SAS: Bí mật ẩn giấu từ Thế chiến II

Thứ Ba, 18/10/2011, 10:25

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng đặc biệt SAS của anh, tập nhật ký ghi chép các chiến dịch của sas lần đầu tiên được trình bày trước công luận, hé lộ một phần những bí mật tưởng đã chìm vào quên lãng.

Mọi hoạt động của SAS - Lực lượng đặc nhiệm không quân Anh chính thức khép lại từ năm 1946, sau khi Thế chiến II kết thúc. Đơn vị này được Trung úy David Stirling, thuộc Scots Guards (một trung đoàn thuộc Lục quân Anh vào thời điểm đó), thành lập năm 1941. Sau chiến tranh, giới chức Anh thấy rằng đơn vị này không còn cần thiết nữa và cho giải tán SAS.

Nhưng đối với một cựu binh sĩ SAS thì đơn vị này vẫn luôn tồn tại. Để câu chuyện về SAS không bị xóa mờ và trở thành một chú thích trong lịch sử, ông dày công tìm kiếm và bảo tồn mọi tài liệu, ảnh chụp của đơn vị trước khi chúng bị lãng quên mãi mãi. Đó là sứ mệnh cuối cùng của ông với SAS. Và sứ mệnh cá nhân của người lính đó có kết quả khá độc đáo - một cuốn nhật ký của SAS trong Thế chiến II.

Ghi chép vài chiến dịch đầu tiên của SAS.

Ngay từ buổi đầu, SAS được hình thành như một lực lượng biệt kích hoạt động sâu trong lòng địch ở Bắc Phi, nơi người Anh đang giao chiến với Quân đoàn Afrika của Thống chế Rommel. Họ được lệnh tấn công các sân bay của địch và quấy rối quân Đức bằng mọi cách có thể. Hàng tháng ròng, họ liên tục đi bộ hoặc lái xe vào sâu trong sa mạc và phá hủy máy bay Đức, đôi khi họ làm việc đó bằng tay không vì hết bom. Sau chiến sự ở Bắc Phi, SAS được điều sang hoạt động ở Italia.

Tháng 6/1944, cùng với các cuộc đổ bộ vào vùng Normandy, SAS một lần nữa nhận nhiệm vụ thâm nhập hậu tuyến của địch để hỗ trợ Phong trào kháng chiến Pháp và cung cấp vô số thông tin tình báo quý giá cho lực lượng đồng minh. SAS tiếp tục làm tiền trạm cho các chiến dịch ở Bỉ, Hà Lan và Đức cho tới khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu.

Những tài liệu kèm trong cuốn nhật ký được xếp vào loại tuyệt mật kể từ hoạt động đầu tiên của SAS - trong đó có nhiều bức ảnh hiếm về các thành viên SAS, gồm cả những người đã nằm xuống, và một báo cáo về nỗ lực tiêu diệt Rommel ở Pháp. Tuy nhiên, Rommel đã bị thương và được đưa về Đức trước khi nhóm 4 thành viên SAS tiếp cận được. Ngoài ra còn có mật hàm từ Winston Churchill về tương lai của đơn vị và lệnh bổ nhiệm nhân sự của SAS.

Các cựu binh SAS ẩn danh đã quy tập mọi thứ về đơn vị của mình thành một cuốn sách bìa da kích thước 30x43cm nặng hơn 11kg với tổng cộng 500 trang. Điều làm cho di vật này trở nên dị thường là chủ nhân của nó đã âm thầm cất giấu tập nhật ký đồ sộ tại nhà suốt hơn nửa thế kỷ và chưa hề nói với ai về sự tồn tại của nó. Trước khi qua đời không lâu vào thập niên 90, cựu binh SAS này đã đem cuốn nhật ký tặng cho Hội Trung đoàn SAS. Một lần nữa cuốn nhật ký này lại được cất giữ trong kho lưu trữ tuyệt mật của hội thêm nhiều năm, nơi chỉ 1 người được biết về nó.

Sự tồn tại của cuốn nhật ký chỉ được tiết lộ ra bên ngoài khi nhà văn kiêm nhà làm phim tư liệu Gordon Stevens vô tình để mắt đến nó. Stevens đã làm việc sát cánh với hội trong nhiều dự án và được tiếp cận với một số ảnh trong kho lưu trữ. Chỉ vài giây sau khi thấy cuốn nhật ký, Stevens đã nhận thấy tầm quan trọng của nó. Stevens cho biết: "Ngay khi tôi nhìn thấy nó, tôi biết rằng đó là tài liệu vô cùng quý giá. Nhiều hồ sơ trong đó chưa từng tồn tại ở bất cứ đâu".

Sau 2 năm thương lượng, cuốn nhật ký giờ đây được sao chép và phát hành lần đầu tiên để đánh dấu 70 năm thành lập SAS. Cuốn nhật ký được in rất hạn chế và bán với giá 975 bảng Anh, phần lớn số tiền thu được sẽ thuộc về hội.

Những thành viên đầu tiên của SAS.

Cuốn nhật ký giờ đây được sắp xếp lại theo thứ tự thời gian, các báo cáo, bản đồ và ảnh đã được bổ sung để hoàn tất bức tranh toàn cảnh về SAS thời chiến. Đại tá John Crosland, 64 tuổi, Phó chủ tịch điều hành Hội Trung đoàn SAS, cho biết: "Cuốn nhật ký là tài liệu độc nhất vô nhị, việc được xem nó là một trải nghiệm tuyệt vời. Từng trang trong đó như làm sống lại sự phi thường của các thành viên SAS thời đó".

SAS không nêu danh tính của người lính làm việc thu thập và anh ta làm cách nào để có được những thông tin quan trọng như vậy vẫn là bí mật. Một số ý kiến cho rằng người sáng lập SAS - Stirling - đã khuyến khích cấp dưới của ông đóng góp, nhưng những người còn sống hiện nay thì nghĩ khác.

Mike Sadler - 91 tuổi, từng phục vụ trong SAS lúc 21 tuổi và làm hoa tiêu cho Stirling - cho biết: "Tôi không hề biết có ai đó làm việc này. Khi trung đoàn bị giải tán sau Thế chiến II, chúng tôi mỗi người một ngả và chẳng ai hé môi về điều đã làm. Nếu có điều kiện, tôi cũng làm việc người đó đã làm và cất cuốn nhật ký trong tủ ly. Ý nghĩ xuất bản nó chưa hề nảy ra trong đầu chúng tôi".

Theo nhà sử học quân sự Antony Beevor - tác giả nhiều sách quan trọng, trong đó có cuốn “D-Day: The Battle for Normandy” (tạm dịch là: Cuộc chiến ở vùng Normandy - việc xuất bản cuốn nhật ký rất quan trọng vì cho tới nay có rất ít tài liệu về sự ra đời của SAS.

Ông nói: "Thế hệ những người lính đó rất kín miệng, họ chẳng hề hé môi với bất cứ ai. Họ có niềm tin vô cùng lớn về những thứ như Đạo luật Bí mật và SAS còn hơn tất cả. SAS luôn thu hút người ta. Đó là tột đỉnh cuộc đời quân nhân mà một người lính có thể nghĩ ra"

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.