Sĩ quan cảm tử Đức từng ám sát hụt Hitler vừa qua đời

Thứ Năm, 11/04/2013, 22:00

Người duy nhất sống sót trong thành phần các sĩ quan Đức tham gia ám sát trùm phát xít Adolf Hitler gần 7 thập niên trước - cựu Trung úy Ewald-Heinrich von Kleist-Schmenzin vừa tạ thế ở Munich (Đức), thọ 91 tuổi.

Vốn là hậu duệ của dòng họ quý tộc Kleist thủ cựu của đế chế Phổ nay thuộc Ba Lan, chàng trai Ewald-Heinrich von Kleist-Schmenzin khi nhập ngũ nghiễm nhiên được liệt vào hàng ngũ sĩ quan "tinh túy" của quân đội Đức Quốc xã; trong khi người cha Ewald von Kleist - Schmenzin (1890-1945) lại cực lực lên án chủ nghĩa phát xít và truyền đạt nhãn quan tiến bộ này cho cậu ấm Von Kleist.

Tới năm 1944, Von Kleist được Đại tá Claus von Stauffenberg móc nối, đồng ý tham gia chiến dịch Valkyrie lật đổ thể chế quân sự độc tài nhằm cứu vãn sinh mệnh của dân tộc Đức.

Trong vai trò là trợ lý quân nhu trong Tổng hành dinh, Von Kleist sẽ tự tay trình bày mẫu quân phục mới trước mặt Quốc trưởng Hitler. Trong chiếc thắt lưng nhà binh kiểu mới được nhét đầy thuốc nổ TNT, chọn thời điểm thích hợp Trung úy Von Kleist sẽ kích nổ hy sinh thân mình hoàn thành nhiệm vụ ám sát Hitler.

Nhưng kế hoạch này không thực hiện được vì một lý do khách quan: Ngày 20/7/1944, Von Kleist chấp thuận tham gia một kế hoạch khác, sẽ đích thân mang chiếc cặp táp chứa mìn vào phòng họp của A. Hitler tại đại bản doanh Wolf (Ổ sói) ở Đông Phổ, rồi điểm hỏa...

Nhưng tới giờ chót Von Stauffenberg đã giành lấy sứ mạng nguy hiểm này, tự tay cho nổ trái mìn công suất lớn phá tan một phần phòng họp dưới tầng ngầm kiên cố, nhưng Hitler may mắn thoát chết và chỉ bị thương nhẹ.

Mật vụ Quốc xã Gestapo liền tiến hành truy bức và bắt giữ hơn 7.000 người cả quân nhân lẫn dân sự liên quan đến vụ mưu sát, trong đó có 4.980 người bị hành quyết tức thì. Bản thân Trung úy Von Kleist tuy không bị đem ra xử bắn về tội phản nghịch, nhưng đã bị đưa đi đày tại trại tập trung Ravensbruck. Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, Von Kleist được giải thoát.

Sau chiến tranh, Von Kleist chuyển sang nghề kinh doanh ấn phẩm, rồi đứng ra thành lập Nhà xuất bản Ewald von Kleist-Verlag nay đã thành danh. Năm 1952, Von Kleist thành lập Hiệp hội Nghiên cứu quân sự độc lập. Hai năm sau, ông là chủ biên của tạp chí Nghiên cứu Quốc phòng châu Âu.

Hẳn ít người biết rằng, chính Von Kleist là người đã có công kiến tạo, đặt nền móng cho sự hình thành Hội nghị An ninh Munich (MSC) được tổ chức đều đặn hàng năm từ nửa thế kỷ qua quy tụ hầu hết các quốc gia trên địa cầu cùng tiến hành cuộc thảo luận chuyên sâu về các thách thức an ninh hiện tại và tương lai

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.