Sự thật về chiếc máy bay Hàn Quốc bị bắn rơi tại Liên Xô

Thứ Năm, 06/10/2005, 08:00

Chiếc máy bay Boeing-747 của Hàn Quốc từ Mỹ bay về Seoul bị bắn bị thương năm 1983 tại Liên Xô, hoá ra là máy bay gián điệp của Mỹ và những “hành khách” trên đó cũng toàn là điệp viên.

Vào đêm 31/8/1983, một máy bay Boeing-747 này đã bị bắn bị thương tại khu vực đảo Sakhalin của Liên Xô. Sự kiện này làm chấn động cả thế giới, các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ tuyên bố rằng, trên chiếc máy bay này có 269 hành khách, trong đó có 69 người Mỹ.

Từ Washington đến Seoul, hàng nghìn người đã xuống đường tuần hành yêu cầu phải có hành động quyết đoán đối với phía Liên Xô về hành động trên và thế giới đã đứng trước nguy cơ của cuộc chiến tranh hạt nhân Xô - Mỹ.

Gần đây, nhà lịch sử quân sự, GS Alecxande Kolesnicov đã công bố trên tờ Sự thật thanh niên Moskva, rằng chiếc máy bay Boeing-747 đó là máy bay gián điệp của Mỹ, và những người chết không phải là 269 hành khách như phía Mỹ từng tuyên bố mà chỉ là 29 điệp viên. Đây được coi là một hành động gián điệp khá công phu mà phía NATO tạo dựng trong cuộc Chiến tranh lạnh với Liên Xô.

Từ các tài liệu lịch sử, GS Kolesnicov cho biết vào đêm 31/8/1983, một chiếc máy bay Boeing-747 của Hàn Quốc từ Mỹ đã bay qua không phận đảo Sakhalin của Liên Xô. Thông thường, trên không phận Liên Xô vẫn hay xuất hiện việc máy bay lạ bay qua và từ những chiếc máy bay này phía quân đội Liên Xô thường nhận được thông báo là “bay nhầm đường”.

Nhưng lần này, chiếc Boeing-747 của Hàn Quốc đã xem thường những lời cảnh báo của hệ thống phòng không quân đội Liên Xô, sau khi bay qua hệ thống phòng không của Liên Xô, nó đã bay sát trên không phận căn cứ tàu ngầm hạt nhân lớn nhất GTS 825 của Liên Xô ở Balaklava. Đây là căn cứ tàu ngầm lớn nhất hành tinh và là căn cứ rất bí mật của Liên Xô dùng để đối phó với Mỹ khi chiến tranh hạt nhân xảy ra.

Tuy một máy bay tiêm kích của quân đội Liên Xô đã cất cánh theo bám, phát tín hiệu thông tin quốc tế và bắn cả pháo hiệu cảnh báo, nhưng chiếc máy bay này vẫn không hề để ý, nó đột nhiên tăng tốc hòng trốn thoát. Trong hoàn cảnh đó, sau khi nhận được mệnh lệnh của cấp trên, chiếc máy bay tiêm kích của Liên Xô đã bắn một quả tên lửa về phía máy bay và làm nó bị thương.

Sở dĩ khi đó không quân Liên Xô không bắn hạ ngay chiếc máy bay này hoặc buộc nó phải hạ cánh gấp xuống một sân bay gần đó vì: Nếu như cho máy bay nổ ngay trên không phận bán đảo Balaklava, có thể sẽ làm nổ tàu ngầm hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân ở các cơ sở quân sự khác gần đó, như vậy sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho phía Liên Xô.

Qua điều tra chi tiết, các chuyên gia quân sự đã đi đến kết luận là bên trong chiếc Boeing-747 này tự phát nổ, chứ không phải do bị trúng tên lửa của Liên Xô mà nó bị phá hủy, bởi sau sự cố này, chiếc máy bay vẫn còn bay thêm được 17km và cuối cùng khi bay ra vùng nước trung lập mới phát nổ.

Các chuyên gia còn cho rằng, sức nổ bên trong của nó tương đương 4 tấn TNT, còn tên lửa của Liên Xô không thể có uy lực lớn như vậy. Theo các chuyên gia, do trên máy bay Boeing-747 có thiết bị điều khiển từ xa tự phá hủy, vì vậy khi máy bay gặp rắc rối và nguy hiểm, thiết bị này sẽ tự làm nổ máy bay và như vậy tất cả các trang thiết bị bí mật và các thiết bị trinh sát trên máy bay sẽ không còn để lại dấu vết gì.

Một điều làm người ta nghi ngờ nữa về chiếc máy bay Boeing-747 có các hoạt động bất thường là khi cất cánh từ Mỹ, nó còn tiếp thêm 4 tấn nhiên liệu và nếu chỉ bay thẳng đến Hàn Quốc sẽ không phải tốn nhiều nhiên liệu như vậy. Mặt khác, sau khi máy bay này bay gần đến không phận Liên Xô, máy bay trinh sát của Mỹ cũng đã bay đến khu vực trên không phận Balaklava và qua phát hiện của các rađa Liên Xô thì chiếc máy bay này đã gửi các thông tin mật mã cho vệ tinh.

Theo kết quả điều tra của Kolesnicov thì thực tế trên chiếc máy bay Boeing-747 chỉ có 29 người, chứ không phải 269 người như phía Mỹ từng tuyên bố. Còn 269 túi hành lý trên máy bay đều được buộc chặt với nhau với mục đích tránh bị trôi khi bị rơi xuống biển và cũng để có bằng chứng là trên máy bay có 269 người.

Sau này, một uỷ ban quốc tế do nhiều nước tham gia tiến hành điều tra vụ việc này cũng đã cho rằng, cách làm của Liên Xô là phù hợp với công ước và luật pháp quốc tế. Thực tế, sau này cũng không có bất cứ tổ chức nào có sự chỉ trích chính thức đối với Liên Xô và Liên Xô cũng không có bất cứ hành động gì bồi thường cho các nạn nhân là gián điệp nói trên.

Theo GS Kolesnicov thì sau sự kiện này, giữa các nhà lãnh đạo Xôviết và Mỹ đã có sự thỏa thuận ngầm với nhau là không công bố về chiếc máy bay gián điệp bị bắn rơi với công chúng

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.