Số phận hy hữu của một điệp viên hai mang
Cuối tuần qua, tờ The Daily Mail (Anh) cho đăng tải nhiều bài viết liên quan tới đời tư của cựu đại tá KGB Oleg Antonovich Gordievsky. Theo đó, mặc dù bị đầu độc từ ngày 2/11/2007, nhưng cho đến nay Cơ quan điều tra Anh vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng đối với vụ án của Gordievsky, người từng được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước hiệu "Kị sĩ thánh George", bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thời Chiến tranh lạnh, nếu Kim Philby là điệp viên cao cấp nhất của Liên Xô trong Cơ quan tình báo Anh MI-6 thì trong Cơ quan Tình báo Liên Xô (cũ) KGB, sĩ quan cao cấp nhất làm việc cho MI-6 là Oleg Antonovich Gordievsky.
Được vào nước Anh vì… không rành tiếng Anh!
Sinh ngày 10/10/1938 tại Moskva (Nga), Oleg Antonovich Gordievsky là người cực kỳ uyên bác, nhất là trong lĩnh vực lịch sử và tôn giáo, quan tâm đến các vấn đề chính trị, có chừng mực trong chuyện rượu chè, rất yêu nhạc thính phòng - điều có vẻ không ăn nhập gì với hình ảnh của một điệp viên. Gordievsky luôn thận trọng cao độ, né tránh mọi xung đột có thể, luôn giữ khoảng cách nhất định trong các quan hệ và sống khép kín.
Sự tín nhiệm đối với Gordievsky cũng được củng cố nhờ lý lịch gia đình: cha là một cán bộ Cheka lão thành, trong khi người mẹ cũng là một cán bộ Cheka chính thức có quân hàm đại úy (Cheka là lực lượng an ninh nội bộ đầu tiên của đảng Bolshevik được thành lập vào tháng 12/1917).
Sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moskva và công tác 2 năm ở CHDC Đức, Oleg Gordievsky nhanh chóng được tuyển vào làm việc tại KGB từ đầu thập niên 60. Sau đó, Gordievsky được cử sang Đan Mạch với tư cách là tùy viên của Sứ quán Liên Xô, nhưng thực tế là phụ trách tổ chức cài cắm các tình báo viên KGB hoạt động dưới vỏ bọc công dân nước ngoài.
Rất nhiều nguồn tin thiên về giả thuyết cho rằng, Gordievsky đã hoạt động hai mang ngay từ khi công tác tại Đan Mạch. Gordievsky mau chóng chuyển sang trung tâm tình báo chính trị địa bàn Anh - Scandinavia, và vào năm 1973 đã leo tới chức phó trưởng trung tâm.
Giới chuyên môn cũng chỉ rõ, trong thời gian hoạt động tại Copenhagen, Gordievsky đã "nhất cử lưỡng tiện" - một lúc thông tin cho cả KGB và MI-6 nên được hai cơ quan tình báo trọng dụng bởi những tin tức báo về đều có giá trị.
Gordievsky từng viết trong hồi ký là đã thiết lập quan hệ với tình báo Anh vào năm 1974. Nhưng nhiều khả năng trước đó đã có các quan hệ khá chặt chẽ với các cơ quan tình báo Đan Mạch, nhưng vì không thích làm cho nước Đan Mạch "tí hon", mà muốn làm việc với một cơ quan tình báo tầm cỡ.
Sự thăng tiến nhanh chóng mà Gordievsky, vốn chỉ có cương vị khiêm tốn, đạt được không phải là không có sự hỗ trợ của người Anh bằng cách không cấp visa cho các cán bộ tình báo Nga nhập cảnh vào London. Ban lãnh đạo trung tâm tình báo chính trị địa bàn Anh - Scandinavia hoàn toàn có lý do để cử tới London các cán bộ của mình chứ không muốn dựa vào các phòng nghiệp vụ khác, nơi có "những người lạ" làm việc. Gordievsky chỉ mới học tiếng Anh, ông hoàn toàn không hiểu biết gì về nước Anh, nhưng người ta vẫn tìm cách "thử kiếm visa" cho ông.
