Sự thật về cuốn nhật ký Giang Thanh

Thứ Tư, 06/09/2006, 11:15

Nhật ký Giang Thanh được cả thế giới quan tâm vì  Giang Thanh không chỉ là vợ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, mà còn vì trong suốt thời kỳ TQ tiến hành cuộc CMVH, Giang Thanh nổi lên như một lãnh tụ tối cao của phe tạo phản nắm trong tay rất nhiều các bí mật quốc gia.

Tháng 5/1985, tờ Ngôi sao Washington đã đăng tải một tin ngắn nhưng làm chấn động dư luận thế giới lúc đó: Bằng một phương pháp chưa được tiết lộ, bản báo hiện đã có cuốn nhật ký viết tay của Giang Thanh. Cuốn nhật ký này đã được các chuyên gia xác định là đúng do Giang Thanh viết ra. Và để chứng thực cho việc  nói có sách mách có chứng, tờ báo đã cho đăng tải một trang bao gồm 376 chữ Hán trong cuốn nhật ký đó. Nội dung của trang nhật ký cho biết các sự việc được ghi chép thuộc thời gian cách mạng văn hóa (CMVH) xảy ra tại Trung Quốc (TQ) từ năm 1966 đến năm 1976. Tờ báo còn cho biết sẽ tiếp tục cho đăng tải toàn bộ cuốn nhật ký nói trên.

Ngay sau khi hiệu ứng Nhật ký Giang Thanh nổ ra, Bộ An ninh TQ đã ra tuyên bố với những lời lẽ hết sức gay gắt: Việc tờ báo Ngôi sao Washington cho đăng Nhật ký Giang Thanh là một việc rất vô trách nhiệm, đồng thời thông  báo  Bộ An ninh quốc gia TQ lưu ý toàn thể các công dân TQ hãy cung cấp các tin tức liên quan tới vấn đề này (tức vấn đề tại sao nhật ký của Giang Thanh lại rơi vào tay một tờ báo nước ngoài) cho các cơ quan hữu quan của TQ.

Sở dĩ  Nhật ký Giang Thanh được cả thế giới quan tâm vì  Giang Thanh không chỉ là vợ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, từng được mang danh là "Hồng đô nữ hoàng", mà còn vì trong suốt thời kỳ TQ tiến hành cuộc CMVH, Giang Thanh nổi lên như một lãnh tụ tối cao của phe tạo phản nắm trong tay rất nhiều các bí mật quốc gia. Do đó việc nhật ký của Giang Thanh bị  lưu lạc ra nước ngoài được Bộ An ninh TQ đánh giá là rất nghiêm trọng. Việc truy tìm nguyên nhân nào dẫn tới sự rò rỉ này đã được các cơ quan hữu quan của TQ quan tâm đặc biệt.

Theo nhận định của Cơ quan An ninh TQ, trong suốt thời CMVH và cho tới khi Giang Thanh bị giam giữ thì Giang Thanh chưa một lần ra nước ngoài. Nếu như quả thật Giang Thanh có để lại cuốn nhật ký thì chắc chắn có kẻ nào đó hoặc một tổ chức nào đó đã đưa nó ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Vì thế Cơ quan An ninh TQ đã thành lập một tổ chuyên án đặc biệt nhằm xác định sự thật về cuốn nhật ký nói trên, đồng thời truy tìm kẻ nào đã đưa nó ra nước ngoài.

Công việc quả không đơn giản vì mặc dù đã bỏ ra rất nhiều công sức nhưng Cơ quan an ninh vẫn chưa tìm ra một manh mối nào khả dĩ. Đúng vào lúc tưởng như mò kim đáy biển ấy, thì bất ngờ đã xảy ra "một sự vụ" tại một thành phố cách Bắc Kinh tới vài trăm cây số. Số là, trong buổi gặp mặt bạn bè vào buổi trưa hôm đó tại một nhà hàng, chiến sĩ cảnh sát Hầu Khánh Sâm thuộc Đồn Công an Nghênh Trạch, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) được Trương Thanh Hoa, một người bạn cũ đã tốt nghiệp Khoa Quản lý kinh tế Trường đại học Sơn Tây, bí mật tặng một tờ báo nước ngoài đã được cuộn lại rất cẩn thận. Rất ngạc nhiên về hành động của Trương, nên khi trở về đồn, Hầu Khánh Sâm đã cẩn thận giở tờ báo ra, thì thấy trong đó    một mẩu giấy nhỏ ghi dòng chữ: "Mình muốn gặp cậu càng sớm càng tốt  vì có việc cần tới sự giúp đỡ của cậu". Đoán đây là một vấn đề nghiêm trọng, Hầu Khánh Sâm lập tức báo cáo với cấp trên. Ngay lập tức những người chỉ huy có trách nhiệm đã bố trí trực tiếp gặp Trương Thanh Hoa để tìm hiểu vụ việc.

