Robert Mugabe - Nhà độc tài khét tiếng của Zimbabwe

Thứ Ba, 17/09/2019, 21:12
Ngày 6-9-2019, cựu Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe qua đời ở tuổi 96 tại Singapore sau một thời gian lâm bệnh nặng. Mugabe từ lâu đã được mệnh danh là một trong những nhà độc tài khét tiếng nhất tại lục địa đen.

Ông là nguyên thủ được quy cho rất nhiều tội danh khác nhau – thủ phạm của tình trạng siêu lạm phát, thanh trừng chủng tộc, thanh trừng phe đối lập và xây dựng một đế chế độc tài của riêng mình. Đến năm 2017, tức là sau 30 năm liên tục cầm quyền, Mugabe đã buộc phải từ chức trước sức ép của người dân và phe đối lập. 

Dù buộc phải về vườn, nhưng Mugabe vẫn được đảm bảo cho một biệt thự trị giá hàng triệu đôla, đội ngũ phục vụ, cả một dàn xe hơi và quyền đi lại miễn phí bằng vé máy bay hạng nhất trong suốt phần đời còn lại. Thử tìm hiểu vì sao Mugabe lại trở thành một nhà độc tài lừng danh trong lịch sử Zimbabwe và châu Phi…

Mugabe sinh ra trong gia đình của có cha là thợ mộc và mẹ là giáo viên tại Nam Rhodesia, khi đó là thuộc địa của Anh (cũng là lãnh thổ của Zimbabwe ngày nay). Ông được gia đình tạo điều kiện ăn học khá đàng hoàng so với thời kỳ khi đó, tốt nghiệp phổ thông tại trường công giáo, rồi vào Trường đại học tổng hợp dành cho người da đen tại Nam Phi. 

Sau khi nhận tấm bằng tú tài, ông có thời gian làm việc tại Ghana. Quay trở về nước đúng vào dịp đất nước đang bùng nổ phong trào đấu tranh đòi bình quyền về chủng tộc, Mugabe ngay lập tức bỏ sự nghiệp giảng dạy của một giáo viên, chuyển sang hoạt động chính trị bằng cách gia nhập Liên minh vì nhân dân châu Phi của Zimbabwe (ZAPU) của Joshua Nkomo. 

Năm 1936, sau khi bất đồng sâu sắc với Nkomo, Mugabe đứng ra thành lập Đảng liên minh quốc gia của riêng mình (ZANU).

Ông Robert Mugabe.

Cũng chính vì chuyện đối đầu này, Mugabe đã bị tống vào tù trong suốt 11 năm. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời ông – bị tra tấn, nhạo báng, không cho về dự đám tang đứa con trai 3 tuổi bị chết vì bệnh viêm não. Tuy nhiên, tù đày đã không làm giảm sút ý chí của Mugabe, ông vẫn duy trì được một ý chí mạnh mẽ, cũng như tinh thần ham học của mình. Mugabe tổ chức cả một trường học dành cho các bạn tù, dạy cho họ biết chữ, làm toán và cả tiếng Anh. 

Bản thân ông cũng tự học hàm thụ theo chương trình của Đại học London. Cho đến khi ra tù vào năm 1974, Mugabe đã có trong tay mình thêm 4 tấm bằng nữa: hai bằng về luật, một bằng thạc sĩ kinh tế và cử nhân về quản trị. Có thể nói, Mugabe là người có học vấn cao nhất trong số các nguyên thủ tại châu Phi.

Ra khỏi tù, Mugabe tới Mozabique, tiếp tục tham gia vào cuộc đấu tranh giành tự do. Mugabe không phải là một tướng lĩnh, khi tất cả mọi chiến dịch đều do các chỉ huy chiến trường của ông điều hành. 

Trên thực tế, ông ta chỉ lập kế hoạch, bảo đảm các điều kiện thực thi và liên tục gửi các đội quân của mình qua biên giới trở về Nam Rhodesia. Các du kích quân của ZANU đều hướng tới mục tiêu triệt hạ những người da trắng, không chỉ có các binh sĩ mà cả dân thường. 

Những tay súng này dành sự chú ý đặc biệt tới việc thanh trừng các chủ trang trại da trắng, do những nô lệ da đen sau khi mất việc lại ồ ạt gia nhập hàng ngũ của ZANU. 

Mugabe hứa hẹn sau khi giành chiến thắng sẽ chia ruộng đất lấy được từ người da trắng cho các chiến binh của mình. Còn những người bất đồng với chính sách của ông ta đều bị thủ tiêu. Đến lúc này, thủ lĩnh phe khởi nghĩa dễ mến và có học vấn cao này còn có được sự nổi tiếng và ủng hộ tại Anh và Mỹ.

Cuối cùng, Nam Rhodesia sau nhiều thập niên kiệt quệ vì những biện pháp cấm vận và chiến tranh đẫm máu đã phải nhượng bộ, trao quyền điều hành cho phe đa số là người da đen. Thủ tướng Ian Smith tìm cách chuyển giao quyền hành cho ứng cử viên giám mục theo đường lối ôn hòa Muzorewa, nhưng cả Nkomo và Mugabe đều từ chối thừa nhận. 