Tờ The Daily Mail lý giải điều này như sau: Do không biết tiếng Anh, Gordievsky đã không gặp người Mỹ và Anh ở Đan Mạch, và vì thế không bị họ cho vào "sổ đen". Ngoài ra, Gordievsky không được coi là cán bộ tuyển mộ và cán bộ hoạt động tình báo, do "sở trường" của ông là kỹ năng "viết tin", nhất là khi liên quan tới báo chí nhằm công khai các thông tin.
Người ta bàn luận về việc Gordievsky nhận được visa theo kiểu: người Anh không thể từ chối cấp visa mãi được và họ nghĩ rằng với Gordievsky, một kẻ không biết tiếng Anh, thì nước Anh sẽ ít bị tổn hại hơn là với một chuyên viên về nước Anh.
Đáng lưu ý là tình báo Anh, nhằm bảo đảm cho Gordievsky có quyền tiếp cận nhiều loại thông tin mật hơn, đã cẩn thận dọn đường cho ông bằng cách dần dần "lùa" khỏi Anh tất cả các sĩ quan chỉ huy của trung tâm tình báo, và cuối cùng Moskva đứng trước một lựa chọn nan giải: hoặc là lại nhảy vào cuộc chiến visa bất tận với người Anh bằng cách cử các cán bộ mới đến Anh giữ cương vị trưởng trung tâm tình báo, hoặc là bổ nhiệm Gordievsky giữ chức vụ này. Giải pháp thứ hai được lựa chọn, tức là cựu Đại tá KGB "từ phó đã lên trưởng".
MI-6 đánh giá cao những thông tin do Gordievsky cung cấp bởi chúng đã giúp "phơi áo" 25 tình báo viên của Liên Xô hoạt động tại Anh. Ngoài ra, với tư cách phụ trách mạng lưới tình báo tại London cùng vai bình phong Tham tán tại Đại sứ quán Liên Xô năm 1982, có rất nhiều điều kiện để tiếp cận với những thông tin tuyệt mật. Trong số một loạt tin tức đã cung cấp cho MI-6, có 2 thông tin được đánh giá cao và nhờ đó mà Gordievsky được họ tiến hành giải cứu khỏi Liên Xô sau này.
Oleg Antonovich Gordievsky là điệp viên chạy trốn khỏi KGB trong thập niên 1980 duy nhất sống sót.
Nếu không có tin tức của Gordievsky thì Liên Xô và NATO rất có thể đã xảy ra một cuộc chiến hạt nhân. Khi đó Liên Xô đã báo động lực lượng hạt nhân chiến lược và các đơn vị không quân đóng ở CHDC Đức, Ba Lan ngay sau khi NATO tiến hành diễn tập quân sự (Able Archer 83 - từ 2/11 đến 11/11/1983).
Cũng nhờ thông tin của Gordievsky nên Anh và NATO không hề bất ngờ trước việc ông Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí thư và Tổng thống Liên Xô. Chính vì được chuẩn bị từ rất sớm nên Anh và NATO đã hoạch định khá kỹ bước đi với ông chủ Điện Kremli sau này, và thực tế đã chứng minh tin tức của Gordievsky giá trị tới mức nào.
Vẫn còn những bí ẩn
Năm 1985, trong khi mọi việc đang diễn ra thuận chiều thì Gordievsky bị triệu về nước gấp. Tuy bị thẩm vấn theo phương pháp của KGB, nhưng Gordievsky đã không bị lộ tẩy. Nhiều chuyên viên và bản thân Gordievsky nghiêng về ý cho rằng, trưởng phòng Nga của CIA là Aldrich Ames tố giác Gordievsky. Aldrich Ames đã làm cho KGB từ đầu năm 1985 (mới đây đã bị người Mỹ xử tù chung thân) và chuyển cho KGB toàn bộ danh sách gián điệp Mỹ trong KGB.
Ames có thể cũng đã tố giác Gordievsky trong quá trình tham gia điều phối hoạt động của các cơ quan tình báo Đan Mạch và Anh trong khuôn khổ NATO, hoặc là khi phân tích tin mà tình báo Anh chia sẻ với CIA.
