Sóng ngầm quanh những phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Thứ Tư, 26/10/2011, 17:15

Khi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad buộc tội Mỹ tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA, hoặc GA) trong năm 2010 sắp đặt cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2011, các nhà ngoại giao Mỹ lại tỏ ra khá bình thản trước bài diễn văn dài đả kích này.

Ngay trước khi Tổng thống Iran kết thúc tràng chỉ trích thậm tệ của mình, nhóm nhà ngoại giao Mỹ đã vội bước ra khỏi phòng họp để phản đối và chuẩn bị sẵn bản tuyên bố lên án sự phê phán quá mạnh bạo của Ahmadinejad. Điều đó cho thấy dường như Mỹ đã biết trước một cách chính xác những gì Ahmadinejad định phát biểu trước UNGA!

Thái độ phản đối cứng rắn của nhóm nhà ngoại giao Mỹ chứa đựng một trong nhiều sự thật quá rõ ràng dù không được nói ra về Liên Hiệp Quốc (LHQ): Tổ chức quốc tế được thành lập nhân danh hòa bình và an ninh thế giới cũng là một môi trường thuận lợi của biết bao chiến dịch gián điệp bí mật, nơi mà bất cứ ai cũng có thể đang nghe lén những cuộc trò chuyện và theo dõi e-mail của người khác (hay có thể đã đọc trước bài diễn văn của người khác như trường hợp của Tổng thống Iran).

Việc mở đầu phiên họp thường niên của UNGA (thường bắt đầu vào ngày thứ ba của tháng 9 và kết thúc vào giữa tháng 12 với chức danh Chủ tịch UNGA được bầu vào lúc mở đầu cuộc họp) cũng là sự mở màn trận chiến gián điệp vô cùng sôi động ở LHQ.

Các lãnh đạo nước ngoài đến thành phố New York, nơi đặt trụ sở LHQ, với sự tháp tùng của một nhóm phụ tá và sĩ quan an ninh. Nhưng nhiều người được phái đến New York không phải để thực hiện sứ mạng ngoại giao thuần túy. Họ chính là những sĩ quan tình báo mật đến New York để tuyển dụng điệp viên trong các khách sạn và quán cà phê yên tĩnh. Trong lĩnh vực hoạt động của họ, mánh khóe lừa bịp là yếu tố quan trọng để chiến thắng về mặt chính trị.

Và, trong khi giới ngoại giao bên trong LHQ đang thực thi sứ mạng của họ, thì mạng lưới đặc vụ FBI ráo riết săn lùng điệp viên mật xung quanh thành phố. Đồng thời các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ cũng tranh thủ sự cho phép nghe lén từ Hội đồng thẩm phán. Thêm vào đó, CIA cũng đánh hơi tìm kiếm những người nước ngoài dễ bị thuyết phục để phản bội đất nước mình.

Toàn bộ những chiến dịch quay cuồng này kéo dài trong vài tuần lễ mở màn kỳ họp UNGA, nhất là tại trụ sở của FBI. Bộ phận phản gián của FBI lúc đó có trách nhiệm theo dõi sát sao mọi sự di chuyển của những phái đoàn ngoại giao nước ngoài đang có mặt ở New York.

Đó là một trong những điệp vụ thu thập thông tin tình báo tinh vi nhất ở Mỹ, và liên quan đến một trong những chương trình giám sát điện tử căng thẳng nhất của FBI, theo tiết lộ của một cựu sĩ quan tình báo Mỹ giấu tên. Nhưng sự bận rộn của người Mỹ không hề là điều bí mật đối với các sĩ quan tình báo nước ngoài, những người vốn có kỹ năng tránh né được mọi ánh mắt theo dõi. Ví dụ, người Iran luôn thuê nhiều phòng trong những khách sạn quanh thành phố New York, đôi khi sau đó lại hủy rồi vào phút cuối cùng đặt phòng trở lại nhằm che giấu tung tích.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad phát biểu tại kỳ họp thứ 66 của UNGA.

Trong một trường hợp, một cựu đặc vụ FBI kể lại chuyện người Iran có lẽ đã nhồi nhét cả chục người của họ vào trong một phòng khách sạn. Dĩ nhiên người Mỹ sẽ gặp khó khăn khi xác định ai đang ở đâu. Mà không chỉ có người IranNew York. Cựu đặc vụ giấu tên cho biết người Israel hoạt động đơn phương ở New York và thường gây sự nhầm lẫn.

