Sáu Thảo - Nữ anh hùng điệp báo "một mình" (kỳ 2)

Thứ Ba, 17/07/2007, 11:00
Tuy không bất ngờ khi bị rơi vào tay giặc, nhưng bị bắt trong trường hợp với một người nữa là một bài toán khó trong việc nghĩ ra cách đối phó với địch của Sáu Thảo. Hơn nữa, khác với lần bị bắt trước, bà không thể thủ tiêu tài liệu được. Chúng đã phát hiện trong ống kem là tài liệu liên lạc mà đồng chí Sáu Ngọc đã viết cho Sáu Thảo.

Kỳ II: Xây dựng cơ sở điệp báo trong lòng địch

“Không được phép lúng túng” - Sáu Thảo tự nhủ mình và bà nghĩ ngay đến việc chúng có thể tách riêng hai người để khai thác, phát hiện ra những điều mâu thuẫn trong lời khai. Địch hỏi cung đồng chí nữ giao liên trước, nhưng Sáu Thảo đã nhanh nhẹn cướp lời.

Khi Sáu Thảo chưa nói hết câu thì tên cảnh sát đấm vào miệng bà làm bà ngã xuống đất và gãy mấy cái răng. Thấy máu chảy nhiều, chúng để người giao liên cầm máu cho Sáu Thảo. Dù rất đau nhưng bà vẫn tranh thủ nói nhỏ với đồng đội: “Cứ khai tôi là người lỡ đường không biết nhau để tôi dễ đối phó”.

Khi chúng quay lại tách riêng hai người ra để tra hỏi, đến trưa, đồng chí giao liên được thả còn bà vẫn bị chúng giam giữ. Chứng cứ sờ sờ, tài liệu còn đấy, bà nghĩ vậy và... chuẩn bị lời khai và tinh thần hứng chịu những đòn tra tấn khốc liệt. Suốt gần 1 năm, cứ hàng tuần, thậm chí hàng ngày, bà đã quá quen với kìm kẹp, tra tấn điện, châm kim ngón tay... Còn địch đã quen với những lời “không biết” và một mực kêu oan của người phụ nữ bị chúng tra tấn.

Có lần dùng điện tra tấn, chưa đã, chúng đổ nước xà phòng, tưởng như bà đã chết, rồi quẳng bà ra hành lang. Những tù nhân thường phạm đã hô hấp và sơ cứu ban đầu giúp bà vượt qua được bàn tay tử thần, khi tỉnh dậy bà thấy mình nằm trong phòng giam tăm tối. Những ngày trong nhà tù, bà tranh thủ thời gian tiếp cận với những phạm nhân nữ, nhất là những người không có người thân thăm nuôi và dạy họ đan len.

Từ tình cảm đó, bà đã làm  quen và xây dựng được cơ sở là người thân của người bạn tù. Sau khi được tha, bà đã tranh thủ về nhà của người đó để xây dựng cơ sở. Về sau, người  này trở thành giao liên của đơn vị cho đến ngày giải phóng.

Về những tài liệu trong ống kem, bà khai, có một người quen nhờ đưa một túi hàng cho gia đình, trong đó có gì bà không biết. Người quen đó ở vùng giáp ranh. Ông ta là một bác sĩ nhưng vì trốn quân dịch nên phải chạy đến vùng đó để trốn lính và làm... bác sĩ vườn. Ông có nhờ bà vào nội đô nhận giùm một túi đồ của người dì ruột gửi, bà chỉ đến chỗ hẹn nhận giúp. Giờ người dì đó nhà ở đâu và tên gì bà không biết. Còn người bác sĩ ấy, dĩ nhiên là địch không thể chạy vào vùng đó để điều tra được.

1 ngày, 1 tuần, 1 tháng và gần 1 năm cuộc thi gan vẫn không có hồi kết và chúng cũng không  thể kết tội được bà, không thể khẳng định là tội nặng đến cỡ nào nên chúng đã viết vào hồ sơ tội danh “tình ngay lý gian”. Tháng 11/1971, Nguyễn Văn Thiệu đắc cử Tổng thống “Việt Nam cộng hòa” lần thứ 2 và tiến hành một đợt ân xá với phạm nhân nhẹ tội. Bà Sáu Thảo được chúng thả vào khoảng thời gian ấy vì chúng không khai thác được gì.

