Sự thất bại của cuộc diễn tập phóng tên lửa sau Chiến tranh thế giới lần 2

Thứ Sáu, 20/04/2018, 11:25
Một thập niên sau Chiến tranh thế giới lần 2, các máy bay chiến đấu Mỹ tham gia cuộc diễn tập bảo vệ thành phố Los Angeles trước mối đe dọa bất ngờ từ trên không. Ngay sau đó, người dân thành phố buộc phải di tản trước làn mưa tên lửa rơi xuống trên lãnh thổ nước Mỹ.

Nhưng, mối đe dọa không phải đến từ Liên Xô mà sự thực là các phi công Mỹ không hoàn thành nhiệm vụ. Vụ việc về sau được biết đến với tên gọi Trận chiến Palmdale. Đó là những gì xảy ra vào buổi sáng thứ Năm cách đây hơn 60 năm và mối nguy hiểm chết chóc đó vẫn còn tồn tại đến nhiều thập niên sau.

Sự thất bại thảm hại của chiến dịch phòng thủ trên không

Đó là lúc 11 giờ 34 phút sáng ngày thứ Năm 16-8-1956, một chiếc máy bay chiến đấu Grumman F6F Hellcat được cải tiến thành máy bay không người lái (drone) cất cánh từ căn cứ hải quân ở California. Chiếc máy bay được sơn màu đỏ tươi để dùng làm mục tiêu giả định cho một cuộc diễn tập phóng tên lửa.

Theo kế hoạch, chiếc máy bay này bay chậm rãi trên bầu trời Thái Bình Dương trước khi tan xác vì trúng tên lửa. Thế nhưng, thay vì bay theo hành trình đã định, bất ngờ chiếc máy bay ngưng phản hồi mệnh lệnh từ trạm điều khiển từ xa và bay lạc về phía đông nam rồi hướng thẳng đến thành phố Los Angeles đe dọa nguy cơ chết người nếu rơi nhầm chỗ. Các sỹ quan hải quân ngay lập tức liên lạc với Căn cứ Không quân Oxnard gần đó - nơi có nhiệm vụ phát đi báo động trong trường hợp phát hiện máy bay ném bom của Nga.

Chuyên gia Doug Barrie, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London (Anh).

Ngay lập tức, 2 máy bay chiến đấu nhận lệnh xuất kích đuổi theo chiếc drone Grumman F6F Hellcat đang tiến gần đến thành phố Los Angeles. Hai chiếc phi cơ đuổi kịp khi chiếc Hellcat đi vào không phận của Los Angeles và tiến vào một vùng không có dân cư. Đây là cơ hội đầu tiên. Hai chiếc F-89D Scorpion được trang bị tên lửa Mighty Mouse dễ dàng tiêu diệt mục tiêu có kích cỡ như chiếc Hellcat nếu trúng đích. Thế nhưng vấn đề là cả 2 quả tên lửa không được phóng ra khi các phi công nhấn nút bắn tự động và tình thế cấp bách buộc họ phải chuyển qua sử dụng chế độ điều khiển bằng tay.

Tuy nhiên ngay thời điểm đó, chiếc drone bất ngờ đổi hướng lần nữa và bay ngược về phía thành phố Los Angeles. Tình hình càng trở nên phức tạp và cấp bách. Một loạt 42 quả tên lửa được phóng đi nhưng không trúng đích. Chiếc phi cơ thứ hai tiếp tục bắn 42 quả tên lửa nữa nhưng vẫn tiếp tục bị trượt mục tiêu.

Lúc đó, chiếc Hellcat đang tiến gần đến một thị trấn vùng ngoại ô có tên gọi Newhall. Một loạt tên lửa khác được phóng đi, nhưng cũng trật mục tiêu. Cuối cùng, trong lúc chiếc Hellcat rẽ sang hướng Palmdale, mỗi chiếc phi cơ bắn thêm một lượt 30 tên lửa nữa. Vẫn trượt. Tổng cộng 208 tên lửa đã được phóng đi nhưng vô tác dụng.

Hàng chục tên lửa Mighty Mouse được phóng ra mỗi lượt nhưng không quả nào trúng vào Hellcat.