Theo một cựu quan chức CIA, khó mà nhận ra người Israel bởi vì họ thường đi vào thành phố dưới một hay nhiều quốc tịch khác -  giống như điều họ đã làm ở Dubai khi điệp viên MOSSAD ám sát một lãnh đạo cấp cao của tổ chức Hamas. Trong vụ án rùm beng một thời này, điệp viên MOSSAD sử dụng các hộ chiếu làm giả của Anh, IrelandAustralia.

Các cơ quan tình báo khác, như MI-6 của Anh, hợp tác chặt chẽ với cộng đồng tính báo Mỹ. MI-6 được phép hoạt động ở New York nhưng bất cứ thông tin nào mà điệp viên của họ thu thập được bắt buộc phải chia sẻ với tình báo Mỹ.

CIA bị luật pháp cấm thu thập thông tin tình báo trong nước nhưng kể từ khi LHQ được coi là vùng lãnh thổ nước ngoài thì cơ quan này lại được phép tiến hành điệp vụ bí mật ở nơi đây. Ngoài ra, điệp viên CIA cũng được phép tuyển dụng người nước ngoài để làm gián điệp cho Mỹ trong suốt kỳ họp của UNGA.

Bất chấp việc FBI và CIA thường xuyên hục hặc nhau, hai cơ quan tình báo và an ninh trên vẫn phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong suốt kỳ họp của UNGA. CIA và FBI cẩn thận dò xét những cái tên trên visa được cấp để vào đất Mỹ. Bởi vì những nhân vật này vào Mỹ từ một số vùng đất mà FBI và CIA không thể hoạt động, như là Iran hay CHDCND Triều Tiên, tạo khả năng cho nhân viên gián điệp tiếp cận và thuyết phục đối tượng phản bội đất nước. Sự chuẩn bị cho chiến dịch tuyển dụng điệp viên nước ngoài như thế này mất nhiều tháng. Và, UNGA sẽ là môi trường thuận lợi cho chiến dịch như thế khi mà các nhà báo và nhà ngoại giao đổ dồn về New York.

Trước cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ dẫn đầu, CIA đã lôi kéo được một vài quan chức Iraq làm việc cho họ. Ví dụ một mục tiêu là Naji Sabri, cựu Ngoại trưởng Iraq. Trước tiên, CIA phải đánh giá xem Sabri thật sự có ý định phản bội Tổng thống Iraq Saddam Hussein hay không (dù họ biết khả năng này có thể xảy ra).

CIA cần một gián điệp, hay người trung gian, tức một người có thể giúp CIA tiếp xúc với Sabri để sau đó đặt vấn đề. Tháng 9/2002, Sabri bay đến New York, nơi CIA đã sắp đặt cuộc gặp mặt với một cựu nhà báo nước ngoài. Cựu nhà báo - người từng cung cấp thông tin cho tình báo Pháp trong quá khứ - đóng vai trò người trung gian giữa CIA và Sabri với số tiền "thù lao" ban đầu là 250.000 USD, theo tiết lộ của một cựu sĩ quan CIA giấu tên.

Nhưng CIA còn phải điều tra xem liệu có nên tin tưởng vào cựu nhà báo, người tuyên bố có quan hệ mật thiết với Sabri, hay không. Riêng Sabri cũng đang tìm kiếm số tiền 1 triệu USD. Về điều này, CIA dựa vào khả năng điều tra và nghe lén của FBI. Khi nhà báo gọi điện đến Sabri tại phái đoàn Iraq ở LHQ, FBI bắt đầu nghe lén.

Với sự giúp đỡ của FBI, CIA biết được Sabri quen thân với nhà báo đến mức nào. Sau đó Sabri được CIA trao bản câu hỏi lắt léo về chương trình vũ khí hạt nhân của Saddam Hussein. Sabri trả lời từng câu hỏi một cách rành mạch. Sabri nói Saddam chưa hề có khả năng thực hiện chương trình này, và Saddam có một số kho chứa vũ khí hóa học nhưng ông ta đã phá hủy chúng.

Những câu trả lời của Sabri sau đó được chuyển đến cho Tổng thống George W. Bush và Phó tổng thống Dick Cheney. Tuy nhiên, CIA vẫn còn cần biết Sabri có sẵn sàng phản bội Saddam Hussein hay không. CIA đã có được câu trả lời vào ngày 19/9/2002 khi ông ta được phái đến UNGA. Sabri mặc bộ đồ mà CIA đã mua cho ông ta - dấu hiệu cho thấy ông ta sẽ bỏ rơi Saddam Hussein. Nhưng cuộc đào ngũ sau đó của Sabri không bao giờ xảy ra. Sabri rời khỏi New York và về sau khăng khăng phủ  nhận mọi chi tiết được NBC tiết lộ về điệp vụ săn người nói trên của CIA

Diên San (tổng hợp)
.
.