Sự thật về chiến dịch “bảo vệ những bí mật thương mại của Mỹ”

Thứ Sáu, 10/08/2012, 08:40

Mới đây, FBI - cơ quan chịu trách nhiệm điều tra sự vi phạm luật pháp của các tổ chức tình báo nước ngoài - phát đi thông điệp rõ ràng đến các thành phố lớn ở khắp nước Mỹ: "Bảo vệ những bí mật thương mại của Mỹ". Các quan chức FBI hy vọng chiến dịch mới sẽ có hiệu quả cảnh báo những điệp viên nước ngoài đang cố dòm ngó để đánh cắp những bí mật quốc gia của Mỹ.

Chiến dịch này cho thấy chính quyền Mỹ nhận thức được hoạt động gián điệp từ nước ngoài đang tăng nhanh nhằm vào các công ty lớn trong thời gian gần đây thực sự là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Những bí mật bị đánh cắp dẫn đến tình trạng mất việc làm và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế lan rộng hiện nay - đó là đánh giá của Frank Figliuzzi, Phó giám đốc bộ phận phản gián của FBI. Trong một cuộc phỏng vấn của báo chí, Frank Figliuzzi cho rằng đã đến lúc cần triển khai một chiến dịch quy mô nhất từ trước đến nay trên khắp nước Mỹ để chống lại hoạt động gián điệp công nghiệp cũng như cảnh báo với mọi người dân Mỹ về mối đe dọa an ninh quốc gia này.

Theo số liệu thống kê của FBI, các công ty Mỹ bị thất thoát hơn 13 tỉ USD vì gián điệp công nghiệp trong những vụ án kinh tế năm tài chính 2012 (bắt đầu từ tháng 10/2011). Để minh họa cho sự mất mát quá lớn này, Frank Figliuzzi và các quan chức FBI nêu lên vụ án Công ty hóa chất Lubrzol Corp. đặt trụ sở ở Cleveland. Trong vụ này, một nhân viên Công ty thừa nhận vào năm 2008 đã bí mật đánh cắp những chi tiết sản phẩm công nghiệp cùng với một số bí mật thương mại khác bán cho đối thủ cạnh tranh là Công ty SK Chemicals của Hàn Quốc. Lubrizol hiện nay thuộc sở hữu của Berkshire Hathaway Inc. và đã mua lại SK Chemicals của Hàn Quốc.

Không chỉ trên phương diện thương mại công nghiệp, FBI cảnh báo mạng lưới gián điệp nước ngoài còn gia tăng sự chú ý đến các nhà thầu quốc phòng của Mỹ và đặc biệt quan tâm những công ty ít chú trọng đến công tác bảo mật thông tin như là các nhà sản xuất phần mềm và các sản phẩm công nghệ dân sự khác. Mối lo ngại đặc biệt mà Figliuzzi muốn nhấn mạnh là những sản phẩm công nghệ mới còn đang trong vòng nghiên cứu.

Trở lại vụ việc của Công ty hóa chất Lubrizol. Vào giữa các năm 2001 và 2008, một nhân viên đã sử dụng thiết bị sao chép dữ liệu di động (USB)  để tải về những chi tiết quan trọng của một vài sản phẩm của công ty, trong đó bao gồm thermoplastic polyurethane (một loại nhựa dẻo tổng hợp phản ứng với nhiệt độ) được sử dụng trong sản xuất giày và bộ phận ôtô.

Theo hồ sơ điều tra của FBI và Tòa án liên bang, nhân viên này đã kín đáo gặp mặt các nhân viên của Công ty SK Chemicals 17 lần và mỗi lần người này đều nhận được phong bì đựng 10.000 USD! Đại diện Lubrizol thừa nhận trước tòa án rằng hành động gián điệp của nhân viên này đã gây tổn thất tài chính rất lớn cho công ty và không thể bù đắp được. Lubrizol cũng yêu cầu nhân viên gián điệp trả lại 800.000 USD tiền lương và phụ cấp mà công ty đã phát trong khoảng thời gian anh ta chuyển giao bí mật thương mại cho công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, SK Chemicals không đối mặt với bất cứ sự buộc tội nào trong vụ án gián điệp công nghiệp. Nhân viên gián điệp của Lubrizol - người gốc Hàn Quốc tên là Kyung Kim - bị buộc tội đánh cắp bí mật thương mại và lãnh mức án 19 tháng tù giam.

Kyung Kim.

Thiết bị điện tử di động hiện đại mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, song chúng cũng trở thành công cụ phá hoại hiệu quả được kiểm soát từ xa. Như một vụ án gián điệp sử dụng USB liên quan đến một người tên là Sergey Aleynikov - cựu chuyên gia lập trình máy tính của Công ty Goldman Sachs bị tuyên án 8 năm tù vào tháng 12/2010 cũng vì tội gián điệp.

Trong một vụ án gián điệp khác vào năm 1997, Công ty Kodak bị nhân viên Harold C. Worden đánh cắp các bản vẽ thiết kế và tài liệu nhạy cảm trị giá hàng triệu USD để bán cho các công ty cạnh tranh với giá hàng trăm USD. Hay Avery Dennison - công ty sản xuất keo dính lớn nhất của Mỹ - bị nhân viên tên là Ten Hong Lee đánh cắp thông tin bí mật về sản phẩm keo để bán cho Công ty Đài Loan Four Pillars Enterprise với giá 150.000 USD!

Hàng tỉ USD và hàng ngàn công việc làm ở Mỹ bị mất cũng vì mạng lưới gián điệp đánh cắp những bí mật thương mại. FBI khuyến cáo các công ty Mỹ cần thừa nhận nguy cơ này để phát triển những biện pháp chống trả hiệu quả hơn nhằm bảo đảm sự sống còn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay.  Một cuộc điều tra do PricewaterhouseCoopers và Hiệp hội An ninh công nghiệp Mỹ (ASIS) tiến hành cho thấy, 1.000 công ty Mỹ đã mất hơn 45 tỉ USD vào năm 1999 do hoạt động gián điệp đánh cắp thông tin bí mật.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, một vài cơ quan tình báo do nhu cầu tồn tại đã chuyển sang hoạt động gián điệp kinh tế cho các công ty kinh doanh và nhanh chóng sau đó làn sóng này tăng mạnh dần. Chính quyền Mỹ tin rằng những đồng minh thân cận nhất cũng tổ chức mạng lưới gián điệp thu thập thông tin nhạy cảm của Mỹ để phục vụ mục đích cạnh tranh kinh tế. Thậm chí, các công ty cạnh tranh còn có cả một đội quân gián điệp riêng và họ thực sự đang tiến hành cuộc "chiến tranh kinh tế" trên quy mô toàn cầu

Thục Miên (tổng hợp)
.
.