Trương Thanh Hoa cho biết, anh ta vốn là sinh viên Khoa Quản lý kinh tế xí nghiệp, rất thích học tiếng Nhật, nhất là môn tiếng Nhật chuyên ngành Quản lý xí nghiệp. Vì thế Thanh Hoa thường xuyên nhờ Sơn Khẩu Đạo Tử, một nữ giảng viên 28 tuổi, người Nhật, đang dạy tiếng Nhật tại khoa mình theo học, dạy thêm cho mình tiếng Nhật. Trong quá trình đó, tình cảm giữa hai người ngày một tiến triển tốt đẹp, và họ đã từng nhiều lần qua đêm với nhau. Trương Thanh Hoa cho biết: có một lần, trong lúc rất vui vẻ, Sơn Khẩu Đạo Tử tiết lộ, chính cô là người đã cung cấp cuốn Nhật ký Giang Thanh cho người Mỹ. Chỉ riêng cuốn nhật ký mà tờ Ngôi sao Washington công bố đã có giá là 1 vạn USD. Thanh Hoa nghe thì biết vậy nhưng không tin, cho rằng Sơn Khẩu Đạo Tử chỉ nói linh tinh cho vui. Nhưng cách đây 2 ngày, Sơn Khẩu Đạo Tử lại cho Trương biết: 2 ngày sau cô ta sẽ đến cầu Thất Khổng trong công viên Nghênh Trạch để tiếp tục bán nốt Nhật ký Giang Thanh cho người Mỹ!--PageBreak--

Sau khi được nghe những lời do Sơn Khẩu Đạo Tử nói ra, Trương nhớ lại buổi nói chuyện lần trước và đã thực sự hoảng hốt vì thấy những điều Sơn Khẩu Đạo Tử nói  không phải là chuyện đùa nữa. Bởi qua các phương tiện truyền thông, Trương Thanh Hoa cũng một phần nào thấy được sự nghiêm trọng trong vụ Nhật ký Giang Thanh bị thẩm lậu ra nước ngoài. Liên tưởng tới các bộ phim hình sự nói về gián điệp, mafia, xã hội đen,... Trương lo sợ rằng có thể mình bị lôi kéo vào một âm mưu tày trời, mà có thể nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy, Trương muốn báo việc này cho Cơ quan an ninh để đề phòng bất trắc. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì chắc chắn Trương sẽ phải giải trình về mối quan hệ cá nhân tốt đẹp  của mình với Sơn Khẩu Đạo Tử,  nên lại do dự. Trong lúc bối rối thì vừa may gặp được Hầu Khánh Sâm trong buổi họp mặt bạn bè nên đã bí mật đưa cho Hầu tờ báo trong đó có kèm lời đề nghị trên, vì dù sao Hầu Khánh Sâm cũng là bạn cũ nên có thể tránh được những rắc rối.

Tất cả các thông tin trên lập tức được báo cáo lên cấp trên. Hầu Khánh Sâm dặn dò Trương ngay trong chiều hôm đó hãy gặp gỡ với Sơn Khẩu Đạo Tử và tìm cách xác định cho được người mà Sơn Khẩu Đạo Tử sẽ gặp vào tối nay, nhưng phải giữ được bí mật tuyệt đối. Đến gần tối hôm đó, Trương cho biết người mà Sơn Khẩu Đạo Tử gặp vào tối nay có tên là Quách Cường. Theo xác minh ngay sau đó thì Quách Cường là một kỹ sư hóa học, hiện là trợ lý cho kỹ sư trưởng của Xí nghiệp Hóa chất trong thành phố.

Cũng vào thời điểm này, Phòng Ngoại vụ Công an thành phố Thái Nguyên nhận được thông tin quan trọng: tại nhà ăn trong khách sạn Nghênh Trạch có hai vị khách nước ngoài. Không hiểu hai vị khách nước ngoài này là ai và đến đây làm gì, chỉ thấy trong khi ăn họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh và thường xuyên nhắc tới hai từ Giang Thanh. Có lẽ họ cho rằng mọi người xung quanh đều không biết tiếng Anh nên họ nói chuyện khá thoải mái. Trinh sát lập tức được cử đi xác minh thì biết hai người đó từ Mỹ tới, một người có tên là Arthur, còn người kia  tên là Boris. Cả hai là người của một công ty nước ngoài tới Thái Nguyên theo lời mời của Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Sơn Tây để khảo sát và hoạch định kế hoạch đầu tư của công ty vào thành phố Thái Nguyên. Hiện họ trú tại phòng 803 của khách sạn Nghênh Trạch.

