“Rồng đỏ” - chiến dịch giải cứu con tin của Mỹ - Bỉ

Thứ Sáu, 28/07/2006, 14:03
Đúng 6 giờ sáng ngày 24/11/1964, khi mặt trời vừa ló rạng trên lãnh thổ Congo, thuộc địa cũ của Bỉ - bỗng từ trên không xuất hiện 5 máy bay vận tải C-130 Hercules của không quân Mỹ quần thảo nhiều vòng trên không phận sân bay Sabena ở ngoại ô thành phố Stanleyville, rồi sau đó từng chiếc một sà xuống thấp “nhả” ra các toán lính biệt kích dù do Đại tá Charles Laurent chỉ huy.

Trong chốc lát, 350 lính biệt kích dù của Bỉ và Mỹ đã đáp an toàn xuống phía đông đường băng chính rồi chia thành nhiều toán nhỏ, tấn công vào quân phiến loạn Simba đang chiếm giữ sân bay, mở màn cho chiến dịch giải cứu con tin lớn nhất thời kỳ chiến tranh lạnh có tên gọi "Rồng Đỏ". Gần 700 binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Biệt kích dù số 1 của Bỉ và Đội chỉ huy chiến lược của Mỹ đã được các máy bay vận tải C-130 Hercules của không quân Mỹ bí mật vượt chặng đường hơn 6.400km để giải cứu 800 con tin người nước ngoài bị giam giữ hơn 3 tháng tại thành phố Stanleyville của Congo.

Congo vốn là thuộc địa của Bỉ, được trao trả độc lập vào năm 1960, nhưng chẳng bao lâu sau lại rơi vào tình trạng hỗn loạn khi thổ dân Simba do Christophe Gbenye chỉ huy không hàng phục Chính phủ Congo do Tổng thống Moise Tshombé thân phương Tây đứng đầu. Đến năm 1963, quân Simba đã chiếm giữ gần 1/2 lãnh thổ Congo và tiến hành săn đuổi người da trắng. Sau khi cầu viện Mỹ, Chính phủ Congo được phản hồi bằng việc đích thân Tổng thống Lyndon Johnson ra lệnh điều động Lực lượng đặc biệt LEO đến giúp đỡ Chính phủ Congo với đầy đủ các trang thiết bị, vũ khí hiện đại.

Đầu tháng 7/1964, với sự giúp đỡ của LEO, quân đội Congo triển khai các chiến dịch tiễu trừ quân Simba. Chỉ trong vòng vài tháng, quân Simba đã bị đánh tan tác tại nhiều vùng. Để trả thù, Christophe Gbenye ra lệnh bắt giữ các con tin người phương Tây tại các vùng quân Simba kiểm soát rồi đưa đến giam giữ tại khách sạn Victoria ở thành phố Stanleyville.

Bỗng chốc, khách sạn Victoria sang trọng biến thành trại tập trung các con tin người da trắng đông đến 800 người gồm công dân các nước: Mỹ, Bỉ, Pháp, Hà Lan, Đức... đang làm việc và sinh sống tại Congo. Đáng kể nhất trong số các con tin có Michael Hoyt, lãnh sự Mỹ ở thành phố Stanleyville và toàn bộ 12 nhân viên lãnh sự quán. Các công dân Mỹ và Bỉ đông đến 223 người bị giam giữ riêng một chỗ, và quân Simba tuyên bố sẽ giết hại tất cả nếu Mỹ và Bỉ tiếp tục ủng hộ chính phủ của Tổng thống Tshombé.

Đến tháng 10/1964, quân Simba bắt đầu thực hiện lời đe dọa khi tiến hành tra tấn rồi hành hình bác sĩ người Mỹ Paul Carlson, làm việc cho Tổ chức cứu trợ nhân đạo Tin Lành quốc tế. Paul Carlson bị buộc tội làm gián điệp cho tình báo Mỹ tại Congo. Vụ giết hại con tin Paul Carlson trở thành đề tài thời sự nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông ở phương Tây.