Trong khi đó, chiếc drone tiếp tục bay tới khi hết nhiên liệu và rơi xuống cách Palmdale hơn 12km, cắt đứt nhiều dây điện lúc rơi xuống mặt đất. Điều may mắn là không có thương vong xảy ra. Tuy nhiên, những quả tên lửa bắn từ 2 máy bay chiến đấu đã gây thiệt hại nghiêm trọng dưới mặt đất. Hoả hoạn đã xảy ra trên gần 1.400 km vuông diện tích đất gần Newhall và hàng trăm lính cứu hoả được điều động để dập tắt đám cháy.

Hàng loạt mảnh vỡ tên lửa đã bắn xuyên qua cửa kính và đi vào nhà người dân. Một thanh niên đang lái xe ở Palmdale bị một mảnh vỡ bay đâm xuyên qua kính trước và rất may là anh này đã thoát hiểm mà không hề hấn gì.

Ngay sau sự cố nghe có vẻ khôi hài, một tờ báo lúc đó mô tả sự việc với giọng châm biếm là “một vụ tấn công bằng bom ngoài ý muốn”, trong khi tờ Los Angeles Times bình luận hành trình của chiếc drone là “vòng tròn thiếu kiểm soát và nguy hiểm”. Nhiều quả tên lửa rơi xuống mặt đất mà không phát nổ, nhưng chúng hoàn toàn có thể được kích hoạt bởi những chấn động nhỏ nhất. Trong động thái phản ứng nhanh, Không quân Mỹ phải phát hàng loạt tờ rơi mô tả loại tên lửa đến người dân trong khu vực để phòng tránh những tai nạn gây chết người.

“Đó là một câu chuyện không thể tin nổi” - nhà nghiên cứu hàng không Peter Merlin, người tình cờ tìm thấy câu chuyện này 20 năm trước, phát biểu. Sau khi tìm đọc các số báo cũ được in 60 năm trước, Peter Merlin bất ngờ phát hiện ra câu chuyện về chiếc drone Hellcat đi lạc. Đây không phải là lần đầu tiên máy bay Hellcat điều khiển từ xa được sử dụng trong cuộc diễn tập tên lửa tiêu diệt mục tiêu giả định.

Merlin giải thích: “Thông thường, một số chiếc máy bay loại này được sử dụng trong các cuộc thử bom hạt nhân, với nhiệm vụ chính là bay vào các đám mây hạt nhân để thu thập mẫu thử nghiệm”.

Các nhân viên quân sự và lực lượng hành pháp địa phương kiểm tra địa điểm chiếc drone rơi xuống gần Palmdale.

Merlin tỏ ra thú vị trước số lượng máy bay quân sự hoạt động ở California thời bấy giờ. Ông tổng hợp được danh sách 700 địa điểm máy bay rơi từ thập niên 1930 và hầu hết trong số đó là máy bay quân sự hay máy bay thử nghiệm.

Năm 1997, Merlin và đồng nghiệp Tony Moore tìm thấy địa điểm rơi của chiếc Hellcat. Peter Merlin cho biết ông nhìn thấy được những dấu vết của vụ rơi máy bay trên các đường dây điện đã được sửa chữa. Họ cũng tìm thấy trong đất những mảnh nhôm được sơn màu đỏ, với ký hiệu từ chiếc máy bay mà họ đang tìm kiếm.

Những sự cố khó tin trong lực lượng không quân

Câu hỏi đặt ra là tại sao Không quân Mỹ không thể bắn rơi mục tiêu sau nhiều lần phóng tên lửa? Theo chuyên gia Doug Barrie, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tại London (Anh), mọi người nên biết rằng “nói thì dễ nhưng thực hiện mới gặp khó khăn”.