Cuộc tổng tuyển cử được tổ chức sau đó đã đem lại kết quả bất ngờ, khi Mugabe giành chiến thắng trước thủ lĩnh rất có ảnh hưởng trước đó là Nkomo. Thắng lợi này được đảm bảo nhờ Mugabe thuộc về dân tộc Shona chiếm đa số, trong khi Nkomo lại thuộc về tộc thiểu số Matabele.

Hòa bình, hữu nghị và… thanh trừng sắc tộc

“Mới hôm qua còn là kẻ thù, nhưng hôm nay chúng ta cần phải trở thành những người bạn. Chúng ta cùng trung thành với một đất nước. Dù trong quá khứ đã có một đường ranh giới, nhưng chúng ta cần rút ra bài học từ đó. Trước đây, người da trắng hà hiếp người da đen, nhưng người da đen sẽ không trả thù và hà hiếp lại họ. Tôi kêu gọi sự hòa giải dân tộc vì tương lai của chúng ta” – Đó là những lời phát biểu trong thông điệp trên truyền hình đầu tiên của Mugabe trước toàn dân, điều đã khiến tầng lớp da trắng thiểu số phải ngạc nhiên. Phần lớn những người này khi đó đang bận rộn đóng gói vali để tính đường rời khỏi Nam Rhodesia, lúc này đã đổi tên thành Zimbabwe.

Điều ngạc nhiên nhất là Mugabe đã giữ đúng lời hứa. Các chủ trang trại da trắng không những không bị đuổi khỏi đất đai của mình, mà còn được cung cấp những khoản tín dụng ưu đãi, đồng thời các sản phẩm của họ được tăng giá thu mua. Với những khoản tiền hỗ trợ tài chính lớn từ phương Tây, Mugabe cho khởi động những chương trình quy mô nhằm phát triển y tế, giáo dục, xây dựng đường sá, phát triển cơ sở hạ tầng. 

Nếu tầng lớp người da trắng có thể thở phào nhẹ nhõm, thì những người da đen từng chống lại Mugabe lại có số phận ngược lại. Nkomo bị buộc tội âm mưu đảo chính và bị trục xuất. Thủ tướng cho thành lập một lữ đoàn trực thuộc đặc biệt chuyên thanh trừng các đối thủ chính trị, bắt đầu bằng chiến dịch có tên Gukurahundi thanh trừng các tay súng cũ của ZAPU.

Mugabe (trái) và Nkomo.

Những khu dân cư tộc thiểu số Matabele bị phong tỏa, bị khủng bố và thanh trừng sắc tộc, bắt đầu thường xuyên phải hứng chịu nạn đói. Những người sống sót bị tống vào các “trung tâm cải huấn”, tương tự như những trại tập trung của phát xít trước đây. 

Sau khi hiểu việc dùng vũ lực không thể bẻ gãy ý chí kháng cự của người Matabele, Mugabe bất ngờ có nước đi nhượng bộ: Nkomo được ân xá, cho phép quay trở về, được bố trí một cương vị hữu danh vô thực. Hai đảng ZAPU và ZANU sát nhập với nhau trở thành đảng ZANU-PF.

Tập trung quyền hành

Thanh toán xong với phe đối lập, Mugabe quay trở lại với vấn đề chủng tộc. Dù thế nào, đám đông những tay chân cũ của ông ta – phần nhiều chỉ biết cầm súng, không có bất cứ học vấn, tiền bạc, nghề nghiệp gì – luôn đòi hỏi phải lấy được ruộng đất từ những tay chủ đồn điền da trắng. 

Sau khi sử dụng chiêu bài dùng những tay súng đồng đội cũ từ Nam Phi để gây bất ổn, Mugabe bắt đầu mở chiến dịch cưỡng chế lấy đất của người da trắng, bán lại cho những chiến hữu không có ruộng đất của ông ta. Hậu quả là có tới một nửa số dân người da trắng đã chạy khỏi Zimbabwe, số còn lại nằm im không dám tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.

Bước tiếp theo, Mugabe thay đổi hiến pháp vào năm 1987, bãi bỏ cương vị thủ tướng để lên làm tổng thống. Ông ta tích lũy trong tay một quyền lực gần như không có giới hạn: kiểm soát hoàn toàn chính phủ, quân đội, quyền giải tán quốc hội cùng với quyền ra tranh cử không hạn chế. Khi đã có được điều này, Mugabe phân chia những cương vị cao béo bở cho những đệ tử trung thành. 

Ngay cả những trang trại mua lại của người da trắng với giá tượng trưng, ông ta cũng chuyển cho các quan chức cao cấp của mình. Hậu quả là Zimbabwe nhanh chóng lâm vào tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Mugabe đã xây dựng lên một chế độ, trong đó họ hàng và những tay chân thân cận của ông ta sở hữu vô số tài sản giá trị, trong khi 85% dân số còn lại buộc phải tồn tại trong điều kiện chỉ có thu nhập trung bình 300 đôla mỗi năm.

