Số phận đặc biệt của Thủ đô nước Mỹ

Thứ Hai, 30/05/2016, 14:40
Ít người biết rằng, trong Quốc hội Mỹ, dân số Washington D.C với hơn 672.000 người, đứng thứ 22 trong danh sách các đô thị hàng đầu nước Mỹ, lại không có được số đại diện xứng đáng.

Đặc khu Columbia và thành phố Washington không có một thượng nghị sĩ nào, trong khi các tiểu bang đều có chí ít 2 thượng nghị sĩ. Dàn nhạc giao hưởng thủ đô Washington D.C của nước Mỹ lại thuộc loại "thường thường bậc trung", Nhà hát Opera được liệt vào hạng 2, còn Nhà hát Nhạc vũ kịch có trình độ chỉ sánh ngang với chốn… "tỉnh lẻ"…

Người ta chỉ còn nhớ hạ nghị sĩ duy nhất của cả vùng Washington D.C là bà Eleanor Holmes Norton, lại không có quyền biểu quyết trong những phiên họp kín của Nghị viện. Nhiều đạo luật Liên bang được thông qua mà chẳng cần đại diện của cử tri thủ đô Mỹ. Mãi tới năm 1973, cư dân thủ đô Mỹ mới được quyền lựa chọn ban lãnh đạo của mình nhờ đạo luật về quyền tự quản hành chính… Đây là hệ quả của quá khứ cũng như vị trí chính trị đặc thù của Đặc khu Columbia, trong đó có thành phố Washington không thuộc một tiểu bang nào cả, chỉ có quyền hạn ít ỏi mang tính chất tượng trưng.

Một góc khu trung tâm Washington D.C.

Vào năm 1783, giới lãnh đạo Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ bị 80 người lính đói khát thuộc đạo quân nổi dậy bao vây tại đại bản doanh trung ương của họ khi ấy đặt ở thành phố Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania). Trước nguy cơ trụ sở chính phủ bị chiếm lĩnh, các chính khách bắt buộc phải chạy trốn qua lối cửa hậu, sau khi nhà đương cục tiểu bang Pennsylvania từ chối gửi quân tiếp viện cho chính phủ…

Từ lúc này trở đi, giới chức hàng đầu Hoa Kỳ nhắm tới một chỗ an toàn, không phụ thuộc vào một chính quyền tiểu bang nào. Ngoài ra thủ đô của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ cần phải là một địa điểm đặc biệt không những về kiến trúc, mà cả về các mối tương quan chính trị nữa. "Nơi đây phải thuộc về mọi người Mỹ!" - như giới chính khách hàng đầu khi ấy quả quyết.

Sự lựa chọn "một chốn ổn định" đã rơi vào chỗ có những cánh đồng thuốc lá và đầm lầy dọc theo sông Potomac, bao gồm khoảng diện tích 178km2 được tách ra trước đó từ 2 tiểu bang Virginia và Maryland. Địa danh mới này được vinh dự mang tên vị Tổng thống đầu tiên George Washington (1732-1799) của Hợp chúng quốc, kết hợp với tên của người khám phá ra châu Mỹ Christopher Columbus (1451-1506) thành Washington District of Columbia (thành phố Washington, quận Columbia), thường được gọi tắt là Washington D.C., nhằm phân biệt với một tiểu bang trùng tên nằm về phía tây bắc nước Mỹ. Đây là một vùng mang tính chất đặc khu.

Thành phố phát triển theo thời gian nhưng mọi quyền hạn chính trị của người dân trong đó vẫn bị giới hạn như cũ. Quốc hội Mỹ có thể phủ quyết mọi quyết định của Hội đồng thành phố Washington, ngay cả với khoản ngân sách thường niên của Tòa thị chính thủ đô cũng vậy. Chung quy, Điện Capitol can thiệp quá sâu vào công việc của người Washington.

Như dân biểu Stein Paris, thành viên của Ủy ban Quốc hội về Đặc khu Columbia, từng đưa ra một dự luật nhằm thay đổi vị trí của ngôi nhà tù mới mà chính quyền Washington định xây. Còn dân biểu Dont Nickerson thuộc đảng Cộng hòa ở tiểu bang Oklahoma lại đệ trình dự luật thử nghiệm, nhằm buộc chính quyền thủ đô không được trả lương cho nữ công chức trong thời kỳ thai nghén và sinh nở.