Sau khi ra tù, lại có kinh nghiệm của một người có thể xây dựng được cơ sở trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Sáu Thảo được tổ chức phân công xây dựng cơ sở điệp báo trong tổ chức địch để nắm tình hình. Đối tượng cần phải nắm là giới sinh viên, trí thức ở những cơ quan đầu não của giặc.

Tuy nhiên, bà nhận  thấy nhiệm vụ này rất khó khăn với mình, vì bà chỉ là một cô gái thôn quê mới học hết bậc đệ nhị, thoát ly vào rừng, chiến đấu nhiều năm, giờ quay lại thành phố hoạt động hợp pháp và tiếp cận với những trí thức học cao hiểu rộng là một việc làm quá sức.

Điều đầu tiên mà cần phải có, đó là uy tín với đối tượng tiếp cận và một chỗ đứng vững chắc ở nội đô. Nhưng quan trọng vẫn là chỗ ăn, ở đàng hoàng và một việc làm hợp pháp. Việc làm lúc này vẫn là một lái buôn, thường buôn dừa khô từ miền Tây lên Sài Gòn và nơi thường trú là số 6 Đặng Đức Siêu, quận 1 và 135/7 phường 13, quận Phú Nhuận. “Lái buôn” này vẫn “buôn bán” bình thường nhưng thực tế là những cuộc vận động xây dựng các cơ sở điệp báo tại Sài Gòn. Một mình lặn lội, mò mẫm kiếm tìm để sớm xây dựng lực lượng bí mật có thể hoạt động... bình thường và “uy tín” với địch.

Từ đầu năm 1972, bà đã xây dựng được nhiều cơ sở, đa số là giao liên, cơ sở ăn ở, để hoạt động bí mật... Góp phần hình thành được 3 cụm điệp báo quan trọng: cụm số 6, cụm Z8 và cụm Z7.

Các cơ sở nội đô có “gốc rễ” hoặc quan hệ thân thiết, an toàn tin cậy với chính quyền Sài Gòn. Nhưng để tìm kiếm được họ quả là một vấn đề không đơn giản. Qua những đầu mối giới thiệu, bà nắm được những nhân vật hiện công tác trong các cơ quan của chính quyền Sài Gòn, họ đa số là những nhà trí thức có tinh thần yêu nước. Có lần được giới thiệu 10 nhân vật, bà không chọn được người nào để xây dựng cơ sở.

Nhưng cũng có những lần xây dựng được 2 đến 3 cơ sở. Công việc đầu tiên là phải nắm được lý lịch của họ, có những người thân ở đâu, những người thân nào là cách mạng. Qua tiếp cận với những người thân cách mạng, biết được nguyện vọng của những nhân vật ấy, họ có tư tưởng tiến bộ và thiện cảm với cách mạng như thế nào sau đó là bước tiếp cận đối tượng chính.

Khi tiếp xúc đối tượng, Sáu Thảo ăn vận lịch sự để tương xứng với những nhân vật bà sẽ tiếp xúc. Bà lấy những lý do để gặp họ, thường là “chị của một người bạn học ở nước ngoài tên X, Y, Z nào đó nhờ chuyển quà”...

Qua trò chuyện, bà đi thẳng vào vấn đề chính. Ý thức được mình, bà nói rằng bà xuất thân trong một gia đình bình dân, học hành có hạn, bà chỉ làm cầu nối  giữa những nhân vật này với cách mạng. Và rất may mắn, những nhân vật này họ hợp sức và cái họ quan tâm nhất là được đến với cách mạng chứ không quan tâm là người tiếp cận học nhiều hay học ít, xuất thân trong gia đình thế nào.