Nhận thấy đây có thể là những đường dây của vụ án, các lực lượng an ninh đã bí mật theo dõi các đối tượng nghi vấn là Sơn Khẩu Đạo Tử, Quách Cường cùng 2 vị khách nước ngoài Arthur và Boris. Quả nhiên khoảng 21 giờ hôm đó, Sơn Khẩu Đạo Tử tới cầu Thất Khổng, và như một sự ngẫu nhiên Quách Cường xuất hiện. Hai người quàng tay nhau giống như một đôi tình nhân. Được một lát hai người chia tay sau khi Quách đã dúi vào túi xách của Sơn Khẩu Đạo Tử một tập tài liệu gì đó. Sau đó, Sơn Khẩu Đạo Tử thủng thẳng vào ngôi chùa Phổ Tự nằm trong công viên. Ở đây cũng như một sự tình cờ, Sơn Khẩu Đạo Tử đi ngang qua trước mặt 2 vị khách nước ngoài, rồi cả 3 từ từ đi ra ngoài như những người đi dạo mát. Được một quãng, 3 người nhanh chóng lên một chiếc taxi. Họ không biết rằng tất cả những động thái trên đều đã lọt vào vòng ngắm của trinh sát.

Chừng hơn nửa tiếng sau, khi Sơn Khẩu Đạo Tử vừa mở cửa để vào phòng của mình thì các cán bộ an ninh ập tới khiến cô ta hết sức hoảng hốt. Sau khi xuất trình thẻ nhân viên an ninh, họ tiến hành kiểm tra túi xách của Sơn Khẩu Đạo Tử. Ngoài một vài giấy tờ linh tinh thì trong túi có 3 vạn tệ (khoảng 60 triệu đồng Việt Nam) và 25 vạn USD. Cùng lúc đó, Quách Cường cũng bị nhân viên an ninh tới chỗ ở mời về trụ sở công an.

Sáng hôm sau tại sân bay Thái Nguyên, khi kiểm tra dân sự chiếc vali của Arthur người ta phát hiện trong đó có đựng 7 cuốn sổ kích cỡ không đều nhau trong đó chữ Hán viết tay được ghi kín. Được mời vào Phòng an ninh tại sân bay, Arthur thừa nhận đó chính là Nhật ký Giang Thanh mà ông ta cùng Boris mua được từ một vị nữ giáo sư người Nhật Bản vào tối hôm qua.

Trước những nhân chứng vật chứng đầy đủ, Quách Cường đã cúi đầu nhận tội và khai báo chi tiết về nguồn gốc Nhật ký Giang Thanh mà y đã đưa cho Sơn Khẩu Đạo Tử, rồi từ đó được bán cho người Mỹ.--PageBreak--

Quách Cường là một kỹ sư hóa học giỏi, hiện đang là trợ lý cho kỹ sư trưởng Xí nghiệp Hóa chất. Ước muốn có thật nhiều tiền để sống một cuộc sống giàu sang, nhưng lương của một kỹ sư tất nhiên không đủ để Quách thực hiện ước muốn đó. Cũng trong thời gian này, Quách làm quen và trở nên thân thiết với Sơn Khẩu Đạo Tử, vì vậy yêu cầu có nhiều tiền càng trở nên cấp thiết, nhưng Quách vẫn chưa nghĩ ra được cách gì để kiếm được nhiều tiền càng nhanh càng tốt.

Rất tình cờ một hôm đọc trên tờ Tin tức tham khảo thấy có dòng tin nói về một kẻ  đã tạo ra cuốn nhật ký Hitler giả và đã bán được rất nhiều tiền, Quách nảy ra ý định ai đó đã tạo ra nhật ký Hitler giả và trở nên giàu có thì tại sao mình lại không tạo ra một nhật ký gì đó tương tự để cũng trở nên giàu có? Suy đi nghĩ lại, Quách thấy tốt nhất là làm giả Nhật ký Giang Thanh, vì Quách cho rằng đây là một nhân vật vừa bí hiểm, vừa nổi tiếng với những chiến tích đầy mình, lại không quá xa lạ với bàn dân thiên hạ. Nếu làm ra được cuốn nhật ký mang danh Giang Thanh thì ắt hẳn sẽ rất có giá nếu lừa bán được nó cho người nước ngoài. Thế là Quách âm thầm thực hiện kế hoạch của mình.

