Showbiz Hàn Quốc: Đằng sau ánh đèn sân khấu
- Làn sóng Kpop: Hai mặt của một cuộc xâm lăng văn hóa!?
- Sau Hollywood, phong trào Me Too đang “càn quét” giới showbiz Hàn
Đọc lại những gì Jonghyun viết trong lá thư gửi cho một người bạn, người ta mới hiểu nam thần tượng này đã phải vật lộn với cuộc sống của một người nổi tiếng trong showbiz Hàn Quốc, một trong những môi trường được xem là khốc liệt nhất trên thế giới, đến như thế nào. “Tôi thấy vụn vỡ từ tận bên trong. Trầm cảm cứ gặm nhấm tôi dần mòn mỗi ngày, và cuối cùng nó đã chiến thắng, tôi không thể vượt qua nó”.
Thực tế việc hạn chế áp lực và trầm cảm đối với giới nghệ sỹ là điều không đơn giản. Họ thường xuyên bị đưa ra so sánh và luôn chịu áp lực cực kỳ lớn trong việc phải duy trì danh tiếng ngay cả khi đã ở trên đỉnh cao của danh vọng. Các diễn viên, ca sỹ thần tượng – được gọi bằng cái tên “idol” gần như không có cuộc sống riêng và việc để mất fan hâm mộ thực sự là nỗi ám ảnh không hề nhỏ.
Người nổi tiếng tại Hàn Quốc lại đặc biệt hứng chịu những áp lực lớn hơn bởi các công ty quản lý thường đặt họ dưới sự giám sát và đề ra những quy định cực kỳ gắt gao. Trước và sau khi nhập cuộc chơi, các K-pop idol bị cấm sử dụng điện thoại cá nhân hoặc hẹn hò với ca sỹ khác. Các ban nhạc có lịch trình kín mít mỗi khi một album mới được phát hành và những nhóm nhạc được yêu thích thường chỉ có trung bình 5 tiếng để ngủ mỗi ngày. Nhiều người đã kiệt sức do quá tải công việc và không chịu được áp lực.
Tuy nhiên, đó chưa hẳn là những gì mà người ta có thể biết về góc tối trong showbiz Hàn Quốc
Không có gì là riêng tư
Từ khi làn sóng “Hallyu” bùng nổ vào giữa những năm 1990, ngành nghệ thuật giải trí và văn hóa Hàn Quốc bắt đầu phủ sóng trên khắp châu Á và nhiều khu vực khác. Du khách tới Seoul thường được đưa tới các địa điểm nơi họ có thể dễ dàng bắt gặp các ngôi sao ca nhạc hay các nghệ sỹ nổi tiếng của Hàn Quốc.
Ca sĩ Kim Jang-hoon ngất ngay trên sân khấu biểu diễn. |
Nhiều fan hâm mộ cuồng nhiệt sẵn sàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ ngoài các công ty quản lý chỉ để có cơ hội nhìn thấy thần tượng của mình. Những tin tức cập nhật 24/24 trên Internet, trên mạng xã hội thực sự là “cơn ác mộng” với mọi ngôi sao Hallyu. Điều này dễ lý giải vì sao các idol thường được bắt gặp với tấm khẩu trang che kín mặt, kèm theo kính râm và mũ nón khi xuất hiện tại các địa điểm công cộng.
Những khu vực như Apgujeong và Cheongdam-dong tại quận Gangnam là nơi người ta dễ dàng bắt gặp người nổi tiếng. Nhiều công ty quản lý hàng đầu như SM, JYP, CUBE, và FNC đều đặt trụ sở tại đây. Tuy nhiên, nếu một ai đó cho rằng các idol có thể dễ dàng tiến vào một quán café hay nhà hàng để dùng bữa như người bình thường thì có lẽ họ đã quá nhầm. Thực tế là người nổi tiếng thường tìm mọi cách để tránh né truyền thông và người hâm mộ.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Philstar, hai nhân vật kề cận với giới idol, đề nghị giấu tên, cho biết các idol thường chỉ tìm tới các quán café nhỏ, do những người mà họ quen biết sở hữu, hoặc do 1 idol khác làm chủ. Trở thành người nổi tiếng, hay một thần tượng, đồng nghĩa với việc người ta phải đánh đổi những gì là riêng tư nhất, đặc biệt là nguy cơ đối mặt với sự soi mói của những người gọi là “fan cuồng”.