Một Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa của tiểu bang North Carolina là Thom Tillis thì nằng nặc đòi phong tỏa mọi khoản trợ cấp xã hội dành cho thành phố, khi hay tin Tòa thị chính Washington không cho phép các hãng bảo hiểm kiểm tra mọi khách hàng xem có nhiễm virus HIV dương tính hay không.

Nữ dân biểu E. Norton (hàng đầu bên phải) đọc kiến nghị trước Điện Capitol, đòi thêm quyền cho người dân thủ đô trong kỳ bầu cử Quốc hội bổ sung đầu tháng 11-2014.

Nữ dân biểu E. Norton (hàng đầu bên phải) đọc kiến nghị trước Điện Capitol,  đòi thêm quyền cho người dân thủ đô trong kỳ bầu cử Quốc hội bổ sung đầu tháng 11-2014.

Bây giờ là đoạn kết với "vùng đất thuộc địa cuối cùng ngay trong lòng nước Mỹ", như nguyên văn lời cố Thượng nghị sĩ Edward Kennedy (1932-2009), em ruột Tổng thống John F. Kennedy.  

Khi dân biểu Walter E. Fauntroy, người tiền nhiệm của bà E. Norton đưa ra Hạ viện một dự luật, hòng giúp cư dân thủ đô Washington hoàn toàn bình quyền với mọi người Mỹ khác, cũng như tháo gỡ những giới hạn đặc biệt đối với thành phố lâu nay. Dự luật nêu rõ yêu cầu cấp bách là thành phố Washington và vùng ven cần phải trở thành tiểu bang thứ 51 của nước Mỹ, với cái tên New Columbia bao gồm phần lãnh thổ trực thuộc Đặc khu Columbia hiện nay. W. Fauntroy và những người ủng hộ ông tin rằng lẽ phải thuộc về họ, với bằng chứng là người dân Washington phải đóng nhiều khoản thuế hơn so với mọi tiểu bang khác.

"Cái nghĩa vụ cứ việc è cổ ra đóng nhiều thuế nhất, mà chẳng có một nhúm đại diện chính thức nào cả trong cơ quan lập pháp là một điều trái khoáy và vô lý đến nực cười!", dân biểu W. Fauntroy quả quyết.

Ý kiến của vị dân biểu đại diện cho thủ đô cuối cùng buộc Quốc hội Mỹ phải lưu tâm. Người ta từng tiến hành một cuộc bỏ phiếu kín nhằm "gắn thêm một ngôi sao nữa cho lá cờ Hợp Chúng quốc". Kết quả: 190 dân biểu đã biểu quyết chấp thuận dự án của W. Fauntroy; nhưng họ còn thiếu đúng 28 phiếu thuận nữa mới biến dự luật thành hiện thực và vấn đề vẫn bỏ ngỏ cho đến nay.

Một điều cần lưu ý trong kế hoạch của W. Fauntroy là thành lập khu đặc biệt như với District of Columbia, bao gồm một vùng lãnh thổ trong đó có Nhà Trắng, Điện Capitol (trụ sở Quốc hội) và Tòa án Tối cao Liên bang, cũng như vài vị trí trọng yếu khác ven sông Potomac (trụ sở Chính phủ, văn phòng các bộ và các cơ quan ngang bộ cấp Liên bang…). Khu vực này mang tính chất đặc biệt về vị trí là khu thủ đô - đầu não quốc gia và không thuộc tiểu bang mới New Columbia. 

Nhưng các đời tổng thống Mỹ kế tiếp nhau, từ Bush-cha qua Bill Clinton đến Bush-con và Barack Obama hiện nay đều muốn để nguyên trạng vùng "lãnh địa" Washington D.C. Còn giới phản đối kế hoạch New Columbia trong Nghị viện thì lập luận rằng tiểu bang mới không thể tự tồn tại được, do thiếu các ngành kỹ nghệ, cùng với mức nông nghiệp kém cỏi không thể tự cung, tự cấp và… tự quản được như các tiểu bang khác(!). 

Và như vậy, thủ đô Washington vẫn tiếp tục bị hạn chế quyền có đại diện xứng đáng trong quốc hội, y như những miền đất tự trị heo hút khác bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ gồm Puerto Rico, Guam, American Samoa, quần đảo Bắc Mariana và quần đảo Virgin.

Thu Hường (tổng hợp)
.
.