Trong  số các cơ sở của bà, có “Z7” là Phó tiến sĩ du học ở nước ngoài về, được cài vào một cơ quan của Tổng ủy Dân vận chiêu hồi. Cơ sở này đã tạo được chỗ đứng hợp pháp, được sự tin tưởng và chi phối Chủ tịch Thượng nghị viện Phạm Như Phiên thực hiện những công việc có ích cho cách mạng, tạo điều kiện cho đấu tranh hợp pháp của trí thức ủng hộ cách mạng trong thành phần thứ ba. Bên cạnh đó, “Z7” còn tiếp cận Trần Quốc Bửu, vừa chi phối, vừa tác động, vừa nắm tình hình chủ trương của Bửu đối với từng nghiệp đoàn, qua đó, tác động có lợi cho cách mạng.

Anh hùng Sáu Thảo hiện nay.

Cơ sở “Z8” tiếp cận những trí thức, học sinh, sinh viên thân Bảo Đại, thân Pháp và tiếp cận dân biểu Trần Quang Thuận với yêu cầu nắm tình hình và kiềm chế sự ác ôn của Thuận. “Z8” là người khéo léo, nhanh nhẹn, thu thập được rất nhiều tin tức và đặc biệt có một sức tác động lớn đối với lực lượng thanh niên, sinh viên yêu nước đứng về phía cách mạng đấu tranh với chính quyền Thiệu.

Bên cạnh những cơ sở trên, Sáu Thảo còn xây dựng và điều khiển một số cơ sở đặc biệt. Có thể kể đến cơ sở có bí danh “Diệu”, cũng du học nước ngoài về. “Diệu” được cài vào Tổng ủy Dân vận chiêu hồi của Hoàng Đức Nhã. Đây là một trọng điểm quan trọng mà ta cần nắm được về những thông tin, tài liệu của ta bị địch phát hiện. Đặc biệt, với nhiệm vụ quan trọng này, “Diệu” cũng nắm được thông tin về những người trong hàng ngũ cách mạng đã đầu hàng phản bội làm tay sai cho giặc.

Trong khoảng thời gian hoạt động, “Diệu” đã được tổ chức đánh giá là một trong những cơ sở xuất sắc nhất. Sau đó, tổ chức tìm cách để “Diệu” có điều kiện chui sâu, leo cao, trong Tổng ủy Dân vận chiêu hồi.

 Tại Nha Kế hoạch Chính phủ Thiệu, Sáu Thảo đã xây dựng được một cơ sở có bí danh “Cường”, là một tiến sĩ khoa học. “Cường” nằm ở vị trí chuyên nghiên cứu về bình định và kế hoạch hậu chiến. Tại vị trí này, dưới sự chỉ đạo của ta, “Cường” đã thu thập và cung cấp nhiều thông tin chính xác, kế hoạch quan trọng về bình định nông thôn và kế hoạch hậu chiến của Mỹ - ngụy. Từ những thông tin đó, lãnh đạo an ninh nắm được tình hình phục vụ kế hoạch để đối phó và vận động phản công lại kẻ thù.

Để nắm được những chủ trương, chiến lược của Thiệu, Sáu Thảo xây dựng và điều khiển cơ sở "Trúc". “Trúc” có nhiệm vụ tiếp cận Trương Quang Đáng là một nhân vật trong nội các của Thiệu. Ở vị trí này, “Trúc” đã thu thập được nhiều tài liệu nguyên bản về kế hoạch bình định và kế hoạch hậu chiến toàn miền Nam chuyển về chiến khu phục vụ yêu cầu trước mắt và lâu dài của cách mạng. Cho đến những năm sau ngày giải phóng, những tài liệu này vẫn còn nguyên giá trị trong việc góp phần bóc trần mạng lưới mật báo viên của địch còn cài lại.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, cần có sự phối hợp hành động giữa các chiến trường trên tất cả các lĩnh vực. Sáu Thảo được đồng chí Trần Quốc Hương, lúc đó là Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định giao nhiệm vụ phải xây dựng một cơ sở trong Nha Viễn thông của ngụy để có thể thực hiện việc cúp điện, vô hiệu hóa rađa khu vực đèo Hải Vân và núi Bà Đen. Nhiệm vụ được thực hiện trong thời gian 6 tháng. Tìm một cơ sở cho nhiệm vụ này không hề đơn giản bởi nó sẽ góp phần quyết định giờ phút quan trọng của lịch sử.

