Sáu Thảo - Nữ anh hùng điệp báo "một mình" (kỳ 1)

Thứ Bảy, 14/07/2007, 14:45
Cuộc đời bà, sống chiến đấu gần như định mệnh với con số 1. Mẹ và các anh bị giặc giết, một mình bà đi ở với bà con rồi một mình vào chiến khu hoạt động cách mạng. Khi làm công tác điệp báo, một mình bà một mũi,xây dựng hệ thống giao liên đa chiều cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không hề bị lộ.

Thời bình, bà tự nhận, có lúc "một mình một ý kiến" nhưng thường là ý kiến xác đáng nhất trong  khi bàn phá án. Trước khi chuyển ngành sang làm cán bộ ngành du lịch, bà giữ chức vụ Phó chỉ huy trưởng Lực lượng An ninh CATP HCM. Và bây giờ, người phụ nữ với những chiến công thầm lặng đã thành huyền thoại ấy, với một đời cống hiến, về hạnh phúc riêng tư, bà cũng chỉ một mình...

Con đường đến với cách mạng

Trên bàn thờ căn nhà của bà Sáu Thảo là tấm bia khắc tên những chú, bác, anh, em ruột của bà. Tất cả là liệt sĩ. Mẹ bà - Bà mẹ VNAH, danh hiệu được truy tặng sau mấy chục năm và cũng là... liệt sĩ.

Bà bảo rằng bà quen với cảm giác sống với những người thân đã khuất, sống với những dòng tên đã lâu lắm rồi. Mới 7 tuổi đầu cô bé Sáu Thảo đã chứng kiến đến 6 cái chết của những người thân yêu trong gia đình mình. Mẹ và anh của bà hoạt động cách mạng và bị giặc Pháp giết hại khi bà mới 4 tuổi.

Một năm sau, giặc Pháp đốt căn nhà nhỏ của gia đình bà ở tỉnh Sông Bé, người anh trai đang đi bộ đội, trước cảnh tang thương của gia đình nên đơn vị tạo điều kiện cho về thăm nhà, về gần đến nơi thì bị giặc bắn chết. Người cha đau yếu năm đó cũng qua đời. Chị em bà từ đó phải ly tán mỗi người một phương. Bà lên Sài Gòn ở với người dì ruột, vừa đi học, vừa bán hàng rong để kiếm sống. Một thời gian ngắn sau, bà lại tiếp tục nhận được tin hy sinh của những người thân...

Và rồi, người chồng của dì, cũng bị giặc bắt và tra khảo cho đến chết. Phải chứng kiến thêm một sự hy sinh nữa của người thân, Sáu Thảo quyết định rời Sài Gòn về quê chiến đấu với những kẻ nợ máu với gia đình mình. Tuổi mới chỉ 16, Sáu Thảo đã khai tăng thêm 2 tuổi để đủ điều kiện đi làm cách mạng. Đó là vào năm 1958.

Ngày đầu hoạt động cách mạng, nhiệm vụ của bà là vận động thanh niên đi theo cách mạng và vận động quần chúng đóng góp vật chất để cơ sở hoạt động. Bên cạnh đó, dưới vỏ bọc là cô thợ may cao ráo, xinh xắn và hiền lành, phải tận dụng cơ hội bọn lính trong các đồn bốt gần đó đến tán tỉnh để khai thác những thông  tin cần thiết về tình hình quân số, vũ khí và những tên ác ôn, kể cả những người tốt trong hàng ngũ của địch để báo cáo với tổ chức.

“Cô thợ may” ấy đã là nguồn thông tin cần thiết để du kích xã Thái Hòa (Tân Uyên, Sông Bé cũ) tổ chức tiêu diệt ác ôn, cướp vũ khí và đánh thẳng vào đồn địch. Tổn thất nặng, địch đã nghi ngờ nên nguy cơ bị lộ đến rất gần, Sáu Thảo đã chủ động xin tổ chức được thoát ly vào vùng kháng chiến.

Vào vùng giải phóng, bà được bố trí làm văn thư đánh máy tại Văn phòng Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Đến tháng 3/1967, do yêu cầu bức thiết từ chiến trường miền Đông, cô văn thư nổi tiếng cẩn thận ấy được Khu ủy miền Đông xin về để tăng cường cho công tác an ninh. Căn cứ Khu ủy lúc đó ở chiến khu D, nổi tiếng gian khổ, thiếu ăn, thiếu mặc và sốt rét hoành hành. Gia đình và bạn bè thương bà phận gái, muốn xin bà ở lại Văn phòng Tỉnh ủy vì họ nghĩ công việc đó sẽ phù hợp với bà, nhưng chính bà lại quyết đi.

