Số phận khốn đốn của đôi vợ chồng điệp viên trốn chạy (bài cuối)

Thứ Sáu, 16/12/2016, 07:25
Được đến Mỹ và vào làm việc trong FBI, nhưng vợ chồng Neumann lại rơi vào tình trạng như những người nhập cư bất hợp pháp, không có chỗ ở chính thức và công việc làm tại FBI thì không ổn định.

Trong khi đó, dù không trực tiếp hỗ trợ vợ chồng Neumann nhập cảnh vào Mỹ một cách danh chính ngôn thuận, nhưng CIA lại cứ thập thò tìm cách "lấy người" ra khỏi FBI. Chính điều này đã đẩy vợ chồng Neumann vào cảnh khốn đốn, phải nhờ đến luật sư giúp đỡ để kiện FBI ra tòa.

Cuối cùng, vợ chồng Neumann cũng được đưa đến Mỹ bằng máy bay trên chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Richmond, bang Virginia vào ngày 17-7-2008. Họ thấy mất phương hướng, vì ngay cả những đặc vụ FBI đi cùng họ cũng không thể xác định được họ phải sử dụng hộ chiếu nào để trình khi nhập cảnh, và phải gọi điện thoại về Tổng hành dinh để xin chỉ dẫn.

Không biết Tổng hành dinh chỉ dẫn thế nào, và vì lý do gì mà khi làm thủ tục nhập cảnh, đặc vụ dẫn đường cho vợ chồng Neumann lại chìa ra cặp hộ chiếu Nga mang tên thật của họ. Hải quan cửa khẩu Mỹ chấp thuận cho vợ chồng Neumann nhập cảnh theo diện nhân đạo, dạng nhập cảnh đặc biệt dành cho những người nước ngoài có lợi cho nước Mỹ.

Vợ chồng Janosh và Victorya Neumann trước khi chạy trốn khỏi Nga.

Sáng hôm sau, vợ chồng Neumann được các đặc vụ FBI đưa đến một căn hộ an toàn trong một chung cư ở Richmond. Tại đây họ được các sĩ quan tình báo Mỹ thẩm vấn về lịch sử bản thân. Nhiều tháng liền sau đó, họ tiếp tục được các sĩ quan tình báo của CIA lẫn đặc vụ FBI thẩm vấn về nhiều thư, từ phản gián cho đến rửa tiền và tội phạm có tổ chức ở Nga. Jan liên tục hứa với CIA sẽ tiết lộ tên các sĩ quan tham nhũng trong hai cơ quan tình báo FSB và SVR (tình báo đối ngoại) cùng mạng lưới các chủ ngân hàng tham nhũng và tội phạm có quan hệ với họ.

Neumann xác nhận với FBI thông tin về các hoạt động móc nối tham nhũng giữa trùm mafia Nga Vyacheslav Ivankov, biệt danh "Tiểu Nhật Bản", với các chủ ngân hàng Kreditimpeks; về cách thức điệp viên của SVR xâm nhập vào các doanh nghiệp Mỹ. Vài năm sau, những lời khai đó của Neumann đã giúp FBI lật tẩy một số điệp viên SVR nằm vùng trong các doanh nghiệp Mỹ ở New York.

Jan và Victorya Neumann rất nhiệt tình cung cấp thông tin giúp ích cho nước Mỹ, với hy vọng từ đó họ sẽ được CIA tuyển mộ và cho cắm chốt ở châu Âu. Chỉ có điều, do Neumann không phản bội bạn bè mình đang cài cắm trong các cơ quan tình báo Mỹ, đã từ chối khai ra họ, vợ chồng ông đã không được CIA cho tham gia chương trình bảo vệ điệp viên đào tẩu PL-110. 

Tuy nhiên, ngay trong quá trình thẩm vấn, Neumann cũng đã cảm nhận được hai cơ quan tình báo FBI và CIA đang hành động trái ngược nhau, kình chống nhau; các đặc vụ FBI luôn tìm cách kéo Neumann ra xa CIA, trong khi các sĩ quan CIA thì lôi kéo ngược lại.

