Sự thật về vụ án chống lại cựu điệp viên CIA

Thứ Ba, 06/07/2010, 08:30
Cái tên Nada Prouty một thời gắn liền với bí mật quốc gia của Mỹ. Bà là đặc vụ FBI rồi sau đó là sĩ quan CIA có đặc quyền sử dụng những tài liệu tuyệt mật về những tổ chúc khủng  bố ở hải ngoại.

Do có cội nguồn ở Liban, bà nói được tiếng Arập - kỹ năng vô cùng hiếm hoi đối với một sĩ quan tình báo Mỹ. Nhưng, nguồn gốc Liban về sau đã phá hủy sự nghiệp mạo hiểm của Nada Prouty. Trong những năm sau sự kiện 11/9/2001, khi mà nhiệm vụ nhổ bật rễ bọn khủng bố tại Mỹ là ám ảnh thường xuyên của Bộ Tư pháp, Viện Công tố liên bang đã tiến hành nhiều cuộc điều tra và thậm chí buộc tội Nada Prouty ủng hộ bọn khủng bố quốc tế! Prouty có đúng là một kẻ phản bội?

Trong tháng 3/2010, lần đầu tiên Prouty đã bước khỏi bóng tối để kể câu chuyện của mình. Prouty từng tham gia điều tra vụ đánh bom tàu USS Cole, vụ tấn công người Mỹ ở Tháp đôi Khobar, Arập Xêút, và ở Pakistan, bà điều tra một tên khủng bố đã giết chết 20 người trên chuyến bay Pan Am và buộc hắn phải thú tội.

Công việc thực thi công lý cho FBI đã dẫn dắt Prouty đến với những sứ mạng vô cùng nguy hiểm ở CIA. Bà làm việc ở Iraq trong suốt quãng thời gian nổi loạn bạo lực nhất. Vũ trang bằng súng trường tấn công, Prouty hành quân cùng với các đơn vị binh sĩ đặc nhiệm của Mỹ. Bà giữ trọng trách thẩm vấn những nghi can khủng bố. Khi làm việc ở Iraq, áo chống đạn của Prouty được sửa lại vì một lý do hết sức đặc biệt: lúc ấy bà đang mang thai.

Nada Prouty chào đời trong chiến tranh, lớn lên  giữa bối cảnh xung đột ở quê hương Liban của bà. Lúc 19 tuổi,  Prouty sang Mỹ học ngành kế toán. Nhiều năm sau đó, khi đang học để lấy bằng thạc sĩ, một trong những người thầy của bà đề nghị bà xin gia nhập FBI. Prouty phải chờ mất 2 năm để FBI điều tra lý lịch của bà.

Năm 1999 FBI chứng minh được thân thế trong sạch của Prouty và kể từ đó bà trở thành một ngôi sao của cơ quan này. Và sau thêm 2 cuộc điều bổ sung về nhân thân, Prouty chính thức trở thành một trong những nhân vật có đặc quyền sử dụng thông tin tuyệt mật của quốc gia. Năm 2003, Prouty chính thức gia nhập CIA. Thời gian đã đào luyện Prouty trở thành một trong những sĩ quan tình báo dày dạn kinh nghiệm nhất ở Pakistan.

Nhưng chuyện đời thật oái oăm, trong khi Prouty đang săn lùng những tên khủng bố ở hải ngoại thì ngay tại Mỹ, một cuộc điều tra bí mật được tiến hành nhằm phá hủy sự nghiệp của bà. Năm 2004, các công tố viên liên bang ở Detroit chú tâm dò xét cộng đồng cư dân người Mỹ gốc Arập quanh Dearborn, thị trấn miền đông nam Michigan và phía tây Detroit. Sự nghi ngờ rơi vào một ông chủ nhà hàng người Mỹ gốc Liban tên là Talal Chahine. Và chuyện đã xảy ra. Chahine cưới em gái của Prouty.

Năm 2005, các đặc vụ FBI tìm đến tổng hành dinh CIA để tra hỏi Prouty một số điều. Prouty nhớ lại: "Họ đã cho tôi xem một tấm hình chụp Chahine, lúc đó là một lãnh đạo tinh thần của Hezbollah". Hezbollah là tổ chức của Liban được Iran hậu thuẫn và nằm trong danh sách những tổ chức khủng bố của Mỹ.

