Số phận cay đắng của một điệp viên đa mang

Thứ Tư, 20/07/2005, 07:26
Vào tháng 2/1995, trong dòng người Bắc Phi xin tị nạn ở Anh, cảnh sát đặc biệt chú ý đến một người đàn ông đến từ Algérie khai tên là Rida Hadsan, 32 tuổi. Khi trả lời phỏng vấn nhập cảnh, anh ta luôn tỏ ra là người có tri thức, phong thái lịch thiệp, không xô bồ và vội vã như những người tị nạn khác.

Anh ta trả lời thông thạo các câu hỏi của cảnh sát bằng tiếng Anh. Không những thế, Hadsan còn sử dụng tiếng Pháp  y hệt một người Pháp chính cống. Điều đặc biệt thật sự gây chú ý nơi nhân viên cảnh sát phỏng vấn, mà thực chất là một nhân viên phản gián của MI-5 (Tổng cục An ninh Anh), chính là lý lịch của người đàn ông Bắc Phi này. Rida Hadsan nguyên là một nhân viên  làm việc tại bộ phận tình báo của Cục An ninh Algérie từ năm 1988.

 

Năm 1994, khi không khí hỗn loạn bao trùm lên xã hội Algérie với các cuộc tranh giành quyền lực, ám sát, khủng bố xảy ra khắp nơi thì sự nghiệp tình báo của Hadsan cũng chấm dứt. Lúc này ở Algérie một chính phủ mới được thành lập sau một cuộc binh biến không đổ máu. Nhiều cuộc thanh lọc diễn ra sau đó, nhất là tập trung vào Cục An ninh, đã khiến Hadsan không những bị sa thải mà còn bị liệt vào thành phần bị theo dõi. Sau một năm chật vật với cuộc sống đầy rẫy hiểm nguy ở Algérie, Hadsan quyết định đến Anh xin tị nạn.

 

Tại đây, ngay từ buổi phỏng vấn nhập cảnh đầu tiên, nhân viên phản gián của MI-5 đã phát hiện ra giá trị của Hadsan và lập tức cho chuyển hồ sơ của anh ta về trụ sở để nghiên cứu và theo dõi nhằm tiến hành chiêu mộ khi có điều kiện. Vì vậy, MI-5 cấp ngay cho Hadsan một hộ chiếu tạm thời kèm điều kiện ba tháng phải xin gia hạn một lần, và mọi hành động của anh ta đều bị MI-5 giám sát chặt chẽ.

Năm 1997, sau hai năm thử thách mà không phát hiện bất cứ dấu hiệu khả nghi nào, MI-5 quyết định chiêu mộ Hadsan. Nhiệm vụ đầu tiên mà MI-5 giao cho Hadsan là săn tìm một thành viên quan trọng của Tổ chức dân binh Hồi giáo Yemen (YMIF), một tổ chức Hồi giáo quá khích, mới thâm nhập vào nước Anh. Yêu cầu duy nhất của MI-5 là Hadsan phải tiếp cận cho bằng được để nắm rõ hành tung của đối tượng. Sau khi nhận nhiệm vụ, Hadsan lang thang tại các tụ điểm có người Hồi giáo tị nạn để thu lượm tin tức.

 

Với kinh nghiệm của một cựu nhân viên tình báo, chỉ sau gần một năm tìm kiếm, Hadsan đã lần ra dấu vết của đối tượng. Gã ta tên là Mohamad al Sava, đang trà trộn trong một nhóm Hồi giáo tị nạn tại thành phố Birmingham. Thủ thuật tiếp cận chuyên nghiệp của Hadsan đã gây thiện cảm và tin tưởng nơi Mohamad, để sau đó không bao lâu, gã ta giao cho Hadsan một máy fax để liên lạc với đồng bọn.

Tuy nhiên, trong một lần sơ ý, Hadsan đã phạm phải một sai lầm chết người, đó là để Mohamad phát hiện ra còn lưu giữ, thay vì phải xóa ngay nhiều số điện thoại, số fax và địa chỉ của những thành viên YMIF bị cảnh sát Anh bắt giữ cách đó không lâu. Hadsan bị lộ tung tích là một kẻ nội gián và liền bị truy sát bởi YMIF. Quá lo sợ, Hadsan bí mật trốn sang Pháp khi chưa kịp báo cáo với MI-5.