“Fan cuồng” không đơn giản chỉ là những người hâm mộ sẵn sàng cắm trại bên ngoài các khu tổ chức biểu diễn chờ mua vé hay dành cả đêm chầu chực ở sân bay chỉ để nhìn thấy thần tượng trong vài giây. Fan cuồng là những người hâm mộ khá cực đoan và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bám theo thần tượng của mình, bất chấp việc có thể làm người khác bị thương.
Bên cạnh fan cuồng, các “antin-fan” cũng là một nỗi lo không kém. Những người này có thể dành cả ngày để viết các bình luận tiêu cực, có khi là sai sự thật, về những ngôi sao mà họ không ưa. Có người thậm chí còn gửi thư đe dọa hoặc tìm cách đầu độc các idol. Đây là điều đã xảy ra với ca sỹ Yunho, người từng bị bỏ thuốc độc vào đồ uống, khiến anh phải nhập viện khẩn cấp, hay JiMin của BTS từng 2 lần bị đe dọa ám sát khi tham gia tour diễn Mỹ vài năm trước.
Áp lực cạnh tranh
Nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ trong suốt những năm qua, khiến ngành công nghiệp giải trí trở thành ngành công nghiệp tỷ đô. Thực tế, việc có chỗ đứng tại thị trường Mỹ và châu Âu đã trở thành cơ hội số 1 cho một số hãng giải trí do các thị trường bên ngoài sinh lời nhiều hơn so với việc chỉ dựa vào những fan hâm mộ trong nước.
Đó là lý do vì sao việc đào tạo các idol khả năng nói và hát bằng tiếng Anh đang ngày càng trở thành xu thế mạnh mẽ. Một số các tài năng mang dòng máu Hàn Quốc nhưng họ được sinh ra và lớn lên ở những nơi khác. Một số ví dụ có thể kể đến về việc Mỹ tiến hay châu Âu tiến như CL - thành viên tách ra từ 2NE1, hay ca sỹ Eric Nam, Ailee, Christan Yu,… Tuy nhiên, điều này cũng đang đặt ra không ít áp lực cho các ca sỹ và nhóm nhạc khác ở trong nước.
Danh tiếng là điều quan trọng nhất. Trong xã hội Hàn Quốc, hình ảnh công chúng xấu xí đồng nghĩa với dấu chấm hết trong sự nghiệp, nhất là với một cá nhân làm trong ngành giải trí. Chỉ một scandal cũng có thể chôn vùi sự nghiệp mà một ngôi sao K-pop đã vất vả có được. Năm 2014, các trang mạng của Hàn Quốc đồng loạt đưa tin nhóm nhạc nổi tiếng và lớn nhất của YG là 2NE1 tan rã sau bê bối của một thành viên nhóm là Park Bom bị cảnh sát cáo buộc đưa chất gây nghiện trái phép vào trong nước.
Dù các cáo buộc bị YG phủ nhận song dư luận dậy sóng nghiêm trọng tới mức trước sức ép vô hình này buộc 2NE1 phải thông báo tan rã dù đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao hầu hết các idol (kể cả các thực tập sinh) bị cấm hẹn hò hoặc bị bắt gặp cặp kè với người khác ở nơi công cộng, trừ phi đi cùng cả một nhóm. Các phóng viên làm trong ngành giải trí tại Hàn Quốc có khả năng đeo bám và khai thác thông tin rất giỏi, vì vậy các idol thường rất thận trọng với hành động và lời ăn tiếng nói để tránh những gì có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp của mình.
