain làm tổng thống lâm thời.

Được phong quân hàm trung tá, Frumin nhận nhiệm vụ chỉ huy đơn vị hiến binh bảo vệ chính phủ bù nhìn. Ở cương vị này, Frumin có quyền tham dự các cuộc họp quan trọng của Bộ Quốc phòng, tiếp xúc với nhiều yếu nhân và có quan hệ công tác với mật vụ Gestapo của Đức Quốc xã.

Tuy là sĩ quan cao cấp phục vụ trong quân đội của chính phủ bù nhìn Pétain, nhưng Frumin luôn tìm cách ngăn cản các hành vi hành xử không đúng mức của thuộc cấp đối với dân chúng, thậm chí ông còn bí mật báo tin các kế hoạch trấn áp của mật vụ Gestapo đối với giới doanh nhân và trí thức để họ tìm cách đối phó.

Vì những hành động này nên Frumin tạo được sự chú ý của lực lượng kháng chiến và từ lực lượng kháng chiến đến cơ quan điệp báo đặc biệt có tên gọi Cục Các chiến dịch đặc biệt (SOE) của Anh. Đến tháng 6/1941, SOE quyết định cử một phái viên tên Philippe Barbier đến miền Nam nước Pháp để tìm cách móc nối và tuyển dụng Frumin.

Tháng 8/1942, Frumin chính thức hoạt động trong vai trò điệp viên nội gián của SOE. Nhiệm vụ của Frumin là tìm cách tiếp cận với những thông tin đặc biệt quan trọng liên quan đến hoạt động của chính phủ bù nhìn Pétain, quân đội, cảnh sát, các cơ quan tình báo kể cả mối quan hệ bí mật giữa các cơ quan này với Đức Quốc xã, đặc biệt là với mật vụ Gestapo.

Frumin còn có nhiệm vụ thu thập thông tin về tình hình bố phòng của quân đội chính phủ bù nhìn ở miền Nam nước Pháp, kể cả hoạt động của quân đội phát xít Italia đang chiếm đóng vùng Alpes của Pháp. Trong những trường hợp đặc biệt, SOE còn yêu cầu Frumin tổ chức các đường dây cứu thoát phi công đồng minh mà máy bay của họ bị bắn hạ đưa đến các trạm tiếp nhận an toàn ở Thụy Sĩ và Tây Ban Nha.

Mang mật danh Bertrand, chỉ thời gian ngắn sau Frumin đã trở thành một điệp viên nội gián vô cùng lợi hại của SOE tại Pháp, đặc biệt là đã luồn sâu vào tận ngóc ngách bộ máy hoạt động của chính phủ bù nhìn Pétain.

Từ những thông tin được Frumin cung cấp, đồng minh đã kịp thời chặn đứng được vụ chính quyền Pétain chuyển giao đội tàu chiến của Hải quân Pháp ở Bắc Phi cho Đức Quốc xã. Hậu quả là các tàu chiến này đã kịp bị đánh đắm trước khi rơi vào tay Đức Quốc xã.

Năm 1943, khi Đức Quốc xã gây áp lực buộc chính phủ bù nhìn Pétain phải triển khai các chiến dịch thu gom người Do Thái sinh sống tại miền Nam Pháp, Frumin đã tìm cách báo cho lực lượng kháng chiến biết thời điểm diễn ra các chiến dịch thu gom này để đưa người Do Thái đến những nơi an toàn. Đây chính là lý do khiến các chiến dịch thu gom người Do Thái tại các thành phố Clermont-Ferrand, Marseille, Lyon... đều gặp thất bại.

Đầu năm 1944, Frumin còn đề xuất với SOE một kế hoạch ám sát táo bạo nhắm vào Pierre Laval, thủ tướng của chính quyền bù nhìn, vốn được đồng minh đánh giá là một tay chân đắc lực của Đức Quốc xã trong việc duy trì và bành trướng chủ nghĩa phát xít tại Pháp.

Được SOE chấp thuận, vào chiều tối ngày 17/2/1944, Frumin bố trí một toán hiến binh thuộc quyền theo bảo vệ xe chở Laval trở về nhà sau khi dự một buổi tiệc chiêu đãi tổ chức tại Tòa thị chính thành phố Vichy. Đến một đoạn đường vắng, toán hiến binh bảo vệ bất ngờ dùng súng bắn thẳng vào xe chở Laval, nhưng do viên tài xế cho xe phóng  nhanh về phía một đồn cảnh sát nên Laval chỉ trúng đạn bị thương ở tay.

Vụ ám sát Laval đã khiến mật vụ Gestapo tổ chức một cuộc điều tra sâu rộng, bắt giữ nhiều nhân viên hiến binh và cả những chính trị gia đối lập với Laval. Các vụ trấn áp đã khiến tình hình thêm rối ren và đẩy chính quyền bù nhìn bên bờ vực của sự sụp đổ nhất là sau khi diễn ra cuộc đổ bộ của quân đồng minh tại vùng Normandie của Pháp vào tháng 6/1944.

Tuy nhiên, đến tháng 7/1944, chỉ hai tháng trước khi chính phủ Pétain bị sụp đổ, một kẻ phản bội trong mạng lưới điệp báo của Frumin đã đầu thú với mật vụ Gestapo. Đây chính là nguyên nhân khiến Frumin bị bắt giữ vào ngày 21/7/1944.

Bị tra tấn dã man nhưng do không moi được bất cứ thông tin gì liên quan đến mạng lưới điệp báo của SOE từ Frumin nên vào tối ngày 4/8/1944, mật vụ Gestapo đã bắn chết Frumin rồi vất xác ông xuống sông Rhônes.

Ngày nay, cái tên Robert Frumin không chỉ được đặt cho một khóa đào tạo sĩ quan của Lực lượng Hiến binh quốc gia Pháp, mà tên tuổi của ông còn gắn liền với các hoạt động điệp báo huyền thoại một thời của SOE

Văn Hòa (theo L’Express)
.
.