Khi mức độ bất bình đã lên tới mức nguy hiểm, Mugabe quyết định hướng sự căm thù của người dân vào những người da trắng còn lại: họ bị tuyên bố là “kẻ thù của quốc gia”. Hậu quả là hơn 90% chủ đất người da trắng buộc phải tháo chạy khỏi đất nước, khiến Mỹ và EU áp đặt lệnh cấm vận chống Zimbabwe. 

Nền kinh tế đất nước rất nhanh chóng suy sụp – siêu lạm phát khiến giá cả leo thang từng giờ, hàng hóa biến mất khỏi các cửa hàng, còn bệnh viện ngừng làm việc vì… không có thuốc. Khi lạm phát lên tới mức 230 triệu phần trăm, Ngân hàng trung ương đã phải tuyên bố xóa bỏ đồng đôla Zimbabwe. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp sụt giảm tới 70%, 2/3 diện tích đất trồng bị bỏ hoang.

Đến lúc này, phe đối lập đáng kể nhất của Mugabe chính là “Phong trào đấu tranh vì thay đổi dân chủ” của cựu thủ lĩnh công đoàn Morgan Tsvangirai. Trong lần bầu cử đầu tiên, do đảng này về kết quả chỉ thua kém ZANU-PF không nhiều, nên Tsvangirai đã công khai từ chối thừa nhận thất bại. 

Người dân Zimbabwe xếp hàng mua bánh mì vì những chính sách thảm họa của Mugabe trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.

Ngay lập tức nhân vật này lọt vào mắt xanh của phương Tây, khi cuối cùng họ đã tìm được một thủ lĩnh có triển vọng để có thể ủng hộ nhằm thay thế Mugabe. Tsvangirai được trao giải thưởng về nhân quyền và được mời tới lễ trao tặng tại Stanford.

Cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 đã kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng chính trị: Tsvangirai vượt qua Mugabe ngay vòng đầu tiên, nhưng vì sự trấn áp của tay chân ủng hộ đương kim tổng thống nên buộc phải từ bỏ tham gia vòng bầu cử thứ hai. Mugabe sau đó với tư cách ứng cử viên duy nhất đã nhận được 85,5% số phiếu bầu, một kết quả tất nhiên không được nước ngoài thừa nhận. 

Tình hình căng thẳng chỉ được tạm thời gỡ bỏ nhờ có sự trung gian của Nam Phi: phe đối lập chấp nhận kết quả tái cử của Mugabe, còn Tsvangirai nhận được chiếc ghế thủ tướng, được khôi phục lại cho mục đích hòa giải này.

Mugabe tiếp tục gặp may ở những năm tiếp theo, khi phe đối lập tự đánh mất uy tín của mình bằng những trò lập lờ hai mặt với người dân. Kết quả là trong cuộc bầu cử tiếp theo, Mugabe lại giành chiến thắng mà không cần bất cứ gian lận nào, thậm chí còn có lợi thế tại ngay những khu vực từ trước vẫn được coi là thuộc về phe đối lập.

Đế chế sụp đổ

Đến tuổi 93, Mugabe phát hiện bệnh ung thư tiền liệt tuyến và thường phải tới Singapore để chữa bệnh. Dù vẫn duy trì được sự minh mẫn, nhưng vấn đề tìm kiếm người kế nhiệm bắt đầu trở nên cấp thiết. Khi sự bất bình của người dân đã lên tới đỉnh điểm, quân đội tiến vào thủ đô Harare vào ngày 15-11-2017, giam lỏng Robert Mugabe và thông báo trên truyền hình quốc gia rằng ông vẫn an toàn. 

Mugabe bị ra điều kiện phải từ chức nếu không muốn bị luận tội. Hàng nghìn người đổ xuống đường phố Harare để biểu tình yêu cầu ông Mugabe rời ghế. Dù phải từ chức, nhưng Robert Mugabe vẫn được chính quyền mới cho hưởng ưu đãi chế độ dưỡng già hậu hĩnh. Ngoài nhà cửa, xe hơi và máy bay, Mugabe còn được ít nhất 20 nhân viên, bao gồm 6 vệ sĩ, phục vụ riêng.

Sau gần bốn thập kỉ thống trị Zimbabwe, Mugabe là một nhân vật gây nhiều tranh cãi và chia rẽ. Ông từng được ca ngợi là một anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng châu Phi, người đã giúp giải phóng Zimbabwe khỏi chủ nghĩa thực dân Anh và luật lệ của thiểu số người da trắng. 

Nhưng sau đó, ông bị cáo buộc là một nhà độc tài quản lý kinh tế kém cỏi khiến nạn tham nhũng lan rộng, thi hành nhiều chính sách độc tài khắc nghiệt, phân biệt chủng tộc, lạm dụng nhân quyền, đàn áp các nhà phê bình chính trị, và cả các tội ác chống lại nhân loại.

Quỳnh Nga (Theo Lenta)
.
.