Những “hợp đồng nô lệ”
Idol không hề kiếm được nhiều tiền. Đây là một sự thật khá sốc. Các thực tập sinh được đào tạo trong một bộ máy giải trí khắc nghiệt và cạnh tranh nhất trên thế giới khi còn ở tuổi đời khá trẻ. Một số trở thành những ngôi sao, còn số khác thì không, và tất nhiên là sẽ bị đào thải. Việc trở thành một idol không đơn giản chỉ là bước đến một hãng quản lý nào đó, ký hợp đồng rồi thu âm album. Trước khi có thể nuôi mộng debut thành công và trở thành idol là một loạt các chương trình đào tạo và chuẩn bị có khi kéo dài tới cả thập kỷ, đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu.
Hợp đồng khiến các ca sỹ phải cực khổ mới có thể đáp ứng. |
Cho tới khi phát hành bài hát đầu tiên và bắt đầu đi diễn tour, một ca sỹ thực tế sẽ không kiếm được nhiều tiền. Đó là lý do vì sao nhiều thực tập sinh sống trong các căn hộ do công ty quản lý thuê, và thậm chí là ăn mỳ ăn liền mỗi ngày. Tại Hàn Quốc, cụm từ “hợp đồng nô lệ” đã trở thành đề tài nóng bỏng vài năm trở lại đây khi một idol kiện công ty quản lý vì ràng buộc anh ta quá lâu mà không thu lại được gì.
Để một nhóm nhạc được ra mắt, các công ty sẽ phải chi trước từ vài tỷ đến vài chục tỷ won cho các chi phí như đào tạo, quay MV, sản xuất album, tổ chức các buổi gặp gỡ và giao lưu với người hâm mộ… Đối với các công ty lớn như S.M.Entertaiment, YG hay JYP, thực tập sinh khi đã ra mắt đều sẽ nhận được số tiền lương nhất định và tăng dần theo độ nổi tiếng/ thời gian ra mắt. Nhưng với các công ty nhỏ thì không được may mắn như thế.
Tờ Herald của Hàn Quốc từng đăng tải một bài viết có đoạn: “Hãy tưởng tượng về một thế giới nơi mà chế độ nô lệ, những thứ liên quan đến trẻ vị thành niên và những nạn nhân khác không chỉ bị làm ngơ, mà còn diễn ra một cách ngang nhiên và có luật định. Đây không phải là một thế giới trong tiểu thuyết, mà trong thực tế, đó là chuyện đang xảy ra tại Hàn Quốc, nơi mà các sản phẩm về văn hóa được biết đến nhiều nhất. Tình trạng này liên quan đến cái gọi là “làn sóng Hallyu”.
Công chúng chỉ nhìn thấy những con số khủng về số đĩa bán ra của các ca sỹ hay ban nhạc thần tượng, về số tiền thu được từ các buổi biểu diễn thu hút hàng trăm nghìn người. Tuy nhiên, những thu nhập đó không hoàn toàn thuộc về các ngôi sao mà chúng bị chia 5 xẻ 7 bởi giữa họ và các công ty quản lý luôn có hợp đồng chặt chẽ. Nhiều nghệ sỹ thậm chí phải mất hàng năm trời làm việc không công.
Thông thường trong hợp đồng giữa thực tập sinh và công ty quản lý có thời gian dài hạn, trung bình từ 5 đến 10 năm, thậm chí là 20 năm. Đó là chưa bao gồm những khoảng thời gian một số ngôi sao không tham gia hoạt động giải trí, ví như sao nam phải đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 2 năm. Khi đó, thời hạn của bản hợp đồng sẽ phải gia hạn thêm.
Thời gian ký hợp đồng, thu nhập của nghệ sỹ sẽ được phân chia tỷ lệ phần trăm với công ty quản lý. Tùy từng công ty lớn, nhỏ sẽ có những mức tỷ lệ khác nhau, và đây là nguyên nhân dẫn đến những vụ kiện ồn ào. Điển hình nhất là vụ kiện kéo dài 3 năm giữa 3 thành viên Park Yoo Chun, Kim Jae Joong, Kim Jun Su của nhóm DBSK với Công ty quản lý S.M.Entertaiment. Tháng 7-2009, 3 thành viên DBSK đã cùng nhau khởi kiện S.M.Entertaiment và tố cáo về bản hợp đồng “nô lệ”. Trả lời trước tòa, 3 ca sỹ này cho biết SM 6 tháng một lần họ mới được trả lương và phải ký hợp đồng dài tới 13 năm.