Mùa hè năm 1998, cả nước Pháp lên cơn sốt vì là nước tổ chức World Cup bóng đá thế giới. Tình cờ, một nhân viên Cục An ninh nội địa Pháp (DST) phát hiện Hadsan đi xem một trận thi đấu bóng đá trong khuôn khổ World Cup ở thành phố Marseille. Do trước đây, tình báo Pháp từng cộng tác với tình báo Algérie trong phòng chống các tổ chức Hồi giáo cực đoan nên khả năng làm việc của Hadsan rất được tình báo Pháp quan tâm.

 

Nhân dịp này, DST liền chủ động gặp gỡ Hadsan và nêu rõ ý định nếu anh ta đồng ý giúp đỡ DST để phòng chống nạn khủng bố của các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Pháp, thì DST sẽ can thiệp để Hadsan được nhập quốc tịch Pháp.  World Cup 98 kết thúc, DST tặng thưởng hậu hĩnh cho Hadsan, nhưng sau đó chấm dứt cộng tác với Hadsan khi biết anh ta làm việc cho MI-5.

Ngày 10/11/1998, Hadsan bí mật quay trở lại Anh và nhận được lời mời tiếp tục cộng tác với MI-5. Do ngày càng khẳng định được giá trị của mình, Hadsan được MI-5  tiếp tục giao thực hiện các điệp vụ quan trọng hơn. Một trong những điệp vụ đó là theo dõi hành tung của giáo chủ Adsar Hamuchali, lãnh đạo tinh thần của nhà thờ Al Mohali ở ngoại ô London.

Ngày 13/6/2000, tại một tầng hầm bí mật trong nhà thờ Al Mohali đã diễn ra cuộc họp quan trọng giữa 13 thành viên một tổ chức Hồi giáo cực đoan đến từ Bắc Phi để chuẩn bị một loạt các vụ khủng bố trên lãnh thổ Anh. Đúng lúc Hamuchali thay mặt Thánh Alah rửa tội cho các chiến binh trước khi thực thi sứ mạng cao cả thì 50 cảnh sát đặc nhiệm như từ dưới đất chui lên tóm gọn nhóm khủng bố và cả Hamuchali.

 

Chiến công này có sự góp sức rất lớn của Hadsan vì vậy anh ta được MI-5 tặng thưởng 125.000 USD và được cấp 3.200 USD hàng tháng. Không những thế, MI-5 còn soạn cả một bản hợp đồng mời Hadsan làm cộng tác viên chính thức. Trong hợp đồng có một điều khoản khiến anh ta vô cùng phấn khởi, đó là sẽ được nhập quốc tịch Anh và cả gia đình sang sinh sống tại Anh.

Ròng rã hơn 5 năm phục vụ MI-5, Hadsan mua được nhà, sắm được xe hơi nhưng lời hứa nhập quốc tịch cho Hadsan cùng gia đình thì MI-5 tìm cách khất lần vì cho rằng, Hadsan đã một lần bỏ MI-5 để cộng tác với DST thì trong tương lai anh ta cũng có thể cộng tác với một cơ quan tình báo nước ngoài khác vì lợi ích của bản thân. Đến tháng 9-2003, Hadsan một lần nữa nhắc lại điều khoản được nhập quốc tịch Anh đã ghi trong hợp đồng nhưng bị MI-5 lạnh lùng từ chối.

 

Không những thế, đến đầu năm 2004, MI-5 còn chấm dứt việc cộng tác với Hadsan. Thế là sau một thời gian dài đau khổ và thất vọng vì bị MI-5 lừa, Hadsan quyết định bán thông tin về mối quan hệ giữa mình với MI-5 cho báo chí Anh. Hadsan đã kể với phóng viên tờ The Sun rằng anh ta hoàn toàn thất vọng và khó hiểu vì tại sao một cơ quan tình báo có tầm cỡ thế giới như MI-5 lại có hành động phụ bạc trắng trợn đối với một người đã hết lòng cộng tác suốt nhiều năm liền với mình như vậy. Thế nhưng, có lẽ trong thâm tâm Hadsan cũng hiểu rằng đó là số phận mà các điệp viên đa mang thường phải gánh chịu

Văn Hòa (Theo L'Évènement)
.
.