Ở chiến khu D, Sáu Thảo vẫn tiếp tục làm công tác văn phòng kiêm công tác đoàn thể. Do nhiệm vụ nào bà cũng hoàn thành xuất sắc, lại kín đáo, cẩn thận nên tháng 10 năm ấy (1967), bà được cử đi học lớp Trinh sát thuộc Trường An ninh miền Nam. Ra trường với kết quả xuất sắc, đạo đức tốt và có lai lịch ở Sài Gòn, bà được tổ chức phân về công tác tại Ban điệp báo miền Nam dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Sáu Ngọc.

Với nhiệm vụ là bằng mọi cách vào hoạt động hợp pháp tại Sài Gòn, Sáu Thảo được phân công xây dựng mạng lưới giao liên hai chiều để vào nội đô Sài Gòn và móc nối cơ sở của ta ra gặp lãnh đạo. Nhiệm vụ này được phân công cho 3 mũi, một mình bà một mũi, còn hai mũi kia, mỗi mũi có 3 người và người đảm nhiệm là nam giới. Bà được cấp một tháng sinh hoạt phí, một khẩu súng ngắn và đặc biệt là một mình thi hành nhiệm vụ. Sáu Thảo núp dưới vỏ bọc là một người “vợ lính” khi hoạt động nội đô và là một người buôn bán khi ra vùng giáp ranh.

Nơi hoạt động chính của bà là huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh và nhiệm vụ trực tiếp là phải tự tìm đầu mối xây dựng cơ sở đi vào Sài Gòn. Ngay từ đầu, bà đã nghĩ đến gia đình một người nông dân ở huyện Bến Cầu làm nơi dừng chân và bằng mọi giá phải lấy cảm tình của chị vợ để từ đó xây dựng lực lượng giao liên.

Công việc hằng ngày của Sáu Thảo là đi chợ, làm rẫy, nấu cơm và chăm sóc con cái của gia đình ấy. Thời gian đầu, một mình bà lặng lẽ nắm tình hình. Về sau, khi vợ của chủ nhà coi bà như chị em trong gia đình, bà bắt đầu làm quen với người dân. Qua công tác nắm tình hình, bà đã xây dựng được người em gái của vợ đồng chí Phó Bí thư huyện Bến Cầu vào làm giao liên.

Tiêu chí chọn giao liên nữ của Sáu Thảo là phải chọn người tốt, trung thành, biết chữ, thông minh để có khả năng ứng phó mọi tình huống và đặc biệt, về nhan sắc chỉ... vừa phải để không bị bọn lính tráng chòng ghẹo. Cô gái được chọn đầu tiên không nằm ngoài những tiêu chí đó. Với những thử thách ban đầu là việc “gửi mua” những đồ dùng cá nhân, thuốc men rồi dần tiến đến nhờ “tìm” những địa chỉ nội thành. Chỉ sau hai tháng, bà đã có được một người đồng chí thường xuyên vào nội đô đúng yêu cầu của cấp trên.

Từ đầu mối này, bà nhân rộng ra. Cứ thế, bà dần dần xây dựng được mạng lưới giao liên để đáp ứng yêu cầu liên lạc từ vùng kháng chiến đến vùng địch hậu và chiều ngược lại. Bên cạnh đó bà còn xây dựng một mạng lưới dự bị đề phòng mạng lưới trên bị lộ.

Đặc biệt, thời gian ra, vào nội đô bà đã xây dựng được 2 hộp thư quan trọng là H6 và hộp thư Cây Quéo, trong đó hộp thư H6 được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3. Mạng lưới giao liên do Sáu Thảo xây dựng cho đến ngày miền Nam giải phóng vẫn không hề bị lộ, mặc dù “người cầm đầu” này đã hai lần bị địch bắt và tra tấn rất dã man.

Đó là vào tháng 3/1969. Trong một lần vào nội thành để gặp và truyền đạt chỉ thị cấp trên cho cơ sở điệp báo, qua ngã ba Hóc Môn bà bị địch phát hiện sử dụng căn cước giả. Khi bị bắt, lợi dụng lúc đông người, Sáu Thảo đã kịp thời nhai tài liệu mật và nuốt luôn vào bụng.