Trên giấy tờ có quy định tỷ lệ phần trăm mà mỗi thành viên được chia nhưng trên thực tế họ không nhận được phần lợi tức từ các buổi biểu diễn và các hoạt động khác. Là người trực tiếp và có công lớn nhất trong việc mang lại lợi nhuận nhưng họ chưa bao giờ được biết chính xác về khoản lợi tức mà mình thực sự kiếm được.
Đánh đổi cay đắng
Trên thực tế, nhiều cô gái tại Hàn Quốc muốn bước chân vào ngành công nghiệp giải trí sẽ phải đánh đổi thứ gì đó để có được sự hậu thuẫn của những người có thế lực. Những người này sẽ tài trợ tiền bạc, quần áo, đồ dùng, dùng mối quan hệ để giúp họ tìm kiếm thành công. Đổi lại, tất nhiên là một yêu cầu nào đó, thường là thể xác.
Năm 2009, Jang Ja-Yeon, một diễn viên đóng vai phụ trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Boys Before Flowers (Vườn Sao băng) tự tử, và để lại một bức thư tuyệt mệnh trong đó nói về việc bị lạm dụng bởi nhiều nhân vật có máu mặt. Vụ việc đã gây nên một làn sóng chấn động, và điều người ta choáng váng hơn khi biết Jang Ja-Yeon không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều cô gái tuyệt vọng khi rơi vào tình huống này bởi các quan chức và ông lớn có những mối quan hệ cực kỳ rộng, và thậm chí người ta cho rằng họ còn có thể “mua” được cả cảnh sát và truyền thông, khiến mọi bê bối có thể nhanh chóng “chìm xuồng”.
Khi phong trào #MeToo khởi phát tại Hollywood vào năm 2017 và nhanh chóng và lan rộng, một cơn bão đã làm rung chuyển giới showbiz Hàn Quốc. Hàng loạt nạn nhân đã dũng cảm chỉ đích danh những nam diễn viên, đạo diễn, biên kịch và cả giám đốc đài truyền hình có hành vi quấy rối, lạm dụng tình dục. Trong số đó phải kể đến nam diễn viên Jo Min Ki, Choi Yong Min, Jo Jae Hyun, Oh Dal Soo, đạo diễn Cho Geun Hyun, biên kịch Lee Yoon Taek, nhà sản xuất Yun Ho Jin, đạo diễn Lee Song Heeil...
Ra mắt năm 2008, “On Air” được xem là một bước đi tiên phong trong việc vạch trần sự thật những mảng tối của showbiz Hàn. Tác phẩm phơi bày đủ mọi góc cạnh, từ giấc mơ của con người khao khát làm nghệ thuật, cho tới những nhức nhối như lịch quay khắc nghiệt, mâu thuẫn và cạnh tranh giữa những nhà sản xuất, biên kịch, hay thủ đoạn để nổi tiếng của những người sẵn sàng đạp lên trên kẻ khác.
“Dream High” (Bay cao ước mơ), một bộ phim của Đài KBS ra mắt vào năm 2011 nói về hậu trường của ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Bộ phim kể về hành trình chinh phục ước mơ trở thành ca sĩ nổi tiếng của những người trẻ trong ngôi trường nghệ thuật Kirin.
Khai thác nội dung một cách hài hước và pha chút viễn tưởng, “Vì sao đưa anh tới” khiến người ta nhận ra đâu là cái giá của sự nổi tiếng. Trong khi đó, “Entertainer” lại là bộ phim đưa người xem đến với những chiêu trò cạnh tranh khốc liệt trong ngành giải trí. Bộ phim cũng nhấn mạnh tới nhân tố góp phần quan trọng trong việc quyết định thành công của một nhóm nhạc: đó chính là khán giả.