Scotland chuẩn bị thành lập các cơ quan tình báo độc lập

Thứ Bảy, 09/02/2013, 20:20

Scotland đang có kế hoạch thành lập các cơ quan tình báo và an ninh của riêng mình nếu như người dân vùng lãnh thổ này bỏ phiếu ủng hộ sự độc lập từ Vương quốc Anh vào năm 2014, theo các nhà hoạch định chính sách Anh. Nhưng, những người chỉ trích cho rằng phải mất một thời gian dài trước khi các tổ chức an ninh của Scotland nhận được sự tin cậy của các cộng đồng tình báo thân thiết Anh và Mỹ.

Đảng Dân tộc Scotland (SNP) - tổ chức chính trị giành chiến thắng tuyệt đối ở Nghị viện Scotland trong cuộc bầu cử năm 2011 - đang xúc tiến kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đề nghị nước Anh trao cho Scotland quyền độc lập hoàn toàn vào cuối năm 2014. Hiện tại, Scotland chỉ là đơn vị hành chính của Anh và kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 1997 đã giúp cho vùng lãnh thổ này có nghị viện riêng từ năm 1999 để được tự trị một phần.

Hôm 28/1 vừa qua, Hội đồng Đối ngoại của Nghị viện Scotland có cuộc họp ở thủ phủ Edinburgh về viễn cảnh của một nhà nước độc lập và tiến hành cuộc điều tra chính thức về các chính sách đối ngoại trong tương lai sau khi Scotland được Anh trao quyền độc lập hoàn toàn.

Bà Nicola Sturgeon - Phó chủ tịch đảng SNP và Phó thủ hiến Scotland - tuyên bố trước Hội đồng Đối ngoại rằng một nhà nước Scotland độc lập cần phải xây dựng một cơ quan tình báo nội địa tương tự như tổ chức MI-5 của Anh để chống lại những mối đe dọa an ninh như là khủng bố, tội phạm có tổ chức và những cuộc tấn công mạng. Bà Sturgeon cho biết, tổ chức tình báo độc lập sẽ phục vụ lợi ích của người dân và chính quyền Scotland cũng như cố gắng duy trì "sự hợp tác chặt chẽ với phần còn lại của Vương quốc Anh".

Theo Sturgeon, Cơ quan Tình báo nội địa Scotland chắc chắn sẽ "chia sẻ thông tin tình báo cũng như phản ứng trước một số mối đe dọa an ninh" với cộng đồng tình báo Anh và Mỹ. Đồng thời, bà Sturgeon cũng nhấn mạnh rằng một nhà nước Scotland độc lập cần thành lập một "cơ quan phản gián" theo kiểu MI-6 (cũng được gọi là Cơ quan tình báo mật - SIS) của Anh.

Nhưng, những thành viên Hội đồng Đối ngoại chống đối sự ra đời của một nhà nước Scotland độc lập đã chỉ trích những kế hoạch của bà Nicola Sturgeon, lập luận rằng số tiền bỏ ra để mô phỏng hệ thống an ninh và tình báo của Anh sẽ là khổng lồ. Họ cũng cảnh báo với bà Sturgeon rằng các cơ quan tình báo độc lập của Scotland sẽ phải chứng minh được thực lực và an toàn trước khi có thể hợp tác chia sẻ thông tin mật với các tổ chức tình báo già dặn của Anh và Mỹ cũng như các quốc gia đồng minh khác.

Tòa nhà Quốc hội Scotland ở Edingburgh.

Nghị sĩ bảo thủ David Lidington - thành viên Bộ Ngoại giao Anh và hiện nắm giữ cương vị Thứ trưởng về châu Âu cho chính quyền Anh - cũng lên tiếng phê bình các kế hoạch đầy tham vọng của bà Nicola Sturgeon. Lidington lập luận rằng cho dù Nhà nước Scotland độc lập đủ sức gánh vác "phí tổn tài chính khổng lồ" để thành lập cơ cấu an ninh và tình báo riêng thì Edinburgh cũng sẽ mất nhiều năm để huấn luyện đội ngũ sĩ quan an ninh và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Chỉ khi nào Scotland hoàn thành những điều kiện đó thì mới mong cộng đồng tình báo Anh và Mỹ - cụ thể là hai tổ chức quan trọng nhất là MI-6 và Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA - chấp nhận hợp tác chia sẻ thông tin mật.

Trong khi đó, bà Nicola Sturgeon thông báo chính quyền Scotland do SNP kiểm soát đang nghiên cứu kế hoạch xây dựng các cơ quan tình báo riêng và sẽ công bố chi tiết vào nhiều tháng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 ở vùng lãnh thổ này.

Ông Alex Salmond, thủ hiến và lãnh đạo Nghị viện Scotland, cũng cảnh báo Nhà nước Scotland độc lập sẽ phải chi ra hàng tỉ bảng Anh cho việc thành lập các cơ quan tình báo riêng cũng như trang bị mọi thứ cho các đại sứ quán ở hải ngoại.

Ông Alex Salmond.

Theo giải thích của Nicola Sturgeon, nói chung Anh dành ngân sách cho MI-5, MI-6 và Trung tâm Gián điệp viễn thông GCHQ vào khoảng 2 tỉ bảng Anh, còn Scotland tiêu tốn chừng 200 triệu bảng Anh cho hệ thống an ninh. Bà Sturgeon hiện đang chịu sức ép từ nghị sĩ Bảo thủ Anh - Rory Stewart, cựu sĩ quan quân đội và nhà ngoại giao - buộc phải giải thích rõ ràng kế hoạch xây dựng, huấn luyện, trang bị và tài trợ cho hệ thống an ninh và tình báo của Nhà nước Scotland độc lập trong tương lai.

Rory Stewart nhận xét: "Nhìn chung, các quốc gia châu Âu nhỏ hơn không có hệ thống an ninh và tình báo quy mô và chuyên nghiệp như nước Anh. Do đó, cần phải xem xét cẩn thận vấn đề nếu Scotland được độc lập".

Ngoài ra, Nicola Sturgeon cũng tiết lộ Nhà nước Scotland độc lập sẽ phải có khoảng 100 đại sứ quán và văn phòng lãnh sự trên khắp thế giới - so với số lượng 270 của Anh, với đội ngũ 14.000 nhân viên. Tại cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Đối ngoại vừa qua ở Edinburgh, Nicola Sturgeon cũng nêu ví dụ về những quốc gia khác như Na Uy có khoảng 100 văn phòng lãnh sự ở hải ngoại, còn Ireland là 97 và Phần Lan là 93.

Dự kiến phí tổn dành để điều hành mạng lưới văn phòng ngoại giao như thế khoảng từ 100 triệu đến 200 triệu bảng Anh, nhưng cái giá cho sự "thành lập" sẽ còn cao hơn nhiều! Đó là còn chưa kể ngân sách để tổ chức và duy trì mạng lưới tình báo bảo đảm an ninh cho các cơ sở ngoại giao của Scotland ở hải ngoại!.

Nhưng, bà Sturgeon cũng đề cập đến khả năng cùng chia sẻ các văn phòng lãnh sự với Anh. Ngoài ra, giới lãnh đạo Scotland cũng nói đến sứ mạng bảo vệ các giàn khoan dầu mỏ của Scotland, sự hợp tác với các quốc gia Scandinavia ở khu vực Bắc Âu và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng nhấn mạnh sẽ không chấp nhận vũ khí hạt nhân hiện diện trên đất Scotland

Diên San (tổng hợp)
.
.