Doug Barrie lập luận: “Cả 2 chiếc máy bay chiến đấu đang di chuyển theo ba hướng và phóng một loạt tên lửa không có hệ thống dẫn đường. Tất nhiên, nhiệm vụ không dễ thực hiện mà khi đã bắn trượt lần đầu thì những lần tiếp theo sẽ rất khó trúng mục tiêu”. Trước sự thất bại của “Trận chiến Palmdale”, Không quân học được bài học quý giá rằng việc phóng hàng loạt tên lửa vào đội hình máy bay ném bom của quân địch rất khác với việc nhắm bắn một mục tiêu nhỏ bé, đơn lẻ. Liệu một sự cố tương tự có thể tiếp tục xảy ra vào ngày nay? Barrie cho rằng điều này là có thể, nhưng ngày nay chúng ta cũng có nhiều công cụ phòng tránh hơn.

Các máy bay chiến đấu F-89D Scorpions được thiết kế nhằm mục đích bắn hạ các máy bay ném bom của Liên Xô.

Một ví dụ là các vũ khí và phương tiện điều khiển từ xa ngày nay được trang bị hệ thống tự huỷ nếu gặp sự cố. Doug Barrie phân tích: “Giả sử như đường liên kết dữ liệu bị mất trong một khoảng thời gian nào đó, chúng ta có một số lựa chọn - ví dụ như chiếc drone có thể chuyển sang chế độ chờ trong lúc tìm cách thiết lập lại đường kết nối dữ liệu. Nếu điều đó không xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định và chiếc máy bay còn đủ nhiên liệu, nó sẽ tìm cách quay về căn cứ”.

Tuy nhiên, sự cố có vẻ buồn cười tại Palmdale không phải là duy nhất trong lịch sử quân sự thế giới. Năm 2009, Không quân Mỹ bắn rơi một chiếc drone Reaper hiện đại bay lạc ra khỏi không phận Afghanistan. Hơn nữa, máy bay có người lái đôi khi cũng có thể thoát khỏi tầm kiểm soát của con  người.

Ví dụ vào năm 1970, một chiếc Convair F-106 bị mất kiểm soát trên bầu trời bang Montana, miền bắc nước Mỹ khiến phi công phải nhấn nút thoát hiểm. Điều đáng ngạc nhiên là chiếc máy bay sau đó đã tự ổn định trở lại và đáp xuống một cánh đồng ngập tuyết. Chiếc máy bay bị hỏng hóc ít đến nỗi đã quay lại làm nhiệm vụ ngay sau khi được tu sửa. Sau sự cố, chiếc máy bay được đặt biệt hiệu là “máy bay ném bom cánh đồng ngô”.

Chiếc Convair F-106 được đặt tên là “máy bay ném bom cánh đồng ngô”.

Tuy nhiên một vụ tai nạn có hậu quả chết người hơn xảy ra vào năm 1989, khi một phi công Liên Xô bấm nút thoát hiểm khỏi một chiếc MiG-23 bị hỏng động cơ. Chiếc máy bay khi đó đang ở trong không phận của Ba Lan và tiếp tục bay ở chế độ tự động hướng về phía tây. Sau đó, chiếc máy bay tiếp tục hướng đến Đông Đức và tiếp đến là Tây Đức. Cuối cùng, các phi công Mỹ được điều động từ một căn cứ quân sự ở Hà Lan và được giao nhiệm vụ bắn hạ chiếc MiG trên bầu trời Biển Bắc.

Thế nhưng, chiếc máy bay này đã hết nhiên liệu vào trước đó và rơi xuống một ngôi nhà, khiến cho một thanh niên người Bỉ thiệt mạng. Doug Barrie kết luận: “Công nghệ có thể bắt gặp lỗi kỹ thuật. Và đó luôn là thực tế không thể phủ nhận”.

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu hàng không Peter Merlin, những lỗi kỹ thuật như thế luôn là một phần trong lịch sử ngành hàng không. Ông phát biểu: “Khu vực tôi sinh sống chứa đựng rất nhiều lịch sử của ngành hàng không - những phương tiện thử nghiệm, máy bay X, các công trình nghiên cứu phát triển tàu du hành vũ trụ và nhiều thứ khác”.

Rất may mắn là Trận chiến Palmdale không gây ra thương vong nào. Nhưng chắc chắn trận chiến này cũng hết sức kỳ lạ. Đó là một trận chiến giữa con người và một cỗ máy từ hơn 60 năm trước, ngay trên bầu trời thành phố Los Angeles của nước Mỹ.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.