Cuối cùng thì Sáu Thảo tìm được một người với bí danh “Hô”.

“Hô” làm việc tại Nha Viễn thông Sài Gòn. “Hô” không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, ông bàn với Sáu Thảo chọn trực tiếp một kỹ thuật viên chịu trách nhiệm về an toàn đường dây. Lãnh đạo phân công Sáu Thảo cùng cơ sở này phải thực hiện nhiệm vụ  trong vòng 6 tháng nhưng chỉ mới 3 tháng, bà đã xây dựng được một cơ sở nữa thông qua “Hô” và thực hiện thành công nhiệm vụ được giao.

Sáu Thảo còn xây dựng một cơ sở có bí danh “Thông”. “Thông” có nhiệm vụ đi sâu nắm về lực lượng an ninh tình báo của Nha Cảnh sát đô thành, Tổng nha Cảnh sát, cung cấp tin tức, danh sách phục vụ cho ta một cách đầy đủ, trước mắt giúp ta tháo gỡ mạng lưới địch trong nội bộ ta trên địa bàn miền Nam và cả nước.

Để sống hợp pháp giữa nội đô nhưng ngày ngày phải qua lại nắm tình hình các cơ sở, Sáu Thảo khi là một người giúp việc nhà, khi là cô bán hàng rong, người bà con ở quê lên, rồi thợ may... Tất nhiên, để hoạt động được hiệu quả thì vấn đề tài chính cũng phải đảm bảo. Bà đã tự tổ chức tài chính bằng cách thành lập một bộ phận làm kinh tế (làm tổ điện lạnh) để lấy tiền chi phí cho hoạt động.

Thời điểm gần đến ngày giải phóng, chủ trương của cấp trên là tất cả mạng lưới điệp báo phải quán triệt cho cơ sở tinh thần: cố gắng giữ nguyên hiện trạng về cơ sở vật chất và tài liệu trong các cơ quan, cơ sở đã được cài cắm vào, đặc biệt là hồ sơ tài liệu của các trung tâm như: Nha Cảnh sát đô thành, Tổng nha Cảnh sát quốc gia, Bộ Dân vận chiêu hồi...

Đến ngày giải phóng, mạng lưới cơ sở điệp báo do Sáu Thảo xây dựng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Riêng chỉ có cơ sở “Phát” được cắm vào phòng mật mã của Tổng nha Cảnh sát, vì cố gắng giữ lại máy móc và tài liệu, nên bị quân giải phóng hiểu lầm bắt giữ, Sáu Thảo đã đến bảo lãnh.

Năm 1973, đồng chí Năm Thạch, một cán bộ cao cấp của Lực lượng Công an vào nội thành hoạt động bị địch phát hiện và bao vây. Thấy nguy hiểm và tình thế quá gấp rút nên Sáu Thảo không kịp xin ý kiến cấp trên,  đã quyết định tổ chức đưa đồng chí Năm Thạch ra vùng giải phóng. Dù biết làm vậy là sai nguyên tắc, nhưng bà vẫn thực hiện kịp thời và an toàn. Về sau, bà được lãnh đạo đánh giá là làm việc mưu trí và nhạy bén.

Tháng 3/1975, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đơn vị của bà từ Long Khánh được chuyển về Đức Huệ - Long An. Vì phải điều khiển mạng lưới cơ sở nên bà được tổ chức phân công vào hẳn nội đô từ ngày 10/4/1975 để sát cánh cùng các cơ sở phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Cho đến ngày giải phóng, toàn bộ các cơ sở điệp báo của Sáu Thảo không ai bị địch bắt. Họ vẫn giữ vững nguyên tắc bảo mật và sẵn sàng nhận nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Hoàng Nguyên Vũ (theo lời kể của Anh hùng Nguyễn Thị Thảo)
.
.