Vào cuối năm 2008, các quan chức FBI đã thuyết phục một người bạn giàu có ở Philadelphia tài trợ cho vợ chồng Neumann gia nhập hội Union League để họ có thể cư trú trong khách sạn của hội. Nhưng do không hợp với phong cách cổ điển, quá sang trọng, nên vợ chồng Neumann dọn đến ở trong một khách sạn "bình dân" hơn. 

Họ trở thành tâm điểm chú ý của nhiều cơ quan bảo vệ pháp luận, an ninh, tình báo của Mỹ. Nhiều đoàn quan chức của FBI, CIA, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp Mỹ đã đến tiếp xúc với họ nhằm mục đích tìm hiểu những thông tin họ có. Trong số đó, một nữ điệp viên CIA đã đến gặp riêng vợ chồng Neumann để đưa ra một đề nghị sẽ cho họ cắm chốt ở châu Á hoặc Mỹ Latinh.

Sau đó, khi vợ chồng Neumann chia sẻ thông tin này với FBI, các quan chức phụ trách hướng dẫn họ phản bác lời đề nghị đó. Bắt đầu từ đó, mọi cuộc gặp giữa vợ chồng Neumann với CIA đều có người của FBI tham dự. Ngoài ra, FBI còn hứa hẹn sẽ giúp họ có được các giấy tờ tùy thân cần thiết, kể cả thẻ xanh (thẻ thường trú nhân). FBI làm mọi cách để vợ chồng Neumann ở lại cơ quan này. Có lần, một quan chức cao cấp của CIA đến xin gặp vợ chồng Neumann, nhưng FBI từ chối.

Jan Neumann và nam diễn viên Kevin Jones ở Portland. Chính Kevin Jones đã hướng dẫn Neumann làm diễn viên bất đắc dĩ trong phim truyền hình "Grimm".

Bắt đầu làm việc cho FBI là cả một quy trình thẩm vấn, chụp ảnh làm hồ sơ. Jan bị thẩm vấn nhiều hơn và khó khăn hơn, còn Victorya thì nhẹ nhàng hơn do bà chỉ "đi theo người mình yêu" khi rời khỏi Nga. FBI còn cung cấp cho Victorya một chiếc laptop có kết nối Internet để khích lệ tinh thần cộng tác của đôi vợ chồng.

Từng làm công việc do thám Đại sứ quán Mỹ tại Moskva qua mạng Internet, đồng thời lại có năng khiếu do thám trên Internet khá tốt, nên Victorya ngay lập tức giúp cho FBI khá nhiều việc. Victorya đã giúp FBI lần ra dấu vết một số người có liên hệ với ngân hàng Kreditimpeks ở bang Pennsylvania và các bang lân cận. Còn Jan thì giúp FBI giải mã ngôn ngữ mã hóa của bọn tội phạm có tổ chức mà cơ quan này nghe lén được. Công việc đầu tiên đó của họ đã giúp FBI phá được một đường dây buôn lậu quốc tế lớn.

Vài tháng sau, vợ chồng Neumann tiếp tục giúp FBI truy tìm những tên trộm tranh, tội phạm buôn lậu kim cương và mafia châu Âu lẩn trốn ở Mỹ. Thế nhưng, bản thân họ thì vẫn phải trú ngụ trong các khách sạn và sử dụng tên giả. Nhưng lương bổng thì không thể phàn nàn, còn cao hơn thu nhập của một bộ phận dân lao động Mỹ.

Tại FBI, vợ chồng Neumann chỉ làm việc với tư cách là chỉ điểm viên, không phải là đặc vụ. Và cũng giống như bao chỉ điểm viên khác, vợ chồng họ liên hệ công việc với một người dẫn dắt tên là Karen. Ngày 26-11-2008, Karen hướng dẫn vợ chồng Neumann đến một toà án ở Salt Lake City. Tại đây, Alexy Yurievich Artamonov được đổi tên thành Janosh Jovan Neumann, còn vợ ông là Victorya Avital Neumann. Cái họ phát âm nghe giống với từ "con người mới" trong tiếng Anh.