Theo lời của Prouty, bà không biết gì nhiều về Chahine. Bà nghĩ anh ta là người đàn ông lăng nhăng đã lừa dối em gái của bà. Nhưng do quan hệ gia đình nên Prouty bị FBI nghi ngờ. Cũng vì sự nghi ngờ này mà mối quan hệ giữa Prouty với đồng nghiệp và bên trong CIA trở nên xấu đi và không ai muốn dính líu đến bà. Các công tố viên ở Detroit còn nói bóng gió rằng, Prouty đã chuyển giao thông tin tuyệt mật ra ngoài. Nhưng Prouty đã bác bỏ tất cả và khẳng định mình tuyệt đối không làm chuyện đó.

Và thực tế thì cuộc điều tra về sự việc Prouty có chuyển  giao thông tin tuyệt mật ra ngoài hay không cũng chẳng đi đến đâu. Nhưng hai công tố viên Eric Straus, Kenneth Chadwell vẫn cố tình bươi móc và tình cờ phát hiện điều gì đó mà toàn bộ những cuộc điều tra âm thầm này đã bỏ lỡ hay không xem xét đến một sự việc đã thuộc về quá khứ: 18 năm trước đó, khi Prouty lần đầu tiên đến Mỹ, bà đã chọn con đường tắt để được nhập quốc tịch Mỹ.

Prouty dính líu đến một cuộc hôn nhân giả đáng hổ thẹn. Prouty hiểu điều đó vi phạm pháp luật.  Năm 1989, Prouty - lúc đó chỉ mới 19 tuổi, cùng với chị gái và một bạn gái của bà đã cùng nhau sắp đặt những cuộc hôn nhân giả để có được thẻ xanh và tránh bị trục xuất về Liban, nơi vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Và 18 năm sau, năm 2007, các công tố viên vây bắt họ và buộc tội họ âm mưu gian lận nước Mỹ. Cuối cùng Prouty cũng bị buộc 2 trọng tội liên quan đến cuộc hôn nhân giả. Và bà cũng bị buộc một tội nhẹ là sử dụng một máy tính của FBI mà không được phép - một tội mà cho đến bây giờ bà vẫn luôn phủ nhận. Nhưng các công tố viên không có đủ bằng chứng để đưa vụ án ra tòa nên họ chọn con đường thông tin cho giới truyền thông.

Tháng 11/2007, báo chí ở Mỹ bắt đầu tiết lộ thông tin từ các công tố viên ở Detroit, cho là Prouty là "một mối đe doạ" và bà đã "lợi dụng quyền sử dụng thông tin tình báo chống khủng bố nhạy cảm". Và về sau các công tố viên này tiếp tục đưa tin về Prouty như là một kẻ xâm nhập các cơ quan tình báo Mỹ một cách bất hợp pháp với khả năng tiềm tàng là một gián điệp! Theo họ thì dường như Prouty đã có âm mưu từ lúc 19 tuổi để len lỏi vào CIA. 

Prouty nhớ lại hoàn cảnh mình lúc đó: "Gia đình tôi đã bị phá hủy. Láng giềng không còn muốn nói chuyện với tôi. Khi ra ngoài con gái tôi cũng bị bạn bè nó xa lánh". Thậm chí một trong những tờ báo ở New York còn gọi Prouty là "Jihad Jane" (Jane thánh chiến). Trước khi Prouty bị kết án, CIA đã tiến hành cuộc điều tra riêng để tìm hiểu xem Prouty có thật sự là một gián điệp của tổ chức Hezbollah hay không. Bob Grenier, nguyên là Trưởng chi nhánh CIA ở thủ đô Islamabad của Pakistan, cho biết những gì mà CIA tìm thấy đã chứng minh được Prouty vô tội. 

Thẩm phán liên bang Avern Cohn cũng minh oan cho Prouty nhưng dưới sức ép của luật pháp, ông đành buộc phải tước quyền công dân Mỹ của Prouty. Và thay vì đưa Prouty vào tù, thẩm phán phạt bà số tiền 975 USD. Và sau đó Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã lên tiếng xin lỗi về việc đã truy tố sai Nada Prouty.

Prouty nói: "Tôi đã được CIA giải tội và cũng được thẩm phán liên bang giải tội". Lẽ ra Prouty đã bị trục xuất về Lebanon, nhưng do bà có thể bị những tên khủng bố giết hại để trả thù nên thẩm phán liên bang Avern Cohn đã ngăn trở việc thi hành lệnh trục xuất. Hiện nay Prouty sống ở Virginia cùng với người chồng mà bà đã cưới năm 2001 và 2 đứa con

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.