Một mặt chính phủ các nước tìm cách thương thuyết  với quân Simba, mặt khác họ lập kế hoạch giải cứu con tin. Trong khi các cuộc đàm phán qua trung gian của một số quốc gia láng giềng với Congo lâm vào bế tắc do phía Mỹ và Bỉ cứ khăng khăng đòi quân Simba phải ưu tiên trả tự do cho tất cả con tin, thì vào đầu tháng 11/1964, một kế hoạch giải cứu con tin bằng hành động quân sự quy mô đã được Chính phủ Mỹ và Bỉ bàn thảo và quyết định giao cho tướng Mỹ Robert Forman chỉ huy.

Giữa tháng 11/1964, các thành viên thuộc Đơn vị chỉ huy chiến lược bất ngờ được triệu hồi từ căn cứ không quân  ở Pháp về lại căn cứ không quân Lookburne ở bang Ohio của Mỹ. Sau đó được bí mật chuyển tới một căn cứ không quân của Bỉ nằm bên ngoài thủ đô Bruxelles. Tiếp đó họ lại được chuyển tới Moron AB, một căn cứ quân sự của Tây Ban Nha tại Địa Trung Hải, sau đó tới một địa điểm nào đó ở châu Phi... Toàn bộ chuyến đi phức tạp và lòng vòng này nhằm tránh các cặp mắt theo dõi của tình báo thế giới.

Vào chủ nhật trước ngày lễ Tạ ơn, lực lượng biệt kích dù phối hợp Mỹ - Bỉ được đưa đến Kamina, một căn cứ không quân ở Nam Congo. Lúc đó quá trình thương thuyết với quân Simba chẳng đem lại kết quả gì. Tờ mờ sáng ngày 24/11/1964, chiến dịch giải cứu con tin "Rồng Đỏ" bắt đầu.

45 phút sau khi lực lượng giải cứu con tin đầu tiên chạm đất, quân Simba cố thủ ở sân bay đã bị khống chế hoàn toàn. Đại tá Laurent báo cáo về trung tâm đề nghị cho thả tiếp quân biệt kích dù và các xe quân dụng. Thông tin về một đội quân nước ngoài với vũ khí hiện đại có sự yểm trợ của máy bay đang chiếm đóng sân bay Sabena và chuẩn bị tiến chiếm Stanleyville khiến nội bộ quân Simba hỗn loạn.

Thoạt đầu, Gaston Soumialot, chỉ huy quân Simba tại Stanleyville, định đầu hàng và trao trả con tin nhưng các sĩ quan cấp dưới và đám lính đều phản đối rồi xả súng bắn chết Soumialot và con tin. Sau cuộc tấn công của lính biệt kích, một số con tin bị thương và được đưa đi cấp cứu rồi đưa ngay ra sân bay để được di tản về thành phố Leopoldville. Tuy nhiên, có 43 con tin, trong đó có cả lãnh sự Mỹ Michael Boyt bị quân Simba giết hại. Sáng ngày 29/11/1964, chiến dịch giải cứu con tin "Rồng Đỏ" đã hoàn thành khi quân Chính phủ Congo từ thành phố Leopoldville đến tiếp quản thành phố Stanleyville. Tất cả các con tin sau khi được giải cứu được đưa bằng máy bay đến đảo Canary của Tây Ban Nha.

Hai ngày sau khi triển khai chiến dịch "Rồng Đỏ" giải cứu con tin tại thành phố Stanleyville, một chiến dịch giải cứu con tin thứ hai, có quy mô nhỏ hơn, được gọi là "Rồng Đen" cũng được triển khai tại thành phố Paulis, cách Stanleyville 350km. 200 con tin gồm người Anh, Mỹ, Bỉ, Đức, Hà Lan và cả người Congo bị quân Simba bắt giữ từ nhiều tháng trước đó. 4 máy bay vận tải C-130 Hercules và 2 chiếc B-26 Invader đã đưa 246 lính biệt kích dù Bỉ cùng nhiều phương tiện chiến đấu xuống sân bay Paulis rồi sau đó triển khai tấn công vào các cứ điểm của quân Simba trong thành phố để giải cứu con tin.

Sau hai ngày chống cự, quân Simba đã giết hại 27 con tin trước khi tháo chạy. Các con tin còn lại sau khi được chăm sóc đều được lực lượng giải cứu đưa đến đảo Canary

V.H.(Theo Historia)
.
.