Trong hồi ký của mình, Gordievsky có kể lại câu chuyện chạy trốn khỏi KGB, trong đó hiển nhiên ông ta đã nhào nặn nhiều tình tiết có thể làm lộ các phương pháp hoạt động của tình báo Anh. Nhưng điều không thể tranh cãi là cuộc chạy trốn ấy cực kỳ táo bạo và hoàn toàn bất ngờ đối với KGB.
Như những gián điệp khác, Gordievsky có khả năng liên lạc trong trường hợp bị bại lộ, kể cả khả năng phát "tín hiệu báo động" cho người Anh. Tài liệu hướng dẫn chạy trốn đã được giấu trong bìa một cuốn tiểu thuyết Anh, Gordievsky lấy ra và giấu vào tủ bí mật của mình. Điều này lại một lần nữa cho thấy sự thận trọng cao độ của Gordievsky: đã tính đến khả năng căn hộ không chỉ bị nghe trộm mà còn bị lục soát.
Không có một cá nhân hay tổ chức nào có thể kiểm soát nổi Gordievsky - vốn được tình báo Anh trợ lực tới mức có một cuộc trốn chạy thực sự hoàn hảo và kín kẽ.
Tình báo Anh vẫn tiếp tục tăng cường bảo vệ điệp viên hai mang Oleg Antonovich Gordievsky cho dù điệp viên này không còn giá trị sử dụng và khai thác. Thế nhưng, theo nguồn tin từ Văn phòng Cảnh sát hạt Surrey, London, thì Oleg Gordievsky đã bị một cựu nhân viên tình báo Nga đầu độc khi người này đến chơi nhà ông ngày 2/11/2007.
Cựu Đại tá KGB cho rằng, mình là nạn nhân tiếp theo sau cựu Trung tá KGB Alexander Litvinenko, người đã bị đầu độc chết hồi tháng 11/2006. Giới truyền thông Anh cho rằng, ông Litvinenko đã bị ám sát bằng chất phóng xạ tại London vì làm việc cho MI-6. Tuy được MI-6 đánh giá cao, trả lương hậu hĩnh và trọng vọng, nhưng Gordievsky luôn phải sống trong nỗi sợ hãi không tên cho dù tên tuổi cũng như địa chỉ của ông luôn là bí mật quốc gia.
Cho tới nay, chuyện Oleg Gordievsky bị ai đầu độc và vì động cơ nào vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Trong khi cơ quan chức năng và giới truyền thông Anh cho rằng, ông Gordievsky bị đồng nghiệp đầu độc, thì cũng có người lại có cách nhìn khác. Theo đó, cựu đại tá KGB đã cố tình tạo ra sự cố này để gây áp lực với nhà chức trách bởi Gordievsky không thỏa mãn với những gì đang được hưởng. Thậm chí một số chế độ được hưởng theo thỏa thuận trước đây đã bị cắt vì lý do "không rõ nguyên nhân".
Oleg Gordievsky trải qua cuộc đời điệp viên nhiều sóng gió, suýt phải trả giá bằng tính mạng. Cuộc sống riêng của Gordievsky, theo như sự thú nhận của chính ông ta, cũng chẳng có gì sáng sủa: ly hôn với vợ đầu, trong khi đó người vợ thứ hai cùng hai cô con gái cũng rời bỏ ông khi sang London sinh sống từ tháng 8/1991. Gordievsky giấu nhẹm mọi sự thật, không kể cho người vợ đầu về sự liên hệ với tình báo Anh. Sau khi cưới người vợ thứ hai thì đã là điệp viên Anh, rồi chạy trốn khỏi KGB sau những nghi án điệp viên hai mang, bỏ mặc gia đình ở lại Liên Xô.
Giờ đây, ở nửa bên kia sườn dốc cuộc đời, Oleg Gordievsky từ lâu đã vứt bỏ tóc giả và râu, thôi không sống bí mật, không còn sợ "trả thù" mà năng lui tới các hội nghị và hội thảo về gián điệp và tiếp tục đưa ra các quan điểm cá nhân mặc dù cả KGB lẫn Liên Xô đều đã không còn tồn tại nữa. Ông ấy an nhàn vui thú điền viên nơi ngôi nhà nhỏ với món tiền phúc lợi, tức là khoản lương hưu 45.000 USD/năm mà tình báo Anh cấp - mức lương mà đến cựu tổng thống Liên Xô cũng chưa bao giờ nhận được...