Với thân phận mới, vợ chồng Neumann cùng với Karen và hai đặc vụ khác đi đến thành phố Portland, bang Oregon. Họ được tiếp đón bởi một đặc vụ tên là Kurt, một chuyên gia phản gián, là người dẫn dắt mới của họ ở Portland. Vợ chồng Neumann được FBI thuê cho một phòng khách sạn để ở. Tuy nhiên, cảnh sống tạm bợ ở khách sạn hoàn toàn không hợp với Neumann. Do đó, họ đã phải tự mình đi thuê nhà riêng để ở.

Neumann phát triển mối quan hệ khá gần gũi với Kurt. Vào một ngày, Kurt nói với Neumann rằng, ông đã xúc phạm một số nhân viên của FBI khi còn ở Virginia. Kurt giải thích, tính cách trông có vẻ "ngạo nghễ" của Neumann đã vô tình khiến cho một số người trong FBI cảm thấy "tự ái".

Đội đặc nhiệm phản ứng nhanh SRRU của FSB truy lùng Jan Neumann.

Thì ra, trong lúc thẩm vấn Neumann, một số nhân viên FBI đã thể hiện quan điểm ấu trĩ về FSB và nước Nga, và điều đó khiến Neumann không chấp nhận được. Kurt cho rằng chính sự phản ứng của Neumann khiến một số nhân viên FBI nghĩ rằng ông cao ngạo và thiếu hợp tác. Và có lẽ đây chính là lý do khiến vợ chồng Neumann bị điều đến Portland, Oregon. Một số đặc vụ ở Portland có mối quan hệ tốt với Neumann, và chính họ đã giúp Neumann xin được giấy phép lao động của Bộ An ninh nội địa, để từ đó xin được giấy phép lái xe và giấy đăng ký kết hôn. Mọi chuyện bắt đầu ổn định từ tháng 6-2009.

Bước sang năm 2010, Neumann được FBI phân công làm nhiệm vụ bí mật: Theo dõi bọn tội phạm, có nhiều tên là người gốc Nga, sử dụng các ngân hàng ở hải ngoại và bất động sản ở Mỹ để rửa tiền. Đôi vợ chồng đóng giả làm các chuyên gia tư vấn người Nga, văn phòng đặt trên tầng 11 của toà cao ốc Trung tâm Thương mại thế giới.

Vợ chồng Neumann bắt đầu vạch ra một kế hoạch cho chiến dịch tiếp thị nhằm tiếp cận bọn tội phạm. Họ e-mail cho nhiều công ty luật ở Nga và châu Âu, giới thiệu dịch vụ môi giới cho khách hàng có nhu cầu "làm sạch sẽ" đồng tiền bẩn bằng các tài khoản ở hải ngoại và thành lập các công ty ma ở Mỹ. Kurt hỗ trợ Neumann củng cố vỏ bọc bằng việc thành lập cho Neumann một số công ty bình phong.

Trong khi đó, Victorya cũng làm việc cho FBI, làm công tác nghiên cứu các tài khoản ngân hàng hải ngoại, và bà đã phác họa được bản đồ 4.000 công ty "có vấn đề" hoạt động tại Panama, Singapore, Malta, Síp, Bahamas, British Virgin Islands và Tây Âu. FBI đánh giá cao công việc của Victorya.

Năm 2011, CIA lại giở trò lôi kéo vợ chồng Neumann. Cơ quan này cử hai sĩ quan đến gặp vợ chồng Neumann và đưa ra những lời chào mời hấp dẫn như lo cho họ thẻ xanh, bảo hiểm y tế và các bằng cấp ở Mỹ tương đương với trình độ học vấn của họ ở Nga. FBI không hài lòng khi nghe họ thuật lại những lời mời chào đó. 