Dù bị bắt vì tội sử dụng giấy tờ giả nhưng địch vẫn nghi ngờ bà là “Việt Cộng” dù chúng không có chứng cứ để buộc tội. Những ngày sau khi bị bắt, chúng đã đánh đập để buộc Sáu Thảo khai báo nhưng bà đã chuẩn bị tinh thần chịu đựng và một mực khai là đi buôn làm mất giấy tờ, nhờ người làm giùm nên không biết đó là căn cước giả. Sau một tuần “tra tấn ban đầu”, không khai thác được gì, chúng tiếp tục đưa bà về giam ở bốt Hàng Keo (Gia Định).

Suốt 4 tháng trời, cuộc sống của bà là những ngày ở xà lim, tra tấn điện, đổ nước xà phòng vào miệng, dìm nước, ghim kim vào mười đầu ngón tay bà... Nhưng tất cả đều vô hiệu, chúng đành chuyển bà về đề lao Gia Định chờ ngày đưa đi xét xử.

Những ngày ở đề lao, cực hình giảm bớt, với kinh nghiệm của một người làm công tác điệp báo, bà tranh thủ thời gian tuyên truyền cho những bạn tù đấu tranh vạch trần những tên chỉ điểm của địch cài vào tù ngấm ngầm hại chị em. Sau 4 tháng ở đây, bà được đưa về Tây Ninh chờ xét xử. Tuần đầu tiên, chúng tiếp tục thẩm vấn. Tất cả đều một lời khai: “Tôi là vợ lính...” và sự chịu đựng những cơn tra tấn. “Tội lỗi cuối cùng” mà cái tòa án đó đưa ra cũng chỉ là... xài căn cước giả và kết án bà 5 tháng tù nhưng lúc này bà đã chịu cực hình được... 6 tháng!

Khi ra tù, bà về thẳng đơn vị cũ. Tháng 10/1969, đơn vị chuẩn bị về hoạt động ở vùng Mỏ Cày, Bến Tre, bà được phân công nhiệm vụ để xây dựng bàn đạp vào nội thành. Như những lần trước, bà lại đi một mình nhưng khác là, đi không có giấy tờ tùy thân. Bà sử dụng tấm giấy ra tù. Lại vẫn cái vai đã quen thuộc, giả người buôn bán nhỏ trà trộn vào dân để đi xuống Bến Tre.

Từ Bến Tre, bà một mình mày mò bắt liên lạc với cơ sở để báo cáo tình hình trong một tuần sau đó, tự lo chỗ ăn ở và hoạt động. Nhưng lúc này, việc đi lại và “buôn bán” hợp pháp không đơn giản bởi bà không có giấy tờ tùy thân. Yêu cầu cấp bách đối với bà lúc này là làm thế nào để có được giấy căn cước thật?

Sau khi rời cơ sở, bà về ấp Giông Dầu, xã Cái Mơn, huyện Mỏ Cày tá túc tại nhà ông Bí thư chi bộ xã hoạt động bí mật, trong vai người cháu họ của ông. Tại đây, bà lân la làm quen với một gia đình hàng xóm, bà chủ nhà trước đây từng là một chủ chứa, có quan hệ rộng rãi với những nhân vật tai to mặt lớn trong chính quyền Sài Gòn. Hàng ngày, Sáu Thảo giúp bà việc gánh nước, nấu cơm, làm đồng, đi chợ và tất cả những việc có thể dù nhỏ nhất.

Trong một thời gian ngắn, Sáu Thảo đã lấy được lòng tin của người phụ nữ này và bà ta đã rất thương cho hoàn cảnh “bị chồng bỏ, trôi nổi, mất giấy tờ không có giấy tờ đi làm ăn” của... Sáu Thảo!

Bà đã nhờ mấy tên chính quyền xã chứng nhận Sáu Thảo là người địa phương bị thất lạc giấy tờ, rồi giới thiệu đến tay phụ trách hành chánh huyện để qua được “khâu huyện”. Khi qua khâu huyện lên tỉnh, bà móc nối với người ở hộp thư Cây Quéo và móc nối đường dây bố trí gặp được tên trưởng ban làm căn cước của tỉnh Bến Tre.