Đầu tiên Quách đi thu thập rất nhiều sách báo, tài liệu, cả loại tờ rơi... bao gồm cả các loại báo chữ to (kiểu các bài báo viết bằng tay trên khổ giấy lớn rồi dán lên tường - NTC) trong thời CMVH, sách báo, tài liệu nói về bè lũ bốn tên (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên) cả trước và sau khi bọn chúng bị đánh đổ. Sau đó, Quách bỏ công chỉnh lý, phân loại để tìm hiểu về Giang Thanh qua từng thời kỳ, lập ra một cách chính xác niên biểu Giang Thanh. Hơn thế nữa, cũng từ các tài liệu đó Quách đã bỏ công phân tích tâm lý, những biến chuyển về tư tưởng, những thói quen, những mối quan hệ cá nhân, cho tới cung cách diễn đạt, văn phong... của Giang Thanh. Căn cứ vào đó, Quách bắt tay vào viết Nhật ký Giang Thanh.

Quách nhận thức được rằng điều kiện đầu tiên để viết Nhật ký Giang Thanh  là chữ viết ra phải giống hệt chữ của Giang Thanh. Quách nhận định trong cuộc đời mình, nhất là trong CMVH là thời quyền lực Giang Thanh đạt tới cực điểm, thì việc Giang Thanh từng ký tên, đề từ... chắc không ít. Nếu như tìm được những thứ đó thì việc viết giả chữ của Giang là điều không khó. Nghĩ là làm, đầu tiên Quách làm giả một tờ giấy giới thiệu mang tên  Vương Cảnh Sinh là cán bộ quản lý nhà giam, được đặc cử đến các cơ quan, xí nghiệp, đoàn thể và các cá nhân... để thu lại những bút tích của Giang Thanh phục vụ cho công tác điều tra. Vốn căm ghét Giang Thanh, lại thấy giấy giới thiệu có dấu đỏ mà Quách đưa ra, nên hầu như không ai nghĩ rằng mình đã bị Quách lừa. Vì vậy trong thời gian không lâu, Quách đã có trong tay rất nhiều kiểu chữ Giang Thanh. Qua một thời gian khổ luyện theo các mẫu tự đó, Quách đã đạt tới trình độ siêu việt mà ngay cả các chuyên gia cũng không phân biệt nổi thật giả trong những chữ đó.

Là một kỹ sư hóa lọc lõi, Quách cũng biết rằng mức độ bị oxy hóa trên giấy và mực viết ra nhật ký chính là căn cứ để giới khoa học xác định niên đại của cuốn sách, và đây cũng là một trong những vấn đề hóc hiểm nhất để giả mà như thật. Lợi dụng vị trí công việc của mình ở xí nghiệp, Quách đã lén thực hiện rất nhiều thí nghiệm và cuối cùng tìm ra được một chất mà Quách gọi là chất oxy hóa. Chỉ cần phun chất oxy hóa lên nhật ký nhiều hay ít sẽ khiến cho cả giấy và chữ viết trên đó có niên đại phù hợp với niên đại được phản ánh trong nhật ký.

Sau khi hoàn thành tác phẩm của mình, Quách đã nhờ Sơn Khẩu Đạo Tử  tiêu thụ hộ, vì Quách cho rằng Sơn Khẩu Đạo Tử là người ngoại quốc nên dễ tiếp thị hơn. Thật ra ngay cả Sơn Khẩu Đạo Tử cũng không biết rằng đây là nhật ký giả. Sau khi mua được phần đầu, thông qua vô số sự giám định, Ngôi sao Washington đã quyết định bỏ ra một số tiền rất lớn để tậu bằng được toàn bộ tư liệu có một không hai này, và họ đã phái Arthur và Boris tới Thái Nguyên dưới danh nghĩa những nhà đầu tư nước ngoài để bí mật vận chuyển Nhật ký Giang Thanh về Mỹ.

Sau khi vụ việc đổ bể, Ngôi sao Washington đành ngậm bồ hòn làm ngọt và Nhật ký Giang Thanh từ đó đến nay cũng không được ai nhắc lại nữa

Nguyễn Tiến Cử (theo tài liệu nước ngoài)
.
.