Trên thực tế, Neumann có lý do để dao động trước lời mời của CIA. Cho đến thời điểm đó họ chưa được phép tị nạn chính trị. FBI cũng chỉ đang lo thủ tục giấy tờ cho họ. Tháng 3-2012, vợ chồng Neumann được phỏng vấn để cấp quy chế tị nạn chính trị, có một đặc vụ FBI tháp tùng theo họ. Cuộc phỏng vấn đã trở thành tai họa do Neumann mắc một sai lầm khi sử dụng tiếng Anh với giọng Nga đặc sệt khi mô tả công việc của mình ở FSB khiến cho nhân viên nhập cư phỏng vấn Neumann nghĩ rằng ông tham gia "tra tấn" tù nhân, vì thế quy chế tị nạn chính trị bị hoãn vô thời hạn.

Sự cố phỏng vấn khiến cho Neumann trở nên hoá rồ. Ông có những suy nghĩ không tốt về việc FBI đã không đứng ra bảo vệ ông trong mọi tình huống. Người của FBI chỉ có thể sắp xếp giúp ông để người của cơ quan quản lý di trú đến tận Portland để nghe Neumann giải thích lại về những câu trả lời phỏng vấn sai lầm của mình, nhưng rốt cuộc Neumann vẫn không qua được. Từ đó, mối quan hệ giữa Neumann và FBI trở nên xấu đi. Cuối năm 2012, hợp đồng làm việc của Neumann với FBI hết hạn, và FBI không muốn ký lại.

Tháng 6-2013, FBI chính thức cắt quan hệ hợp đồng với Neumann. Vài ngày sau, Chính phủ Mỹ cũng chấm dứt quy chế lưu trú tạm thời vì lý do nhân đạo đã cấp cho Neumann hơn 5 năm trước. Đồng thời, một quy trình trục xuất vợ chồng Neumann cũng được khởi động.

Suốt mùa hè 2013, vợ chồng Neumann liên tục gửi e-mail và tin nhắn với FBI để dàn xếp về tài chính, vì FBI lường trước khả năng vợ chồng Neumann sẽ kiện cơ quan này ra toà. Hơn 5 năm làm việc cho FBI, vợ chồng Neumann đã được nhận 1 triệu USD, nhưng họ cho rằng mình đáng ra phải được nhận nhiều hơn, vì họ đã buộc phải chi tiêu quá nhiều tiền để phục vụ cho công việc của FBI.

Trong khi đó, vì không còn làm việc cho FBI nữa, lại đang đối mặt nguy cơ bị trục xuất, Neumann kiếm việc làm thêm bán thời gian, kể cả việc tham gia loạt phim trinh sát hình sự truyền hình nhiều tập mang tên "Grimm". Tháng 6-2015, tờ báo The Guardian của Anh đã viết một bài báo dài về cuộc sống của vợ chồng Neumann, mô tả đó là cuộc sống ở tận cùng của "giấc mơ Mỹ". Cuối năm 2015, Victorya mang thai đứa con đầu lòng của họ, và sinh hạ cháu bé vào cuối tháng 4-2016.

Niềm hy vọng "giấc mơ Mỹ" của vợ chồng Neumann cuối cùng cũng xuất hiện. Thượng nghị sĩ Ron Wyden của bang Oregon, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện, đã đứng ra vận động giúp đỡ Neumann. Thượng nghị sĩ Wyden đã thúc giục FBI phải quyết liệt đứng ra xin quy chế tị nạn chính trị cho vợ chồng Neumann.

Nỗ lực của Thượng nghị sĩ đã mang lại kết quả: FBI đã mang tất cả giấy tờ tùy thân của vợ chồng Neumann từ khi còn ở Puerto Rico ra tòa án di trú để xin tị nạn chính trị cho Neumann. Tháng 9-2016, Victorya đã được cấp quy chế tị nạn chính trị. Đây là thành công bước đầu của vợ chồng Neumann trong nỗ lực chạy trốn lệnh trục xuất về Nga.

Nguyên Khang (theo Newsweek)
.
.