Thế là bà đã có trong tay tấm căn cước thật, lấy tên của mẹ mình. Qua những khâu làm căn cước như vậy, bà đã lân la làm quen và hình thành một đường dây làm căn cước thật sau đó bà nhờ vả làm căn cước cho một số đồng chí khác như Sáu Ngọc, Năm Thạch, Đỗ Việt Dũng và y sĩ của đồng chí Mai Chí Thọ cùng với 5 căn cước của giao liên trong cụm điệp báo. Đường dây vẫn bảo đảm  an toàn và căn cước sử dụng tốt.

Năm 1970, theo yêu cầu của lãnh đạo, Sáu Thảo được giao nhiệm vụ đưa đồng chí Năm Xuân (tức đồng chí Mai Chí Thọ, lúc này là Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định) từ Bến Tre xuống Trà Vinh rồi về Hồng Ngự (Đồng Tháp) đến biên giới Campuchia. Kế hoạch được đặt ra là bố trí cho đồng chí Năm Xuân giả làm chủ đồn điền đi bằng tàu trên sông cùng với một đồng chí nữ giao liên. Còn Sáu Thảo và một đồng chí điệp báo nam đi bằng xe ôtô song song để kịp thời xử lý những tình huống bất trắc xảy ra.

Kế hoạch được duyệt, đồ đạc chuẩn bị đầy đủ nhưng khi kiểm tra lại, Sáu Thảo thấy đồ đạc của đồng chí Năm Xuân không phù hợp với vai ông chủ đồn điền. Bà đề nghị thay trang phục cho phù hợp và với kế hoạch, đồng chí Năm Xuân đã đến biên giới Campuchia an toàn và đúng với thời hạn dự định.

Gần tết năm 1970, đồng chí Sáu Ngọc phân công Sáu Thảo đi nắm tình hình hoạt động của cảnh sát từ huyện Thạnh Phú, Bến Tre đến Mỹ Tho lên Sài Gòn để chuẩn bị cho các đồng chí lãnh đạo vào nội thành công tác. Theo kế hoạch, trong 10 ngày phải hoàn thành nhiệm vụ.

Với nhiều vai hóa trang từ người đi buôn, người bán hàng rong, người từ Sài Gòn xuống Bến Tre thăm người thân, bà đã đi liên tục 3 chuyến. Đến chuyến thứ 4, lúc quay về gặp sóng lớn, tàu bị chìm. Rất may, những người dân chài đã kịp thời đưa thuyền cứu bà và 30 người nữa cùng con tàu lên bờ an toàn.

Sau lần bị chìm tàu, Sáu Thảo sợ sông nước. Ngày thứ 5, thứ 6... thứ 8 đi về an toàn. Đến ngày thứ 9, khi về gần đến đơn vị thì trời tối nhưng đúng hẹn bà phải có mặt ở điểm giao liên để về căn cứ. Khi tới nơi, bà phát hiện căn cứ đang bị địch bố ráp. Nhưng bằng mọi cách, bà phải qua sông. Vì, ngày thứ 10, lãnh đạo phải lên đường!

Kế hoạch được thực hiện đúng theo quy định thời gian, bước đầu, đồng chí Sáu Ngọc sẽ ghé làm việc ở Bến Tranh (tỉnh Mỹ Tho cũ) rồi mới đi tiếp. Nơi đây, lực lượng giao liên có một hộp thư bí mật mà thủ trưởng Sáu Ngọc đã hẹn trước sẽ có một cuộc gặp bí mật tại đây.

Khi xe đến Bến Tranh, không thấy tín hiệu an toàn, đồng chí Sáu Ngọc vẫn đề nghị xe dừng lại để đi bộ đến vì đã hẹn với anh em. Với tư cách là người bảo vệ, Sáu Thảo quyết không để xe dừng lại và đề nghị đồng chí Sáu Ngọc không được đi bộ xuống. Chiếc xe lướt đi và khi về đến nội thành an toàn, cơ sở báo tin Bến Tranh bị lộ và địch đang đón lõng ở đó để chờ “bắt cả cụm”.

Đầu năm 1971, bà được phân công quay trở lại nội đô để móc nối cơ sở, tìm cách cứu một đồng chí lãnh đạo an ninh của ta mới bị địch bắt. Trước khi lên đường, đồng chí Sáu Ngọc gửi thư tay cho bà giới thiệu vào cơ sở của một cụm điệp báo khác. Trên đường từ Hồng Ngự về Sài Gòn, Sáu Thảo và một nữ giao liên đường ngắn bị địch theo dõi và chúng bắt cả hai người

Hoàng Nguyên Vũ (theo lời kể của Anh hùng Nguyễn Thị Thảo)
.
.